Saturday, January 9, 2016

2038. Trang đặc việt VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG (Phần 1)



T r a n g  đ ặ c  b i ệ t
VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG
P h ầ n  1



Ý NHI •  NGUYỄN XUÂN THIỆP
LUÂN HOÁNHOÀNG XUÂN SƠN
LỮ QUỲNH  •  NGUYỄN TRỌNG KHÔI
NGUYỄN LƯƠNG VỴ •  ĐẶNG KIM CÔN
MANG VIÊN LONG NGUYỄN ÂU HỒNG
CÁI TRỌNG TY ĐỖ XUÂN TÊ
NGUYỄN QUANG CHƠN • KHUẤT ĐẨU
NGUYỄN QUANG • SONG THAO • DUYÊN
NGUYÊN MINH • ĐỖ HỒNG NGỌC


Chân dung Đinh Cường
Photo by Phạm Cao Hoàng – Virginia, 27.7.2014




TIỂU SỬ ĐINH CƯỜNG

Tên thật là Đinh Văn Cường, sinh ngày 5 tháng 7 năm 1939 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, xứ sở của đồ gốm và sơn mài, với trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một do người Pháp thành lập từ 1901 [Thủ Dầu Một cũng là nơi hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đã bị người Pháp giam an trí tại đây sau khi ra khỏi trại tù Sơn La]

1951-1957 học sinh Trung học Pétrus Ký Sài Gòn.
1963 tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế
1964 tốt nghiệp Sư Phạm Hội Hoạ Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn
1962 Huy Chương Bạc với bức Thần Thoại, Triển Lãm Hội Hoạ Mùa Xuân Sài Gòn
1962 Giải Thưởng với bức Nhà Thờ, Đệ Nhất Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn của Toà Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc
1963 Huy Chương Bạc lần thứ hai với bức Chứng Tích, Triển Lãm Hội Hoạ Mùa Xuân Sài Gòn
1969-1971 Uỷ viên Kiểm soát Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam
1963-1967 Giáo Sư Hội Hoạ trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế
1967-1975 Giáo Sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế.

Đinh Cường đã sống ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn với một thời tuổi trẻ đi và sống lang thang khắp miền đất nước cho đến khi sang định cư ở Mỹ từ 1989, hiện sống ở thị trấn Burke, bang Virginia.

Đinh Cường đã có hơn 20 cuộc triển lãm tại Việt Nam [qua nhiều thành phố Đà Lạt, Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Pleiku] và ngoài nước như Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Brésil, Tunisie, Ấn Độ, Singapore.

Theo một brochure Triển Lãm Đinh Cường, tính cho đến 2005 Đinh Cường đã có 24 lần triển lãm tranh riêng và 21 lần cùng với các hoạ sĩ khác.

Sách đã xuất bản:

Cào lá ngoài sân đêm, thơ, Thư Ấn Quán Hoa Kỳ 2014
Tôi về đứng ngẩn ngơ, thơ, Quán Văn Sài Gòn 2014

Đi Vào Cõi Tạo Hình I, tiểu luận hội hoạ, Văn Mới California 2015.




TIỄN BIỆT
Ý  N h i

- Ý Nhi
phác thảo mực đen
dinhcuong


Chưa kịp đọc hết cuốn sách anh gửi tặng
Chưa kịp hiểu hết bức tranh anh vẽ
Chưa kịp nói lời cám ơn
Sao anh lại ra đi

Còn chờ một lần gặp
Ngồi cùng Nguyễn Quốc Thái
Trần Lê Sơn Ý
Nguyễn Thanh Văn, Suối Hoa…
ở 27 Nguyễn Thị Diệu hay cà phê Bean
nơi góc đường Nguyễn Du
nhìn người ta qua lại giăng mắc phố phường
mà chúng ta thì lặng im
nghe ra những lời không nói
Sao anh lại ra đi

Còn chờ cuộc triển lãm vào tháng 3
Tại bảo tàng Chăm Đà Nẵng
Nơi sắc màu Đinh Cường
Lưu dấu trên màu xám trầm ngâm tự ngàn xưa
Sao anh lại ra đi

Sao anh lại ra đi
Sao Phùng Nguyễn lại ra đi
Sao Trang Thế Hy lại ra đi
Sao chúng ta luôn mất đi những người tốt nhất.


Ý Nhi                                   
Sài Gòn trưa 9/1/2016
                                              

- Lê Khắc Cầm - Đinh Cường - Ý Nhi -  Bùi Suối Hoa 
Nguyễn Quốc Thái ( đứng ) - cà phê 27 Nguyễn Thị Diệu - Sài Gòn




OM MA NI BÁT MÊ HỒNG
Nguyễn Xuân Thiệp

Nguyễn Xuân Thiệp
Sơn dầu - dinhcuong


thời gian
cánh chim
màu đá. xanh
bay qua. trời. mạn đà la
nhớ không. đinh cường
bạn thường niệm. om mani padme hum
cho mình. cho bạn bè
ôi. viên ngọc. giữa lòng hoa sen
bây giờ. bạn đã ngủ yên
trong hương sen
của hồ tịnh cầm
của cuộc đời này
trên những bức tranh. những bài thơ
trong cõi tịnh thiền
xin hãy ngủ yên. màu xanh của đá
đinh cường ơi
tôi khóc. chiều nay.


Nguyễn Xuân Thiệp
Garland, Jan 8. 2016

Đinh Cường – Nguyễn Xuân Thiệp
Ảnh PCH – Virginia 2013




BUỒN VUI CÙNG VỚI VUI BUỒN
L u â n H o á n

Chân dung Luân Hoán - dinhcuong



bạn tôi vừa mất hôm qua
ngày mai sinh nhật tôi già bảy lăm
hôm nay định đóng cửa nằm
giữ an bổn mạng thêm năm tuổi đời

ra ngoài nhỡ đụng con ruồi
chiếc xe chi đó, chết người, bớt vui
lòng đang thổn thức ngậm ngùi
không nhìn được mặt, nụ cười bạn xưa

vậy mà cũng giỡn, chịu thua
ơi tôi đang khóc đang đùa cùng nhau
giận mình quên lững đi đưa
Hồ Đình Nghiêm sang tiễn ông vua sắc màu (1)

anh Dương Nghiễm Mậu qua không?
bạn cột chèo bạn ngồi đồng văn thơ
tuy rằng tôi đang dật dờ
ai ghé nhìn bạn tôi nhờ ngắm luôn

khuôn mặt hiền đã biết buồn
dù thiêm thiếp chúc tôi trường thọ dai
ngày hôm kia và ngày mai
làm sao tôi chẳng nhớ hoài tử sinh

Luân Hoán
7.17 AM - 09.10.2016

(1) HĐN em chị Nhung, vợ Đinh Cường






(chưa chọn được đề bài này)


bạn chết, vội làm thơ
đúng là một xúc phạm
nhưng làm chi bây giờ
người tôi chao đảo quá
chẳng biết đang thế nào


Đinh Cường ơi Đinh Cường !
người bạn thật dễ thương
dễ thương
dễ thương quá
tự nhiên tôi quá buồn
so vai như lá héo

bạn đi như thế nào
hẳn đau nhức nhiều lắm
qua ảnh thấy xanh xao
bạn bên này định ghé
vậy là chưa kịp chào
ngỡ như tin thất thiệt

đang sửa bản layout
định gọi xin mẫu mới
bìa sách bạn từng làm
lần này tôi hết đợi
hết réo qua viễn thông
hết nghe bạn hứa chắc

tôi hụt hơi bất ngờ
hối hả gọi Song Thao
Hồ Đình Nghiêm, Lưu Nguyễn
chia bớt nỗi nghẹn ngào
chợt đến như không thật
chợt buồn như giả vờ

Đinh Cường ơi Đinh Cường
người bạn ít lộ buồn
khuôn mặt luôn bình thản
lạc quan giàu yêu thương
đi đứng thật mực thước
luôn xem bạn như vàng

nói nhiều mà làm chi
bạn đi, ừ đã đi
tôi thật chưa dám gọi
thăm chị, cháu, nói gì
lẩn thẩn bật diêm đốt
nhìn khói hương bay đi

gõ mấy chữ trấn an
lòng dạ đâu thơ thẩn
tôi vuốt mặt tôi hai lần
như đang vuốt mặt bạn
ô hô đi thanh nhàn
hỡi ông anh, bạn vàng !

