Thursday, February 2, 2017

2720. NGÔ QUANG HIỂN Đi đâu cho thiếp theo cùng


NGÔ QUANG HIỂN
Đi đâu cho thiếp theo cùng

          
Elena – Trương Văn Dân
tại Studio Đinh Cường (Burke, Virginia), 21.10.2015 - Ảnh PCH


Đêm nằm ...năm ở. 

Ngủ một đêm ở nhà Dan Truong Van Itala Pucillo. Trời cuối thu Milan lành lạnh, cứ trằn trọc nghĩ ngợi mông lung.     

Nghĩ về đời, nghĩ về mình. Lắng nghe mưa thu tí tách và cả tiếng lá phong vàng vọt rơi ngoài hiên vắng. 4g30 sáng đã nghe tiếng Elena lục đục dậy nấu mì gói để hai cha con ăn bữa sớm chuẩn bị bay về Berlin. Tự dưng thương bạn vô cùng. 

Về Dressden ngồi vào bàn viết một mạch trên smartphone câu chuyện dễ thương về bạn mình và mãi cuối năm mới có dịp sử dụng.

Ghé Milan trời vừa hửng nắng. Sau ba ngày mưa dầm, những hàng phong bên đường đã chuyển sang sắc đỏ của thu phân. Mùa thu Milan đẹp mơ màng. Đón chúng tôi ở ga xe lửa trung tâm, anh Trương Văn Dân dẫn chúng tôi dạo một vòng khu mua sắm với vô vàn cửa hàng thời trang lộng lẫy đầy ắp du khách từ muôn phương đổ về. Milan quả không hổ danh kinh đô thời trang thế giới với những dãy phố khoác trên người tất cả các thương hiệu lừng danh. Ngay cả Quadrilatero d'Oro là một quảng trường diện tích nhỏ, nhưng chật kín hàng trăm cửa hiệu thời trang từ Gucci đến Louis Vuitton, Versace ... rực rỡ trong hàng triệu triệu ánh đèn màu. Nhưng đến Milan lần này thật tình tôi chỉ muốn ghé thăm cõi riêng của chị Elena Pucillo, tiến sĩ ngữ văn Ý, nàng dâu Việt Nam nổi tiếng.

Nhà hai ông bà Trương Văn Dân và Elena cách trung tâm thành phố khoảng hai mươi phút xe điện ngầm. Vừa bước xuống cửa ga tàu đã thấy bóng dáng người phụ nữ với mái tóc vàng hoe với khuôn mặt rất Tây quen thuộc. Đã quen nhau từ rất lâu, Elena không khách sáo hỏi ngay câu tiếng Việt rất sõi " Đói bụng chưa? ", Tôi cười xòa " Tất nhiên là bụng đói " 

Khác với các chung cư ở Việt Nam, toàn là nhà cao tầng với các bức tường bê tông xám xịt, khu căn hộ của hai ông bà giống như một căn biệt thự khép kín. Chung cư chỉ bốn tầng, mỗi tầng hai căn hộ. Còn lại là khuôn viên vườn, bể bơi, sân quần vợt và lối đi dạo trong vườn.   Căn nhà, dùng chữ căn nhà có vẻ đúng hơn trong trường hợp này rộng cả hai trăm mét vuông. Nhưng hình như bỏ không. Anh Trương Văn Dân cho biết anh và Elena mỗi năm chỉ đi Ý khoảng một tháng còn mười một tháng còn lại anh về nhà. Nhà ở đây là ngôi nhà Việt Nam.

