4.
DUYÊN LÀNH GẶP GỠ Ở TUY HÒA
Thi
đậu Trung học đệ nhất cấp (cuối năm đệ tứ), anh tôi nói: “Mày học vậy là đủ
rồi, nhà không có tiền nuôi ăn học tiếp được nữa. Tìm ngành nào thu nhận bằng
THĐNC thì nộp đơn xin thi, tìm cái nghề
để
sống,
hay ở nhà phụ làm nghề hình với tao! Nếu có vào lính, cũng được lon
Trung
sĩ!”. Tôi biết, có vài ngành sử dụng bằng THĐNC
khi thi vào, như trường Cán Sự Y Tế ở Huế, Phụ tá phòng Thí nghiệm ở Saigon, Sư
phạm cấp tốc ở Nha Trang, nhưng tôi rất muốn được đi học thêm. Chị tôi và tôi
thầm nghĩ số tài sản của cha mẹ chúng tôi để lại gồm bốn căn nhà và một mẫu ruộng
loại một có thể nuôi cả hai chị em tôi ăn học ít nhất là qua hết bậc trung học
nhưng chỉ một mình tôi đi học mà anh Nguyên đã luôn than phiền “nhà rất nghèo”,
không lo cho tôi được chu đáo nhưng chúng tôi không dám nói gì hơn là im
lặng! Câu “quyền huynh thế phụ” tôi có biết nhưng với chúng tôi anh Nguyên đã không thể hiện được
chút tình yêu thương, gần gũi nào, huống hồ là sự chăm sóc, bảo bọc, hy sinh! Sự
lạnh nhạt và khe khắt của anh đã để lại trong tâm hồn non trẻ của tôi một dấu hằn
buồn tủi, không bao giờ phai mờ! Chúng tôi chỉ biết nguyện cầu…
Tôi
xin tiền chị tôi dể đi Qui Nhơn một ngày, tìm nhà dạy kèm (hay công việc lặt vặt
gì đó) để có thể có cơm ăn ngày hai bữa mà đi hoc. Suốt buổi sáng tôi thất vọng
vì nhà nào cũng đã có người dạy từ năm trước rồi, không thể nhận thêm. Buổi
trưa, đang lang thang dọc phố Gia Long tôi chợt nhớ một người quen đồng hương An Nhơn
có hiệu buôn lớn trên con đường này. Tôi ghé lại thăm và ngỏ lời xin anh giúp
hay nhờ anh giới thiệu cho những gia đình khác vì có người quen giới thiệu người
ta mới tin tưởng mà nhận. Nghe tôi tha thiết trình bày ý nguyện, anh cười: “Em ở
lại đây đi! Nhà anh năm nay có hai đứa học đệ tứ, sắp thi THĐNC, một đứa sắp
thi vào đệ thất kỹ thuật, một đứa đang học lớp ba trường Bùi thị Xuân ở Cầu Đôi
cần người chở đi về; anh biết hoàn cảnh mồ côi bất hạnh của em, nhưng em thiệt
thà học giỏi nên anh muốn giúp đỡ…”. Tôi rất xúc động, và vui mừng vì tấm lòng
tốt của anh đã dành cho tôi. Tôi đã nói lời cảm ơn anh bằng những giọt nước mắt…
Vậy
là tôi vẫn có thể đến trường, như bao bạn khác. Tôi chưa phải vĩnh viễn rời xa
trường lớp, thầy cô, bạn bè như những ngày qua đã có lúc nghĩ đến mà buồn thầm!
Gần ba tháng được nghỉ hè tôi không yên tâm học ôn bài, luôn bị dày vò, mặc cảm
dằn vặt bởi viễn ảnh không có gì hứa hẹn cho tôi.
