Monday, January 16, 2017

2705. ELENA PUCILLO TRUONG Nguyên Minh, tuổi trẻ hai lần thắm lại


Elena Pucillo Truong
Nguyên Minh, tuổi trẻ hai lần thắm lại


Nguyên Minh do Duyên vẽ - tháng 11.2016



Về lần gặp đầu tiên tôi chỉ nhớ có đôi mắt đăm chiêu và sự im lặng. Ông gần như không nói mà chỉ ngồi thu hình trong chiếc áo khoát màu nâu. Ông thường cảm thấy se lạnh vào những buổi sáng ngồi ở quán cà phê ngoài trời.
Bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua! Thời ấy chúng tôi muốn tìm những cây bút có tài năng và thường biết là vào buổi sáng có thể tìm họ ở đâu, gặp ở quán cà phê nào trong thành phố. Mỗi lần gặp là giới thiệu theo thông lệ và bắt đầu tìm hiểu lẫn nhau.
Nguyên Minh là một người hiền lành, và không cần phải nhiều lời tôi cũng biết ông là người rất được quý trọng. Ngồi thu mình trong chiếc áo khoát khuôn mặt ông trầm tư như quên hết thế giới xung quanh. Và chỉ khi nào câu chuyện bắt đầu có hai tiếng “ văn chương” thì mới thấy ông bắt đầu sinh động. Trong phút chốc dường như có một tia sáng đặc biệt phát ra từ đôi mắt rồi ông bắt đầu nhập cuộc bằng vài lời rồi sau đó lại tiếp tục trầm tư. Một sự im lặng đặc biệt, không phải cái khoảng trống của người không có gì để nói mà đối với Nguyên Minh, đó một sự im lặng chất chứa nhiều điều chưa nói nên lời.
Có quá nhiều kỷ niệm, chất chồng trong một cuộc đời ông!
 Về những người bạn đã mất, về những người đàn bà giờ đã xa xôi và  bao nhiêu sự vật đã không thể níu kéo, quay về. Đó là một sự im lặng chứa đầy những nỗi nhớ và những bất toàn, đau đớn. Nó cũng là những hồi ức về thời trai trẻ, ông cùng các bạn yêu sách thành lập tập san “Ý Thức” thực hiện những ước mơ, in những trang viết lên mặt giấy. Thuở ấy, và mãi đến tận bây giờ, văn chương vẫn là niềm đam mê vĩ đại nhất của ông,  vượt lên cả tình yêu cho người tình hay phụ nữ.
Một đôi khi cao hứng Nguyên Minh ngồi kể lại lần hẹn hò với người tình muôn thuở. Chưa đến nơi hẹn thì ông gặp một bạn văn, hai người chuyện trò say mê ... thế là quên mất người bạn gái đang chờ mình ở góc phố. Nhiều trường hợp đãng trí quên hết mọi chuyện vì trong đầu ông chỉ có duy nhất là chuyện văn chương và in sách. Cũng may là để thực hiện niềm đam mê ấy ông đã may mắn gặp được một người bạn đời bên cạnh. Người vợ hiền mà ông gặp tình cờ thế mà đã  ở bên và chăm sóc ông suốt cả một đời. Họ gặp và quen như theo một định mệnh đã vạch sẵn: Bên cạnh nhà một người bà con ông nhìn thấy một cô gái đang đong đưa trên võng, thế là bất ngờ quyết định chọn cô gái hiền lành ấy làm vợ. Những đứa con ra đời sau đấy và cuộc hôn nhân không có nhiều tình yêu ban đầu nhưng đã chứng minh là một gia đình bình an và hạnh phúc. Dĩ nhiên cuộc đời họ cũng không phải dễ dàng vì những xáo trộn của đời... nhưng giờ đây họ chỉ còn nhớ và cùng sống lại những kỷ niệm đẹp và quan trọng nhất của một thời.
Trong quá khứ của ông thường có niềm nuối tiếc về những việc dở dang, về những kỷ niệm cuồng nhiệt một thời tuổi trẻ. Thế nhưng về chuyện văn chương, dường như định mệnh cũng muốn đùa bỡn với con người ông để tạo nên những cơ hội gặp gỡ về sau.
