HỒ ĐÌNH NGHIÊM
B Ó N G M Â Y N G À Y C Ũ
Tôi
gặp nhà văn Mai Thảo 4 lần. Gặp thi sĩ Tô Thuỳ Yên 5 lần. Đó là chưa tính tới
những lần thấp thoáng nhìn thấy họ qua chữ viết, qua thơ văn họ giàn trải. So
ra, tôi may mắn hơn kẻ khác, kẻ ưa viện dẫn Hán Nôm: Văn kỳ thanh bất kiến kỳ
hình.
Bút
hiệu của hai vị này, đã có một thời, tôi từng bị họ mê hoặc qua thứ khí hậu họ
dựng nên. Họ quả tài ba khi hô phong hoán vũ bằng một thứ bí kíp phải có duyên
phận mới sở hữu được. Nhà thơ Tô Thuỳ Yên dung dị, xuề xoà, chừng mực trong khi
nói chuyện, kề cận anh không ngỡ đó là một cựu sĩ quan có quân hàm khá lớn, lại
càng không tưởng được người ấy là tác giả của vô vàn bài thơ thượng thừa rất
mực. Trong hai thi tập anh ký tặng; “Thơ Tuyển” (1995) và “Thắp Tạ” (2004), đọc
suốt, tôi chẳng ngó ra một hạt sạn nào cả. Toàn bộ thảy hay tuyệt, hay từ a tới
z. Hay tới bến. Thành thực để nói, những tập thơ của các thi sĩ khác dường như
vấp phải một vấn nạn: Có đôi ba bài chẳng mấy hay nằm chung đụng lẫn lộn ở bên
trong.
Chân dung Tô Thùy Yên - dinhcuong
Tôi
nói nhà thơ Tô Thuỳ Yên là người giản dị, tính tình cởi mở, dễ tiếp cận bởi nhớ
có lần họp mặt, vợ tôi tuy “ngoại đạo” nhưng do ngưỡng mộ người làm ra bài thơ
“Chiều Trên Phá Tam Giang” nên nức lòng dẹp bỏ tính rụt rè cố hữu để tới diện
kiến. Khi nghe giới thiệu, nhà thơ đã rộng mở miệng cười: Ủa, hoá ra đây là
Bích nhỏ, để anh chỉ Bích lớn cho xem. Vô tình cả hai ma-đàm đều mang trùng tên
và Bích chị Bích em đã ngồi bên nhau an tâm suốt đêm dài.
Không
như Tô Thuỳ Yên, bao quanh con người nhà văn Mai Thảo có thứ vỏ bọc mơ hồ làm
rào chắn, khó lân cận. Nhưng một khi đã được kề gần, vẻ xa lạ và ít nhiều khinh
mạn kia biến đổi thành một hấp lực, bởi nhà văn Mai Thảo có lối nói chuyện rất
cuốn hút. Nghe anh kể chuyện về Bùi Giáng, cả một hội trường đông người ở viện
đại học George Mason vùng Fairfax bên Virginia thính giả như bị hớp hồn đồng
loạt im sửng lắng nghe. Người thuyết giảng đứng nghiêng vai trên bục, vẫn cái
dáng cô đơn lừng lững cố hữu, như một vị tì khưu, như một con tê giác, tay
không cầm giấy và chữ mê hoặc luân lưu thoát ra từ miệng, từ tấm lòng biết nâng
niu cái đẹp có ở một nhân tài dị kỳ đang khuất bóng chốn xa. Khi ngồi đâu vai
bên bàn tiệc, anh nói: Tôi có một điều không may, một sự hối tiếc thì đúng hơn,
đấy là tôi chẳng được diện kiến nhà thơ Tú Xương. Điều Mai Thảo nói khiến tôi tự vấn lòng, tự tìm ra một khuôn
mặt tài danh khuất lấp, để giả như nghe anh hỏi: Cậu thì sao? Tôi hẳn có ngay
câu trả lời: Tôi vẫn ước được đối diện với Thanh Tâm Tuyền, được ngó tận mắt “một
đoá trăng tàn lẩn lút bay”.
