Wednesday, March 22, 2017

2782. NGUYỄN MINH NỮU Thương quá Sài Gòn ngày trở lại (9)


Nguyễn Minh Nữu
Thương quá Sài Gòn ngày trở lại (9)

Ngã Năm Chuồng Chó (Gò Vấp)



Về đến Saigon là về thăm gia đình, thăm lại những nơi chốn ghi dậm nét ký ức một thời đã qua.  Đi thăm lại tôi mới chợt khám phá những kỷ niệm suốt thời trẻ trai của tôi ở Saigon, là những kỷ niệm với rất nhiều con hẻm nhỏ.  Những con hẻm  không thẳng  băng mà  uốn éo  theo từng vách nhà, chạy len lỏi  từ con đường này qua con đường khác . Từ phương xa nhớ về Saigon, những hình ảnh trên mạng sẽ cho chúng thấy Nhà thờ Đức Bà, Chùa Vĩnh Nghiêm, Lăng Ông Bà Chiểu, hay dòng sông  cạnh bến Bạch Đằng, cây cầu Chữ Y nên thơ, cảnh nào cũng đẹp và  làm chúng ta nhớ  nhưng hắt hiu nhớ, trăn trở nhớ và khao khát mong về lại là những con hẻm nhỏ không tên.  Ở đó có tuổi thơ, có ký ức thời mới lớn, có gia đình,  có bạn bè và có cái phần hồn của thương quá Saigon.

Khu Bàn Cờ với con hẻm chính được trải nhựa đặt tên là đường Bàn Cờ, dọc con đường ngắn này từ Phan Đình Phùng qua Phan Thanh Giản là cả mấy chục con hẻm lớn, rồi các con hẻm lớn này tỏa ra hàng trăm con hẻm nhỏ , các con hẻm nhỏ này lại mở ra rất nhiều , rất nhiều những hẻm chút xíu chỉ vừa đủ một người chạy chiếc xe gắn máy đi vào.  Nhà Đoàn văn Khánh  ở khu này, khi tới chơi với nhau thời văn nghệ thiếu nhi, thì vòng trong xóm là những thành viên của bút nhóm Hàn Mặc Tử có Hồ Hoàn Kiếm, Nguyễn Hoàng Nhung, Lê Hồng Thái, Vũ Chinh...

Lê Hồng Thái là một lực sĩ, vừa vào hẻm mấy chục thước, quẹo trái là nhà của Thái. Thái hay đứng trước sân tập tạ, thời đó, Thái còn tham gia một nhóm  thể thao gọi là Kiến Càng. Trong nhóm anh em , Thái chia tay với anh em sớm nhất, rồi mất hút cả mấy chục năm không liên lạc được. Bỗng dưng  khoảng năm 2010, có lần Khánh hỏi ; Ông còn nhớ Lê Hồng Thái không? - Nhớ chứ, Họa Sĩ  và Lực Sĩ.- Đúng rồi, mới đây Thái liên lạc được với tôi, hiện giờ đang sống ở Mỹ Tho.

Tôi hào hứng, mình đi xuống đó chơi thăm nó đi.

Lê Hồng Thái đón chúng tôi ở đầu hẻm, ( Về Mỹ Tho vẫn lại là một con hẻm sâu hun hút ) Thái đang sống với một người tình làm thơ, và đang chờ xuất cảnh. chúng tôi kéo nhau ra quán uống cà phê.

Bao nhiêu năm gặp lại, Thái  gầy hơn, tóc dài và trắng xóa, chỉ có đôi mắt là vẫn long lanh  và giọng nói chậm buồn. 

Thái tâm sự
-Lúc này tao ít làm thơ....
Tôi ồ lên - dành thời gian đi tán gái thôi hả ?

Thái gạt ngang, nói bậy không à, dành thời gian cho vẽ và tạc tượng.
-Làm ở đâu? tới nhà  đâu thấy tranh tượng gì đâu.

