Thursday, July 6, 2017

2961. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Truyện ngắn BẮC NAM HAI NHÀ






Tôi ở phương bắc giá lạnh hai mùa, anh ở phía nam quanh năm nắng ấm. Một cục thịt dấu trong ngăn đá hoặc thi thể con người đút trong hộc lạnh thì bảo quản được dài lâu, không thối vữa; nhưng để “nó” trần như nhộng, ơ hờ chả ngó ngàng tới, giao mạng cho thiên nhiên hành xử thì sẽ chóng bốc mùi. Trật một li sai một dặm cho lối so sánh vụng về kia bởi chúng ta nào phải tử thi! Năng động với nắng nôi, với biển cả, so ra anh “tươi nhuận” hơn tôi vạn lần, đứa mãi co ro với khí hậu khắc nghiệt. Bốn mươi năm tôi xa vùng nhiệt đới, cũng chừng ấy năm tôi chưa thấy lại biển và ngó ra anh.

Cuộc hội ngộ nào cũng mang tới ít nhiều cảm động, sóng gào ngoài xa để vồ vập từng đợt vào bờ chào đón tôi không mỏi mệt. Anh thì không, tính khí trời sinh vốn vậy, ít biểu tỏ, ít để lộ ra ngoài cảm xúc, cô lại một sự dửng dưng. Tôi đã dự cảm ra “tình hình” đó nên không lấy thế làm điều. Cứ nghĩ hôm nay còn nhìn thấy nhau, chuyện mai này thì khác gì sóng xô cát lún rong rêu tấp đầy. “Vui là vui gượng đấy mà”, tôi chẳng buồn nhớ câu sau in trong truyện Kiều.

Biển không ngừng rì rào như dẫn bắt trí nhớ tôi lục lạo về những hồi tưởng. Cao uỷ đặc trách vấn đề những người tỵ nạn của Liên hiệp quốc cho hay, có gần triệu thuyền nhân, những linh hồn lạc lối phải chịu “định cư vĩnh viễn” dưới lòng thuỷ mộ hoặc thất tung trên các hoang đảo nào đó. Biển mang tôi tới phương bắc, Hương Cảng trong khi sóng bạc đầu xô anh tấp vào Mã Lai, hướng nam. Rồi tôi đổi đời trú thân ở Canada, phương bắc và anh lại thiên di về đậu Mỹ quốc, phương nam. Da dẻ anh rám nắng có thể ngay từ khi khoác áo chiến binh chứ không mới thay hình đổi dạng nhờ sóng nước vùng Tampa hiền hoà này. Các ông quan xưa khi về già thường vui thú điền viên, ở đây sáng tối anh mang tơi đội nón ra biển ngồi trì chí buông cần câu cá. Thú vui lành mạnh chưa kể công việc làm ngư ông ấy là niềm hãnh diện cần tỏ bày, tự mãn: Đời nào tao tốn tiền chợ, sẵn “cây nhà lá vườn” tội gì không săn bắt thụ hưởng! Anh giỏi chế biến thực đơn, với đôi ba con cá tươi rói, với dao thớt với củi lửa anh có thể nghĩ ra tới sáu bảy món khác biệt. Anh mời tôi đánh chén nhưng tôi chẳng mặn thứ “sơn hào hải vị” kia. Cơm hàng cháo chợ e tiện cho đứa đi bụi như tôi, chính hiệu Tây ba-lô đầu đường xó chợ. Liên tưởng ra thành phần “Tây ba-lô” bởi vì chốn tôi ở người ta sử dụng tiếng Pháp, Anh ngữ tôi gà mờ, chất lỏng lẻo trong ba lô bèo nhèo khi xâm mình sang đây. Ngán chi chuyện ú ớ, bốn phương vô sản đều là anh em! Lo bò trắng răng?

Đọc tiếp...