Friday, April 21, 2017

2823. Phỏng vấn TRƯƠNG VŨ Con người sau nội chiến ((Tạp chí Hợp Lưu thực hiện)


Phỏng vấn
TRƯƠNG VŨ

CON NGƯỜI SAU NI CHIN

((Tạp chí Hợp Lưu thực hiện)

Trương Vũ


Bài phỏng vấn Trương Vũ, "Con Người Sau Nội Chiến", do tạp chí Hợp Lưu, qua nhà văn Trần Vũ, thực hiện năm 2005 cho số 82. Bài viết được đăng lại ở đây nhân kỷ niệm 42 năm chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Từ thời điểm bài phỏng vấn được thực hiện cho đến nay đã có ít nhiếu đổi thay trong tâm tư, trong ý thức của người Việt về cuộc chiến và cả trong thực tế chính trị, xã hội, văn hóa của Việt Nam trong nước và các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lỏi phát sinh từ những mâu thuẩn về ý thức và từ sự tàn phá con người trong nội chiến và cả sau khi nội chiến chấm dứt dường như vẫn còn nguyên. Những điều trình bày trong bài phỏng vấn này, do đó, rất đáng để chúng ta đọc lại và suy gẫm.

Khi cho đăng lại bài phỏng vấn, chúng tôi lược bỏ vài đoạn liên quan đến cá nhân với sự đồng ý của Trương Vũ. 

Blog Phạm Cao Hoàng


Hợp Lưu:Trong hồi ký Ngày N+, cựu đại úy quân cảnh Hoàng Khởi Phong đã kể về một sĩ quan cấp úy tự nguyện ở lại Nha Trang không đưa gia đình chạy về Sàigòn sau khi Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hoà thất thủ.Viên sĩ quan đó chính là Trương Vũ. Vì sao khi ấy, trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang thành lập tuyến phòng ngự Sàigòn từ xa ở Phan Rang, các tỉnh lớn Long Khánh, Biên Hoà, Cần Thơ và thủ đô Sàigòn chưa mất mà Trương Vũ chọn ở lại một thành phố đã bỏ ngõ?

Trương Vũ: Câu hỏi rất hay nhưng đặt ra không đúng với bối cảnh thật và hoàn cảnh cá nhân tôi vào lúc đó. Tôi chỉ phục vụ hai năm trong QLVNCH trong đó có gần một năm ở hai quân trường, và được biệt phái về Bộ Giáo Dục năm 1970 với cấp bực thiếu úy trừ bị. Sĩ quan biệt phái, trên nguyên tắc vẫn là quân nhân nhưng trên thực tế là dân sự, không trực thuộc bất cứ đơn vị quân đội nào. Câu trả lời của tôi trong bài phỏng vấn của Trần Văn Thủy liên quan đến quyết định ở lại có thể không làm hài lòng một số người. Không biết có phải đây là lý do HL đặt lại câu hỏi một cách quyết liệt hơn cho tôi, một sĩ quan biệt phái, thay vì hỏi các cấp tướng hoặc tá trách nhiệm bảo vệ thành phố Nha trang hiện đang còn sống ở hải ngoại? Tôi vẫn thích trả lời câu hỏi vì tin rằng mỗi người trong chúng ta dù ở bất cứ cương vị nào đều phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nhưng để có câu trả lời chính xác tôi phải đưa ra một bối cảnh và hoàn cảnh cá nhân đúng với sự thật. Tôi hy vọng kinh nghiệm và quan điểm cá nhân về quyết định đi, ở của mỗi người trong một hoàn cảnh như vậy, được trình bày ở đây sẽ rõ hơn, sẽ giúp phần nào cho những thế hệ sau nhìn ra tính phức tạp của cuộc chiến, để đừng có những phán xét quá đơn giản thường dẫn đến những nghịch lý và bế tắc trong lý luận.

Nhiệm sở sau cùng của tôi trước 30-04-75 là trường Đại Học Duyên Hải Nha Trang. Tôi dạy toán ở Sư phạm, đồng thời phụ trách Sinh viên vụ của đại học. Vào những ngày cuối tháng 3 năm đó, Sinh viên vụ được chỉ định phối hợp với ban Đại diện Sinh viên phụ trách cứu trợ đồng bào từ các tỉnh cao nguyên và miền Trung đang tạm trú trong khuôn viên đại học. Lúc đó hầu như nhà nào cũng có đồng bào lánh nạn tạm trú. Thời gian đó, dù rất hoang mang, hầu hết giáo chức và viên chức tôi biết đều cố gắng làm nhiệm vụ của mình. Mọi người đều nghe nói đến lệnh tử thủ Nha Trang. Nhưng đến sáng ngày 1 tháng 4 tình hình vụt đổi khác. Ngoài đường, mọi người chạy như điên, từ xa chạy về thành phố, từ thành phố chạy đi, hoặc chạy loanh quanh không biết đi đâu. Trong khi đó, đài phát thanh vẫn còn phát lệnh truyền thanh cho quân nhân và công chức phải ở nguyên tại nhiệm sở. Lúc đó chưa có bóng dáng quân miền Bắc gần thành phố. Dầu vậy, ý định di tản cũng đã đến với chúng tôi, và gia đình tôi (gồm chín nhân mạng) đã chuẩn bị sẵn sàng. Phương tiện duy nhất có thể dùng là chiếc xe jeep dân sự do một đứa cháu gái gọi bằng chú để lại sau khi gia đình cháu đã vào Sàigòn. Tôi nhớ rất rõ đến giờ phút đó tôi vẫn không ở trong tâm trạng có thể bỏ đi một cách dứt khoát. Vài giờ trước đó, vợ của một người phụ tá chạy chân đất sang nhà tôi nói lắp bắp, không ra hơi, xin cùng di tản với chúng tôi. Chồng chị là một người tôi coi như anh, làm việc với tôi rất tận tình. Họ có hai con, rất nghèo, chẳng có phương tiện riêng nào. Rồi, còn những người phụ tá khác và những sinh viên thất lạc gia đình tôi đưa về tạm trú trong nhà. Và, không lẽ cứ giặc sắp đến là chạy, bất kể có lệnh cấp trên hay không? Đang trong tâm trạng rối rắm như vậy thì Hoàng Khởi Phong (HKP) xuất hiện ngay trước nhà.