Monday, March 20, 2017

2781. PHAN NI TẤN Hồ Biểu Chánh và tiếng Phật



PHAN NI TẤN
Hồ Biểu Chánh và tiếng Phật

Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884–1958)



Hồi nhỏ tới giờ tôi vẫn ưa đọc sách, đọc đủ các thể loại truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, khoa học dã tưởng, dịch thuật… Về sau, nghiền ngẫm những tác phẩm của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường, Vương Hồng Sễnh, đặc biệt là nhà văn Hồ Biểu Chánh, tôi như tìm về các ngõ ngách, ruộng đồng, kinh rạch, sông nước miền Tây quê nội tôi.

Đọc Hồ Biểu Chánh để thấy một tâm hồn mộc mạc, đơn thuần như những cuộc đất khẩn hoang với những con lạch muỗi mồng, âm u gợi lên từng địa danh xa vời. Hồ Biểu Chánh sở trường về văn xuôi ẩn chứa một triết lý nhân sinh góp phần bồi đắp nền văn học miền Nam qua hàng trăm tác phẩm giá trị. Người đọc tìm đến Hồ Biểu Chánh bởi nhân cách sống với phong độ nho gia đạm bạc và những trang viết giản dị, trong sáng, lấy bối cảnh miền Nam làm đề tài với những cảnh đời phức tạp, những thành kiến hủ bại của gia đình xã hội thời phong kiến. Phần lớn ông viết về đời sống phong phú của những người dân cần cù lao động làm nổi bậc truyền thống dũng cảm, sức chịu đựng, lòng nghĩa hiệp và tinh thần vượt qua mọi gian lao thử thách vào giai đoạn lịch sử dưới thời Pháp thuộc.

Đặc tính  trong cách hành văn của Hồ Biểu Chánh là luôn luôn nhấn mạnh vào từng tiếng địa phương, từng chữ đơn sơ, từng nghĩa mộc mạc của ngôn ngữ miền đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi câu truyện của Hồ Biểu Chánh là một bức khắc họa có chiều sâu với những hình thể và màu sắc khác biệt. Nói đến Hồ Biểu Chánh là nói đến dòng thời gian xa thẳm, là tìm về miền ký ức mờ sương. Cho nên đọc Hồ Biểu Chánh, ta có cảm tưởng như đi ngược về dĩ vãng để tha thiết tìm lại hồn đời của từng nếp sống xa xưa.

Hồ Biểu Chánh viết văn giản dị như nói chuyện. Ông say sưa kể chuyện với cả tâm tình. Những câu chuyện về đồng áng, kinh rạch, sông ngòi, đất đai, nhà cửa…, về bà Hội đồng, ông Hương cả, thầy Tham bái, vị Cai tổng, Quan tham biện cho tới người ăn kẻ ở quê mùa, chất phác đều toát ra cái thần hồn thần tính của họ… Tất cả những cảnh đời nói trên đều được Hồ Biểu Chánh làm sống lại trong văn chương tả chân, phản ánh đúng lề lối sinh hoạt của người dân miền sông nước Cửu Long trong giai đoạn thực dân hóa.

Nhớ mùa hè năm 1969, tôi và một người bạn cùng quê đi Honda ngao du về miền Lục tỉnh Nam kỳ. Cuộc hành trình từ Sài Gòn qua Nhà Bè tới Cần Đước, theo những con đường lồi lõm, sỏi đá và bụi, băng qua những thửa ruộng, những bờ đê  ghé về quê nội tôi là huyện Cần Giuộc; thuở ấy làng quê chỉ có những dẫy nhà tranh lụp xụp với con đường đất chạy xuyên qua đầm lau sậy âm u. Từ Cần Giuộc qua cầu Rạch Kiến cặp theo dòng sông Soài Rạp tới cửa Cần Giờ, rồi từ đó xuôi theo hướng Đông ghé vào chợ Dinh, Gò Công nhắm chút rượu chuối với cá khô đồng.

