Oil painting by wildlife artist Crista Forest.
Source: http://fineartamerica.com
Sáng nay trời Sài Gòn bỗng dưng trở lạnh. Tôi ngồi bên song cửa sổ nhìn ra bãi đáp của phi trường Tân Sơn Nhất sau nhà, một làn sương mù phủ đầy, bãi cỏ xanh mờ, bát ngát, mà lòng tôi chùng xuống, buồn mênh mang. Những hình ảnh từ xa xưa của những người thân yêu cứ chập chờn ẩn hiện trong tôi. Những chiếc máy bay rà xuống phi đạo. Những chiếc máy bay cất cánh lên trời bay xa. Đón người về thăm quê hương từ phương trời xa xăm. Tiễn người đi trở lại nơi chốn dung thân. Người tình xưa. Các anh chị em tôi đã một thời cách biệt. Bạn bè tôi, những người cầm bút cả một đời mê muội. Về. Rồi đi. Đi rồi về. Vui rồi buồn. Buồn rồi vui. Cứ thế miệt mài tâm tư.
Cũng như các bạn khác, Phạm Cao Hoàng về lại đi, để lại trong tôi biết bao điều muốn nói.
Tôi không nhớ tôi và Phạm Cao Hoàng quen nhau từ lúc nào, Giữa tôi và Phạm Cao Hoàng có một khoảng cách về tuổi tác. Tôi hơn anh gần 10 tuổi. Tôi chỉ nhớ lần đầu tiên, khoảng năm 1970, anh và Thế Vũ ghé đến ngôi nhà số 11 Nguyễn Thái Học Phan Rang thăm anh em Ý Thức. Chúng tôi có thêm Võ Tấn Khanh, Lê Ký Thương, Ngy Hữu, cùng uống rượu. Trong cơn men ngà ngà say, Phạm Cao Hoàng, lúc ấy là một chàng thanh niên dáng cao và gầy mang đôi kính cận, cất giọng ngâm thơ bài Bên Kia Sông Đuống. Giọng anh sang sảng, đầy xúc động, như truyền cảm đến tâm hồn chúng tôi.
Lần thứ hai, tôi ra Tuy Hòa. Anh và một số anh em làm văn nghệ ở đó như Hoàng Đình Huy Quan, Trần Huiền Ân, Nguyễn Lệ Uyên cùng nhau đến uống cà phê ở một quán mà bây giờ tôi đã quên tên. Anh còn giới thiệu một cô bạn nữ sinh trong chiếc áo dài trắng, mái tóc thề ngang vai, đang tập tểnh làm thơ, sau này, gần nửa thế kỷ khi tôi làm Quán Văn, tình cờ tôi gặp lại mới hay người nữ sinh giờ đã lên chức bà ngoại vẫn làm thơ mang tên Triều Hạnh. Những tháng cuối năm, các tỉnh miền Trung thường gặp bão lụt. Tuy Hòa cũng thế, tôi không thể về lại Sài Gòn, ở lại nhà Phạm Cao Hoàng. Suốt những ngày mưa bão, không đi đâu được hai chúng tôi tự pha hai cốc cà phê, hút những điếu thuốc Ruby và nói chuyện văn chương, báo chí.
Lần thứ ba, khoảng năm 1972 tôi lại gặp anh ở Đà Lạt. Anh dẫn tôi về Trạm Hành nơi anh đang dạy học. Nhìn những ngọn đồi xa xa trồng trà xanh bát ngát, nhìn xuống thung lũng những giàn su. Và trời còn lãng đãng sương mù. Không khí se lạnh. Phạm Cao Hoàng cất giọng ngâm bài thơ Cuối năm ở Trạm Hành (*) anh vừa sáng tác cho tôi nghe. Tôi không biết làm thơ và ít nhớ về thơ của ai, nhưng không hiểu sao, khi làm Quán Văn số 40 này, chân dung về Phạm Cao Hoàng tôi phải đăng lại bài thơ này, đã từng làm tôi xúc động.