Vào
năm học mới, tôi đã vừa đi học vừa làm tất cả việc anh giao: dạy kèm cho hai cậu
luyện thi Trung học, một cậu thi vào Đệ thất kỹ thuật, chở cô con gái nhỏ đi học,
dọn hàng mỗi sáng - tối… Tôi được sự cảm thông và thân tình của hai người con
trai nên chuyện “ăn ở” cũng tương đối vui vẻ! Tôi đã luôn thầm nhủ, phải tự “dọn
mình” cho bất kỳ gặp gỡ buồn tủi nào để việc học của mình được tiếp tục…
Tôi
qua khỏi năm đệ tam với kết quả cuối năm đạt học sinh khá. Ba đứa con người chủ
nhà cũng đều thi đậu tuy tỷ số đậu năm ấy cũng rất thấp, nhất là trường Trung học
Kỹ thuật chỉ chọn học sinh vào là 8 phần trăm. Gần ngày khai giảng năm học mới,
tôi lại xuống Qui Nhơn thăm người chủ nhà cũ đã dạy kèm năm ngoái với hy vọng sẽ
được tiếp tục “giúp đỡ” thêm ít ra cũng một năm nữa để tôi an tâm thi Tú Tài một
nhưng đã bị ông ta từ chối với lý do “dạo này họ kiểm tra người ở trọ gắt quá
vì có chương trình ấp chiến lược gì đó!”. Tôi lặng im, không biết nói gì them,
cảm thấy người bần thần, mệt nhoài như vừa phải chạy qua một đoạn đường
dài đồi dốc! Tôi nhận ra đây là lời từ chối khéo vì anh đã không còn cần tôi nữa!
Tôi biết không thể nài nỉ thêm để thay đổi quyết định mà có lẽ anh đã suy nghĩ từ trước. Lời anh đã ân cần
nói với tôi năm ngoái “anh biết hoàn cảnh mồ côi bất hạnh của em, nhưng em thiệt thà, học giỏi
nên anh muốn giúp đỡ” không thể được lập lại lần nữa rồi, anh đã
quên - khiến tôi rất ngỡ ngàng, chua xót…Tôi cảm thấy con đường đến trường của
tôi như mờ mịt, lùi xa dần!
Sau
khi ra khỏi nhà người chủ quen, tôi mệt lả người vì buồn và đói nhưng chân vẫn
bước đi lang thang không định hướng dưới cơn nắng trưa như lửa đổ. Tôi ghé vào
hiệu kem Ngọc Thành trên đường Phan Bội Châu để có chỗ ngồi nghỉ ngơi một chút
rồi sẽ đi tiếp cho hết buổi chiều. Vừa bước vào, tôi đã nghe tiếng Thanh gọi
tôi. Thanh lớn hơn tôi vài tuổi, đang học ở trường tư thục Bồ Đề, thường lui tới
chơi với mấy người bạn cùng ở trọ với tôi thuở trước. Cậu ấy đang ngồi ở góc
trong bên trái, với ly cà phê đá. Tôi mệt mỏi tiến lại, kéo ghế ngồi, và gọi một
ly kem ăn cho đỡ khát. Thanh gọi thêm bánh ngọt cho cả hai. Thanh lấy làm lạ, hỏi
tôi đang đi đâu giữa trưa. Tôi nói ý định của mình, như một lời tâm sự. Thanh vỗ
tay “đốp” một cái, cười thoải mái: “Vậy mày về ở với tao. Năm nay tao cũng học
thi lại Tú Tài Một…”. Tôi hỏi: ”Ở là sao?” - “Tao sẽ nói với bà già, cho mày ăn
ở không, hướng dẫn tao học ôn thi lại, chắc là bà già mừng lắm!”. Tôi biết
Thanh là con một của một gia đình trung lưu, ba Thanh có hiệu hớt tóc trên đường
Cường Để, hằng ngày tôi vẫn đi qua, có hôm ghé lại chơi. Cha mẹ Thanh rất cưng
chìu cậu ấy, rất mong Thanh chăm học, bớt đi chơi hoang, chắc chắn là lời nói của
Thanh sẽ được bà chấp thuận. Thanh giành trả tiền, chở tôi về nhà luôn, trên
chiếc xe đạp mới. Đúng như tôi nghĩ, mẹ Thanh rất hài lòng với quyết định của
Thanh… Năm ấy, tôi có chỗ ăn ở đàng hoàng, tươm tất, thi đậu Tú Tài một hạng
Bình, còn Thanh cũng đậu hạng thứ với điểm vớt vì bão lụt.