Anh
Thanh Tâm Tuyền nói giọng Bắc, tiếng nhỏ, trầm ấm. Rất hoang đường, chuông điện
thoại reo một sáng trời lạnh và từ vùng Minnesota truyền qua sóng một ngữ điệu
nhấp nhô làm say lòng. “Tôi tính sang bên ấy chơi ít hôm, nhưng hãy nhớ giữ kín
thông tin này, nhé. Tạm thời tôi chưa muốn một cuộc gặp chộn rộn đông người”.
Tôi vui vẻ hứa, tôi phấn chấn tự vẽ ra một viễn tượng và tôi nôn nóng chờ đợi.
Tê Tam Thừa bảo anh sẽ gọi lại trước khi đã định ngày lên đường. Ngày lại ngày,
tuần qua tháng, tôi vẫn không hiểu vì sao đã chẳng còn một cuộc điện đàm lần
thứ hai. Rồi năm sau, đột nhiên nghe hung tin anh vừa “lên đường”. Đã lâu, anh
có viết ở đâu đó, có vẻ tâm đắc lời của Keats: “Hạnh phúc thay ở trần gian này
lại còn có nấm mồ”. Như vậy, vĩnh viễn tiếng chuông điện thoại sẽ bằng bặt thôi
gióng tiếng. Tôi ngồi thừ ra, buồn quá đỗi. “Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện,
lòng ta quạnh vắng như cỏ cây”. Chút hình ảnh mông lung có trong thơ Bùi Giáng
hiện về:
“Xin
chào nhau giữa con đường
mùa
Xuân phía trước miên trường phía sau”.
Rõ
là một lời chào. Chỉ chào nhau một tiếng, thế thôi. Không xuân hạ thu đông gì
nữa cả. Tuyệt đối tàn tạ. Miên trường vĩnh cửu. Nhà văn Mai Thảo trước khi mất
có làm bốn câu thơ:
“Có
thể ta không còn ở nữa
mà
đã xa rồi, xa rất xa
với
giải mây kia và nắng ấy
thôi
ở thôi còn với chính ta”.
Và
cũng giống Mai Thảo, tôi buồn bã để thú nhận: Tôi có một điều không may, một sự
hối tiếc thì đúng hơn, đấy là tôi chẳng được diện kiến nhà văn nhà thơ Thanh
Tâm Tuyền. Chung quy, ba khuôn mặt nổi trội của nhóm Sáng Tạo ngày nào, tôi chỉ
có cơ duyên được hàn huyên cùng hai vị. “Bếp Lửa” thứ ba tựu trung vẫn là một
thắp sáng đầy hối muộn giữa hiu quạnh chẳng được ngồi kề sưởi ấm.
“Vẫn
em dáng cây nghiêng nẻo khuất
Sương
muộn ham mê thức lá buồn
………..
Vẫn
em đoá quỳnh run hoảng nở
Hương
thầm choàng riết cõi đêm ta”.
Thơ
ấy làm năm 1973, tới 1979 khi đi tù ở Yên Báy, nhà thơ tỏ bày:
“Đầm
mình trong hạnh của ẩn mật
Mắt
hoen nhoà hứng giọt thiên thâu
Dò
dẫm lối về đêm tối mịt
Sông
xa núi thẳm quê nhà đâu?”
Hai
cảnh giới khác biệt, hai hoàn cảnh đối nghịch nhưng vẫn nhất quán một hơi thở,
một địa phận riêng tây. Nhà thơ từng giải bày: “Thi ca tới với bạn không hẹn
trước, không định ngày, định giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở
đâu. Chỉ còn là một công việc đơn giản: Đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi
hỏi ở bạn một điều duy nhất: Giữ cho được tiếng nói thuần khiết và sau đó tiếng
nói ấy sẽ quyết định đời sống chính nó”. (Làm thơ trong tù cải tạo).
Lùi
lại năm 1970, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền phụ trách phần mục “Âm Bản”, những ghi
nhận hàng tuần trong báo Khởi Hành, tôi đọc thấy một đoạn thú vị, xin được chép
lại, (vay mượn từ nguồn của huyvespa.blogspot.com):
“Anh
có thấy không? Không ai nói viết thơ cả, viết thư thì có. Khi người ta nói làm
văn đó là có ý dè bỉu. Một nhà văn làm văn, thật không có gì miệt thị hơn lời
ấy. Nhưng một người làm thơ làm thơ lại là lẽ tự nhiên. Chỉ ngô nghê khi anh
nói người làm thơ viết thơ.