Khi chúng tôi gặp nhau thường  xuyên hơn để trò chuyện, một hôm câu chuyện tình cờ có nhắc đến Ý Thức. Một độc giả  đâu chừng 15, 16 tuổi thời đó rất đồng cảm với nội dung của tạp chí và đã gửi thư đặt mua báo dài hạn. Bức thư rất cảm động được in trên mục  thư độc giả cùng với câu trả lời của tòa soạn. Sau hơn 40 năm, Nguyên Minh, trong một số Ý Thức đã nhuốm vàng vì thời  gian, đã tìm thấy những dòng chữ ấy. Và  trước mắt ông là nhà văn Trương Văn Dân, độc giả trẻ ngày nào.
 Một tình yêu văn chương và niềm đam mê ấy thường làm thay đổi cả đời người. Không quan trọng là thời gian kéo dài bao lâu, nhưng có những cuốn sách làm ta yêu mến suốt cả cuộc đời. Tôi hiểu ra điều ấy khi thấy Nguyên Minh trang trọng lần giở từng trang sách mới hay như ngửi thấy mùi thời gian trôi qua trên những trang sách cũ.
Ngày nay sự phát minh ra các kỹ thuật mới đã trợ giúp chúng ta bằng tất cả tiềm năng của nó. Mỗi ngày chúng ta đọc và viết nhiều hơn. Với chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể kết hợp cả nghe, viết, đọc trên cùng một phương tiện. Nhưng quyển sách không bao giờ chết: đọc trên một màn hình không thể nào có cái thú vị khi  cầm quyển sách trên tay, lật từng trang để ngắm nhìn những nét đặc biệt và màu sắc trên bìa, thấm ướt ngón tay để lật từng trang, ngửi được mùi vị của sách in. Chúng ta có thể cẩn thận gạch đít những phần, những câu hay ý tưởng cần đọc lại. Luôn có điều mới mẻ để khám phá trên những quyển sách  dù đã được đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi niềm vui khi tìm  lại được những quyển sách úa vàng, bìa đã phai màu của thời thơ ấu, bồi hồi nhìn những trang sách đã sờn gáy, nhàu nhò hay bị chuột gặm. Nó là tất cả thế giới tuổi thơ, một quá khứ đã giúp ta sống lại.
       Và với Nguyên Minh, còn có một điều gì đó lớn hơn tình yêu cho những trang viết. Niềm đam mê đích thực đã thôi thúc ông kết hợp với nhiều bạn văn để thực hiện một cuộc phiêu lưu cuối đời : tập san Quán Văn
       Đó chính là một khúc quanh mới của đời ông: Không thể chờ thời gian đến để già, không thể im lặng với những kỷ niệm chất chứa và cất giấu trong lòng. Bằng ý chí và sức mạnh của một chàng trai đầy sinh lực. Ông bắt đầu viết, đọc, chỉnh sửa. Bao nhiêu cuộc điện thoại mà ông đã gọi, để gom góp bài vở, chọn lọc cẩn thận để thực hiện một tờ báo văn chương hoàn hảo. Bao nhiêu vấn đề  to lớn mà người đàn ông bé nhỏ như ông đã phải đối chọi và vượt qua.
Huy động tất cả những kinh nghiệm làm báo trước đây, từ  quay roneo cho tờ Gió Mai đến in offset Ý Thức... để hỗ trợ cho Quán Văn nhưng NM còn phải đối phó với một trở ngại mới: máy tính và những kỹ thuật in ấn tân kỳ. Thế nhưng, thật không thể nào tin được, sau phút ban đầu bỡ ngỡ ông đã hóa thân thành một kỹ sư tài giỏi và đầy sáng tạo: ông tháo phần này, ráp phần kia...làm tất cả mọi thứ để bắt máy  móc phải tuân theo ý chí và phục vụ nhu cầu của mình.
Có thể có vài ứng dụng đặc biệt của điện thoại di động là ông còn bỡ ngỡ, nhưng với máy in ông đã trở thành một chuyên gia thành thạo. Thế là ông như hút lấy năng lượng từ những quyển sách mà mình in ra, hấp thu sức sống của những nhân vật mà mình đã làm sống lại trong những trang sách. Và cứ thế, mỗi số Quán Văn ra đời đều có tác dụng như một liều thuốc hồi xuân, làm ông trẻ lại, vui vẻ và năng động.

