Thursday, March 23, 2017

2787. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Truyện ngắn TRẦM TÍCH





“Có người bảo: Phụ nữ và mèo sẽ không đến khi nghe bạn gọi, chỉ kề bên bạn ở phút giây mà bạn chẳng lường trước. Ngày nọ tôi đứng bên song cửa trông ra sinh hoạt nhộn nhịp của một góc phố, bỗng dưng khuôn mặt một giai nhân hiện tới che lấp tầm nhìn, cận kề đến độ tôi có thể cảm nhận hơi thở của cô ấy. Trong khi duỗi bàn tay tới vuốt má tôi, cô thì thầm: Anh có thích đếm những hạt nốt ruồi ẩn dấu trên thân em không?”

Tôi gấp cuốn sách lại vì có khách đang bước đến bên quầy. Cuốn sách tôi đang xem đã mất bìa, giấy ố. Là bản dịch từ một tác phẩm của Tây Ban Nha, tôi đồ vậy qua địa danh cùng thắng cảnh có nhắc trong truyện. Khách lục túi, moi ra một vuông giấy, ông đọc lên một nhan truyện và hỏi liệu tôi có giúp ông tìm ra nó không? Tôi dò trong máy điện toán, sắp xếp có thứ tự tên tác giả cùng tác phẩm, kết quả là không tìm thấy. Tôi lắc đầu, tiếc là chúng tôi chẳng có cuốn ông tìm hỏi. Thử đến tiệm sách Bình Minh cách đây hai dãy phố xem sao.

Tôi là sinh viên văn khoa năm thứ ba, tôi xin được việc làm bán thời gian bởi học bổng chẳng dư thừa nếu không muốn nói là eo hẹp khi có biết bao nhiêu thứ cần trang trải. Tôi sống giản tiện, ít nhu cầu. Lương nhận được từ tiệm sách này phụ giúp tôi dẹp yên vấn nạn bánh mì cà phê thuốc lá, thừa chút đỉnh thì đi vào lục soạn trong cửa hàng chuyên bán áo quần cũ để khi bước ra tôi có một bộ vó “thơm mùi đồ Mỹ”. Tôi chưa có bồ, những cô bạn học tôi để tâm tới thì bọn họ từng ăn nằm cùng người yêu. Họ công khai niềm hạnh phúc ấy và dĩ nhiên họ ngó nửa con mắt về cái thằng sinh viên nghèo xa gia đình tới trọ học kia. Có cô sau khi hỏi mượn bài vở của tôi, khi trả lại cô chồm người sang bàn tôi với chiếc áo quên cài đôi ba khuy nút. Một phần ngực cô bày ra trước mũi tôi và cô xem đó là cách dùng để trả công. Sòng phẳng quá, đòi chi hơn? Suy cho cùng, bản tính tôi hơi nhút nhác. Tôi rất ngại sợ điều mình làm lỡ gây tổn thương cho kẻ khác. Nhưng tôi hạnh phúc khi kiếm được công việc này, nếu vắng khách tôi tha hồ vùi mặt mình trong vô vàn lời hay ý đẹp thầm lặng vây quanh. Dưỡng khí tôi hít thở là vuông phòng vây kín những tầng lớp của sách truyện. Một thư viện thu bé. Những kẻ có khứu giác nhạy bén sẽ nhảy mũi hắt hơi khi bước vào nhưng mùi giấy ẩm đó là thứ khiến tôi lỡ nghiện say, xa thấy nhớ.

Khách thì đủ hạng người, tôi thử ghi nhận để có thể xem như tư liệu dùng vào bài làm nghiên cứu sau này. Đa số là những vị đứng tuổi, kiểu như công chức đã nghỉ hưu; sinh viên học sinh và lượng khách còn lại thì khó nhìn nhận ra thân phận. Điều làm tôi ngạc nhiên trong lý thú là phái nữ chiếm nhiều hơn nam giới, tới bảy tám phần mười. Tôi mơ mộng, một ngày kia không chừng tôi tựu thành một mối tình ngây dại trong không gian quyến rũ này. Một người con gái, một phụ nữ, một con mèo sẽ tới mà mình không phải gọi tên.