Tôi từng đến uống cafe ở chung cư Ngô Tất Tố, Bình Thạnh, Sài Gòn, nơi gọi là nhà nhiều lần. Căn hộ ở đây không đẹp, hơi nhem nhuốc so với căn hộ sang trọng ở Milan mà tôi đang đến. Nhưng cặp " tình nhân " ( gọi là tình nhân vì hơn ba mươi năm qua họ sống, đối đãi và yêu nhau như một cặp tình nhân ) đã chọn nơi này làm " nhà tôi "

Có lẽ nhiều người trong đó có cả tôi không hiểu được vì sao một tiến sĩ văn học xinh xắn, đa cảm và một nhà nghiên cứu dược phẩm từng nhiều năm làm việc trong những tập đoàn dược phẩm nổi tiếng lại có thể từ bỏ cuộc sống êm đềm, thăng hoa để quay trở lại quê hương từ rất sớm. Trả lời câu hỏi này chị Elena chỉ nói một cách dung dị: " Chồng đi đâu mình đi theo nấy! ". Còn anh Trương Văn Dân chỉ nói đơn giản : "Mình muốn sống và sáng tác ở quê hương".

Cặp " tình nhân " này đến với nhau từ năm cô bé người Ý ấy chỉ mới 16 tuổi còn anh chàng sinh viên Việt Nam quê Bình Định đến Ý du học ngành Hóa và Công Nghệ Dược Phẩm cũng chỉ vừa tròn đôi mươi. Nhưng phải 13 năm sau họ mới chính thức đến với nhau sau con đường yêu nhau dài dằng dặc và phong kiến hơn cả phong kiến. Hoàn toàn không có kiểu sống thử theo quan niệm hôn nhân hiện đại như mọi người vẫn quen nghĩ về phương Tây.

Vậy là họ nên vợ nên chồng. Cứ tưởng cuộc sống hạnh phúc cứ mãi êm đềm trôi trên đất Ý, nhưng họ làm cho bạn bè, người thân bất ngờ khi bỏ ngang tất cả mọi thứ để quay về cố hương. Quê chồng những ngày sau 1975 còn vô vàn khốn khó. Thời điểm 1985, đêm trước của đổi mới, tất cả còn đang ngổn ngang.

Trong tản văn Milano - Sài Gòn: Đang về hay sang? Trương Văn Dân đã nói lên tất cả nỗi niềm của anh khi chọn lựa cho mình một bước rẽ ngoặt. " Bốn mươi năm. Tôi đã gắn bó với đất nước này thật mật thiết, bạn bè Ý rất đông, lấy vợ người Ý, học, làm việc, kinh nghiệm tích lũy nhờ học hỏi với các nhà khoa học rất giỏi và khiêm tốn.... Sống đời sống ở phương Tây mọi việc đều rõ ràng, sòng phẳng, thế nhưng lòng tôi luôn luôn canh cánh một món nợ. Nợ nước Ý. Nợ tình yêu của Elena, người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hơn mọi thứ quý giá nhất trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen. Nàng chấp nhận đến với tôi từ khi còn là một “công tử” ngu ngơ du học, đến những năm tháng khó khăn, sau 75, ở căn nhà không lò sưởi, mùa đông bên trong nhà còn lạnh hơn bên ngoài; Nàng chẳng rời tôi thời không tiền ăn sáng... nhịn đói ôm sách ra thư viện để được ấm thân, vừa học vừa mong đến giờ ăn ở quán cơm sinh viên (mensa). Nàng động viên, khuyến khích và cho tôi sức mạnh để vượt qua bao nỗi khó khăn, từ khi tốt nghiệp, việc làm tạm bợ bị bóc lột đến xương tuỷ vì không có quốc tịch, lương ba cọc ba đồng, cho đến lúc vươn lên, trở thành giám đốc kỹ thuật và trưởng phòng nghiên cứu phát triển dược thú y cho một công ty thuộc tập đoàn lớn nhất nước Ý (Ferruzzi Group)."  “Là người luôn chấp nhận hy sinh, Elena yêu tôi bằng một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy như hai trái tim nằm giữa lằn ranh, vừa Hoà vừa Nhập, thách thức mọi khác biệt của hai nền văn hoá. Mới đây nàng còn từ bỏ tất cả những gì thân thương để tiếp tục theo tôi trong một hành trình mới, về sống ở Việt nam, một đất nước còn bao khó khăn và ngổn ngang những vấn đề."