Luân Hoán
10.44 AM- 08.01-2016


Nguyễn Đông Ngạc - Đinh Cường - Luân Hoán
Montreal  (Canada) - 1992




TIỄN BIỆT ANH ĐINH CƯỜNG
Hoàng Xuân Sơn

Chân dung Hoàng Xuân Sơn
dinhcuong

                         

bàng hoàng xúc động hay tin


Thôi

Tới kệ sách thứ 5 thì mắt
chiều đã mỏi sương khuya đã trắng
chìm hồm bướm đã mê vào đêm
tuyết lú.  Thế rồi đã trễ cái
hẹn sang thăm anh cùng Song Thao
Hồ Đình Nghiêm cái lạnh khắc nghiệt
mùa đông bắc mỹ đã làm nhụt
khí thế đường xa mắt mờ của
kẻ muôn đời nhỡ hẹn đời là
những cuộc hẹn lần lữa không cùng
cho tới khi không còn hẹn được
nữa thì luyến tiếc ngẩn ngơ ân
hận đời đời xiêu hình đổ bóng

Thôi bây giờ không còn ai viết
những đoạn ghi những tự tình ân
cần bè bạn những chương thời sự
gặp gỡ trùng phùng của đến và
đi của mất và còn của thương
và nhớ thế rồi đã mất anh
thật như bức tranh tự xóa nhòa
giữa ngày đông tháng giá nghe vẫn
còn đó “nụ cười phúc hậu giữa
thu vàng” Elena Pucillo Trương Văn Dân
vô vàn trân quý với tấm lòng
của xiết bao bạn bè còn lại

Thôi anh nhẹ nhàng ra đi nối
bước cuộc lữ cùng bằng hữu thân
thương đã rong chơi cõi ngoài đã
mở đường chương dã ngoại về nơi
hội tụ muôn đời của thăng ca
bất tận sẽ không bao giờ hết
không bao giờ chết biết ghi gì
thôi đã hết rồi những đoạn ghi


Hoàng Xuân Sơn


Phạm Cao Hoàng - Nguyễn Tường Giang - Hoàng Xuân Sơn - Đinh Cường
Ảnh TK - Virginia, August 3, 2014







HAI BÀI THƠ CHO ĐINH CƯỜNG
L ữ  Q u ỳ n h


Phác thảo chân dung Lữ Quỳnh
dinhcuong



đọc bài thơ xách nải chuối
đi bộ về nhớ lại của Đinh Cường


 tặng anh Đinh Cường

làm nhớ lại một ngày của ba mươi năm trước
cũng tay xách nải chuối anh đến thăm tôi
nhưng không đi vào nhà được
vì con nước rong tràn bờ ngập hết đường sá
anh đứng nhìn nước bên cạnh con trai mười tuổi
rồi lẩn thẩn quay về

nhà tôi ở đi qua chiếc cầu gỗ
thêm một con hẻm dài
quanh nhà là ao hồ và đầm rau muống
một chiều mồng hai tết các anh đến thăm
đường còn trơn sau khi nước rút
La Quang Thanh bị trượt xuống hồ
anh em kéo lên cười nói
đầu năm té nước là hên lắm
Trịnh Công Sơn cười mình gầy nên an toàn

anh Cường còn nhớ không?

thoắt một cái đã ba mươi năm qua
bây giờ ngồi nhớ lại
cái thời nghèo khó mà ấm áp nghĩa tình
còn quá trẻ để không hề nghĩ đến chia tay

nhưng rồi thật buồn
những cuộc chia tay vẫn đến

nhưng rồi thật buồn
như hình ảnh người họa sĩ già
mỗi chiều nghe tiếng còi tàu hụ
ngồi một mình cà phê Starbucks
rồi ghé chợ xách nải chuối đi bộ về.

San Jose, May 4-2013


Chép một tờ kinh


tặng anh Đinh Cường

mở trang kinh. chỉ thấy mây
thiền tâm thanh tịnh niệm ngay di đà
tranh hoàng hôn. cảnh tuyết sa
giọt vàng giọt đỏ. nhạt nhòa giọt tôi
mở tờ kinh. chẳng có lời
quang minh thanh tịnh chiếu soi cõi người
giấc yên. trời lặng. xanh trôi
chép mừng tranh mới. sáng ngời chân như

January 9, 2015

Lữ Quỳnh



Ông bà Võ Phiến - Đinh Cường - Lữ Quỳnh
Santa Ana (California), 2004





GIẤC MỘNG TRÊN ĐỒI THƠM
Nguyễn Trọng Khôi

Chân dung Nguyễn Trọng Khôi
dinhcuong


Bấm vào bản nhạc dưới đây để nghe ca khúc
GIẤC MỘNG TRÊN ĐỒI THƠM

 
(Ca khúc này NTK viết để tặng anh Đinh Cường)


Phác thảo chân dung Đinh Cường
Nguyễn Trọng Khôi


Chân dung Đinh Cường
Nguyễn Trọng Khôi

Nguyễn Trọng Khôi – Đinh Cường
Photo by PCH – Virginia 2013





TIỄN BIỆT
HỌA SỸ ĐINH CƯỜNG
Nguyễn Lương Vỵ

RỪNG CÂM
Sơn dầu dinhcuong


Rừng Câm đã đón ông về
Đông tro mây xám đất tê trời mù
Bức tranh chớp mắt thiên thu
Sắc màu ngất tiếng chim gù thinh không
Hắt hơi mộng ảo còn nồng
Còn rơi rớt rụng còn trông ngóng và...

Nhìn Lên Kệ Sách thiết tha
Câu thơ như tiếng mưa sa nghẹn lời
Thời gian vang một tiếng Ơi!
Chữ ghìm tiếng nấc, tiếng đời sông bay
Hắt hơi mộng ảo còn đầy
Mộng đêm còn biếc, mộng ngày còn xanh...

Rừng Câm chấm đỏ long lanh
Độc cô giọt máu tượng thanh kiếp người
Bức tranh ngược bóng không lời
Xám nâu phơ phất, đen ngời điêu linh
Hình như xương cốt trở mình
Tiếng Gào thảng thốt tận tình chiêm bao...

Nhìn Lên Kệ Sách dâng trào
Bạn xa chiều vắng câu chào bặt tăm
Không gian trắng áo phong cầm
Trắng âm phong nguyệt, phong trần xuôi tay
Câu thơ tiễn biệt chốn nầy
Chốn xa hẹn gặp, bè mây xin chờ...


Nguyễn Lương Vỵ 
Calif., Jan.08.2016

Ghi chú:
- Họa sỹ Đinh Cường từ trần tại nhà riêng, tiểu bang Virginia, miền Đông Hoa Kỳ, lúc 9PM ngày 07.01.2016, hưởng tho 75 tuổi. (Tiểu sử của họa sỹ Đinh Cường đã có đầy đủ trên trang mạng Wikipedia.com).
- Rừng Câm,  Đinh Cường, tranh sơn dầu 40 x 40 inches, tháng 2.2003.
- Nhìn Lên Kệ Sách, 5 bài thơ cùng tựa đề của Đinh Cường, viết trước khi mất 2 tuần. Trong bài thơ "Nhìn Lên Kệ Sách 5", có hai câu thơ cuối: "mùa xuân với trận mưa rào / cho tôi xin. một tiếng gào. Picasso. ("Tiếng Gào - Guernica , tranh Picasso vẽ 1937").
Cho ngày anh ĐINH CƯỜNG mất




 LỆ ĐÁ XANH
Đặng Kim Côn

ĐÁ TỊCH LẶNG
Sơn dầu Đinh Cường



Chỉ là anh đã đến nhanh hơn
Trên con đường không ai muốn vội
Nghe giá cọ còn xôn xao chưa mỏi
Sắc màu anh đã ngập nắng thiên đường

Không bất ngờ mà bỗng rưng rưng
Dẫu vẫn đợi chờ một điều phải đến
Đóm lửa cạn ứa trên đầu ngọn nến
Giọt nến ứa theo sợi khói tan dần

Đời thôi chờ nơi đôi tay tài hoa
Cho những bức tranh hiền như hoa đào nở
Tôi cũng thôi hẹn anh về Virginia
Đọc hồn anh qua những vần thơ dang dở

Những bức tranh anh cho tôi làm bìa sách
Thảng thốt nhìn tôi nuốt lệ xuống lòng
“Lệ đá xanh” mùa bay theo tuyết*
Anh bước nhẹ qua cơn đau mùa đông

Đi trước nhé, một nơi rồi lại gặp
Nơi có Virginia, nơi có San Jose
Bầy hạc bay vờn quanh mây ngũ sắc
Bè bạn trăm năm đến hẹn sẽ về.