Thái gật đầu, uống cà phê đi rồi tao đưa hai đứa về nhà . - Ở đâu? - Sầm Giang.

Lê Hồng Thái khỏe thiệt, Thái chạy xe đạp chay song song với tôi và Khánh  về tuốt dưới quê, Sầm Giang cách trung tâm Mỹ Tho khoảng vài chục cây số mà Thái chạy bon bon không thở dốc......

Căn nhà của Thái nằm sâu trong ruộng, nhà tranh vách lá,  Tôi và Khánh bồi hồi xúc động gặp lại chị Bình, vợ của Thái, là Cô gái mở quán cà phê Hoàng Hôn ngày xưa ở Bàn Cờ. 

Chị Bình nhận ra tôi ngay và xưng hô thân tình như cái thời .....40 năm về trước.

Nhà của Thái la liệt tranh vẽ và tượng điêu khắc gỗ.  Tranh và tượng của Thái thiên về trừu tượng và kén chọn người thưởng ngoạn. Cái đẹp mà tôi thấy được là mầu sắc phối hợp điêu luyện và bắt mắt. Có điều , tiếc thay, vì khó khăn tài chính, nên tranh thì vẽ trên giấy, mầu sắc thì xử dựng sơn xây dựng , còn các tượng , phù điêu cũng đa số thực hiện từ các loại gỗ bất kỳ nào mà Lê Hồng Thái tìm thấy được.

Ở chơi với Lê Hồng Thái một buổi mà lòng xót xa buồn, thương bạn mình, thương  một tài năng không có điều kiện phát triển.

Bạn cũ  mấy chục năm gặp lại, xúc động thì nhiều mà nói với nhau chẳng được bao nhiêu. Chỉ nhớ Thái  tâm sự, nếu lúc đó tao biết mày và Khánh ở Ban Mê Thuột thì tao cũng đã xin lên đó rồi. Sống ở Phan Thiệt một mình  buồn chán biết bao nhiêu.

Khi về lại Saigon, tôi có ý định giới thiệu một người bạn cũ, yêu nghệ thuật  giúp Thái bằng cách mua lại tất cả những gì Thái đã làm, để Thái có tiền mua Sơn Dầu, Khung Vải  thực hiện tranh . Tiếc thay, những  điều kiện hai bên không thỏa thuận được.

Bây giờ, điều kiện sáng tác của Lê Hồng Thái khá hơn, Thái đạt một số giải thưởng , có điều kiện triển lãm tranh tượng và nổi tiếng ở cả khu vực miền Tây.......

Chia tay với Thái  bên bờ kinh Long Định, và mà lòng tôi như muối sát khi nhìn người bạn Lực Sĩ ngày xưa, nhà Điêu Khắc bây giờ mà tâm hồn  hết sức nhạy cảm, nước mắt ràn rụa  khi cả ba đứa bồi hồi ôm nhau  tạm biệt

Con hẻm mà tôi ghi nhớ hoài là con hẻm vào nhà Trần Dzạ Lữ nằm ở gần ngã Ba Chú Ía.  Con hẻm dài và quanh co , rồi quẹo trái rồi quẹo phải,vài ba lần quẹo, vài ba lần đưa địa chỉ hỏi thăm  mới tìm thấy nhà. Tôi đi tìm Trần Dza Lữ khi biết tin Lữ đã về sống ở Saigon sau những ngày trôi nổi và hết sức lận đận, kể cả  chuyện đi ngậm ngãi tìm trầm mà một bài thơ Trần Dzạ Lữ đã kể:

Nói chung, đám tìm trầm
Vì đói cơm rách áo
Người yêu coi như không
Vợ con là gió thoảng
Chiều nay, qua Ba Lòng
Vì đâu, mà thương nhớ?
Đâu phải dò phong lan
Tim tím chiều mắt ngó?
Cũng không phải chùn chân
Trước núi rừng muông thú
 Nhưng mà cả binh đoàn
Đều rưng rưng nước mắt
Lúc leo qua con dốc
 Có tên là “Mạ ơi’.