Như thế là thâu rầu! (*) Thâu rầu là hai từ rặt ngôn ngữ điạ phương Bình Định, Thâu rầu cũng là hai từ mà Elena nói với tôi sau ánh nhìn hóm hỉnh khi nói về quyết định trở về Việt Nam sinh sống cùng chồng. Thâu rầu cũng là cái gật đầu chớp nhoáng không đắn đo hơn thiệt sau lời đề nghị của chồng. Sau mấy chục năm, chị vẫn trọn vẹn một tình yêu không có giới hạn dành cho anh
   
Về nước chị Elena Pucillo Truong đi dạy tiếng Ý và Văn hóa Pháp ở một số trường đại học và học hòa nhập nhanh vào đời sống Việt. Thích ẩm thực Việt , thích nghe nhạc Trịnh và cũng thích nghe cả hát bội Bình Định. Những truyện ngắn và tản văn rất hay được chị viết từ những ngày về sống ở quê hương... Rất nhiều tản văn hay được nhiều tờ văn nghệ có uy tín đăng tải. Tôi cũng chưa thấy ai cầm đũa rành như chị và cũng chưa thấy ai mê và am hiểu mọi món mắm độc đáo như Elena. Chị có thể thưởng thức, viết và chế biến rành rọt mọi loại bánh từ bánh xèo, bánh căn, bánh ướt bánh hỏi đến mắm nêm, mắm ruột, mắm cua chua của xứ nẫu và cả mắm tôm xứ bắc. Đêm ngủ tại Milan, tôi chưa bao giờ được ăn một tô mì gói chế biến theo kiểu Việt Nam mà ngon như vậy do chị chế biến từ cái tủ lạnh đầy ắp gia vị từ Việt Nam mang sang mấy ngày trước.

Nhưng cái tài của cô dâu xứ Ý là Elena rất rành tiếng Việt kể cả những thổ âm xứ nẫu. Chỉ vài năm ở quê chồng gặp người nẫu chị có thể nói tiếng nẫu như một người nẫu. Chị kể thời kỳ mới sang Việt Nam và làm dâu xứ nẫu Bình Định, mẹ chồng chính là chỗ dựa cho chị những lúc đơn côi ở xứ lạ quê người. Bà dạy Elena cách nấu các món ăn Việt, bày cả cách đọc kinh Phật và cùng nàng dâu lên chùa cúng Phật những ngày rằm. Bà thương con dâu dường như hơn cả con trai. Bà dành thời gian chia sẻ, vỗ về người con dâu đã suốt đời hy sinh cho con trai mình. Chính bà đề nghị con trai rước vong linh mẹ vợ từ Ý vào ngôi chùa Giác Uyển ở Phú Nhuận để những lúc con dâu nhớ gia đình có thể đến nơi chốn thiêng liêng ấy để trải lòng mình. Bằng tình thương hết sức chân thành ấy, bà đã làm cho cô con dâu người Ý không còn cảm giác đang sang mà đang về. Về nhà. Và khi đã về nhà thì trong tâm hồn Ý đã thật sự có thêm hồn Việt. Cái thêm ấy quả thật không dễ mà tự nhiên có.
            
Ngủ một đêm ở Milan, sáng hôm sau Trương Văn Dân và Elena đưa tôi ra sân bay về lại Berlin. Elena gói theo một túi bánh để tôi ăn dọc đường như truyền thống những người Việt khi tiễn nhau đi đường xa. Elena nói khẽ trong đêm Milan cuối năm trăng lạnh và sáng vằng vặc " Tháng sau mình về lại Việt Nam ". Chữ về thật sự làm tôi nao lòng. Tự dưng tôi nghĩ đến hai câu ca dao mộc mạc mà vô cùng thiết tha về nghĩa vợ tình chồng: “Đi đâu cho thiếp theo cùng. Khó khăn thiếp chịu, lạnh lùng thiếp mang.”  Một mối tình thật sự đẹp, có khi đẹp hơn cả câu ca dao ấy.

Ngô Quang Hiển


(*) Thôi rồi!