Tự an ủi mình, thôi đừng buồn, cõi tạm!
Cũng nên để anh về nơi nghỉ ngơi
Bảy mươi sáu, coi như đủ mỏi
Cám ơn Trời đưa anh đến cho đời.


ĐẶNG KIM CÔN
(Naples, Florida  - January 9, 2016)

*Lệ đá xanh  tên một bức tranh họa sĩ Đinh Cường tặng Đặng Kim Côn

Đặng Kim Côn - Đinh Cường


ĐÊM NM NH LI...
Mang Viên Long 



Phác thảo chân dung Mang Viên Long
dinhcuong  2014


Từ ngày dời về ở nơi Xóm Kẹo vắng vẻ nầy, tôi có thói quen ngủ sớm vào khoảng hơn 9 giờ tối. Xóm Kẹo quanh quẩn chỉ mười hai nóc nhà, bảy giờ nhà nào ở nhà nấy, tám giờ cửa đã đóng dần, đến chín giờ thì xóm vắng hoe. Tôi gắng thức để đọc cái gì đó, khoảng ba mươi phút, hay nhiều là gần một giờ, rồi buồn quá – cũng lên giường…   
        
Tối nay (8.1.2016) – sau khi đã ngủ được một giấc, vào lúc 10 giờ 30, Nguyễn Sông Ba từ Saigon gọi, báo tin ngắn ngủi: “Anh Đinh Cường đã mất trước đây khoàng 30 phút!”.         
Tôi nằm im. Không nói gì.
          
Tin anh Đinh Cường mất không làm tôi bất ngờ, bởi tôi biết bệnh trạng của anh. Thời gian gần đây, theo dõi hình ảnh sinh hoạt và những “trang thơ nhật ký”  của anh trên Blog Phạm Cao Hoàngtôi tin anh vẫn còn kéo dài cuộc chơi với bằng hữu, với mầu sắc, và thơ thêm một thời gian nữa…Một con người nhân hậu và tài hoa như anh, không thể “vắn số” được!
           
Nhưng, mới hôm nay, chưa sang tháng Chạp, anh Đinh Cường đã vội ra đi rồi – tôi không khỏi boàng hoàng, thương tiếc!
          
Tôi nằm yên, không chợp mắt lại được.
          
Tôi nằm im với những nhớ tưởng quay về mỗi lúc một rõ, khô khốc, quặn thắt vì sự vĩnh biệt của môt tài năng không chỉ ở lãnh vực hội họa, thơ ca, mà còn vì một “con người của mọi người”, thủy chung với bằng hữu, tận tụy với nghệ thuật, với cái đẹp…
           
            
Tôi nhớ lại... Sáng sớm ngày 28 tháng 5 năm 2014, như thường lệ, tôi vào thăm hộp thư email xem có ai nhắn gởi hay thăm hỏi gì không. Thật bất ngờ, tôi nhận được “hai món quà” vô giá của họa sĩ Đinh Cường từ bên kia Đại Tây Dương gởi về.
            
Quả thật hai món quà anh gởi cho rất “độc”, và nhất là không hề“đụng hàng”. Tôi cũng đã từng nhận được “quà” của bạn văn, của thân hữu nhưng hai món quà này đã khiến tôi vô cùng xúc động; thầm nghĩ, tôi sẽ giữ mãi chúng bên những kỷ niệm không bao giờ quên của đời tôi…
           
 Đó là hai bức phác họa chân dung tôi mà anh đã cảm nhận qua văn và cuộc đời tôi để hình thành nên hai phác thảo ấy. Trước 1975,  tôi chỉ được xem tranh và đọc thơ anh. Sau này, được xem tranh và được đọc thơ anh nhiều hơn, dường như mỗi ngày trên internet. Chúng tôi chỉ quen biết nhau qua tác phẩm, qua cái tình văn nghệ nhưng anh đã dành cho tôi sự ưu ái chân tình thể hiện qua hai bức phác họa chân dung tôi thật chân xác từ trái tim nghệ sĩ rộng mở và hồn nhiên của anh…
             
Hai phác thảo trông “ít giống tôi” mà “rất đỗi giống tôi”. Đây là nét đặc biệt trong phác họa chân dung mà chỉ riêng họa sĩ Đinh Cường mới có. Tôi vội đem hai bức phác họa đến dịch vụ nhờ sang lớn (cho vào khung) treo ở đầu tủ sách trong phòng. Mấy người bạn văn đến thăm chơi, nhận xét: “trông qua thì ít giống, mà nhìn kỹ thì quá giống”. Riêng tôi, càng nhìn, càng thấy rất “giống mình”. Cái “giống” không nằm ở “bề ngoài” (có thể dễ dàng nhìn bằng mắt), mà ẩn khuất “bên trong” (phải được nhìn bằng cửa sổ của tâm hồn). Cuộc đời, tác phẩm, con người tôi đã được họa sĩ Đinh Cường tóm gọn trong mấy nét phác thảo ấy - như một tấm gương phản chiếu nhiều mặt.
          
Nhiều bạn văn, họa sĩ đồng nghiệp thân thiết với anh Đinh Cường, đã có lần nói với tôi, “(…) Đinh Cường có cách vẽ riêng. Anh đọc tác phẩm người đó, tìm hiểu về đời sống con người đó, xem ảnh thật hoặc nhìn người thật rồi vẽ những đường nét mang tính biểu tượng. Khi xem,hãy để ý xem bức tranh đó toát lên điều gì(…)” Quả đúng như thế, qua hai phác họa chân dung của tôi, anh đã “nói hộ” tôi rất nhiều điều thầm kín từ một nỗi cảm thông rất mực sâu sắc. Tôi nhớ danh họa Picasso cũng đã từng nói: “chân dung giống nét vẽ tôi chứ tôi không  vẽ chân dung cốt cho giống “
          
Tôi biết anh rất ít khi vẽ chân dung cho ai (dù có yêu cầu)  nhưng chỉ vẽ khi thích.  Có người nhận được một phác họa chân dung của anh gởi tặng  là đã vui lắm rồi.  Sáng nay, tôi đã nhận được đến hai bức,  như vậy chắc là phải “có duyên lành” và dĩ nhiên là niềm vui sẽ nhân đôi rồi.  Anh Đinh Cường cũng đã tâm sự: “ (…)Nên chi chỉ là vui thôi , nói như Bùi Giáng , không có điều gì cho là quan trọng cả. Chỉ có cái tình cho nhau là quý thôi . Mấy nét  vẽ anh trong mỗi sát na…”  
        
Quà tặng cho nhau, đôi khi chỉ là một bài thơ, một bản nhạc, một tập sách, hay một bức phác thảo nhưng  chắc rằng với tất cả chúng ta đó là một món quà vô giá trong cuộc đời mình.
        
Rồi cũng tình cờ, đọc trên trang blog Phạm Cao Hoàng, tôi thấy bài thơ “Khi Xem Ảnh Người Thợ Sửa Khóa” (tặng Duyên) – anh lại nhắc đến tôi và “nghề”  kiếm sống hằng ngày của tôi sau 1975. Dù chỉ “ một thoáng nhớ nhau” thôi – nhưng tôi thật vô cùng hạnh phúc vì đã được anh chia sẻ. Bài thơ chí tình như sau:

Duyên về quê Tùng chụp ảnh này
nói để nhớ anh Mang Viên Long
ôi nhà văn lẫy lừng ngồi sửa khóa
biết đâu anh bạn này cũng “ông Thầy”

về phía Long Thành sao bụi đỏ
bám trên tàng lá chắc xe qua
đường vào đâu như vùng kinh tế mới
làm bộ ghé qua sửa khóa đi Duyên

chắc người bạn kia sẽ cho là lạ lắm
và niềm vui không nói mấy cho vừa …

Virginia , January 6, 2015

          
Thỉnh thoảng tôi vẫn thường gởi mail thăm anh. Lần nào cũng vậy, nhận được thư, là anh hồi âm ngay. Một lần, tôi hỏi xin anh hai tranh để in phụ bản trong một tập truyện, Anh gởi cho 2 bức “Ghế Đỏ” và “Khăn Tím”. Trong một thư báo tin thay đổi địa chỉ Email, anh lại gởi cho đường links vào thư viện tranh của Đinh Cường. Anh viết: “Long cứ vào xem và chọn nhé!”. Gần đây, một ngừơi ban văn ở quê nhà muốn “hỏi xin” môt bức tranh của anh để làm bìa cho tập truyện. Tôi gởi thư “xin ý” của anh. Anh hồi đáp ngay: “Long cứ thay tôi gởi cho người bạn của Long nhé!”. Sự cởi mở, và nhiệt tình của anh – một danh họa, dành cho anh em văn nghệ dầu chưa quen thân, thật rộng lớn!
           
