Tuesday, March 7, 2017

2767. HỒ ĐÌNH NGHIÊM: MỘT NỬA CỦA BÔNG HOA


HỒ ĐÌNH NGHIÊM
MỘT NỬA CỦA BÔNG HOA


Tĩnh vật ngày xuân – Tranh Đinh Trường Chinh – Tháng 1.2017



Người Pháp có thành ngữ: “Le Moi est haissable”. Cái tôi đáng ghét. Nói về tôi là điều chẳng mấy hay.

Người Tây phương cũng ưa nói: Chớ đánh đàn bà, dù với một cành hoa. Và vô hình trung, chúng ta mặc nhiên xem mọi loài hoa là biểu tượng của sắc đẹp, của những gì mong manh, dễ rung động, dễ tàn úa. Hoa nằm đầy trong thơ văn, có khi ôm đầy một bó hương thơm nhằm ví von về hình bóng của người phụ nữ. Hoa mãi tách biệt với cây tùng. Không ai mang hình ảnh hoa để gán ghép cho nam giới, hạng đại diện vũ lực, gần gũi với vó ngựa bầu rượu chuôi đao, chí lớn manh động cùng sông dài biển rộng bước hải hồ, áo sờn va gió bụi.

Xếp bút nghiên theo việc binh đao, việc ấy chẳng dành cho phận nữ lưu. Hãy lạc hậu để mãi tin tới điều đó, sợ họ có mặt thêm hư bột hư đường. Binh đoàn của Hai Bà Trưng cỡi voi xung trận tiền hẳn trách móc một hậu phương “làm trai chẳng đáng nên trai”? Sách vở ích gì cho buổi ấy! Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai. Xưa rồi diễm, nói theo ngữ điệu bây giờ. Không nhập chung hai thứ, gạo dễ gì thành cơm? Cứ ngồi trên giếng mà mãi than khát nước sao!

Phận trai lu bu và u mê chuyện công hầu danh vọng một hôm sực tỉnh, nhìn lên vách lẻ bóng đèn soi. “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu”! Hiền hữu thấy, lôi đầu vào quán cà phê đèn mờ buông giọng cảm hoài: Sao mãi lạc hồn thế kia, hãy kíp tìm cho ra một nửa đặng đời sống có được sự quân bình. Giang hồ rộ lên một bí kíp tuyệt học “Uyên ương kiếm pháp” là do đâu. Độc thủ đại hiệp làm sao chịu thấu khi người ta thi triển Song kiếm hợp bích?

Một nửa thì cầm bằng lao đao, hư hao như trăng lu đầu núi. Phương nọ họ từng định nghĩa: Yêu là nửa này nửa kia cùng nhìn về một hướng. Nắm tay, dắt nhau đi, bỏ lại đằng sau bao vòng nguyệt quế của Vu Quy, của Thành Hôn, của lên xe hoa và của Động Phòng. Và người đời lại đẻ ra chữ “Hoa đã có chủ”, “Cặp đôi hoàn hảo”. Người đi lại trong giang hồ nên người cũng chia ra hai hạng hắc bạch. Danh môn chính phái hoặc bàng môn tả đạo. Éo le luôn chực sẵn trên sạn đạo vốn không bằng phẳng nên có khi chính phái lại đi làm chuyện tà đạo. Ngó tướng hắn có ăn học thế ai dè lại là phường chuyện dập liễu vùi hoa. Văn chương gọi là Sở khanh, là quất ngựa truy phong. Thà mà nó thỏng tay vào chợ, thà mà nó cỡi ngựa xem hoa, thà mà nó xem bằng mắt chớ bắt bàn tay… Đồ cái thứ trân tráo phản bội lời thề nguyền, lòng lang dạ thú! Và cái thứ ấy luôn sống dai trong những pho tiểu thuyết đầy kịch tính lắm khúc mắc nhiều oan nghiệt. Không có chúng, những trang sách đâm nhạt phèo. Bọn người làm phim bộ nhiều tập Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn gia công, nặn óc để dựng xây ra lắm nhân vật cực ác, cực gian manh, cực mưu mẹo, cực hung hiểm. Bao cánh hoa lần lượt tàn rụng trong những thước phim “xem sang hồi sau sẽ rõ”, bao đàn bà con gái phụ nữ ngồi lạc hồn trước màn ảnh mà nước mắt đổ dài, thương cho bèo dạt hoa trôi, cảm cho đêm dài lắm mộng.