Năm
đệ nhất tôi không còn ở nhà Thanh nữa, vì cậu ấy đã tới tuổi động viên nên vào
Thủ Đức. Thanh giới thiệu tôi với một người quen, lớn tuổi, chỉ dạy ông ấy môn
Anh Văn, nhưng tiền thù lao không đủ chi dùng trong tháng. Tôi phải nhờ chị Thục
trong mấy tháng đầu, sau đó mới tìm thêm được hai chỗ kèm cho trẻ đang học lớp
Năm. Cuối năm tôi đã thi đâu Tú tài hai, ban C, với hạng Bình Thứ dầu tỷ lệ đậu
khi thi viết là 10 phần trăm, vào thi vấn đáp chỉ còn 8 phần trăm! Đậu tú tài
hai, có nghĩa là tôi chưa bị động viên sớm như một số bạn học cùng trang lứa,
thi hỏng, đã phải trình diện nhập ngũ vào Thủ Đức.
Tình
cờ, tôi đọc được thông báo của Bộ Giáo Dục đang tuyển chọn sinh viên du học tại
Nhật nên vội làm đơn. Tôi gởi hồ sơ bằng đường bưu điện, theo cách gởi thư thường.
Chờ đợi mãi không thấy tin, hỏi ra mới hay họ không hề nhận được hồ sơ nào của
tôi cả! Tôi có “buồn năm phút” nhưng tin rằng trong cái rủi, có cái may tốt
hơn, không hề chán nản.
Nhớ
lại chuyện cũ: Khi thi viết Tú Tài hai xong, kết quả được niêm yết ở trường, lại
có thông báo đọc ở đài phát thanh Qui Nhơn, cho biết lịch thí sinh phải vào vấn
đáp; nhưng tôi không hề biết gì (vì không có thời gian và điều kiện theo dõi).
Đến buổi chiều cuối cùng của ngày thi vấn đáp, tôi tình cờ gặp người bạn,
hỏi tôi sao không đi Qui Nhơn “thi oral” tôi mới hay là mình đã đậu phần thi viết rồi!
Không kịp cắt tóc, và thay áo quần cho tươm tất, tôi vội mượn tiền người hàng
xóm, đón xe đi Qui Nhơn với hy vọng sẽ còn kịp thời gian. Thật là may mắn, khi
tôi chạy vào, sân trường đã vắng hoe. Tìm
ra phòng thi của mình, tôi hớt hãi vào xin Thầy cho phép dự thi vì ở quê xa -
nhìn trong phòng chỉ còn lại một người…Lúc ấy, nếu người duy nhất thi xong, Thầy
bước ra khỏi phòng (hay gặp ông Thầy khó tính) thì có lẽ…cuộc đời tôi đã khác!
Cuộc đời, vẫn thường có những gặp gỡ “tình cờ ngãuu nhiên” mà có thể thay đổi cả
đời sống của một đời người…
Tôi
xin tiền chị Thục vừa đủ vào Sài Gòn mấy hôm để ghi danh học trường Luật và tìm
kiếm một việc làm cho năm học thứ nhất. Sài Gòn rộng lớn và phồn hoa là vậy
nhưng tôi không tìm được một chỗ nhỏ nào có thể chen vào. Sài Gòn với tôi vô cùng xa lạ, vô cùng buồn tẻ, và
cũng vô cùng lạc lõng. Trong lúc lòng hoang mang, lo lắng vì số tiền chị Thục
cho đã sắp cạn mà chẳng tìm ra chỗ trú chân cho mình tình cờ tôi gặp Minh
(Trần Ngọc Minh - sau này có bút danh là Đam San - Lương Châu) đang ghi
danh học ở Văn Khoa - khoa Triết Đông - là bạn đồng hương, học cùng lớp thời tiểu
học, ở cùng đường phố, từng “đánh đáo, chơi vụ, bắn bi” với nhau, đã vào sống ở
Sài Gòn với người chú từ năm đệ tứ, đang có mặt ở sân trường Văn Khoa. Nghe tôi
kể, cậu ta góp ý: “Cậu về nộp đơn thi vào Trường Quốc Gia Sư Phạm Qui Nhơn đi.