Nhân cách và tâm hồn ấy không những thể hiện qua hàng ngàn bức tranh mỹ thuật, trong cách sống với tất cả, mà đã bày tỏ rõ ràng, chân thành qua những “trang thơ nhật ký” của anh sau này…Một hôm đọc thơ anh (đọc hoài), tôi cảm thấy không thể không “chia sẻ” cùng anh đôi điều ngưỡng mộ, nên đã viết:
           
“Thơ của Đinh Cường như “những trang nhật ký” ghi chép lại cảm nghĩ, kỷ niệm. sinh hoạt đang trôi chảy từng ngày qua đời sống anh, nên rất thật và tự nhiên. Có lúc đọc thơ anh, tôi nghĩ - anh làm thơ như thở. Bởi “cái thật & tự nhiên” ấy, nên đọc thơ anh tôi rất thoải mái, say sưa, như được nghe anh trò chuyện. Hết chuyện nầy, đến chuyện kia. Hết ngày nọ đến ngày khác. Bằng những lời có khi thì thầm trầm lắng, có khi sôi nổi hào sảng, trẻ trung. Tôi nghĩ, chính nhờ những phút giây bất chợt sống hết lòng với thơ, anh đã “tự làm mới” tâm hồn mình, đời sống mình, cho những sáng tạo nghệ thuật qua những tranh vẽ sau nầy…Sự hổ trợ “tương tác” giữa hội họa và thơ ca, cũng là một đặc điểm đáng ghi nhận của thơ Đinh Cường…
                      
Bài thơ “Vì sao đứng ngẩn ngơ khi một đêm tối tháng mười một trở lại Đơn Dương” hay bài “Chiều mưa”, và nhiều bài thơ khác nữa, được anh chia sẻ dường như hằng ngày trên trang phamcaohoang đã khiến tôi “mê” đọc thơ anh mỗi sáng, để tìm hiểu thêm đời sống hiện tại của người nghệ sĩ mà một thời tôi đã rất ngưỡng mộ - từ thập niên 60 của thế kỷ trước, cả thơ và hội họa…
        
Một lần về thăm lại nơi cũ - Đơn Dương, Đinh Cường đã tâm sự (tặng Nguyễn Dương Quang & Nguyễn Sông Ba - ngày 17 tháng 4-2014):
        
 “Vì sao nhớ hoải về Đơn Dương          
vì nơi ấy có phố rất buồn             
nơi ấy có nhà bưu điện nhỏ            
gửi bao nhiêu lá thư dễ thương”
                    
Nghĩ về Đơn Dương, anh nhớ ngay đến “nhà bưu điện nhỏ”/ “phố rất buồn”. Nghe anh nhắc đến “nhà bưu điện nhỏ”,  cái thị trấn miền cao đìu hiu, tôi bổng nhớ đến bao lần hăm hở “ra bưu điện” để gởi thư cho bạn bè, hay “đánh gấp một cái điện tín” yêu thương, ở thị xã Tuy hòa yên vắng, tươi mát, lồng lộng gió nồm khi tôi về dạy học ở đó! Đinh Cường chỉ “gợi lên” một hình ảnh tầm thường, đơn giản là vậy, mà sao tôi cảm thấy quá đổi ngậm ngùi?
          
“người ra gởi ấy nay không còn nữa            
còn nghe những tiếng hát muôn trùng            
còn đây xanh mướt rừng dương xỉ           
dưới trăng mờ ôi trăng Đơn Dương.”
                       
Người thường ghé bưu điện Đơn Dương để gởi những lá thư thương nhớ kia, không ai khác là người bạn nhạc sĩ của anh - Trịnh Công Sơn, một thời về dạy học ở Blao. vẫn thường ghé Đơn Dương gặp gỡ bè bạn. Ngày trở lại thăm Đơn Dương của Đinh Cường, nhà bưu điện, rừng dương xỉ, ánh trăng mờ (…) vẫn còn đó - nhưng, “người xưa” một thời gắn bó với cái thị trấn quạnh hiu ấy, thì đã ra đi…Cuộc vô thường là thế, đâu cần nhìn đâu xa? Bức tranh “rừng dương xỉ dưới trăng mờ Dơn Dương” là một bức phác thảo tuyệt vời!
            
“vì sao cứ nhớ thời tuổi trẻ         
tuổi cuồng si say đắm không ngờ            
ví dụ như người nhạc sĩ ấy            
chụm tay che ánh nến viết lời ca” 
                      
Có lẽ không chỉ riêng Đinh Cường “cứ nhớ thời tuổi trẻ”, mà tôi nghĩ - hầu hết chúng ta, đều có “căn bệnh” ấy! Căn bệnh không gây tổn thương cho người, mà còn “làm sống lại” “tuổi cuồng si say đắm” rất cần thiết cho đời sống hữu hạn xế chiều. Chi tiết “chụm tay che ánh nến viết lời ca” chỉ có sự nhạy - cảm – quen - thuộc của một họa sĩ dày dạn kinh nghiệm mới có thể nhìn thấy, ghi nhớ - sau bao nhiêu chục năm về người bạn một thời “say đắm không ngờ” của mình! Bắt đầu từ thực tại, thơ anh chìm đắm vào những hoài niệm sâu khuất một đời:   
             
“ví dụ người bạn ngồi bên vẽ              
khi vượn kêu mới biết quá khuya            
đêm hôm khuya khoắt hai người bạn             
co ro nằm giường gỗ hẹp hai bên”
                        
Bốn câu thơ là bốn hình ảnh đẹp, khó mờ phai trong ký ức một thời tuổi trẻ của anh và bạn bè: “người bạn ngồi bên vẽ”/ “vượn kêu mới biết quá khuya”/” hai người bạn”/” co ro nằm giường gỗ hẹp”- đã nhắc cho bao người nhớ lại dĩ vãng đã lùi xa của đời mình, một thời sống hồn nhiên, êm đềm, say đắm như thế. Càng đọc thơ Đinh Cường, càng nhân ra rõ một điều: Kho báu kỷ niệm sống của anh dày dặn qúa, phong phú quá; bên cạnh một tâm hồn nhạy cảm rất tinh tế, sâu sắc; đang là “tư lương” cho hành trình thơ vô cùng dồi dào, mới lạ của anh. Ví dụ, chỉ một ”Chiều Mưa” (viết ngày 15 tháng 4/2014) thôi, mà đã lưu lại biết bao điều xao xuyến:
                
“(…)chiều mưa trên rừng hoa
cánh bay về dưới suối                 
chở xác hoa di đâu                 
uốn quanh dòng suối lượn
               
nói một lời gì đi                  
chiều mưa buồn qúa lắm!” 
                      
Chú ý thấy trên mỗi bài thơ, Đinh Cường đều có đề tặng một (hay hai, ba) người bạn thân thiết của anh, hiện còn sống đâu đó hay đã mất; cho cuộc “trò chuyện” thầm lặng của mình. Sự cô đơn và tình thương mến, đã thôi thúc anh ngồi vào máy, gõ những dòng thơ - như khơi dậy mạch nguồn của kỷ niệm và tình thương yêu đang dào dạt, sôi nổi trong lòng…
                
“nói một lời gì đi              
Chiều mưa buồn quá lắm!”
            
Hôm nay, anh Đinh Cường đã đi xa – chuyến đi xa cuối cùng cùa đời người, tôi không thể đến viếng thăm anh, để tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ, xin được ghi lại đôi điều, như thắp thêm một nén tâm hương gởi theo anh ngày hỏa tán…

Quê nhà An Nhơn, ngày đầu tháng Chạp Ất Mùi.
(Ngày 10 tháng 01.2016)


MANG VIÊN LONG




RA ĐI SAU NHỮNG NGÀY
NHÌN LÊN KỆ SÁCH
Nguyễn Âu Hồng

Phác thảo chân dung Nguyễn Âu Hồng
dinhcuong  2014



Kính viếng hương hồn anh Đinh Cường


Tối thứ năm không có Trăng To.
Sau mấy đợt gió mạnh và mưa lớn gây ngập lụt
Rồi tuyết rơi kèm mưa đá
Trời bỗng quang không một gợn mây, nền trời xanh thắm.
Bầu trời ấy, tối thứ năm, ngày 7 tháng 1 năm 2016
Đã đón nghệ sĩ Đinh Cường
Đón Một vì sao rơi vào bất tận.