Người chủ quán sách là một doanh nhân, ông bỏ công đầu tư vào nhiều thương vụ khác để cả tin giao khoán cho tôi trông coi hiệu sách cũ này. Trước sau ông vẫn là người tốt bụng, xem tờ khai lý lịch bản thân trong đơn xin việc của tôi mà chẳng buồn phỏng vấn dăm câu. Ông làm thêm chiếc chìa khoá trao tay tôi, chỉ bày những điều đơn giản về việc đóng mở, cửa cũng như ba bóng điện thắp. Ông thường ghé bất chợt, đều đặn thì mỗi tháng xuất hiện bốn lần, mang theo những chồng sách cao đã ràng buộc giây biểu tôi tháo gỡ chất thứ lớp lên ngăn kệ, xem qua sổ sách và chi trả tiền lương cho tôi. Thảng hoặc sai tôi đi mua cà phê, đi mua cơm phần đầu ngõ và nhiều lần mời tôi cùng ăn chung. Đó là những khi ông tỏ bày, gần là một uỷ lạo: Tôi hiểu những khó khăn dành cho sinh viên sống xa nhà như cậu, hãy cố vượt lên. Ông nói ngày xưa khi ở quê, bố ông đã đi bắt đom đóm nhốt cứng trong một cái lọ thuỷ tinh để thế ngọn đèn cho ông đọc sách, và dĩ nhiên ông từng thi đậu cả bán cũng như toàn phần. Ông mở tiệm bán sách cũ cũng là một cách tưởng nhớ về người bố kia. Tôi cảm động khi nghe dù lòng dấy lên đôi chút hoài nghi. Chuyện ông kể có nằm trong đống sách cao quá đầu người kia không?

Một bữa ông chủ giao việc ngoài giờ cho tôi, có chồng sách quý đã chịu lắm ẩm mục hư hao, cậu mang ra sân sau phơi nắng hộ tôi, xem có cứu chữa được không, dùng băng keo trong mà dán cẩn trọng những trang rời hoặc rách. Sân sau có khoảng xi-măng, có một cây trứng cá dáng còi cọc, có cái giếng bỏ hoang, có giăng sợi dây thép phơi quần áo và có một vuông trời nhiều mây bay. Tôi ngồi trên vành giếng thắp thuốc hút, nghĩ là mình phải quét sạch bụi trên sáu ô xi-măng ấy mới phơi sách được. Sách là thứ muôn đời không thể mang hong khô trên giây, cũng như chẳng ai phơi áo quần trên nền xi-măng cả. Giếng bỏ phế có thể tích tụ nước mưa và hình như tôi vừa nghe tiếng vọng từ vòm tối đen kia dồn đẩy lên. Một hai con cá? Một con rắn nước? Chỉ có sinh vật mới biết gây tiếng động, cành củi mục thì hẳn chịu cứng thây vùi chôn cùng bùn lầy. Tôi ném điếu thuốc, cúi mặt xuống vũng thâm u. Đâu ai nhốt được một cơn gió? Hơi lạnh từ bên dưới dật dờ làm tôi ngầy ngật như say thuốc.

Chồng sách đặt giữa sân, vô tình đưa gáy ra và tuy khoảng cách khá xa tôi vẫn đọc được một nhan truyện nằm chen lẫn: “À la recherche du temps perdu”. Hàng chữ ấy có hấp lực lôi tôi đến gần. Đây là tác phẩm nổi tiếng của Marcel Proust. Tôi chưa đọc, đã bỏ công tìm ở thư viện nhà trường cũng không thấy. Tôi đưa tay sờ mó nét tàn phai nó đang hứng chịu, nhẹ nhàng giở lật từng trang sách. Lẫn trốn trong màu vàng cổ xưa có tấm vé đi xem chiếu bóng, một kỷ niệm muốn giữ dùng thế vật đánh dấu trang. Xuất chiếu 7 giờ tối, hạng nhất, số ghế cùng ngày tháng thì bị thời gian làm nhạt mờ. Tờ giấy nhỏ màu xanh tuy bạc màu nhưng phẳng phiu, như đã ủi thẳng bao quá khứ nhăn nhàu. Tôi giở lại trang đầu, trên góc có người ghi viết chì nhạt nét: Đặng Trần Giao Thuỷ. Chữ mềm mại tựa mỹ danh đầy nữ tính. Chủ nhân cuốn sách này hẳn là người giỏi tiếng Pháp. Giao Thuỷ, điểm hội tụ của những nhánh sông?

