Wednesday, May 24, 2017

2881. NGUYÊN MINH Như một lời cám ơn






Khi tôi có ý định Quán Văn làm một số chân dung văn học về Nguyễn Tất Nhiên, một số người còn thắc mắc và cứ nghĩ đó chỉ là một người làm thơ “học trò” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ cho con mình là Duy Quang cất tiếng hát mà thôi. Ngoài ra có gì lạ đâu. Lúc đầu tôi cũng nghĩ thế, cho đến khi tôi gặp được Duyên, người đã một thời là nguồn cảm hứng cho chàng thi sĩ “ngờ nghệch” vừa mới rời ghế nhà trường.
Duyên cùng người chồng từ Mỹ về đến gặp tôi qua lời giới thiệu của họa sĩ Đinh Cường. Cũng như các bạn khác cùng có mẫu số chung mê văn chương chữ nghĩa, gặp nhau dù chưa lần nào thấy mặt nhau, chúng tôi say sưa mải mê trong những câu chuyện đầy ấn tượng từ thuở nào đã qua trong đời sống. Duyên nhắc về thời cô Bắc kỳ nho nhỏ đi học ở trường Ngô Quyền và Nguyễn Tất Nhiên thì lãng đãng như giọt mưa trên lá.
Bao nhiêu năm qua, gần nửa thế kỷ, người con gái tên Duyên đã thành thiếu phụ nhưng giọng nói “Bắc kỳ” nhỏ nhẹ, dáng dấp cao thon thả và mái tóc vẫn “demi garcon”, tôi hỏi nhỏ: “Duyên có buồn muôn niên không?”. Cả hai vợ chồng Duyên-Tùng đều nở một nụ cười. Riêng Duyên nói nhỏ: “Cái ông Phạm Duy nghiển chuyện”. Đúng bài thơ của tác giả đâu có câu đó.
        Trở lại thời gian 1954 những cô gái “Bắc Kỳ” theo gia đình di cư vào Nam, tập trung nhiều nhất ở Đồng Nai Biên Hòa đã mang theo những giọng nói, âm điệu lạ tai, nhẹ nhàng, để những chàng trai cùng lứa tuổi, cùng một mái trường, có một chút lãng mạn, có một chút mê thơ văn, phải rung động trái tim. Trong đó cũng có tôi, ở một nơi tỉnh lẻ: Phan Rang Ninh Thuận. Cô bé Bắc Kỳ nho nhỏ, tuổi 13, với chiếc áo đầm, với mái tóc thề xõa ngang vai, với giọng hát đầy tình cảm.
Từ Duyên tôi mới thấy được hình dáng của tập thơ Thiên Tai qua Email. Tranh bìa của Họa sĩ Đinh Cường. Tập thơ mỏng mà đã có nhiều bài làm tặng Duyên. Và mấy mươi năm qua biết bao cuộc bể dâu, dù đã hạnh phúc bên chồng con, người con gái năm xưa ấy và bây giở là thiếu phụ vẫn giữ tình cảm ban đầu một cách trang trọng.
Nguyễn Tất Nhiên đã thành người thiên cổ. Phạm Duy người phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên thành nhạc cũng lìa đời. Nguyễn Đức Quang chàng du ca làm giới trẻ mê âm nhạc một thời phổ thơ Vì tôi là linh mục cũng về đất Chúa. Giọng ca đầy truyền cảm của Duy Quang đã từng đưa những bài nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên làm rung động lòng người cũng bỏ cuộc đời về miền vĩnh viễn. Còn lại Duyên. Như một cái nôi khởi đầu cho tôi tìm hiểu về Nguyễn Tất Nhiên. Cả một tháng nay, sáng nào cũng vậy, tôi dậy thật sớm, việc đầu tiên là mở máy nghe vài bản nhạc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Tôi đắm mình vào lời ca tiếng hát đó, tôi xúc động có lúc rơi nước mắt. Thà là giọt mưa. Thà như giọt mưa…