Rồi đây, mỗi khi nhớ về Đơn Dương
Làm sao quên Những trái su xanh với con bò đang ngủ.
Nhớ về Đà Lạt, làm sao quên
Đôi má ửng hồng áo len xanh
Nụ hôn đầu giấu sau cành hoa mimosa
Cuối ngày,
Lầm lũi bước, đếm chiều tà không hết.
Rồi đêm về,
Một người đã nhiều đêm mất ngủ
Thấy đêm rọi suốt bóng trăng tà.
Gần đây thôi, anh còn khao khát,
Tôi sẽ vẽ tiếp một màu hoa rực rỡ
Không quên ánh trăng rọi suốt hồn mình.
Mới hôm chủ nhật, ngày 3 tháng1, anh còn viết Nhìn lên kệ sách 5
Cho tôi xin một tiếng gào-Picasso. 
Lẽ nào “Tiếng Gào Guernica” gây thổn thức trái tim nhân loại, là câu thơ cuối đời của một bậc tài hoa kiệt xuất.
Cuối cùng, tôi xin mượn nhóm từ anh viết về tranh Modigliani để  tặng lại anh, tặng lại “tấm lòng thật thà với nghệ thuật” vì những tác phẩm từ “tấm lòng” tài hoa kiệt xuất ấy, cả tranh, cả thơ, cả văn xuôi đều “có thể sờ mó đến tận miền xa xôi của xúc cảm,”“sờ mó” một cách lặng lẽ, khởi từ nửa thế kỷ trước, liên tục được bồi đắp cho đến ngày nay và, biết đâu sẽ còn tiếp tục truyền động đến nửa thế kỷ sau, mấy thế kỷ sau…


Nguyễn  Âu Hồng
Oregon, January 8, 2016



BÓNG TƯỢNG
Cái Trọng Ty



Tập thơ đầu tay của Cái Trọng Ty
Bìa Đinh Cường


sầu ngạn ngữ
vẽ gam màu xanh bóng tượng
cõi đi về
chân tuyết trắng trùng khơi
đời lưu vong
tảng núi mờ biêng biếc
họa tiết của người
đông tây cô tịch
nhớ thương người
biết bao người thương nhớ mãi
Họa sĩ Đinh Cường
vóc dáng tầm cao
góc quán cà phê osteria của Raf  Sorbi
buổi sáng Starbucks
sương khói bàng hoàng
sự nghiệp lẫy lừng
Anh gửi lại cho đời
Kim cương bất toại
ôi một người độ lượng
Nghệ sĩ tài hoa
đời trân quý Anh
như trân quý trái tim mình
Anh vào lịch sử cửa văn thơ hội họa


Cái Trọng Ty
January 8, 1016




ĐINH CƯỜNG – VĨNH VIỄN
ĐI VÀO CÕI TẠO HÌNH
Đỗ Xuân Tê

TRỜI VÀ ĐẤT
Sơn dầu dinhcuong



Chuyện gì chờ, rồi cũng có lúc phải tới. Biết vậy nhưng sự ra đi của Đinh Cường vẫn là một sự bàng hoàng đối với tôi, một bạn văn mà những năm gần đây anh coi tôi ‘xem như đã thân nhau từ lâu. Mong có dịp được gặp anh’ như thủ bút ĐC viết cho tôi nhân tặng tác phẩm mới nhất của anh, Đi Vào Cõi Tạo Hình, xuất bản mới đây.

Lúc sống viết về Đinh Cường đã khó, khó vì anh vốn khiêm tốn ít muốn ai viết về mình, càng khó khi phác họa chân dung một nghệ sĩ lớn mà cuộc đời đa dạng và sự nghiệp đồ sộ vốn đan quyện như bóng với hình, như tranh với thơ, như gia đình và bạn bè, dù trong hoàn cảnh nào trong suốt nửa thế kỷ vẫn lấy gia đình làm ‘chỗ dựa’ và bạn bè làm ‘niềm vui’. Cũng may là tôi đã có dịp viết về anh trong tư cách một người ái mộ và tản văn ‘Những người phụ nữ qua tranh Đinh Cường’ được anh trân trọng và post trên Blog Nghệ thuật tạo hình của riêng anh.

Vài năm trở lại đây, tôi có dịp theo dõi nhiều sáng tác của Đinh Cường, viết dưới hình thức những đoạn ghi bằng thơ mang tính ký sự, mang niềm tự sự, đặc biệt trong những ngày anh rong chơi đó đây. Cho đến khi anh lâm bệnh thì hầu như tôi không bỏ sót một bài nào trên Blog PCH nơi anh mượn làm chỗ trao đổi cho văn bút giống như Starbucks nơi anh ngồi hàng ngày làm chốn giao lưu.

Tôi đọc để biết bệnh tình của anh, để khâm phục sức chịu đựng của anh,  để suy niệm về một số triết lý nhân sinh nảy sinh ngẫu hứng bằng con mắt tâm linh thường chỉ bắt gặp ở những nghệ sĩ bậc thầy khi biết mình đang đi trong trũng bóng chết.

Anh chịu đi vào chemo, chấp nhận những ‘giọt buồn’ (anh êm ái thầm gọi) dù nó công phá làm tiều tụy thân xác anh nhưng không hề sa sút nét đôn hậu của nụ cười mà anh luôn biểu lộ trong mỗi lần họp mặt, đãi đằng, đón đưa, dù khuya lạnh, mưa bay, tuyết rơi … trong studio, bên ngôi nhà bạn, ngoài tiệm ăn, nơi góc phố, khách sạn, sân bay, mà bất cứ ai lâm vào cảnh này đều muốn xuôi tay, tránh né, coi như gánh nặng khi phải gặp và tiếp cận sự quan tâm thăm hỏi của bạn bè, người thân.

Tôi cũng nhớ có lần bày tỏ sự khâm phục sức chịu đựng cùng tinh thần lạc quan của anh, tôi đã viết một thư riêng kèm theo cuốn sách tôi mua tặng anh (liên quan đến lãnh vực nghệ thuật tạo hình của một thời Sàigòn vang bóng) trong đó có mấy dòng khích lệ,

Mây mù rồi sẽ tan
Mọi chuyện rồi sẽ qua
Sống lạc quan như anh
Trên đời này rất hiếm

Và chân tình chúc anh cố sức vượt cạn, đừng quên bên anh còn có gia đình làm chỗ dựa, bạn bè làm niềm vui. Người nghệ sĩ dường như phấn chấn, hồi âm bằng một thiệp hồng màu hoa lựu, đầy ắp những con chữ bên trong, vừa cám ơn, thích thú vì cuốn sách, vừa có câu,

Cám ơn anh. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Mây mù rồi tan biến.
Tôi cũng cố gắng lạc quan vẽ và viết ngắn cho vui. 

Thế rồi sau những phút ‘Tôi về đứng ngẩn ngơ’ tiễn bạn ra về, anh lại thu mình trong studio tiếp tục gởi gấm tâm sự mình qua những bài viết ngắn, qua những tranh vẽ dở dang, mà loạt bài gồm 5 ‘Bài nhìn lên kệ sách’ được sáng tác trong hơi thở cuối như một lời âm thầm chia tay.

Cũng tình cờ khi viết về anh, tôi lại bắt gặp dữ liệu trong laptop, sực nhớ có đoạn phác thảo vài cảm nhận nhân đọc tác phẩm cuối cùng của anh, 

Cái lạ lùng là người họa sĩ ở đường Natick đã hơn 50 năm gắn bó với tranh lại cho xuất bản hai tác phẩm bằng Thơ (*) trước khi ra mắt cuốn sách thuộc phạm trù sở trường của anh nhằm giới thiệu với giới hâm mộ xa gần cái nhìn toàn cảnh của Đinh Cường về bối cảnh nghệ thuật tạo hình của Việt nam trong chiều dài lịch sử nửa đầu thế kỷ trước.

