Saturday, November 15, 2014

1217. MANG VIÊN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (3)

                            



3.
VỀ MỘT GIẤC MƠ KHÓ QUÊN
  
            


Bốn năm theo học bậc trung học đệ nhất cấp ở trường Trung học Cường Để với tôi là bốn năm gian nan, tủi nhục. Anh Nguyên chỉ đưa tôi xuống Qui Nhơn một lần vào năm học đệ thất - năm đầu tiên, để gởi tôi ở trọ nhà chị Bốn mà anh đã quen thuở trước, khi gia đình chị tản cư từ Qui Nhơn lên thị trấn Bình Định thời gian Pháp đổ bộ đánh chiếm thị xã Qui Nhơn. Gia đình chị đã đến ở nhờ căn nhà còn trống của tôi. Vài gia đình quanh vùng Tuy Phước, cầu Trừơng Úc, chợ Huyện cũng đã tìm lên nấn ná tạm thời trong mấy ngôi nhà ấy từ vài tuần trước...
                   
Chị Bốn đã nhận bốn học sinh quê ở thị trấn Đập Đá, con nhà giàu, và vì nể tình, chị mới chịu nhận thêm tôi. Tôi nhìn thấy chị không được vui, ít hỏi han, chuyện trò với tôi. Có lẽ, chị cũng đã hiểu rõ hoàn cảnh mồ côi của tôi rồi nên chị đã cẩn thận giao hẹn với anh Nguyên hễ đến tuần thứ tư của tháng là gởi tiền cơm ngay cho chị. Tuy vậy, anh tôi chỉ thực hiện được vài tháng đầu, càng về sau, luôn luôn trễ. Có tháng, chị đã nhắc nhở tôi đến hai lần, với vẻ mặt buồn buồn: “Em nên về xin tiền cơm cho chị vào ngày cuối tuần này…”. Nói vậy là chị đã có ý vào cuối tuần này tôi không được ở lại để tiếp tục ăn cơm mà không trả tiền! Tôi không thể làm khác, không thể lầm lì ngồi vào bàn ăn nhìn các bạn khác nói cười thoải mái nên phải thu xếp lo về (dù có lúc trong túi không đủ tiền đi xe ), trong lòng vô cùng lo lắng. Đã bao lần trở về, rồi trở lại, mà có tháng trả đủ, có tháng phải còn thiếu nợ chị một ít.
                 
Khác với tôi, cha mẹ hay anh chị của mấy người bạn ở Đập Đá luôn xuống thăm vào tuần lễ cuối tháng để gởi tiền và đôi khi còn cho quà cho gia đình chị Bốn nữa. Tôi cảm thấy tủi thân vì suốt năm không có ai ghé thăm, cũng chẳng có tiền nộp đủ! Trong bữa ăn, tôi có cảm giác là mình đang “ăn chịu”, đang làm phiền gia đình chị Bốn, và rất xấu hổ vì sự thua sút bạn bè! Ngoài tiền cơm tháng gia đình họ đều gởi trước đủ, họ còn có tiền ăn sáng, tiêu vặt, đi xem xi nê, tiền xe về thăm nhà, và các khoản khác, rất đầy đủ! Riêng tôi thì chẳng có thêm khoản tiền nào - kể cả tiền ăn sáng! Có những ngày thứ bảy bốn người bạn đang cùng ở trọ với tôi đều hớn hở thu xếp  về quê thăm gia đình, chỉ một mình tôi còn lại. Chị Bốn nhìn tôi, thương hại: “Sao em không về thăm nhà?”. Tôi không thể nói dối rằng tôi “không nhớ nhà”, mà cũng không thể nói thật “tôi không có nhà yên ấm để về” nên tôi chỉ khóc! Từ ngày nhìn thấy tôi khóc, chị Bốn không hỏi thêm gì vào mỗi buổi chiều thứ bảy chỉ còn lại một mình tôi ngồi ở hiên nhà nữa! 
                 
Tôi và một người bạn học chung khối lớp, quê ở Đập Đá tên Trần Hữu Thiết (ban Pháp văn), ngủ chung một giường, nhưng, tôi không hề có gối, mền như bạn. Những tháng mùa Đông, tôi không sao ngủ yên được vì lạnh. Nửa đêm, tôi kéo nhẹ phần mền của người bạn, đắp chỉ vừa đôi chân. Có lẽ Thiết không biết? Tiền ăn cơm tháng còn thiếu, lấy đâu có mền, áo mưa, áo ấm để măc?. Tôi sợ nhất là những tháng ngày vào đông. Có những buổi sáng mưa dầm, chờ hoài cơn mưa không tạnh, Thiết thường kêu tôi cùng đi chung tấm áo mưa của cậu ấy vì nhà không cách xa trường bao nhiêu. Có hôm tôi và Thiết không có cùng giờ học, tôi phải dấu vở vào bụng, mà chạy…Tôi đã sống lây lất, nhờ vào nổi cảm thông và chia sẻ nhỏ nhoi của bằng hữu!
                 