Nếu thi đậu, cậu có tiền học bổng đủ sống trong hai năm, được hoãn dịch, ra trường
được bổ nhiệm đi dạy có lương ngay. Chuyện học Luật hay Văn khoa để mình sẽ nhờ
“nhóm sinh viên phụ trách trợ giúp sinh viên ở xa” của Hội gởi cours bài hằng
tháng cho cậu học, đến ngày thi thì vào Sài Gòn thi, lo gì? Sau hai năm tập sự,
qua một kỳ thi sát hạch, cậu đương nhiên là giáo sư trung học đệ nhất cấp, nếu
có đủ cử nhân, cậu sẽ được vào ngạch giáo sư trung học đệ nhị cấp ngay thôi
mà…”. Người bạn đưa tôi về nhà người chú ở đường Bùi Viện nghỉ chơi một ngày,
trước khi về lại Qui Nhơn. Theo sự góp ý bạn, tôi nộp đơn xin thi vào Trường Sư
Phạm Qui Nhơn… Ra trường, tôi được cho về dạy ở Tuy Hòa.
Gần
12 năm dạy học ở Tuy Hòa, tôi đã có duyên gặp Đại Đức Thích Giác Lượng. Một buổi
sáng, Thầy tìm đến nhà trọ thăm tôi, cho biết, Thầy là người đồng hương với tôi
(Thầy ở thôn Bằng Châu, xã Đập Đá - An Nhơn), hằng tháng có nhiệm vụ ghé thăm
các tịnh xá của hệ phái khất sĩ ở miền trung và cao nguyên. Thầy đã đọc các tạp
chí văn học, biết tôi đang dạy học ở đây, nên đến thăm. Lần gặp đầu tiên, Thầy
mang đến tặng cho tôi bộ Kinh Hoa Nghiêm và một tập thơ của Thầy vừa ấn hành,
ký bút danh Tuệ Đàm Tử. Sau đó, cứ vài ba tháng, Thầy ghé thăm tôi một lần, cho
tôi vài cuốn Kinh mới, hay tập sách của Thầy vừa xuất bản. Và tôi đã theo Thầy
về tinh thất Ngọc Phú trên đường Nguyễn Công Trứ để thọ trai, cùng nhau trò
chuyện về Đạo, về Thơ văn, rất đầm ấm, chân tình!
Một
lần, vào mùa hè năm 1969, Thầy ghé thăm tôi ở Qui Nhơn và hỏi: “Ngày mai đoàn
quý Sư về thuyết pháp ở tịnh xá Ngọc Hòa, Cù lao xanh - đảo Nhơn Châu, huynh đi
không?”. Tôi đã thưa với Thầy, rất vui mừng được tháp tùng đoàn của quý Sư
trong chuyến hoằng pháp một tuần nầy.
Buổi
sáng hôm sau, tôi đi theo đoàn của quý Sư ra bến ca nô, bắt đầu chuyến hành
hương. Ca nô cập bến Nhơn Châu vào buổi trưa, Phật tử trên đảo đã có mặt sẵn gần
một trăm người, áo tràng chỉnh tề, đón tiếp đoàn về tịnh thất Ngọc Hòa trên triền
núi cao. Tôi lại tiếp bước đi sau cùng đoàn người áo vàng... Tối hôm đó có buổi
thuyết giảng của quý Hoà Thương, Thượng Tọa, Đại Đức ngay trong khoảng sân chật
hẹp của tịnh thất, một số Phật tử phải ngồi chung quanh trên các tảng đá cao.