Ban đêm ngủ trong nhà người bà con nghèo khó mà tốt bụng của anh bạn đồng hành nghe tiếng vạc kêu sương, nghe giun dế nỉ non, nghe tiếng heo ụt ịt đòi ăn sau hè làm tôi bồi hồi nhớ tới những câu chuyện tiểu thuyết thời sự xa xưa của nhà văn lão thành Hồ Biểu Chánh.

Đêm hôm đó, nằm trên chiếc chõng tre ọp ẹp, tôi ngắm ánh trăng lặng lẽ luồn qua liếp cửa chảy xuống đọng thành những vũng sáng trên nền đất mà nhớ tới người. Tôi mơ hồ tưởng chừng như ông vẫn còn ở đâu đó trên mảnh đất Gò Công hiền hòa này. Hồ Biểu Chánh sanh trưởng tại làng Bình Thành, tỉnh Gò Công, nơi xưa kia là vùng đồi núi có nhiều chim công. Ông sinh ra để sống và viết. Lúc mất đi, ông để lại cho đời những áng văn chương bất hủ, góp phần bồi đắp cho nền văn học Việt Nam thêm phong phú.

Trong hàng trăm tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, cuốn tiểu thuyết Tại Tôi, khi đọc tôi cảm thấy tự đáy sâu lòng mình thường dâng lên từng đợt sóng u hoài.

Tại Tôi có những bối cảnh, những diễn biến cũng như những nhân vật đầy bi thảm. “Thằng Ba”, tức Lý Như Thạch, con thứ của bà Cả Kim và cô con dâu tên Nhung là những nạn nhân của chế độ gia đình thuở xưa. Sinh ra dưới thời phong kiến, Như Thạch chịu sự giáo huấn nghiêm khắc của bà mẹ đồng thời hấp thụ nền văn học Tây phương. Lý Như Thạch đi học xa nhà, cảm nhiễm phong hóa Âu Tây, cưới vợ mà không thưa với bà Cả là trái với gia pháp nên rốt cuộc cả cậu Thạch lẫn cô dâu đều bị bà Cả dứt tình đuổi ra khỏi nhà.

Đoạn thê thảm nhất trong tác phẩm Tại Tôi của Hồ Biểu Chánh là, tuy hai người trôi giạt về chốn xa xăm, thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, chịu đựng nỗi cơ cực, bần hàn, nhưng “họa vô đơn chi”. Lý Như Thạch đã hỏng về phương tộc, người bạn đường mà anh yêu quí hết lòng hết dạ, trời xui đất khiến lại bị bịnh tim mà đứt gánh giữa đường. Cô Nhung chết đi để lại người chồng bất đắc chí và “nhánh lá nhà họ Lý” là con Thanh Nguyên còn thơ dại. Vậy mà trời nào chịu buông tha, vẫn bắt số kiếp bi đát của Lý Như Thạch, trong mình mang sẵn bịnh lao, không có tiền chạy chữa thuốc than; cuộc sống quá đày ải lại gặp sự buồn rầu dồn dập, thân thể gầy mòn nên lần hồi ngắc ngoải lìa đời. Không có gì bất hạnh cho bằng con còn nhỏ mà phải trải qua nỗi đau mất cả mẹ lẫn cha.

Cái chết và sự sống qua những câu văn thật bình dị và vô cùng cảm động của Hồ Biểu Chánh khiến tâm hồn người đọc cũng theo ông nghiêng xuống nỗi đau của cuộc đời. Nhưng người chết đã đành, người sống thì sao? May mắn thay, trước khi chết Như Thạch đã để lại một tờ di ngôn cho người bạn chí cốt tên Tự Cường và nhờ bạn nuôi dưỡng giùm đứa con vô gia đình, vô thân tộc. Nhờ vậy, Thanh Nguyên lớn lên trong sự yêu thương hết lòng của người dưỡng phụ, tuy không phải là cha đẻ nhưng tình nghĩa đã gần như một bổn phận thiêng liêng đối với ông.