Sách mới Đi vào cõi tạo hình xuất bản mới đây đã tỏ lộ cho độc giả bút pháp của Đinh Cường bằng tâm tình và trải nghiệm qua ngôn ngữ của văn dưới lăng kính của thơ anh sẽ đưa những người yêu tranh và tượng, hiểu thêm về con người và công trình sáng tạo của một số nghệ sĩ bậc thầy tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình của Việt nam, đặc biệt  trong giai đoạn đất  nước đi vào những cơn xoáy của lịch sử.

Đây mới chỉ là phần đầu của công trình tổng thể nhằm giới thiệu 16 khuôn mặt tiền bối. Phần sau mới viết về anh, thế hệ cùng thời với anh.
…..
Tất nhiên, nhìn lại và giới thiệu cả một quá trình nghệ thuật trải dài cả thế kỷ, dù cô đọng cách mấy cũng không thể gói gọn trong vài ba tập với trên dưới nửa ngàn trang sách, nhưng chủ đích của Đinh Cuờng không nhằm phê bình và đánh giá mà trong tư thế một nghệ sĩ tạo hình vừa sáng tác, vừa truyn dạy, vừa triển lãm, vừa sưu tập, vừa đi đây đi đó cả vòng trái đất - anh đủ sức làm việc này - nhưng anh chỉ khiêm tốn góp nhặt, gạn lọc bước đầu đưa những người chưa hiểu nhiều về thế giới tạo hình nói chung, Việt nam nói riêng có đưc cách nhìn và tiếp cận vừa đơn giản vừa thích thú một phạm trù nghệ thuật tưởng rằng trừu tượng, khó hiểu nhưng lại rất đỗi sinh động, cụ thể, đặc biệt qua ngòi bút dẫn dt của Đinh Cường.

Cái lạ cũng ở chỗ tác giả không đi vào lý thuyết lý giải cầu kỳ, nhưng lấy con người, lấy văn hóa, quê hương, đất nước, lấy thời đại đang sống đã sống …lấy tâm tình, xúc cảm qua giao lưu quen biết, tình bạn, tình thầy, đồng môn, đồng nghiệp, được thể hiện qua cung cách đối xử hiếm thấy với những người nghệ sĩ tiền bối và cùng thời với anh.

Bây giờ anh lại đột ngột ra đi, bỏ dở công trình ra mắt tác phẩm nối tiếp. Độc giả và những người yêu tranh muốn biết nhiều về anh, muốn đọc anh viết về anh, sẽ nuối tiếc về điều này. Riêng tôi, vừa được anh ‘dẫn đưa vào cõi tạo hình’ thì anh lại bỏ anh em bỏ bạn bè bỏ người thân ‘vĩnh viễn đi vào cõi tạo hình’, một phạm trù nghệ thuật anh luôn đam mê trăn trở và sống cho đến hơi thở cuối.

Chúc anh lên đường bình an, giữ mãi nụ cười ĐC (chữ của Elena Truong), có dịp  nhìn lên kệ sách  ghé đọc những dòng tâm tình của những người yêu anh, yêu tranh và thơ anh, đã viết về anh.


đỗxuântê
California  -  Jan 9, 2015
(*) Cào lá ngoài sân đêm & Tôi về đứng ngẩn ngơ




PAIN, PAINTER, PAINTINGS…
ĐINH CƯỜNG - NGÀY HÓA TRỊ
Đỗ Hồng Ngọc

CHÂN DUNG ĐINH CƯỜNG
Đỗ Hồng Ngọc ghi nhanh




Bày tỏ về hội họa, Đinh Cường cho biết:
"Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, nơi chốn. Không biết để làm gì. Có lúc gần như tuyệt vọng, đôi khi thấy mình được cứu rỗi. Và tôi lại tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm".

Huỳnh Hữu Uỷ nhận định:
"Đinh Cường đã dựng nên một vũ trụ đầy chất thơ, kết hợp rung cảm với bút pháp độc đáo của một tư duy riêng biệt. Ở đây, âm hưởng của màu sắc, bố cục của đường nét là phương tiện phô diễn tính cách độc đáo của một tư tưởng nhiều chiều sâu, phản ánh nhiều hình bóng của đời sống và thời đại."
"Không rực rỡ, không lạc điệu, một chất màu ủ và quánh mà vẫn nhẹ nhàng và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong”.



Pain, Painter, Paintings…


Bean nhà thờ Đức Bà
Nguyễn Quốc Thái báo tin vui
tháng ba Đinh Cường về
mà mắt như ứa lệ…

Thân Trọng Minh thầy thuốc
lắc đầu sợ khó qua
con trăng này, không chắc
cơn đau đã dập vùi…

Ngô Thế Vinh tìm kiếm
một pain specialist
cho một người painter
suốt đời tìm cái đẹp…

Lữ Quỳnh run tay gõ
Đinh Cường đã lên đường
nhắn tin qua lời gió
cho bạn bè muôn phương…

Sáng nay gặp Nguyễn Quang Chơn
Ôm nhau không lời nói
Mà sao cứ nghẹn ngào…


(Saigon, 9.01.2016)


Đinh Cường – ngày hóa trị

(gởi Nguyệt Mai)


Lúc này còn làm gì hơn là im lặng.
Đinh Cường đã vào cõi tịnh độ, đã giải thoát.
Anh nghĩ đến cơn đau của Đinh Cường
Pain, Painter, Paintings… và gì nữa?

Đã lâu, anh Ngọc có nguệch ngoặc một bức Đinh Cường “ngày hóa trị”.
Đinh Cường bảo rất thích.
Nhưng anh Ngọc không dám chia sẻ cùng ai.
Nay gởi đến các bạn thân tưởng nhớ Đinh Cường “đáo bỉ ngạn”.
Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi… Svaha!


Đỗ Hồng Ngọc




ĐINH CƯỜNG,
NGƯỜI ANH, NGƯỜI BẠN LỚN
Nguyễn Quang Chơn


Chân dung Nguyễn Quang Chơn
dinhcuong - June 2015


Với tôi, anh là người anh kính. Đương nhiên vì anh lớn hơn tôi cả chục tuổi. Anh lại là một người nổi tiếng, là tượng đài của nghệ thuật hội hoạ Việt Nam. Anh còn là anh vì anh hay điện thoại, gởi sách, chăm sóc tinh thần cho Dũng, con trai tôi, và gần ngày đi xa, Noel 2015, anh còn gởi quà Christmas cho các con tôi. Anh  là anh vì anh hay góp ý cho tôi về cuộc sống, động viên tôi trong cuộc tập tành chữ nghĩa, sắc màu...

Anh còn là người bạn vì anh và tôi cùng hoà một nhịp thở của cuộc sống thường hằng, trao đổi những vui buồn, men cay cuộc đời. Anh là bạn vì anh luôn sẻ chia với tôi những bè bạn anh, những bằng hữu thân quí...Ở đâu, gặp ai, anh cũng giới thiệu tôi như một người bạn thân, và anh cười vui, hãnh diện, khi thấy tôi hoà nhập với mọi người...

Anh là bạn bởi chính anh chứ không ai khác đã giúp tôi gia nhập làng văn chương chữ nghĩa. Khi quen anh, anh bảo mình thấy Chơn làm thơ hay sao không gởi đăng báo cho vui. Tôi vốn biết mình. Những bài thơ mộc mạc chỉ viết cho những người thân, viết rồi quên luôn. Có để ý gì đâu....

Rồi một đêm Noel xa xứ, với cái lạnh mịt mùng Cali, tôi một mình uống rượu và viết bài thơ gởi anh. Ngày hôm sau tôi thấy bài của mình được post lên trên Văn Chương Việt của anh Nguyễn Hoà, ký tên Đinh Cường. Anh phải gởi mail đính chánh tác giả Nguyễn Quang Chơn. Bởi ban biên tập có biết Nguyễn Quang Chơn là ai đâu. Họ cứ tưởng Đinh Cường đánh máy nhầm tên. Và từ đó bài vở tôi cũng được lưu trên đó, nhiều bè bạn ghé thăm!..

Từ lâu tôi thích vẽ và chỉ vẽ chân dung, và thường chỉ vẽ khi men say chuếnh choáng... Khi chưa biết nhau, anh đã chọn một bức ký hoạ tôi vẽ hoạ sĩ Phan Ngọc Minh cho một bài viết xuân của anh gởi báo Sài Gòn Tiếp Thị năm 2010. Và khi quen, anh luôn động viên tôi vẽ. Anh bảo ngày xưa Sơn cũng vậy, khi say vẽ rất xuất thần, Chơn cứ vẽ, đừng ngại, đâu có hoạ sĩ nào cũng vẽ chân dung được đâu.. Và rồi ở đâu, gặp ai, anh cũng đưa tôi giấy bút, giới thiệu, Chơn sketch hay lắm, vậy là tôi phải vẽ. Vẽ mãi vẽ riết quen tay, tôi đã vẽ cùng anh bất cứ đâu, bất cứ giấy bút gì, thậm chí chấm ngón tay lên màu để vẽ, và đến chừ, không cần hơi men chuếnh choáng cũng vẽ...