Tôi làm việc rất cần mẫn. Sinh hoạt của tôi ở thời gian này có thể vẽ thành biểu đồ là một hình tam giác cân: Trường học, nhà trọ và tiệm bán sách cũ. Tôi ghét lang thang một mình, thích gặm nhấm nỗi cô đơn bằng cách cúi đầu vào trang sách, thầm kín. Mùa mưa đang về, thành phố co lại trong chịu đựng dai dẳng của rét mướt. Khí hậu làm cửa hàng vắng khách. Ông chủ có mua tấm bạt lớn bằng ny-lông và bổn phận của tôi là bảo quản sách không cho mưa tạt làm ướt nhoè chữ nghĩa. Tấm ny lông có những đường sọc trắng đỏ buông màn trước lối vào ra và cả ngày, dường như thưa vắng người đưa tay vén mở. Chuyện gì tới đã tới, ông chủ trao cho tôi tiền lương cuối cùng: Cậu thấy đó, nhân chứng về việc làm ăn thua lỗ. Tôi cũng buồn để nói rằng tôi không thể giữ cậu lại, đóng mở sẽ thất thường, tạm thời tôi bảo người nhà ra trông coi khi thuận tiện. Tôi bắt tay ông chủ, cố giữ vẻ thản nhiên: Tôi cũng nên dồn thời giờ vào việc sôi kinh nấu sử, tôi sắp thi ra trường, nếu đổi đi xa làm giáo viên tôi cố thu xếp để về thăm ông. Cám ơn ông đã giúp tôi có việc làm trong hơn năm vừa qua. Ông chủ vỗ vai tôi: Chẳng biết trao cho cậu món gì làm quà mọn khi chia tay, thôi thì để kỷ niệm cậu có quyền chọn lựa một cuốn sách để mang đi.

Tôi đứng đối mặt với ba bức tường bít kín sách, chẳng hiểu sao tôi lại rút nhằm cuốn “Tìm lại thời gian đã đánh mất” có ghi ở trang đầu bốn chữ Đặng Trần Giao Thuỷ và kẹp trong đó là chiếc vé lẻ đi coi ciné đã vàng vọt. Tôi dấu sách trước ngực, ôm giữ lấy rồi nói tiếng giã từ. Cái hình tam giác bây giờ chỉ còn lại một vạch thẳng nối hai điểm: Phòng trọ và giảng đường. Những đêm mưa tiếp tục rải đầy trong giấc ngủ đa phần chẳng tròn giấc. Dạo ấy tôi hút thuốc nhiều, giữa khuya tôi hay thấy thoáng dáng một người con gái vừa vụt qua song cửa. Toàn thân cô đẫm nước, ngoài hành lang nhà trọ in dấu bàn chân trần với nước loang. Trước đây tôi chưa hề gặp phải thứ ảo giác quái gỡ như vậy. Và đôi khi tôi ngỡ như trong phòng mình có ai đã lén vào xáo trộn, dời đổi vị trí của đồ vật.

Một ngày ửng nắng lúc giao mùa, nhằm cuối tuần tôi tập thư giãn bằng cách đi bộ sang tuốt con phố có hiệu sách cũ. Dù thời gian ngắn, tôi mơ hồ hiểu là sẽ có một đổi thay đang chờ đợi. Dù tạm biệt ba tháng tôi vẫn có thứ cảm giác tựa một đứa đi xa trở lại nhà cũ. Một chút bồi hồi nào đó đang âm thầm gõ nhịp cùng tim tôi. Một đám đông vây bọc, hai ba rào cản che chắn trước hiệu sách. Bóng dáng những người mặc sắc phục cảnh sát vào ra. Ông chủ tiệm bị ai giết? Đó là ý nghĩ đầu tiên hiện ra trong đầu tôi. Ông ít tâm sự và xem ra ông là hạng người không gây thù chuốc oán với một ai. Ông từng là ân nhân của tôi. Hiệu sách bị cướp? Đời nào, chốn đó đâu phải là một tiệm bán nữ trang chất đầy vòng vàng ngọc quý. Thú thật là tôi không biết chuyện gì đã xẩy tới.

Ngồi ở đây rồi, tôi vẫn hoang mang khi nghe thông tin của quý ông, rằng qua bao năm cật lực điều tra án mạng, cuối cùng chẳng quên giả định về cái giếng hoang nằm ở sân sau hiệu sách kia, có thể là nơi  dùng thủ tiêu xác một nạn nhân nữ. Quý ông khuyên tôi nên thành thật khi hợp tác để chóng làm sáng tỏ vụ án. Tôi rất thành thật, những gì tôi viết ở trên chẳng biết có giúp được gì. Tôi mong quý ông điều tra một nhân vật: Đặng Trần Giao Thuỷ là ai? Cô còn sống không? Liên hệ ra sao với ông chủ hiệu sách?

Hãy cho tôi ra khỏi chốn này, tôi còn lắm bài vở cao ngập đầu đang đợi chờ thanh thoả cho mùa thi tới. Nếu còn nghi vấn gì thì… các ông đã rõ phòng trọ nơi tôi ở. Chúc các ông sớm phá án. Lòng tôi tự dưng nghe nóng, tựa lửa đốt.

Hồ Đình Nghiêm 
22.3.17