Tôi và Trần Dzạ Lữ quen nhau năm 1973, cùng thời với Họa Sĩ Nguyễn Duy Ninh, và Họa sĩ Nguyễn Phước Bửu Tân.  Sau khi tan khóa học, Lữ , Tân và Ninh cùng về miền Trung tôi ở miền nam, và mất dấu chân nhau.  Sau 75  , Trần Dzạ Lữ về Sagon, lập gia đình và ở nhà vợ nằm hút sau một nghĩa trang  vùng cổng xe lửa số 6, quận 3.  Trần Dzạ Lữ lấy vợ là một cô sinh viên Đại Học Vạn Hạnh, Cô ta yêu thơ và yêu Lữ nhiều,  chịu đựng gian khổ với một gánh rau muốn bán độ nhật để chồng nhẹ lòng làm thơ. Nhờ đó, tập thơ đầu tay của Lữ là Hát Dạo Bên Đời  mới đến được tay người đọc vào năm 1995.   Năm 1995 mới in tập thơ đầu, nhưng từ trước 75, thơ Trần Dzạ Lữ đã xuất hiện nhiều ở các tạp chí văn học như Văn, Khởi Hành, ... Khi tôi lập gia đình, mời Lữ xuống , đám cưới năm 1977 là một đám cưới nghèo, cô dâu chú rể nghèo, hai gia đình nghèo và bạn hữu cũng nghèo luôn.  Lữ cầm tay một bao thư có bài thơ mừng đám cưới:

Một điều thú vị nhất
Là lúc hết chiến tranh
có người lấy vợ hiền
hát tràn câu ân ái
Mặn nồng ơi ngày cưới
Mùa xuân của đôi hồn
Rất nhiều hoa hạnh phúc
nở rộ đời tân hôn.
Chàng lên ngôi chú rể
Mộng dàn như trời cao
Nàng môi hồng mắt biết
Săm xe tình cô dâu
Ôi ngày bạn cưới vợ
Ta không có gì hơn
Làm một bài thơ nhỏ
Chúc mừng ngày tân hôn.

Rồi sau đó lại mất  tin nhau. Cho tới khi bất ngờ có người báo Lữ đã về Saigon và hiện ở Gò Vấp. Tôi  cố đi tìm vì có chơi với Lữ  mới hiểu  và thương một người làm thơ  quá nhiều lận đận . Cuối cùng, gần hai tiếng đồng hồ quanh co người này chỉ, người kia chỉ giống như một chuyến phiêu lưu rồi mới tìm ra nhà. hai vợ chồng không có nhà, cô con gái chỉ ra đường Trần Quốc Toản, nói ba con hiện giữ xe  cho một công ty nằm ở đó.

Và sau chót tìm gặp được nhau, hai thằng gọi hai ly cà phê đá, ngồi bệt xuống bậc thang  lề đường.

Trần Dzạ Lữ bản tính trầm ngâm , khuôn mặt khắc khổ và ít cười. Bao nhiêu năm gập lại, những khổ đau dường như đã bão hòa,  Ôn lại chuyện xa xưa, nhắc bạn bè cũ  mà cả hai , đứa nào cũng buồn thương cho suốt một thời bão nổi đã qua.  Lữ nhắc đến Nguyễn Duy Ninh, chàng họa sĩ có nụ cười đằm thắm hiền lành nay ở Đà Nẵng , là một họa sĩ nổi danh về Thủ Ấn Họa, có phòng triễn lãm và sống bằng tay nghề của mình, nhắc tới Nguyễn Phước Bửu Tân một họa sĩ tốt nghiệp Mỹ Thuật Huế, bây giờ về ngay thành quách cũ và mở một quán cà phê trong khu vực nội thành Huế.  Bây giờ , có facebook, kết bạn lại với nhau, nhìn những tấm ảnh mới của Lữ , tươi cười bên những thắng cảnh nhiều nơi,  tạ ơn trời, về già rồi Trần Dzạ Lữ đã có chút bình an và nhẹ nhàng.  Lữ nhắn tin với tôi qua Facebook, lần tới về, đừng ở khách sạn nữa, về tao mà ở hiện tao sống có một mình......chợt nhớ hai câu thơ của Nguyễn Du:

Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời......