Đó là lý do tại sao từ ngày Quán Văn ra đời thì ở ông không còn sự im lặng mà chỉ có một tuổi trẻ đầy sức sống và màu xanh của bầu trời nhuộm lên đôi mắt sáng của một nhà văn. Màu mắt ông từ ngày đó như đã đổi màu, từ xanh dương của bầu trời đến màu xanh của thảm cỏ còn đọng sương lúc ban mai. Điều không thay đổi và bất biến ở ông chính là sự bao dung và ôn hòa, tính cách hòa hợp cố hữu để kết hợp bạn bè hay khi phải giải quyết những tình huống tế nhị... nhưng giờ  đây, điều nổi bật nhất là niềm vui mới đã làm ông trẻ lại từng ngày.
 Không khó nhận ra là cuộc phiêu lưu của Quán Văn đã làm ông tươi hơn, vui hơn và sống động hơn bên cạnh những người bạn thiết. Mỗi một số báo mới là một khó nhọc và nỗ lực phi thường nhưng, như tất cả mọi thứ, khó khăn càng lớn bao nhiêu, vượt qua để thực hiện, càng cho ta nhiều niềm vui lớn bấy nhiêu.
 Trong những lần gặp nhau Nguyên Minh thường hay nhắc đến chuyến đi qua Pháp cùng các bạn văn. Chuyến đi vất vả nhưng cũng rất vui vì ông được gặp các bạn như bác sĩ Thiện, Nhà văn Kiệt Tấn, nhà phê bình Đặng Tiến. Trong chuyến đi này ông có bay sang Ý, khí hậu bất thường và cái lạnh giữa mùa hè, đã làm ông ngã bệnh ở Roma. May mắn là rồi ông cũng vượt qua. Khi về lại Việt Nam, chị Lan vợ ông phải  hầm hai con chim bồ câu, thứ khoái khẩu và hợp tạng thì sức khỏe ông mới hồi phục.
Mấy năm sau  ông còn có chuyến  đi sang Mỹ để gặp các bạn văn như họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Trần Hoài Thư, nhà nghiên cứu Trần Văn Nam, nhà văn Trần Yên Hòa, nhà nghiên cứu/họa sĩ Trương Vũ, nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà thơ Nguyễn Minh Nữu...
Bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn xen nhau trong cuộc đời ông và tất cả đều để lại trong ánh mắt. Khi thấy màu xanh chan chứa nỗi buồn, chúng tôi đều biết ông đang nhớ và rất nhớ những người bạn đồng hành giờ đã không còn. Những Chu Trầm Nguyên Minh, họa sĩ Đinh Cường... mà chỉ mới gần đây tay bắt mặt mừng, tay ấm trong tay... mà nay đã vĩnh viễn giã từ bè bạn. Nỗi đau phủ kín đôi mắt ông. Và trong nhiều số Quán Văn ông  đều nhắc đến, như làm họ sống lại bên cạnh bạn bè.
Nhưng nỗi buồn chỉ phủ quanh mắt ông như một bóng mây rồi sau đó trả lại ông sự tươi sáng với màu xanh của bầu trời. Mỗi số Quán Văn như cho ông một nguồn năng lượng, làm ông trẻ lại một tuổi, mỗi số mới có tác dụng như một liều linh dược ban cho ông một thời kỳ trai trẻ thứ hai.
Người mà các bạn gặp hôm nay là một Nguyên Minh rất trẻ, luôn sẵn sàng cho những chuyến phiêu lưu mới, như một đứa bé háo hức, đang chuẩn bị leo lên chiếc đu quay, còn cái hình ảnh một ông lão già nua im lặng  và  u buồn của thời gian trước đã không còn nữa.
                     
Bản dịch của Trương Văn Dân
( Nguyên tác : UNA SECONDA GIOVINEZZA CON IL CIELO NEGLI OCCHI )
Sài Gòn 8-2016