Tuesday, November 11, 2014

1205. MANG VIÊN LONG Hồi ký: NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (2)






2.
VÀ LỚN LÊN TRONG BẤT HẠNH



Trong chín năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), vì đời sống nguy khó, ở quê tôi không có hoạt động tín ngưỡng, mọi hình thức “thờ cúng” chỉ làm kín, sơ sài trong gia đình, nhưng cũng rất ít người dám làm việc ấy (và cũng không có đủ điều kiện để làm). Chúng tôi sống âm thầm như cỏ cây, lớn lên trong lạc lỏng và cô độc. Chiến tranh và hận thù trong bao năm của thời tuổi thơ vắng lặng, không để lại trong tôi một hình ảnh êm ái, đáng nhớ nào. Tôi bắt đầu có ý thức dần về hai tiếng “mồ côi” là sẽ như thế nào, trong đời sống khó khổ, bơ vơ của mình: không ai ngó ngàng đến những cảnh đời côi cút, ngay cả những người bà con. Tôi đã biết xúc động, có khi rươm rướm nước mắt với những câu ca dao mà chị Thục thường hát cho tôi nghe - cảm thấy người xưa đã có những giải bày thật chân xác, đáng khâm phục: “Mồ côi tội lắm bớ trời/ Đói cơm không ai đỡ. Lỡ lời không ai bênh”, hay “ Con không cha như nhà không nóc” - “Còn cha còn mẹ thì hơn/ mất cha mất mẹ như đờn đứt dây. Nhà “không nóc” có thể gọi là một ngôi nhà không? Còn cây đàn đã đứt hết dây, không còn ngân lên một âm thanh nào, có đúng nghĩa là một “cây đàn” không? Chúng tôi đã sống như vậy - căn nhà không nóc và cây đờn đứt dây từ dạo ấy…   

Khi hiệp định Genève về chiến tranh Việt Nam vừa được ký kết ở  Thụy Sĩ, tin đình chiến đã lan xa khắp mọi miền của liên khu V. Chấm dứt chiến tranh, có nghĩa là chấm dứt chết chóc vì bom đạn hận thù ngày đêm rình rập, đe dọa …; tất cả đều vui mừng khôn xiết! Tôi chỉ hiểu rằng, từ nay tôi sẽ không còn sợ máy bay, không sợ bom đạn, không còn vội vã chạy nhảy ào xuống hầm, không còn bị cấm không được đi chơi đâu xa, không còn nghe những lời buộc tội về giai cấp hằng đêm trong sân nhà được tráng xi măng rộng mát của tôi làm nơi hội họp của thôn nữa. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng khiến cho chị Thục và tôi nhìn nhau cười ấm áp 
          
Sau năm 1952, mẹ tôi mất, chị Thục vừa được 12 tuổi, nhưng đã thay bà lo cho tôi từng bữa cơm rau khoai, chằm vá từng mảnh áo quần rách,  đêm ngủ cạnh tôi để kể chuyện “đời xưa” không đầu đuôi cho tôi chìm vào giấc ngủ, rồi canh chừng tiếng máy bay (hay tiếng đạn canon bắn lên từ hướng biển Qui Nhơn) để gọi dậy, đưa tôi ra hầm -  nhất là hằng ngày khi nghe tiêng máy bay “u u u “ từ xa đã vội vã chạy réo tên tôi khi nhìn ra sân nhà không thấy bóng tôi đâu.       

Tôi đã học qua hai lớp một và hai trong lớp học bình dân ban đêm với cây đèn chai dầu dừa, cây bút chì, và xấp lá chuối còn tươi hay đã phơi khô làm vở tập viết. Tôi đã đọc được và làm thông bốn phép toán căn bản. Chị Thục học trên tôi một lớp nhưng ngồi chung phòng, nên chiều xuống, sau bữa cơm khoai mì rau lang luộc mắm cua vội vàng  là chị đưa tôi đi qua dãy phố chợ tối thui, hoang vắng, để đến lớp. Chúng tôi lầm lũi sống như hai con thỏ hoang.    

Sau năm 1954, đất nước không còn chiến tranh, nhưng đã bị chia cắt. Tôi vào học lớp ba trường làng. Chị Thục nghe lời anh Nguyên phải ở nhà lo việc nội trợ, không còn được đi đến trường nữa! Tôi nhìn thấy chị lặng yên như một cây gỗ. Cây gỗ biết cảm xúc mà không biết nói. Cũng từ ngày ấy  chị vẫn thường yên lặng trong nỗi xao xuyến, bâng khuâng, tăm tối, của riêng mình!     