Như
thế anh thấy gì?
Giản
dị hết sức, làm không phải viết. Làm thơ không cần viết. Không cần viết nghĩa
là không cần tờ giấy, không cần cây bút, hơn thế không cần cả chữ. Phụ tùng hết
thẩy. Một anh chàng làm thơ đã hùng hồn tuyên xướng: “Nếu ai cướp mất bút tôi,
tôi sẽ dùng dao khắc thơ lên đá…” Nghe cũng rung đấy, nhưng cần gì phải thế.
Anh chỉ cần đọc lên cho người khác nghe. Thế là xong. Trăm năm bia đá thì mòn,
nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ. Thơ gốc như thế. Nó chỉ cần có tiếng nói,
không cần chữ. Có chữ ghi chép lại càng hay”.
Đoạn
khác:
“Thụ
động hay chủ động, mê mẩn hay sáng suốt, trước tiên viết chỉ là sự ghi chép.
Anh ngồi lại một chỗ, tạm gác đời sống, ghi chép lại những gì đã sống qua.
Không bao giờ anh viết được những gì đang ngọ nguậy sinh thành nơi anh. Không
bao giờ. Thơ có thể”.
……………….
“Thơ
nẩy ra làm ra những nhịp thở, những phút sống ngay chính lúc đó. Văn chương
không “làm” ra cái gì hết. Văn chương chỉ là sự ghi chép. Có chăng chỉ là những
tín hiệu của một đời sống ở đâu ngoài những câu kệ tan nát”.
………………..
“Có
lẽ văn chương là sự quy chiếu. Trong văn chương có thể có một chút hơi thơ nào
đó nhưng không bao giờ văn chương trở thành thơ như người ta mơ ước. Văn chương
phát sinh để sống cuộc đời của riêng nó, nó có nghĩa của nó. Cái nghĩa của tấm
gương vỡ, cái nghĩa của một tham vọng, cái nghĩa của niềm bất hạnh, cái nghĩa
của một chứng bệnh… Nói chung, mắc văn chương là mắc chứng bệnh lèm bèm”.
Có
lẽ tôi mắc chứng bệnh lèm bèm. Nhưng tôi sẽ lèm bèm bởi cho tới giờ phút này,
đọc lại những trích đoạn của Thanh Tâm Tuyền viết từ năm 1970, tôi vẫn thấy nó
mới, nó sướng. Nó có thể dùng cho những ai tập tành viết văn thế một lời khuyên
nhủ: Bạn có thể lèm bèm nếu bạn có khả năng. Trong “Âm Bản”, nhà thơ Thanh Tâm
Tuyền có khi chỉ viết một dòng ngắn: “Tôi vừa đọc được một câu khá thú vị: “Mỗi
người suốt đời chỉ nói mỗi một câu và chỉ dứt khi chết”.
Anh
Thanh Tâm Tuyền đã thôi nói, nhưng chỉ mỗi một câu của anh thôi, với tôi, nó có
đời sống riêng. Nó tạo dựng ra một con đường và tôi nghĩ, con đường ấy đã có
lắm kẻ đặt chân vào. Tựa như Trịnh Công Sơn, khi nằm xuống, phía sau hun hút là
một khoảng trống. Đôi vì sao rơi rụng và bầu trời chừng như hoang lạnh đen sâu.
Nhà
thơ Bùi Giáng, mà Mai Thảo cũng như Thanh Tâm Tuyền đều yêu mến, đã từng “giả
bộ” viết lại Nam Hoa Kinh rằng: “Không biết làm thơ mà cứ ưa lôi chuyện thơ ra
bàn, ấy là đạo vậy!” Tôi nào bàn chuyện thơ, chẳng qua vì tưởng tiếc một người
mà đâm dài lời vậy thôi:
“Bây
giờ tôi đối diện tôi
Còn
hai con mắt khóc người một con”.
Xin
nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, nhà văn nhà thơ Mai Thảo và “Đại ca” Bùi Giáng
mãi ngậm cười nơi chín suối.
Hồ
Đình Nghiêm
April 15, 2017