Ban đầu, lúc Nguyễn Tất Nhiên chưa đầy 20 các nhạc sĩ thời danh phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Nhưng sau năm 1975 Nguyễn Tất Nhiên thành nhạc sĩ tự mình phổ thơ mình. Vượt biển qua Pháp. Nhìn sông Seine lại tưởng mình ở sông Đồng Nai. Nhìn cô gái Pháp nhớ lại cô Bắc kỳ nho nhỏ. Quê hương và nỗi nhớ. Tôi đắm chìm trong âm thanh trầm bổng, trong tiếng hát lời ca như những lời tỉ tê, tâm sự với ai đó. “Trên đường Hồng Thập Tự” ngang qua trường Luật…
Từ một nhà thơ thành một nhạc sĩ, qua Duyên và Phạm Công Hoàng - một người đồng hương và cùng trường Ngô Quyền, cho tôi biết Nguyễn Tất Nhiên còn viết văn có những truyện ngắn đang trên Văn, trên Tuổi Ngọc, những tạp chí văn học thời danh trước 1975. Một cơ duyên đến với chúng tôi, qua Huy - một người bạn trẻ mê văn chương, đã sưu tập hầu hết những tạp chí văn học của miền Nam trước năm 1975, chụp lại những truyện ngắn của Nguyễn Tất Nhiên đăng trên Tuổi Ngọc, tôi phải nhờ Ngô Thị Mỹ Lệ ngồi cặm cụi gõ bàn phím trên máy vi tính.
Qua những trang mạng tôi không thấy ai nói đến Nguyễn Tất Nhiên là nhà văn, ngoại trừ từ Thư Quán Bản Thảo của Trần Hoài Thư công bố tư liệu về cuộc phỏng vấn của Tạp chí Tuổi Ngọc với Nguyễn Tất Nhiên. Cuối bài Nguyễn Tất Nhiên cũng thổ lộ:
Trong tập truyện sắp in, tôi viết ở trang đầu: “Tôi viết văn vì thơ chưa nói hết. Nếu có sự lựa chọn giữa tác phẩm và hạnh phúc, tôi sẽ là kẻ vói tay về phía hạnh phúc, nhưng hạnh phúc mãi tan tành nên tác phẩm rơi rớt lại trần gian!”
Chưa hết năm 1974 khi anh đang là sinh viên trường luật, anh còn mang một đam mê khác là Kịch Nghệ. Anh Lê Cung Bắc là người khuyến khích và hướng dẫn tôi trên địa hạt này.
Ước mơ. Đam mê. Thành công hay thất bại là chuyện khác. Một người có nhiều tài năng như Nguyễn Tất Nhiên và lãng mạn như Nguyễn Tất Nhiên làm sao hòa nhập với cuộc sống thực dụng trên đất Mỹ. Năm 1979 Nguyễn Tất Nhiên đang ở Pháp. Năm 1983 anh theo vợ nhập cư qua Mỹ. Tôi cũng vài lần có dịp sang thăm bạn bè ở Nam Cali, các bạn văn cũ đều nhận định như thế.
Nên có gì lạ khi người ta phát hiện trước sân chùa trên một chiếc xe hơi cũ, Nguyễn Tất Nhiên đã chết vì hơi ngạt.
Thời học trò Nguyễn Tất Nhiên muốn làm linh mục. Như đã nói, tôi chi yêu một bài thơ cũ, Linh Mục. Thuở ấy, tôi thiệt thà đôn hậu lắm. Thuở ấy nhà tu sáng chói trong tôi. Thuở ấy…
Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài. Cũng nên mở dấu ngoặc nơi đây. Duyên sắp có chồng!
Tuổi trung niên sống trên đất Mỹ Nguyễn Tất Nhiên muốn thành thiền sư. Những bài thơ năm đó anh nghiêng về Thiền. Tập thơ Tâm Dung xuất bản tại Mỹ.
Có một việc làm tôi chạnh lòng khi nhìn hình chụp tấm bia trên mộ Nguyễn Tất Nhiên chỉ ghi dòng chữ bạn bè, báo chí, văn nghệ, cha mẹ, anh em.
Riêng tôi, với Duyên bài văn này như một lời cám ơn.

Nguyên Minh
25.4.2017 
Ghi chú: Chữ in nghiêng: lời của Nguyễn Tất Nhiên