Tôi cũng tìm một tảng đá, hơi cách xa - ngồi nghe giảng pháp. Chương trình khai
giảng kinh đã chọn đứng vào đêm Rằm, những ngày có trăng, quang cảnh thật mát mẻ,
yên lành. Sau buổi thuyết pháp, bà con lần lượt xuống bãi, về nhà. Thầy Giác Lượng
đã đến ngổi trên tảng đá với tôi, Thầy trò vừa uống trà, vừa trò chuyện đến
khuya… Tôi cũng đã được Thầy dành cho một chiếc cốc nhỏ để ngã lưng, có thể
nhìn ngắm trăng và đón gió biển qua khung cửa bỏ trống!
Ở
Tuy Hòa, qua hai người bạn văn đồng nghiệp thàng hậu, chân tình là anh Trần Huiền
Ân và Đỗ Chu Thăng (Nhã Nam - Ngô Thạch Ủng) đang dạy ở trường Trung học Bồ Đề
Tuy Hòa và Hiếu Xương, tôi được gần gũi thân thiết với quý Thầy Thích Thiện Đạo,
Thích Minh Tâm và một số quý Thầy trong ban giám hiệu. Thầy Thiện Đạo vẫn thường
cho chúng tôi xem vài bài thơ thấm đượm Thiền vị, tình Đạo, tình Đời rất sâu sắc
của Thầy. Thỉnh thoảng Thầy ghé cho tôi vài tập sách báo, vài quyển kinh mỏng,
để làm quen với Đạo. Tôi bắt đầu tiếp cận với Đạo Phật từ dạo ấy…
Sau
đó không lâu, Thầy Minh Tâm đổi về Phan Thiết. Trước khi đi, Thầy vui vẻ hỏi
tôi: “Thầy đi, Long muốn Thầy tặng món gì?”, Tôi cười: “Tôi thích một món,
nhưng có lẽ không được!” - “Long cứ nói đi!” - Sau một phút do dự, tôi
thưa: “Tôi muốn Thầy tặng cho tấm áo cà sa!” - Thầy cười: “Được rồi!”. Ngay hôm
sau, Thầy gói chiếc áo ca sa vàng thật kỹ, đem đến nhà trọ thăm và cho tôi. Tôi
vô cùng ngạc nhiên và biết ơn Thầy…
Cũng
tại cái thị xã bé nhỏ yên vắng thân thiết này, nhân lúc được tin anh Nguyên bị
Bộ chỉ huy 5 Tiếp vận thuyên chuyển lên Buôn Mê Thuột vì “vợ anh có dính líu đến
vụ mua bán hàng hóa với lính Mỹ”, tôi đã vào Nha Trang thăm gia đình anh và đưa
đứa cháu mười tuổi (trưởng nam, con anh Nguyên) từ NhaTrang ra Tuy Hòa trọ học;
đồng thời viết thư “minh oan, khiếu nại” gởi cho Chỉ Huy trưởng BCH 5 TV; sau
đó vài tháng, anh Nguyên đã được chuyển về lại Nha Trang với gia đình; chú cháu
cũng đã có những tháng ngày sống chung thật êm đềm!
Ở
Tuy Hòa, tôi đã có duyên lành kết thân với anh em đồng nghiệp và bạn văn, rất
chân tình: quý anh Lê Tăng Mính, Phan Tiên Hương, Đàm Khánh Hạ, Phan Long Côn.
Khánh Linh, Y Uyên, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn
Tường Văn, Bùi Đăng Khuê, Vũ Viết Điềm, Phan Việt Thủy, Trương Can, Lê Khắc
Long, Nguyễn Sông Ba, Phan Bá Chức, Triều Hạnh, Vân Trang, Phạm Ngọc Lư, Hoàng
Đình Huy Quan, Phạm Cao Hoàng và nhiều thân hữu, học sinh chí tình - ghi dấu một
thời tuổi trẻ nhiều khát vọng…
(Còn
tiếp…)
MANG VIÊN LONG
Từ trái sang: Mang Viên Long - Khánh Linh - Chị Minh Quân - Trần Huiền Ân
(Tuy hòa, năm 1973)