HUỲNH HỮU ỦY
HOÀI NIỆM
HỌC GIẢ THÁI VĂN KIỂM (1922-2015)
Học giả Thái Văn Kiểm
Hạ tuần tháng 2 năm 2017 này, cây bút lão thành Thái Văn Kiểm qua đời vừa đúng hai năm. Sau gần nửa đời người sống nơi đất khách, những ngày tuổi già xế bóng, ông tìm về quê cũ rồi yên nghỉ mãi mãi nơi đây.
Ông là một khuôn mặt quen thuộc đối với văn giới, học giới, với những người đọc sách có chú tâm về nền văn hóa dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ vừa qua. Nhà Việt Nam học xấp xỉ tuổi bách niên chia tay với mọi người, nhìn chung quanh chúng ta chỉ còn nhận ra vài khuôn mặt hiếm hoi danh vọng khác cũng ở lớp tuổi ấy, có thể kể đến Vũ Quốc Thúc, Đoàn Thêm, Trần Ngọc Ninh, Trần Văn Khê*, Lê Thành Khôi. Nhỏ tuổi hơn một chút là Nguyễn Thế Anh, Hà Văn Tấn… Hy vọng còn vài nhân vật khác mà tôi không kịp nhớ ra.
Sinh năm 1922 ở Huế, bên bờ hồ Tịnh Tâm (1), một địa danh đặc biệt của cố đô, chính quán làng Bao La, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Thời tuổi trẻ, học trường Phú Xuân, trường Quốc Học, rồi được bổ nhiệm Tham Tá Tòa Khâm. Năm 1952, giám đốc Nha Thông Tin Trung Việt, trực thuộc Hội Đồng Chấp Chính Trung Phần. Năm 1953, làm Tỉnh Trưởng Khánh Hòa, rồi Tỉnh Trưởng Ninh Thuận. Sau năm 1954, chuyển về Bộ Giáo Dục, phó giám đốc Nha Văn Hóa, chủ bút Văn Hóa Nguyệt San, chủ biên Văn Hóa Tùng Thư. Năm 1963, giám đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn; vài năm sau chuyển qua ngành ngoại giao, tùy viên văn hóa các sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Tunis (Tunisie), Dakar (Sénégal), Kinshara (Congo). Sau biến cố 1975, trở lại Pháp và định cư ở Paris, làm việc ở thư viện Trường Cao Đẳng Kiến Trúc (L’Ecole Nationale Supérieure d’Architecture de Paris) đến năm 1987 mới về hưu. Một đời người nhiều biến chuyển, đi nhiều, sống nhiều, từ trong nước ra đến hải ngoại, tất cả đều thuận lợi cho một người hiếu học, ham thích làm việc, suốt đời đọc và viết, quan sát và ghi chép, và đã để lại nhiều dấu vết quí giá.
Cộng tác với nhiều diễn đàn văn hóa, bài viết của ông xuất hiện trên Văn Hóa Nguyệt San, Luận Đàm của Tổng Hội Giáo Chức, Đại Học (Huế), Tập San Sử Địa, nguyệt san Lành Mạnh ở Huế, Bách Khoa, Sáng Dội Miền Nam, Đời Mới, France-Asie, Sud-Est Asie, Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises.
Hai tác phẩm của ông thường được nhắc đến nhiều là Cố Đô Huế (Văn Hóa Tùng Thư, 1960) và Đất Việt Trời Nam (Nguồn Sống, Sài Gòn, 1960). Cũng nên kể đến mấy quyển khác nữa là Việt Nam Nhân Vật Chí Vựng Biên, soạn chung với Hồ Đắc Hàm (Văn Hóa Tùng Thư, 1962), Chỉ Nam Về Viện Bảo Tàng Quốc Gia Việt Nam, soạn chung với Trương Bá Phát (Bộ Văn Hóa Giáo dục và Thanh Niên xb, 1974). Cuối thập niên 90 cho đến năm 2005, tập hợp các bài viết sau thời điểm 1975 và xuất bản:
- Việt Nam Tinh Hoa, Mõ Làng, Hoa Kỳ, 1997
- Việt Nam Gấm Hoa, Làng Văn, Canada, 1997
- Việt Nam Anh Hoa, Làng Văn, 2000
- Việt Nam Thăng Hoa, Làng Văn, 2005