Tôi đã sống trong sự nhẫn nhục như vậy ở nhà chị Bốn trong hai năm (đệ thất và đệ lục), qua năm đệ ngũ  chị Bốn từ chối không nhận tôi ở nữa. Tôi phải tự đi (hay nhờ bạn) kiếm nhà trọ mới cho hai năm học tiếp theo ở bậc đệ nhất cấp. Hai năm sau này, chị Thục đã có chồng - một người chồng hiền từ nhân hậu, nhưng cũng mồ côi cả cha mẹ như chị, đang nuôi hai đứa em trai nhỏ hơn tôi vài tuổi. Dầu rất thương tôi, chị cũng không thể giúp được gì cho tôi ngoài những đồng bạc lẻ đủ trả cho hai chuyến xe về thăm nhà và những giọt nước mắt!
                 
Ngày Tết đối với tôi thuở ấy quả thật là một khoảng thời gian rất khổ tâm. Hình như tôi chưa bao giờ náo nức chờ đợi nó một lần nào. Nó đến thì tôi phải lo. Chỉ có vậy. Nỗi vui mừng thì ít, so với nỗi buồn lo đã dày vò, kéo dài trong tôi cả tháng thì quá nhiều. Hình như, nỗi vui Tết của tôi là đã che giấu được cái mặc cảm cô độc, thiếu thốn, hơn là được hạnh phúc. Nó gần đồng nghĩa với sự chịu đựng, bất hạnh.
                 
Cả tôi và chị tôi đều không dám nghĩ tới Tết, nói tới Tết. Không ai trong chúng tôi muốn nhắc tới chữ “Tết” bởi vì chúng tôi đã biết được rằng, nếu có nghĩ tới, chúng tôi cũng chỉ nhận lấy sự đau khổ thêm mà thôi. Không được bàn bạc, nói chuyện về những ngày Tết, quả là một sự thiếu thốn lớn lao, một bất hạnh đối với tôi lúc bây giờ. Ít ra, trẻ nhỏ cũng được biết rằng chúng sẽ được có gì, ăn mặc như thế nào, đi chơi những đâu trong mấy ngày đầu năm ấy chứ! Chúng tôi không có cái không khí rộn ràng như thế, mà phải sống im lặng và chờ đợi. Thậm chí, có nhiều năm, chúng tôi không còn có sự chờ đợi âm thầm đó nữa.
                 
Sau cùng, anh chị tôi (chị dâu), đồng ý cho ai thứ gì thì nhận thứ ấy. Khi thì chị tôi được đôi dép, tôi được chiếc áo carô may sẵn chật bó; khi thì tôi được đôi sandale cửa hàng, chị tôi được chiếc quần đen… Mấy năm sau, thông thường thì chúng tôi được cho một ít tiền, ai muốn sắm gì thì tự ý lo lấy. Tết nào cũng vậy, khoản tiền nhận rất muộn, chỉ đủ vừa may vội một chiếc áo vải rẻ tiền, hay có thể ra phố mua một đôi giày. (Tôi có thói quen không đội mũ từ thuở ấy, vì giữa giày và mũ, thì đội mũ thật không cần thiết chút nào!)
                 
Có một năm, tôi còn nhớ mãi tới bây giờ, tôi được anh tôi gởi cho một ít tiền trước khi nhà trường cho về nghỉ Tết mấy hôm. Tôi suy nghĩ mãi nên sắm thứ gì cho ngày Tết với số tiền quá ít ỏi thế này? Nếu mua một đôi giày để thế vào đôi giày da đã há mõm thì phải mặc áo quần cũ - mà hầu hết không có cái nào “coi được” để mặc vào ngày Tết cả. Cái thỉ sờn rách ở cổ. cái dính mực ngay ở ngực (…) May một cái quần thì không đủ tiền! Tôi đi lan man dọc phố, không dám bước chân vào một cửa hiệu nào với số tiền quá khiêm nhường nắm gọn trong tay.
               
Cuối cùng tôi làm dạn vào một cửa hiệu bán vải của người Chà Và gần cuối đường Gia Long. Ông chủ đon đả mời mọc tôi, cho tôi xem nhiều loại vải - nói tóm lại, ông không biết tôi là ai, đang có bao nhiêu tiền. Tôi hỏi giá từng mặt hàng, và đã mua xấp vải nỉ in rằn dọc màu xanh một mặt, còn mặt kia màu trắng. Xấp vải nỉ nội hóa này vừa đúng với số tiền tôi có trong tay, cũng vừa đủ may một chiếc áo sơ mi tay dài. Sau đó, tôi phải vất vả lắm mới được người thợ may trong xóm nhận may giúp chiếc áo cho kịp ngày trở về quê ăn Tết của tôi vì sự thương hại hơn vì tiền!…
                 
Vậy là Tết năm ấy tôi mặc chiếc áo nỉ dày cộm, đi thăm bà con, bạn bè, dù phải xắn tay tới tận khuỷu vì trời nóng quá …
               
