Núi Voi (Đức Trọng, Lâm Đồng) Nguồn: internet
1.
Buổi tối, sau khi cho con ngủ, Hoa nói với tôi, giọng ái ngại:
- Con bé gầy quá. Nó bị suy dinh dưỡng. Chắc anh phải kiêm việc làm thêm để có tiền lo cho con.
Việc gì bây giờ? Lâu nay tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện này nhưng chẳng biết phải làm gì. Có dạo, một người quen tốt bụng ở Chi Rông cho tôi mượn miếng đất ruộng để làm. Kinh nghiệm không có, làm thử một mùa, số lúa thu về còn ít hơn số lúa giống đã gieo xuống ruộng. Người ê ẩm vì không quen công việc đồng áng, mất thời gian, còn bị lỗ vốn, đành phải trả miếng đất lại cho chủ nhân của nó. Buôn bán thì không xin được giấy phép. Một số đồng nghiệp dạy cùng trường làm thêm bằng cách sửa xe đạp, sửa giày, sửa đồng hồ, bơm mực bút bi, bơm quẹt ga, làm thú y… Còn tôi, vẫn bế tắc.
Tôi nhìn đứa con ba tuổi đang ngây thơ nằm ngủ trên giuờng, rồi nhìn Hoa:
- Lần này thì anh phải tìm cho ra việc để mà làm. Thấy con như thế này anh xót quá.
Cuối tuần, tôi về Đà Lạt tìm gặp Hữu, một người bạn thân, đang là phóng viên của một tờ báo ở địa phương. Hữu cũng xơ xác như tôi, nhưng khi nghe chuyện tôi muốn có thêm việc làm, anh trầm ngâm suy nghĩ.
Bất chợt, Hữu cười thật tươi:
- Tôi nghĩ ra rồi. Hình như anh có một chiếc máy ảnh phải không?
Tôi không hiểu vì sao Hữu hỏi tôi như vậy. Sau 1975, cuộc sống quá khó khăn, tôi phải bán đi nhiều thứ, nhưng chiếc máy ảnh thì tôi vẫn còn giữ lại. Ngoài chiếc máy ảnh, tài sản của tôi còn có một máy đánh chữ, một chiếc xe đạp, và mấy chỉ vàng do bà con tặng hồi đám cưới. Chỉ có vậy thôi. Nhà cửa không có, đang ở nhờ.
Tôi nói với Hữu:
- Có. Tôi vẫn còn giữ chiếc máy ảnh.
Hữu vỗ vai tôi:
- Yên tâm. Chắc chắn có việc làm. Tôi sẽ giới thiệu anh cho ông Nguyễn Bá Mậu để học nghề chụp ảnh. Học xong, anh sẽ chụp ảnh dạo và ảnh đám cưới để kiếm thêm tiền. Tuần sau anh lên, tôi sẽ đưa anh đến gặp ông ấy.