 Có đêm ở giữa Saigon, mở nhạc nghe Evil Phương hát  bài "Một lần Miên Viễn Xót Xa" của Nguyễn Đức Thành:

Saigon đó từng con phố nhỏ
Mỗi dặm đường hàng vạn dấu chân con
Nha Trang, Đà Nẵng trời thơ mộng
Đâu có bao giờ con dám quên.
Giờ đây, mỗi đứa con lạc loài mỗi nẻo
Đưa CaLi, Đứa Paris, Đứa đèo heo hút gió
Gặp nhau từng giọt lệ xót xa
Buông mất câu chào đôi ba sinh ngữ
Bonjour, Au revoir, Hello, Good Bye...\
con gục đầu chua xót đắng cay.....
(https://www.youtube.com/watch?v=xzY9BrBPorA)
mà thương quá chính mình một đời chìm nổi.

Căn nhà nằm gần cuối một con hẻm ở đường Nguyễn Tri Phương này tôi đã đến nhiều lần, nhiều tới độ không nhớ đã bao nhiêu lần. Từ những năm đầu thập niên 1970, khi đó, Bùi Công Bằng là Ca Trưởng của Đoàn Du Ca Giao Chỉ, đó là một nhóm thanh niên là nhiều giáo sư và học sinh của trung học Đắc Lộ có chung sở thich ca hát. Tôi đến đó để gặp khuôn mặt trắng trẻo, đôn hậu và hàm râu xanh mượt mà luôn kèm nụ cười hào sảng. Hơn năm mươi năm qua đi, căn nhà cũ ngày xưa đã sửa chữa tân trang một chút cho phù hợp với thời đại,nhưng vẫn giữ nguyên một trệt một lầu như trước. Cái bàn gỗ dài lên nước bóng bên cạnh cây Piano nằm sát vách, cái kỳ diệu là khuôn mặt xưa dù tóc bạc phơ, hàm râu dài rậm trắng tinh vẫn rộn rã tiếng cười hào sảng, Tiếng cười của chàng thanh niên tuổi hai mươi ngày xưa và của ông già gần bẩy mươi với đàn cháu nội ngoại ...sao vẫn như chẳng có gì thay đổi.

Lần này tôi trở lại căn nhà đó với Đoàn văn Khánh. Trong chuyến đến thăm lần trước, Bùi Công Bằng nói yêu thích thơ của Phạm cao Hoàng, và khi biết tôi quen và ở gần với Phạm cao Hoàng ở Virginia. Bằng nói, nếu được, ông xin Phạm cao Hoàng cho tôi một tập thơ. Khi tôi nói , Phạm cao Hoàng nồng nhiệt lấy tập thơ mới nhất ghi lời tặng và nhờ tôi chuyển về. Lần này , đến chơi với Bùi Công Bằng và chuyển tận tay Bằng tập thơ đó.

Bùi Công Bằng trân trọng cầm tập thơ và tâm sự : mình và Phạm cao Hoàng chưa từng gặp mặt, mình thích thơ Phạm cao Hoàng vì cái phong cách điềm đạm, cái tình yêu đằm thắm và một cái gì đó bí ẩn dấu kín giữa hai dòng chữ trong thơ Phạm cao Hoàng. Hay thật, Bằng và Hoàng là hai người bạn của tôi từ hai phương trời khác nhau, chỉ qua thơ mà Bằng cảm nhận ra sự gần gũi của con người Phạm cao Hoàng.