Anh Đinh Cường rất say mê cuộc sống này. Anh hay chỉ cho tôi những cái đẹp trong bạn bè, trong không gian chung quanh. Những núi rừng Đà Lạt. Những trầm mặc xứ Huế. Những chiều gió sông Hàn. Những ngày tuyết rơi miền Đông Bắc Mỹ... qua những bức tranh anh vẽ và gởi cho xem...

Tôi hay bi quan về cuộc tử sinh. Và chính anh hay nhẹ nhàng gởi cho tôi những thư kể về cuộc vui với bạn bè. Kể và khen những lần gặp Dũng, khen MT,  như để lay thức tôi về sự tồn tại và sự cần sống trên cõi đời này. Anh là thế. Ít nói, tôn trọng suy nghĩ người khác và xem tôi như một người bạn bằng những góp ý rất riêng...

Anh có một tình yêu mãnh liệt với cuộc sống này. Cuối năm 2011, khi đang dùng cơm tối nhà một người bạn luật sư, anh gục xuống bàn, phải nhờ trực thăng cấp cứu anh vào bệnh viện, khoan sọ não lấy cục máu bầm. Vậy mà tháng 11.2013 anh lại về bày tranh ở Huế - Đà Lạt - Sài Gòn. Tôi lo cho sức khoẻ anh, rủ anh Bửu Ý cùng đi theo anh để hỗ trợ khi cần và để chuyện trò cho anh thư giãn. Anh vẫn khoẻ trong những cuộc tiếp xúc tất bật, những bạn bè miên man, những chuyến đi dài thăm Nguyễn Đức Sơn, thăm Dran... Với anh, được đi, được sống, được gặp nhiều người, được hít thở không gian của một thời tuổi trẻ là niềm vui, là sức khoẻ, là động lực sống trong anh.  

Chia tay, anh hẹn tháng 4. 2015 sẽ về bày tranh ở Cổ Viện Chàm Đà Nẵng. Cuối năm 2014, anh email cho tôi bảo đang tập trung vẽ, đang gần xong một bức trung tâm kích thước lớn, rất Chăm, rất đẹp. Anh nhờ tôi lo tổ chức phòng tranh. Anh Thắng, Giám Đốc Cổ Viện Chàm rất vui mừng và bảo anh Đinh Cường có thể bày tranh cả tháng nơi đây cũng được. Báo cho anh, anh rất vui... Nhưng rồi một bệnh trọng lại đến. Sức khoẻ anh yếu dần. Phải chemo mỗi tuần vào thứ sáu. Thuốc độc chuyền vào người với những mệt mỏi đớn đau. Tôi xót cho anh, gởi anh những toa thuốc Bắc, thuốc Nam mà vài người thân đã dùng tốt thay chemo. Anh không dùng và vẫn theo tây y bác sĩ bởi anh vốn tính kỷ luật và ngăn nắp. Vào studio anh mới thấy. Tất cả mọi thứ đều đâu vào đây, trật tự đàng hoàng. Đâu có phải đã nghệ sĩ là vung vãi tứ tung! Thời gian này anh vẫn tiếp bạn bè. Nằm nhìn những giọt thuốc rơi vào người, anh vẫn viết những lời ghi cho bạn. Anh bình thản đón nhận và vẫn yêu cuộc đời tha thiết, như bứt lên trên những lo lắng nghĩ suy... Như anh Ngô Thế Vinh đã viết về anh: một Đinh Cường đốn ngộ...

Tháng 6 anh đón anh Lữ Quỳnh và tôi. Tháng 11 anh đón bạn bè bằng hữu khắp nơi. Việt Nam, Mỹ, Ý, Hoa Kỳ về Virginia hội tụ nhân kỷ niệm ngày thành lập trường Quốc Học Huế. Tháng 12 anh yếu hơn. Không nghe phone. Ít trả lời thư. Hình ảnh cuối cùng và có lẽ bức tranh cuối cùng gởi tôi, anh vẽ chân dung trên tờ giấy tôi viết gởi cho anh mấy chiếc áo ấm, với dòng chữ cám ơn Nguyễn Quang Chơn, ngày 31/12/15. Rồi anh mệt, không đi lại được. Nằm trên giường nhìn lên kệ sách. Anh viết những bài thơ nhìn lên kệ sách 1,2,3... Đến bài thứ 5 ngày 3 tháng 1.2016 thì anh không viết nữa, sau khi ghi tặng Bửu Chỉ bài thơ cuối cùng, khi nhìn bức hình Picasso và muốn một tiếng gào: Picasso! Sau đó anh mê, phải được đưa vào bệnh viện Fairfax chăm sóc. Và hai ngày sau, lúc  9:41 ngày 7/1/16 anh vĩnh viễn ra đi. Vĩnh biệt cõi đời. Để lại cho chúng tôi một khoảng trống mênh mông...

Anh Đinh Cường, vậy là em đã mất anh rồi, một người anh, một người bạn lớn...

Anh Đinh Cường ơi, em không còn trẻ nữa, bước đường em đi tiếp không còn dài, sao hôm nay thấy bước chân mình  chống chếnh, hoang mang...  

January 9, 2016
Nguyễn Quang Chơn
Thương nhớ hoạ sĩ Đinh Cường


Nguyễn Quang Chơn – Đinh Cường
Ảnh PCH – Virginia, 16.6.2015




MÀU XANH ĐINH CƯỜNG
Khuất Đẩu


Chân dung Khuất Đẩu
Dinhcuong  2014




hai giờ sáng, Lữ Quỳnh báo tin
anh đã đi vào cõi vô cùng!
cõi mà Trang tử bảo ta thấy xanh xanh ấy
chỉ vì nó bao la sâu thẳm
cũng có thể gọi đó là cõi mộng
nơi anh thường lạc bước lãng du

đó cũng là màu xanh trong tranh anh
màu của Dran, Đà Lạt
màu của một buổi chiều
cùng đứng với Trịnh Công Sơn
nhìn những ngọn lau trắng la đà trên ngọn đồi tím biếc

giờ là lúc thắp lên một điếu thuốc
không để hút mà để nhớ anh
nhớ cái dáng liu xiu đi xuống con dốc
sâu hút ngõ vào điền trang Thân Trọng
nơi anh không cào lá ngoài vườn khuya
mà cùng bạn bè ngồi bên đống lửa
ăn một củ khoai lang lùi thơm nóng
hồn nhiên như trẻ lên năm

anh, người thi sĩ đã viết những bài thơ bằng sắc màu
và những ghi chép bằng thơ ngộ nghĩnh
một chút gì đó của Bùi Giáng
một chút gì đó của Trịnh Công Sơn
và rất nhiều rất nhiều
là của Trang Tử

anh, một đạo sĩ sống giữa đời thường
một đạo sĩ rất thong dong mà huyền hoặc
không làm dáng
không ồn ào
không rao giảng thế này thế nọ
sống rất xanh như lá biếc trên cành

đẹp thay cuộc đời anh
xanh miên man một màu xanh kỷ niệm
xanh của tình nghĩa phu thê
xanh của tình bằng hữu
xanh của một bậc tài hoa

xanh vậy đó, nhưng đến lúc cũng phải đi thôi!
ừ thì đi, tôi vẫn thấy trên môi anh
chúm chím một nụ cười
cũng rất xanh.