Ba năm ở bậc tiểu học, tôi là học sinh khá giỏi, nhưng cũng sẽ rất khó để thi đậu vào đệ thất trường công lập Cường Đễ ở Qui Nhơn bởi toàn tỉnh chỉ có hai trường trung học công lập là Cường Đễ và Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn (phía bắc tỉnh). Bên cạnh hai trường công, cũng có vài trường trung học tư thục đệ nhất cấp (từ lớp đệ thất đến đệ tứ) được phép mở ở thị xã Qui Nhơn, rồi sau này ở huyện An Nhơn - nhưng dành cho những học sinh con nhà khá giả, chứ không phải tôi! Anh tôi đã nói: “Nếu mày thi không đậu được vào trường Cường Đễ  thì ở nhà học nghề chụp hình, phụ việc  với tao, hay theo học nghề gì đó, mà làm, kiếm sống!”. Dù anh không nói, tôi vẫn biết rõ điều nầy, bởi anh chưa hề quan tâm đến hai chị em tôi từ ngày mẹ tôi mất, dù chỉ là tấm áo quần ngày Tết, hay những lúc ốm đau cần sự săn sóc thuốc men, nói chi đến chuyện lo ăn học cho tôi ở xa nhà phải tốn tiền cơm tháng, lại không có người giúp việc! Tôi ngày đêm nhớ nghĩ đến mẹ và lời cầu nguyện “Nam mô Quán thế âm Bồ tát” đã được mẹ tôi dạy lúc xưa, mà nỗ lực tự học trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, kể cả thời gian… 

Tôi đã thi đậu vào trường trung học Cường Đễ niên khóa 1958 với điểm số khá cao. Trong thị trấn, chỉ có bốn học sinh thi đậu vào Cường Đễ, trong đó có người ban thân thiết hằng ngày cùng rủ nhau đi học, đi chơi là Đặng Tấn Tới. Không giống như các bạn hớn hở vui mừng khi nghe tin, phần tôi vui thì ít, mà nỗi lo lại gấp nhiều lần. Tuy là đã thi đậu, nhưng chưa chắc anh Nguyên đã giữ lời hứa, vui lòng cho tôi xuống Qui Nhơn trọ học như các bạn vì anh vừa cưới vợ! Vợ của anh tỏ ra rất lạnh lùng với hai chị em tôi. Ít khi chị hỏi han hay nhắc nhở chị em tôi một điều gì, ngoài chuyện giao công việc cho chị tôi phải làm hằng ngày…Chị em tôi rất thèm được nghe những lời êm dịu thương yêu của anh chị hơn thèm được ăn bánh kẹo  nhưng chẳng hề có!      

Chị tôi là người “giúp việc” cho gia đinh: nấu ăn, giặt giũ, don dẹp nhà cửa, trông cháu.       
  
Tôi là người “phụ việc” cho anh tôi với nghề chụp hình: quay máy điện (khi có khách đến chụp hình), rửa phim, làm láng ảnh, cắt ảnh, đón khách. Tôi thường xuyên bị anh “dán trứng vịt” lên đầu, dầu chỉ là một sơ suất nhỏ, hay một sự rủi ro (như làm vỡ một chiếc ly, một cái chén ăn cơm, làm rách một tấm ảnh khi làm láng, rửa phim bị “mỏng” (thiếu) một chút…); còn chị tôi thì không. Anh thường dùng nắm tay đánh vào đầu tôi và ngay sau đó chỗ bị đánh sưng vù như cái trứng vịt. Không phải một “trứng” mà ít nhất, mỗi lần bị goi tên vào, cũng nhận từ hai, ba cái trở lên. Tôi không dám khóc, dầu đau điếng ở đầu như búa bổ, mà chỉ ôm đầu chạy ra trốn sau vườn, hay chui trong xó nhà bếp với chị. Chị tôi không bị đánh, nhưng chị khóc nhiều hơn tôi. Chị lấy nước lạnh đổ lên đầu tôi, lấy bàn tay xoa nhẹ cho giảm đau, rồi lấy nước muối thấm vào chiếc khăn mặt của chị, áp vào chỗ sưng cho tan máu bầm!   
    