Nói về cái tôi: Đáng ghét toàn tập. Nói về một nửa của tôi có bị ghét phân nửa không? Một vầng trăng tròn có vẻ đẹp hoàn chỉnh, nhưng một vầng trăng khuyết cũng thu giữ sự quyến rũ riêng, ma mị là đằng khác. 8 tháng 3, ngày phụ nữ quốc tế, có không ít trang nam tử hán bỏ công trau chuốt vẻ lộng lẫy kiêu sa của đoá hoa vườn nhà. Họ không đáng ghét một mảy may. Họ dễ thương hơn những gì ta nghĩ. Dễ thương còn nằm trong cái định nghĩa “dễ giận”: Giờ ta mới biết vì sao phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới, bởi vì họ không phải chịu đựng các bà vợ!

Chịu đựng điều gì? Người trong cuộc mới ngộ ra. Nhưng “tôi đáng ghét” từng biết nhiều chuyện về phụ nữ và chính họ, qua việc làm khiến tôi ghét tôi vì chẳng đủ sức thuật lại về họ, về cánh hoa tàn héo, về hương nhuỵ này sẻ chia cho một nửa ở chốn lao lung kia. Trước, họ là bà Đại Uý, bà Thiếu Tá. Sau, họ là chị Bảy, cô Năm áo quần lấm lem tóc tai xơ xác ôm khư khư cái bịch chiếu lát băng ngàn vượt suối vào rừng sâu bới xách cho chồng. Không phải một mà ba bốn lần chẳng từ nan, sờn lòng. Tả tơi đến độ một nửa của họ khi nhìn ra đã phải rưng rức khóc, và van lơn: Xin em hãy cố quên anh đi. Anh thực sự có lỗi với em, mặc cảm nặng gánh gần là một tội đồ khó dung. Em đừng tự hành hạ mình nữa, vì anh xin hãy chăm sóc dạy dỗ con nên người… Gió xào xạc thổi đám cỏ tranh vật vả, mây tán loạn mù sa ngọn núi ám chướng án đường. Cúi đầu. Câm lặng. Oằn vai áo vá.

Tôi không phải là đứa viết kịch bản cho phim bộ. Nếu có một sự so sánh, tôi yêu mến các dì các o các chị ấy hơn vạn lần Hai Bà Trưng. Một đàng xa vời, khuất xa, mơ hồ, viễn tưởng; đàng khác rất gần gụi rất dung dị rất tình người, thường hằng đó đây. Muốn chứng minh sức mạnh cùng những cao cả mà tình yêu tác động ra, tôi vẫn vay mượn hình ảnh họ để tin tới thứ dường như càng lúc càng phai nhạt. Bởi chăng chúng ta đang hoài nghi là cuộc đời này khó tìm thấy một son sắc thuỷ chung, một hy sinh cao độ, một tấm lòng vô bờ bến. Những con thuyền vẫn dật dờ sóng cao mà dong đèn soi chưa tỏ một bến đậu. 