Sau năm 1975 tôi bặt tin anh. Cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Cơm áo đè nặng làm tôi ngộp thở. Văn chương chữ nghĩa cũng chìm sâu. Năm 1992, tôi vào lại Sài Gòn sinh sống sau 16 năm ẩn dật một vùng quê hẻo lánh nơi tôi đã từng sinh ra. Tình cờ tôi gặp một cô gái ở cơ sở in lụa của gia đình tôi mới mở trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, hỏi ra mới biết cha cô là Phạm Công, mẹ cô là Cúc Hoa. Thuở còn bé tôi rất mê chuyện tình Phạm Công và Cúc Hoa, thời đại này sao lại có thật một Phạm Công và Cúc Hoa. Cô gái cho tôi biết ba cô trước năm 1975 có làm thơ và mang bút hiệu Phạm Cao Hoàng. Tôi mừng quá, hỏi thăm anh và nhờ cô gái nhắn lại tin tức về tôi. Rồi vẫn bặt tăm.
Sống ở Sài Gòn tôi gặp lại những bạn cùng viết văn làm báo ngày xưa. Và khi gặp lại người tình cũ từ Mỹ về thăm quê hương, năm 2000, tôi mới có hứng thú cầm bút trở lại, Tôi và Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Lê Ký Thương, Đỗ Hồng Ngọc làm lại Ý Thức bản thảo chỉ phổ biến giới hạn, mục đích gây hứng khởi cho anh em, như một đóm lửa khơi dậy đống tro đã tàn. Chính văn chương mới là chất keo làm chúng tôi kết lại. Phạm Cao Hoàng và Nguyên Minh mới nối lại duyên xưa. Chỉ qua email. Chỉ qua Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn chủ trương tôi đọc được những bài thơ Phạm Cao Hoàng mới sáng tác sau một thời gian ngưng bút như tôi. Bấy giờ anh cùng gia đình sang định cư ở Mỹ.
Lần thứ tư, năm 2012 chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn, khi Phạm Cao Hoàng cùng gia đình trở về thăm quê hương. Phạm Cao Hoàng mập ra. Cao to hơn xưa. Như đã hẹn tôi cùng Nguyễn Hòa vcv, vợ chồng Trương Văn Dân – Elena, đến khách sạn nơi PCH ở, mang theo vài số báo Quán Văn mới ra. Phạm Cao Hoàng đón nhận vui mừng như vừa ôm vào lòng đứa con đã thất lạc lâu ngày.
Lần thứ năm tôi gặp anh không phải ở Việt Nam, mà lại ở Mỹ. Trần Hoài Thư mua vé máy bay cho tôi từ San Jose - nơi tôi đang qua thăm các chị, em tôi - về New Jorsey. Mấy ngày cùng Trần Hoài Thư say mê bên cạnh mấy cái máy in, tôi mới đến Virginia sau 6 tiếng đồng hồ trên xe do vợ chồng Trần Hoài Thư cầm tay lái.
Tôi ở lại nhà Phạm Cao Hoàng sau một buổi tiệc có mặt số anh em làm văn chương từ xa đến. Đinh Cường lúc ấy còn sung sức, dẫn tôi về nhà anh, ký tên sau một bức tranh lưu niệm cùng chi chít các anh em văn nghệ sĩ đã đến thăm phòng tranh của Đinh Cường. Hầu hết anh em văn nghệ đó tôi đã quen biết, giờ đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới hoặc vài người mới đây đã từ giã cõi đời này.
Những ngày tôi trú tại nhà Phạm Cao Hoàng trong căn phòng nhỏ ấm cúng, vợ chồng anh luân phiên có mặt ở nhà để tiếp tôi. Anh bắt đầu mở trang Blog Phạm Cao Hoàng, từ đây các bạn văn có thể đọc các tác phẩm văn học mới sáng tác hoặc từ xưa đã thất lạc. Tôi vui lây niềm vui của anh.
Cũng từ trang Blog này tôi đã đọc những bài thơ mới, những tản văn, những truyện ngắn và tin tức về cuộc hồi sinh, phục hồi sức khỏe của Cúc Hoa sau những ngày tháng trên giường bệnh trong một tai nạn giao thông. Tình cảm thắm thiết, kết quả của một mối tình đẹp thời thanh xuân, nghĩa vợ chồng những ngày cuối đời, Phạm Công suốt ngày chăm sóc Cúc Hoa như một liều thuốc tiên đã vực dậy vợ mình đi đứng bình thương như chưa có gì xảy ra.
Hai năm sau, tôi lại qua Mỹ, lúc này có thêm vợ chồng Trương văn Dân – Elena và Đoàn Văn Khánh, Phạm Cao Hoàng cùng Nguyễn Minh Nữu đón chúng tôi từ San José qua Virginia tại phi trường Dulles.