Mà thực sự là vậy, ngay từ tập thơ đầu "Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn' xuất bản năm 1972 cho đến tác phẩm gần đây nhất " Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương" thơ Phạm Cao Hoàng vẫn giữ nguyên thần sắc của nhẹ nhàng, sâu lắng và đôn hậu như chính con người của ông. Trong thơ, PC Hoàng ghi nhận được thiên nhiên kỳ thú bằng cái nhìn mới lạ và tìm ra mối liên  quan bất ngờ đầy sáng tạo giữa thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm riêng mình.

Như năm 1974 ông viết:

Núi ngó anh và anh ngó núi
Núi đụng trời  anh đụng nỗi đìu hiu.

Hay như  năm 1985:

Mười năm và mười mùa đông
Người thi sĩ ấy không còn làm thơ
Còn chăng là tiếng ngựa thồ
thở khi lên dốc bùi mờ mịt bay.

Năm 2016 ông viết:

dẫu thế nào
con cũng trở lại miền trung
nơi mẹ đã ôm con bằng vòng tay của biển.

Những hình ảnh đưa ra thật đơn giản , vậy mà qua trái tim xúc cảm và đầy nhân hậu đó đã ghi xuống những lời xúc cảm  làm người đọc xao xuyến khôn nguôi.

Tôi và Bùi Công Bằng gặp nhau và chia sẻ niềm yêu thich đó.

Chiều thứ bẩy, tháng chín Saigon hay có những cơn mưa, phòng khách nhà Bằng đã bày sẵn một bàn dài với 11 cái ghế, tương ứng với 11 bộ chén bát. Chơi với Bằng đã lâu, người bạn Ca Trưởng gốc nhà giáo này là người tinh tế, hào sảng nhưng thật nghiêm túc. Cách bày biện cho tôi biết trước hôm nay quay tròn trong vòng thân tình này sẽ là 11 người mà Bằng đã chuẩn bị. Sẽ không có khách lạ bất ngờ, và chắc cũng sẽ không có sự vắng mặt nào bất ngờ của ai nếu đã nhận được lời mời.

Cơn mưa Saigon ào xuống bắt chợt, mà những bạn hữu ngày xưa vẫn lần lượt bước vào, Nguyễn Công Tài, Đinh Việt Hùng, Nguyễn Ngọc Linh, Minh Hương, Đỗ như Bình,, Trần Nhật Vy,Trần Đạt,Hương Giang,cùng với tôi, Đoàn văn Khánh và Bùi công Bằng vừa một bàn dài cho buổi tụ hội chờ sẵn.

Nhạc sĩ Nguyễn ngọc Linh vừa qua một cơn bạo bệnh, cái gọi là bình phục nghĩa là từ nằm thiêm thiếp thành ra tạm đi đứng được, người gầy hom hem, chỉ có đôi mắt là vẫn sáng tinh anh, nụ cười nhỏ nhẹ, thế mà vẫn ôm được cây đàn đễ hát "......những mê đắm rã rời...trong tuyệt vời ký ức..."

Đôi uyên ương Minh Hương Đinh việt Hùng say đắm, niềm vui khi biết tiếng hát Khôi Nguyên Sinh Viên hồi năm 1975, bây giờ vừa tham dự cuộc thi "Tiếng Hát Mãi Xanh" và vừa đạt số điểm 99/100 để bước vào nhóm 9 thí sinh của vòng bán kết. Tiếng hát của Đinh Việt Hùng là tiếng hát của của cảm xúc , cái trữ tình trong đó là cái trữ tình của hoài vọng và nuối tiếc khôn nguôi, cho nên ca khúc anh chọn để dự thi là ca khúc Nỗi Lòng đúng là nỗi lòng chất chứa bấy nhiêu năm.

Lần này, ngồi bên nhau, Đinh Việt Hùng ôm dàn, tiếng hát như một dải lụa mềm , mênh mang và trìu mến khi hát Hương Xưa của Cung Tiến, đôi mắt nhìn mông lung và mê đắm gọi mời "....người ơi  một chiều nắng tơ vàng hiền hòa người có mơ xa...."