Một nửa của tôi-đáng-ghét bảo: Ông như người bị phế hết võ công. Tui tuy chẳng giống vợ của Tú Xương nhưng hàng ngày cũng phải xắn quần ra đồng bất chấp sương giá phèn chua nước mặn. Ông liệu cách để đò khỏi đắm khi quá giang. Cách gì hơn bằng cách đổi phận làm osin. Việc của ô-xin là chi, trẻ lên tám cũng tường; nhưng phải ở tuổi cập kê mới nhìn thấu hình ảnh: Ấy là cây tùng đương cự với gió lớn. Nói thế thì hơi hàm hồ, dễ hiểu hơn, rằng tôi biến đổi làm lụng ôm đồm việc thường nhật của một bông hoa, mà nghề nghiệp chính xác là nội trợ. Nội trợ thì trăm công nghìn chuyện, nếu không ba đầu sáu tay thì cứ nhìn vào tờ giấy ghim ở cửa tủ lạnh mà một nửa đã khoan nhượng soạn thảo, bày đường chỉ lối từ đêm qua, theo thứ tự để hoàn thiện. Bịt tai nhắm mắt trước lời Tào Tháo từng đại ngôn: “Phàm muốn làm việc lớn trong thiên hạ thì nên về nhà hỏi vợ, vợ bảo sao cứ làm ngược lại ắt thành công”. Rõ là xúi dại. Ngoa ngôn hổng biết câu: Thuận vợ thuận chồng thì mang lại tâm thân an lạc, chưa nói đến việc đại sự là có thể tát cạn biển Đông.

Muốn cơm lành canh ngọt, muốn lao động vui thú nên mường tượng tới một ảnh hình, có thể cả gan chùng lén sửa thơ Thanh Tâm Tuyền:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em…(Thái hành cay mắt)
Hãy cho anh giận bằng ngực em…(Chiên cá bị cháy)
Hãy cho anh la bằng cổ em…(Làm đổ chén nước mắm)
Hãy cho anh run bằng má em…(Canh hơi mặn)
Hãy cho anh ngủ bằng trán em…(Ngáp vặt)
Anh sẽ sống bằng hơi thở em (Sắp tới giờ tan sở)
Những cuộc tình duyên chưa hề biết thương tật.

Vợ trách móc chồng:
Thế mà trước khi cưới em, anh cứ nói “em là cả thế giới” của anh.
Tại hồi đó anh chưa biết xem bản đồ!

Thực ra thế giới có khi rất nhỏ bé. Nó lớn rộng chừng nào quả đất này tuyệt không mọc ra lắm kỳ hoa dị thảo. Giận thay cao xanh hững hờ, trần gian vắng bặt một bờ vai non. Thuyền quyên thục nữ hài son, đồng lòng trốn biệt chỉ còn quạnh hiu. Những cao tăng đắc đạo sẽ nhăn mặt cho kẻ vụng tu, hắn tin rằng thiếu đàn bà, đàn ông trong thiên hạ có còn dưỡng khí để tiếp tục sinh tồn?

Trong “Thấm Thoát Đời Ta”, Tô Thuỳ Yên kể:

ngóng quanh quất nghe vang quạnh quẽ
thấy trăng sáng quá, ngủ không đành
những mong có người thức chuyện vãn
mai chia tay, mang theo phần trăng.

Phụ nữ là một đoá hoa, đôi khi là vầng nguyệt. Không ai nhắm mắt trước vẻ đẹp rạng ngời, và lỡ có lìa xa, chân dung sáng tỏ ấy vẫn hằng đọng chiếu trong tim ta. Có người bỏ công tra cứu nhiều tư liệu, chốt lại con số sau cùng: Con cái thương nhớ Mẹ nhiều hơn Cha, tới 72 %. Họ cũng khẳng định, con thông minh là do mẹ tác thành. Trước khi làm mẹ, những phụ nữ đáng yêu ấy là tình nhân của chúng ta, là người vợ, là một nửa, là nội tướng, là nhà tôi, là đoá hoa thơm, là vầng trăng sáng. Và sau cùng: Tôi là đứa rất giỏi xem bản đồ. Chúc mừng ngày Phụ Nữ Quốc Tế.

Hồ Đình Nghiêm

6 tháng 3, 2017