Cho mãi tới những năm tháng sau này, lớn dần lên, tôi mới hiểu ra rằng loại vải nỉ tôi may áo sơ mi Tết năm ấy, người ta chỉ dùng để may áo ấm cho trẻ con hay màn che cửa sổ. Tôi chua xót nhận ra ý nghĩa của những tia nhìn lạ lùng, có khi như chế giễu, của những người bà con, của đám bạn bè thuở ấy, khi họ gặp tôi - cười…
               
Có một năm, tôi đã sửa chiếc áo dài của mẹ tôi để lại đã bao năm  mà không có ai chịu mặc thành chiếc áo sơ mi ngắn tay mặc Tết. Tết năm ấy - tôi không có áo quần mới (chỉ với hai bộ áo quần đồng phục cũ để đi học thôi)  nên chợt nhớ đến chiếc áo dài màu xanh đen bằng nhung của mẹ tôi đã bị xếp lại trong ngăn tủ ẩm mốc từ sau ngày bà mất. Tôi đã đôi lần được nhìn ngắm chiếc áo dài của mẹ mà nghĩ đến tuổi thanh xuân của bà. Mẹ tôi mất khi tuổi đời chưa được 40 và chiếc áo dài là kỷ niệm không quên của cuộc đời con gái.  Tôi đã mân mê, ve vuốt nó  nhiều lần, với lòng thương nhớ ngậm ngùi! Tôi nài nỉ hỏi xin anh tôi. Anh đã cho tôi mà không chút phân vân bởi anh (và chị dâu tôi) sẽ chẳng biết làm gì với chiếc áo cổ lổ sỉ ấy cả…
               
Tuy đã vào những ngày cuối tháng Chạp, công việc bề bộn - nhưng vì thương tôi (hay ngạc nhiên đến tội nghiệp?) mà người thợ may hiền lành trong khu phố đã nhận sửa lại chiếc áo dài của mẹ tôi thành chiếc áo sơ mi ngắn tay cho tôi măc Tết…
               
Tết năm ấy, dù thời tiết không lạnh  tôi đã “diện” áo mới màu xanh đen bằng thứ vài dày cộm với chiếc quần trắng đồng phục sáng thứ hai. Tôi cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện được mặc chiếc áo mới ấy - cứ nghĩ nó là món quà mà mẹ tôi đã gởi lại cho tôi vậy! Tôi sung sướng đến nỗi khi cầm chiếc áo trên tay về nhà mặc thử lần đầu  tôi cứ ôm hôn nó thật nồng nàn  như đã hôn mẹ tôi thuở nào!
                 
Mấy cái Tết năm sau (hay có dịp quan trọng) tôi vẫn còn mặc chiếc áo cho đến khi nó quá chật không còn mặc thêm được nữa! Tôi đã giặt ủi chiếc áo, và cất giữ nó trong chiếc rương nhỏ chứa áo quần và mọi thứ “của riêng” của đời mình!
                   
Một ngày mùa hè năm tôi học đệ thất, tôi nằm mê man trong căn buồng chứa đồ cũ u tối và hôi hám gần hai ngày không ăn cơm, chẳng có cháo hay sữa gì được đem vào. Tôi luôn bị những cơn sốt cao hành hạ, nhất là về chiều. Tôi cứ nằm yên lặng, không kêu, không khóc. Một buổi xế trưa, tôi đoán vậy, trong cơn mê man li bì cùng cơn sốt, tôi nằm mơ thấy dáng một người đàn bà bước vào buồng tối thăm tôi. Trong tiềm thức, tôi nghĩ là mẹ tôi đã về kề cận bên tôi để săn sóc, như thưở nhỏ tôi đã từng bị đau, được bà nuông chìu. Nhưng, người đàn bà lại có dáng cao dong dỏng, đầu che tấm khăn mỏng mầu xanh nhạt, toàn thân choàng tấm áo rộng màu trắng thánh thiện. Bà bước lại gần tôi, không nói năng gì, chỉ đưa cho tôi trái cam tươi thật to. Trong cơn đói khát và sốt, tôi vui mừng vội cầm lấy, bóc ra ăn ngon lành. Vừa ăn xong trái cam, tôi cảm thấy trong người tỉnh táo, rất khỏe, tươi vui không thể tả được, định nói lời cám ơn người đàn bà, thì bà đã biến đâu mất. Tôi mở mắt ra, trong ánh sáng lờ mờ, tôi nhận ra người y tá tôi quen mặt trong thị trấn bước vào buồng, kêu chị tôi đem chiếc đèn dầu vào để ông chích cho tôi mũi thuốc. (Sau này tôi mới biết là thuốc Quinine max, chuyên trị sốt rét). Sau khi được chích mũi thuốc, tôi cảm thấy người thay đổi, khỏe dần; sáng hôm sau, tôi có thể ngồi dậy ăn chén cơm, bước ra khỏi buồng tối tìm nước uống, và kể lại giấc mơ cho chị Thục nghe. Chị cười hiền: “Má về rồi chứ còn ai…”. Lát sau, chị trầm ngâm nói khẽ, như nói cho chính mình: “Hay là Bồ Tát Quán Thế Âm? Hai bữa nay chị đã không ngớt  thầm nguyện cầu cho em...”
                         
(Còn tiếp...)