January 10, 2016
Khuất Đẩu


PHỐ MÙA ĐÔNG

Sơn dầu Đinh Cường






KHÔNG CÒN
Nguyễn Quang


Phác thảo chân dung Nguyễn Quang
Mực đen trên giấy napkin
dinhcuong



Không còn gói quà sang trọng dưới gốc cây thông mỗi mùa giáng sinh
Không còn nụ cười rất hóm và đôi mắt rất sáng sau đôi mắt kiếng gọng tròn John Lennon
Không còn một thời Hiện Sinh, một thời Hippy, một thời pipe Dunhill, cà vạt lụa … đỏm đáng
Không còn buổi trưa lê la ở Le Chat Noir, ly rượu đỏ song sánh mùa thu DC nắngvàng ấm áp
Không còn buổi chiều dầm mưa ở New York, ghé qua MOMA, tần ngần trước những đóa lilies, nhát cọ Monet tưởng còn ướt sau cơn mưa miền Nam nước Pháp
Không còn một tín đồ của impressionism thẫn thờ dưới tác phẩm Rodin lừng lững tượng đài Balzac 
Không còn mùa Xuân lê la Paris, café vỉa hè Champs-Élysées chân dài, váy ngắn
Không còn lê bước  Sacre-Coeur đồi Montmartre, bờ sông Seine với các hàng sách, thì thầm với Baudelaire, Simone de Beauvoir
Không còn qua Brussels ghé thăm người em gái
Không còn đi Salt Lake, giống như về với quê hương …
Không còn mùa hè George Town, bá tước tay lái lụa và những lẳng hoa nghiêng nghiêng trong gió ở đường M
Không còn mùa Thu lá vàng rơi sau rừng, tìm một quán quen, ngồi chờ người bạn cũ…
Đi tìm tí thơ Louisiana ở Bayou, café và Beignets … ngồi nhớ tiếng kèn Louis Amstrong …
Không còn mùa Đông, những khúc củi khô tí tách trong lò sưởi, chai rượu từ Trader Joe’s, fromage từ Paris và bạn bè quây quanh …
Không còn về Sài Gòn, tưởng mình tuổi hai mươi phơi phới, café Highland, cơm thố chợ Cũ …
Không còn đi Đà Lạt sương mù, ghé qua Trạm Hành, ngồi chờ tiếng còi tàu, tưởng còn bạn bè tự năm xưa
Không còn người đàn ông chậm bước trong khu rừng Natick, rồi trầm ngâm bên cái coffee of the day, buổi sáng Starbucks.
Mùa Đông này, lạnh buốt anh Đinh Cường ơi!

Nguyễn Quang
Virginia 10, 2016


Đinh Cường – Nguyễn Quang – Nguyễn Mạnh Hùng
Paris, April 2009






MỘT BỨC 
TRANH CHƯA CÓ TỰA
N  g  u  y  ê  n   M  i  n  h


Phác thảo chân dung Nguyên Minh
dinhcuong




Mấy ngày nay, không hiểu sao lòng tôi cứ bồn chồn, lo lắng. Sáng dậy sớm việc đầu tiên là mở máy vào trang Blog Phạm Cao Hoàng xem có thơ đăng của Đinh Cường chưa. Đây rồi. Nhìn trên kệ sách một. Nhìn trên kệ sách hai. Rồi ba. Rồi bốn. Rồi năm vẫn xuất hiện đều đều mỗi ngày. Bỗng tắt. Lữ Quỳnh báo tin: tình hình sức khỏe Đinh Cường hiện giờ rất xấu, các bạn đừng gọi điện thoại cho Đinh Cường, nhà không có ai bắt máy. Như một thông tin báo động. Liên tiếp các bạn khác như Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyệt Mai, Duyên gởi email cho bạn bè cùng nhau đọc kinh cầu nguyện  cho Đinh Cường thoát cơn hoạn nạn.






MỘT CHUYẾN ĐI LỠ
S o n g  T h a o


Phác thảo chân dung Song Thao
dinhcuong  2012



Chuyến đi lỡ vì cái tính buông thả của những người viết văn làm thơ. Một ngày tháng 10, gặp Hồ Đình Nghiêm, rủ nhau qua DC thăm Đinh Cường. Về nhà mail rủ thêm Hoàng Xuân Sơn. Định sẽ lái xe để được tự do khi đi đường cũng như qua bên đó. Trời trở lạnh. Trận tuyết đầu mùa đổ xuống. Cái ngại ngùng cũng đổ xuống. Lui lại một bước, rủ nhau đi xe đò vậy. Trời lạnh làm con người co ro. Thôi để đến mùa xuân cho nắng ráo. Vậy là lỡ chuyến đi. Không còn vớt kịp nữa.Đinh Cường không thể đợi tới mùa xuân. Anh chẳng chờ được mấy tên bạn chuyên tính nhiều hơn làm. Ơi ới phôn nhau. Ân hận biết chừng nào. Thôi đành vậy. Biết tạ tội với ai? Hoàng Xuân Sơn nhìn lên trời:

Tới kệ sách thứ 5 thì mắt
chiều đã mỏi sương khuya đã trắng
chìm hồn bướm đã mê vào đêm
tuyết lú. Thế rồi đã trễ cái
hẹn sang thăm anh cùng Song Thao
Hồ Đình Nghiêm cái lạnh khắc nghiệt
mùa đông bắc mỹ đã làm nhụt
khí thế đường xa mắt mờ của
kẻ muôn đời nhỡ hẹn đời là
những cuộc hẹn lần lữa không cùng
cho tới khi không còn hẹn được
nữa thì luyến tiếc ngẩn ngơ ân
hận đời đời xiêu hình đổ bong

Hồ Đình Nghiêm vội lấy vé máy bay qua tiễn ông anh rể. Tôi chỉ nhắn được lời xin lỗi với chị Nhung. Chắc Đinh Cường sẽ hiểu cho mấy tên bạn. Vì anh rất đầy đặn với bạn bè.










VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG
D u y ê n


Phác thảo chân dung Duyên
dinhcuong



làm sao nói lời vĩnh biệt
khi trong đời sống này
vẫn là anh. hiện hữu,
sáng Cali có con chim xanh
về ca hát, có phải là anh?
và những nụ hoa chờ đợi. khai mùa.

làm sao nói lời vĩnh biệt.
đến,
một trái tim độ lượng. yêu người
gia đình, bạn bè, cả thế gian.
anh vẽ cuộc đời.
cuộc đời vẽ lại anh.
một bức tranh. tuyệt diệu.
mãi mãi trong tim mỗi người.
thấp thoáng màu vàng anh yêu thích.
chúa về trên cây thánh giá.
cho người. đời. đời, hạnh phúc.

nước mắt vẫn rơi...
làm sao. tôi nói lời vĩnh biêt?


duyên
January 10, 2016


Chân dung Đinh Cường
Duyên vẽ - 16.6.2015




TRĂNG. CÓ PHẢI TRĂNG?
d  u  y  ê  n


PHẬT CHỈ TRĂNG
Sơn dầu trên giấy 18 x 18 in
dinhcuong



chiều phi trường.
buồn tênh.
những ngọn đèn sắp tỏ.
lấp lánh.
mắt bạn bè,
mừng vui khi gặp gỡ
sao có hạt lệ, rơi.
những vòng khăn. quấn vội.

qua khung cửa.
chiều nay, trời rất xám.
có vầng trăng. mỏng.
khuất nơi nao?
những ánh đèn,
lấp lánh. sao đêm.
họp thành chùm. sao, thân ái.
về sum vầy.
cùng vầng trăng. đêm nay.
bạn bè gần xa,
nhiều thương nhớ…
kỷ niệm đầy. buồn có? hay vui?
kể cho nhau nghe.
những điều. chưa nói,
lời nghẹn ngào.
tiếng nói. hư hao.
những vần thơ, còn ướt mực.
nói gì đây.
dòng nhạc đậm đà. tình.
có tiếng đàn. rộn rã.
ly vang đỏ, mừng nhau.
sao một người… không đến?
trăng chợt về bên cửa.
lơ lửng bay… Chagall.
đeo bên cánh phi cơ.
ngộ nghĩnh. dễ thương chưa.
mầu trăng. trong. buồn quá.
trăng treo… một đoạn đời.
chợt. ngưng.
ở lại thôi.
lui dần vào bóng tối.
bỏ không gian. mịt mù.
gia đình còn ngơ ngác.
bè bạn. ngồi với ai.
trăng lơ lửng. trăng treo.
chỉ trăng. có phải trăng?

duyên
đêm 1.13.2016.
DCA airport
tưởng nhớ anh Đinh Cường. ngày cuối, tiễn đưa anh về cõi vô cùng.
chân thành phân ưu cùng chị Nhung, các cháu và gia đình.


Lữ Quỳnh – Duyên – Đinh Cường – Tùng – Nguyễn Quang Chơn
Virginia, June 2015
_____________________________________________________________________


Đọc thêm:
VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG  (Phần 3)



T r a n g  đ ặ c  b i ệ t
VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG
P h ầ n  1