Tác phẩm Tại Tôi của Hồ Biểu Chánh là tiếng thở dài não nuột trước sự bạc bẽo của nhân tình thế thái. Vì lẽ đó, ở cuối chương tác gỉả đã ôn tồn đưa triết lý Phật giáo vào cốt truyện như muốn khơi lại tánh bổn thiện của những thói đời hệ lụy. Ngọn lửa từ bi là ánh sáng soi đường dẫn lối cho sinh linh thành khẩn chắp tay hướng Phật. Nhưng vì gia tài đồ sộ của dòng họ Lý đã che mờ lý trí của Lý Thị Phụng; con đầu lòng của bà Cả Kim, tự cô chọn vị trí đứng ngoài bóng mát của hạnh từ bi nên y thị không có duyên với nhà Phật, không hề nghe được tiếng Phật. Vì thiếu đức tin nên trong truyện cô Phụng đành đoạn giấu nhẹm lá thư cầu cứu của em mình đang trong cơn thập tử nhất sinh từ xa gởi về, không cho bà Cả hay. Giấu nhẹm thư tuyệt mệnh của em mình để làm gì, nếu không phải là lòng tham không đáy muốn chiếm trọn gia tài đồ sộ kia?

Sự kiện chua xót này được thể hiện bằng lời trách móc của thầy Hội đồng nhắm vào vợ chồng cô Phụng thật là đáng.

“Phụng, thiệt rõ ràng vợ chồng mầy hiệp nhau mà giết em mầỵ Ngày thằng Thạch dắt vợ nó về, chị Cả giận đuổi nó, vợ chồng mầy không có được một lời can gián. Khi nó gần chết, nó viết thư như vầy, mà vợ chồng mầy giấu biệt không cho chị Cả hay. Bây ăn ở như vầy thì khốn nạn quá. Tao hiểu hết. Bây muốn cho thằng Thạch chết mà lại tuyệt tộc nữa đặng bây muốn ăn gia tài cho trọn. Không được đâu, thái độ của bây như vậy trời không cho bây hưởng trọn giàu sang đâu…”

Nhừng mà trời Phật có bỏ ai dâu, chẳng qua người xấu gieo nhân xấu thì gặt quả xấu, đúng như nhà Phật có câu gieo nhân gặp quả, vậy thôi. Đó là sự công bằng, cũng là chuyện thường hằng của nhân thế.

Và rồi việc gì tới phải tới. Từ ngày vợ chồng Lý Như Thạch chết đi, con Thanh Nguyên, cháu nội bà Cả Kim lớn lên biết chuyện, không chịu nhận cội nguồn; còn thằng Hữu Nhơn, con của vợ chồng cô Phụng bạc nghĩa kia lại mắc phải chứng dở khùng dở điên. Cái cơ ngơi to lớn của bà Cả lúc nào cũng tràn đầy ánh nắng, sau cuộc tang thương đã trở nên lạnh lẽo khác thường. Cái gì làm cho ngôi nhà kia âm u, và thân tộc kia trở nên buồn bã?  Cuộc bể dâu vỗ từng cơn sóng dữ vào lòng nhân thế là như thế. Cũng là chuyện thường tình.

Ta hãy nghe Hồ Biểu Chánh kết thúc câu chuyện đầy chua chát này:

Ông cai tổng Quyền lắc đầu rồi cười gằn: “Rõ ràng hễ làm dữ thì gặp dữ”.
Còn bà Cả Kim ngồi im lìm, mắt ngó sững ra ngoài sân một hồi lâu, bà thở một hơi dài thiệt dài rồi nói: “Tại tôi hết thảy!”.

Nhìn lại suốt quãng đời cầm bút của nhà văn lão thành Hồ Biểu Chánh, vì sự thôi thúc của bản năng và nỗi dằn vặt nội tâm khiến cho cuộc sống cổ sơ và các tác phẩm văn chương của ông đều toát ra vẻ hiền hòa, chân thực không những dành riêng cho mình mà con dành cho những con người miền Nam quê mùa, chất phác.

Hồ Biểu Chánh là một trong những nhà văn lớn của miền Nam nước Việt nói chung và của miền đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.


Phan Ni Tấn