Nhà báo Trần Nhật Vy làm tôi sửng sốt nhiều nhất, Vy đưa tặng tác phẩm" Saigon chốn chốn rong chơi" và cho biết đây là tác phẩm thứ 9 của chàng. Từ "Khúc Dạo Đầu" tập thơ đầu tay năm 1987, chàng thanh niên thanh mảnh với những bước chân lãng tử ngày nào đã lần lượt làm việc miệt mài cho các tác phẩm tiểu thuyết, biên khảo, ký sự... tạo một tên tuổi được nhiều người biết đến ở Saigon. 40 năm thật tuyệt vời cho những bước đi của chàng tuổi trẻ.

Nguyễn Công Tài, Đỗ như Bình cũng vậy, những khuôn mặt trắng hồng thanh niên xưa đã từng trải phế hưng cuộc sống để ngày nay ngồi lại bên nhau với mắt sáng môi tươi tiếng hát hòa nhau trongtừng ca khúc sinh hoạt ngày xưa.

Họa sĩ Trần Đạt lần đầu đến chơi, chàng Họa Sĩ được đưa vào kỷ lục Việt Nam với tài năng vừa hát vừa vẽ ký họa chân dung nhanh nhất. Không tốt nghiệp một trường đào tạo nào cả, nhưng Trần Đạt kể rằng mình biết vẽ trước khi biết chữ,  cuộc đời trôi từ môi trường này qua môi trường khác, từ mọi vị trí của mình Trần Đạt đều đắm mình vào  những nét đan thanh. Ký họa là nghệ thuật đặc biệt, bằng một nhạy cảm tinh tế, người vẽ bắt gặp tính cách của đối tượng qua một tia mắt, cái nhíu mày, độ cong vênh trên khuôn mặt để rồi ghi nhận được cái riêng tư kỳ lạ khác nhau cũa mỗi con người. Người ta gọi là vẽ được cái thần thái . Tôi thực sự nghĩ rằng Trần Đạt khi vẽ ký họa chân dung là khi ông lênh đênh vào một cõi khác, ở đó, cái tài hoa của người Họa Sĩ được phối hợp với cái gì khác cao hơn nữa như đang  lên đồng, để rồi thể hiện trên tờ giấy đường nét xuât thần.

Hôm đó, vừa hát tình ca, vừa nhắm hờ đôi mắt , tay thoắn thoát phác thảo Trần Đạt ghi lại nét kiêu bạt của Bùi Công Bằng, vẻ hiền dịu của Hương Giang, chút u uẩn của Minh Hương, nỗi lòng trăm mối của Đinh Việt Hùng, tia tinh nghich của Trần Nhật Vy và cả sự dắm duối ôm dàn của Nguyễn Công Tài. Tôi không nói Trần Đạt vẽ ký họa chân dung giống hệt như hình chụp mà tôi nói, ký họa chân dung của Trần Đạt là những nét điểm xuyến cực kỳ tinh tế  mà ai nhìn qua cũng thấy được cái rất riêng tư của mỗi con người.

Căn nhà nhỏ ở gần cuối con hẻm đường Nguyễn Tri Phương này ghi lại trong tôi biết bao điều kỷ niệm, và hôm nay ngày 17 tháng 9 năm 2016 lại ghi thêm dấu nhớ cho thời thanh niên rất quý, mà như một người bạn làm thơ đã ghi lại :

"Nơi đây từng có một thời

Bừng bừng nhạc dậy, lời lời thơ reo"

Hai câu thơ của Nguyễn Tri Thứ không phải ghi về căn nhà đó, mà ghi về một điểm khác. Nhưng với tôi, nơi nào có bạn bè , nơi đó có tình thân và nơi đó cũng là nơi Từng Có Một Thời.....

NGUYÊN MINH NỮU.