Một buổi tối, sau khi vào “phòng tối” (chambre-noir) rửa xong ba cuộn phim anh vừa đi chụp cho học sinh lớp nhất làm thẻ buổi chiều, tôi đang ngồi nghỉ ở bậc hiên nhà, nghe tiếng anh gọi tôi thật lớn. Với giọng gọi ấy, tôi biết anh đang rất căm tức nhưng chẳng đoán ra chuyện gì. Tôi chạy ngay vào, anh véo vặn ngay lổ tai tôi không cho nhúc nhích, quát to: “Mày ham đi đâu chơi mà ba cuộn phim bị “măng” (mỏng, thiếu) hết một cuộn vậy?”. Trong lúc tôi chưa biết trả lời thế nào thì anh đưa nắm tay “cốc” vào đầu tôi một cái, kéo tôi vào nhà trong, bắt nằm dài xuống đất… Tôi không thể nói với anh rằng, rửa ba cuộn phim một lúc, tôi rất ngộp thở vì hơi hóa chất bốc lên nồng năc từ các dĩa thuốc rửa phim, trong căn phòng nhỏ kín mít, tối om. Tôi không thể nhìn thấy rõ “độ phim”  dày hay mỏng bằng cây nhang quơ vội, khi đã quá mệt! Như bao lần qua, tôi không được nói gì, anh cũng không cần nghe tôi nói gì, chỉ im lặng nhận mọi hình phạt từ cơn tức giân một cách hung hãn của anh…      

Trong lúc anh vừa bước ra nhà sau lấy cây roi mây gác ở hiên nhà sau, tôi đã nhỏm dậy, vù chạy xuống phố. Tôi co giò chạy, không dám ngóai nhìn lại, cho đến khi chạy vào đoạn đường tối trên quốc lộ ngang qua chùa Ông, mới chạy chậm lại.    
  
Tôi bước lững thững trong bóng tối chập choạng, mải miết bước, không hề biết sẽ đi về đâu. Tôi rẽ vào con đường tối hơn, để tránh sự tìm kiếm của anh…

Tôi bước đi  không định hướng, nhưng cảm thấy mình bước vào con đường yên tĩnh, có vẻ xa lạ! Đồng thời, bên tai tôi, tiếng chuông chùa vang lên, rất gần… Tiếng chuông như có một sức cuốn hút, quyến rũ tôi - vô tình mà mãnh liệt! Tôi đi về phía tiếng chuông và trước mắt mình, cổng chùa GH cũ kỹ rêu phong hiện lên uy nghiêm, tĩnh lặng…   

Tôi nhanh chóng bước vào chùa. Sân chùa hẹp, ánh điện sáng một màu xanh dịu mát lạ lẫm! Rất may là ở chánh điện chưa có Phật tử vào hành lễ. Họ đứng ngoài sân, dọc hiên, hay phía sau nhà khách chuyện trò rôm rả! Tôi vội vàng quỳ sụp xuống lạy Phật - không biết bao nhiêu lạy, rồi bò đến bên chiếc bàn cao trước bàn thờ Phật, chui vội vào trong tấm màn che phủ, nằm co ro ở trong ấy.

Sau đó không lâu, mọi người đã vào cả trong chánh điện, chuông mỏ nổi lên, và tiếng thầy trụ trì bắt đầu khai kinh. Tôi vẫn nằm im. Gắng giữ không gây ra một tiếng động nhỏ nào. Tôi mơ màng nghe kinh. Tiếng tụng niệm đều đều, hòa với tiễng mõ, chuông êm ả, trầm lắng! Tôi lóng tai nghe  và ngủ thiếp đi lúc nào không hề hay biết…

Tôi bị gọi dậy bởi một chú tiểu lớn hơn tôi chỉ vài ba tuổi. Chui ra khỏi tấm màn che thì chánh điện đã vắng hoe. Phật tử dự lễ đã về hết rồi; tôi được chú tiểu thương hại, ân cần dẫn đến gặp Thầy trụ trì. Tại phòng của thầy -  một thoáng, tôi đã thấy anh tôi xuất hiện. Tuy tay anh không cầm theo cây roi mây, nhưng nhìn vẻ mặt lạnh lùng, nhất là đôi mắt mở to ngầu đỏ, tôi biết, tôi không thể nào chạy thoát một trận đòn từ sự tức giận đang căng đầy trong con người vốn rất nóng tính, cộc cằn, của anh nữa! Tôi đứng yên lắng nghe lời Thầy trụ trì dạy về bổn phận của người em trong gia đình, và nghe lời Thầy khuyên hãy trở về nhà, hãy gắng học cho thật giỏi, nếu sau này còn thích đến ở Chùa thì cũng không muộn!

(Còn Tiếp...)
MANG VIÊN LONG




Mang Viên Long
(Chùa Hòa Thịnh – Tuy Hòa, Phú Yên – 1993)