Đinh Cường - Nguyên Minh
Studio Đinh Cường, Burke (VA) , 21.10.2015 - Ảnh PCH
Chính hai người bạn này đã tổ chức một buổi họp mặt một số văn nghệ sĩ ở đây, cùng một mẫu số chúng với chúng tôi: mê văn chương, tại nhà anh Trương Vũ. Bao nhiêu tình cảm dành cho nhau, chân thành. Có người tôi mới gặp mặt, tuy rằng chúng tôi biết nhau qua thơ văn, trao đổi những tác phẩm mới xuất bản của chúng tôi, như Phùng Nguyễn, hẹn nhau một buổi cà phê tại Sài Gòn. Một tháng sau, ở Việt Nam tôi hay tin anh đã từ giã cuộc đời này. Tiếp theo, Đinh Cường, một người bạn thân thiết, đã cùng chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm khó quên, cũng bỏ chúng tôi, về vĩnh viễn miền cực lạc.
Ấn tượng cuối cùng đã làm tôi xúc động, không thể cầm được những giọt nước mắt rơi trên má. Hình ảnh đó cứ làm tôi ray rứt và tôi cứ tìm câu trả lời vì sao trong sâu thẳm của tiềm thức. Đó là một buổi chiều trên sàn gỗ hành lang nhà mới của Phạm Cao Hoàng, chúng tôi nhìn tận mắt một cảnh tượng đẹp và lãng mạn vô cùng.
Mùa thu ở Mỹ, nhất là ở vùng Virginia, trời se lạnh, những cây phong đổi màu lá đỏ. Cùng với những loại cây khác lá rơi tơi tả, nằm sắp lớp trên cả lối đi, sân nhà, hai bên đường cái rừng cây chuyển lá màu đỏ, cũng rơi.
Hành lang không có mái che, nằm đưa ra ngoài vũng sâu, trước mặt là một thung lũng thoai thoải đầy những cây cao còn trơ cành. Chúng tôi như đang ở trong rừng. Lá vàng từng lớp chồng lên nhau, lớp trên từ cành cây vừa mới rơi xuống còn nguyên hình và màu sắc. lớp dưới đã héo tàn, tận cùng đã mục nát theo thời gian. Nơi chúng tôi đứng tựa cầm trên thành gỗ lan can còn ướt lạnh, lá vàng cứ rơi xuống, vướng trên những chiếc mũ kết màu nâu, tôi cũng chẳng cần hất xuống. Cầm ly cà phê Phạm Cao Hoang mới pha từ trong nhà đem ra, hơi nóng bốc lên tiếc rằng tôi đã bỏ thuốc lá nếu không cũng phì phà một hơi như các bạn khác. Phạm Cao Hoàng lại mang ra một cái iPad, từ đó phát ra tiếng đàn guitar của Vô Thường. Từng giọt âm thanh thánh thót. Những khúc tình ca của Trịnh Công Sơn cứ nối tiếp nhau buồn thắm thiết. Tôi ngẩn ngơ. Mắt đăm đăm nhìn về phía trước, cây che cây, một khe suối nhỏ như sợi chỉ mong manh, từ bụi cây bất ngờ xuất hiện một con nai bước trên thảm lá vàng khô, rồi theo sau một con nai khác. Chúng như một cặp tình nhân, hẹn nhau ra bờ suối, tâm tình. Tôi ngạc nhiên, giữa khoảng cách cặp nai vàng đang cúi đầu xuống dòng nước cạn con suối nhỏ với chỗ chúng tôi đứng rất gần. Giữa con người và vật vẫn sống chung hiền hòa với nhau. Hai con nai vàng vẫn đưa đôi mắt tròn to nhìn về chúng tôi. Và tôi cũng nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ, như cùng một đồng loại, như bạn bè thân thích lâu ngày mới gặp lại nhau.
Tiếng đàn vừa dứt, cặp nai vàng mới bước những bước chân xiêu vẹo, đạp trên lá vàng khô. Tôi giơ tay lên, như tiễn đưa những người bạn thân. Cặp nai vàng ngơ ngẩn nhìn tôi trước khi khuất vào lùm cây. Bấy giờ, nước mắt tôi bắt đầu rơi xuống.
Phạm Cao Hoàng (Thứ ba, từ phải) – Nguyên Minh (Thứ hai, từ phải)
Sài Gòn, 9.9.2016
Nguyên Minh
9.2016