Tuesday, January 17, 2017

2706. MANG VIÊN LONG Đọc "Buồn như Tết", thơ Luân Hoán


Phác thào chân dung Luân Hoán - dinhcuong


        
Đã qua Rằm, mà trời ngày đêm mưa dầm! Mùa Đông năm nay đến hơi muộn, trôi qua thật chậm, từng ngày mưa lai rai, lai rai hoài! Mưa vào mùa Đông (hay Hạ, Thu) thì ít buồn hơn mưa tháng Chạp. Sau hơn hai tháng mưa bão lũ lụt giá rét khó khổ, ai cũng mong ngóng nắng Xuân, như chờ đón niềm vui, niềm hy vọng. Vậy mà mưa…
         
Người xưa có nói “cám tháng Giêng, tiền tháng Chạp”, nhưng mưa gió sụt sùi kiểu ấy suốt ngày thì bươn chi làm sao cho có chút tiền để gia đình ăn Tết?  Có lẽ, lại phải gặp một cái Tết buồn!
         
May thay, lang thang trên mạng internet, gặp nhà thơ Luân Hoán, đã được nhà thơ chia sẻ:
                  
“không xa nhà chỉ xa quê                  
xuân về tết đến không thê thảm buồn”
         
“Nhà” thì ở đâu cũng có thể có, nhưng “Quê” thì chỉ có một! Đúng là nhà thơ đang “xa quê”, đang tha hương - mà “xa quê” là xa tất cả kỷ niệm, dĩ vãng một thời; nỗi buồn xa quê thật mênh mang, vời vợi nhưng tác giả vẫn đủ  tỉnh giác, nghị lực để giữ cho Tâm an trước mọi biến chuyển, đổi thay của cuộc vô thường: “xuân về tết đến không thê thảm buồn”. Nhà thơ “không thê thảm buồn” - nghĩa là có buồn, buồn vừa phải, nhẹ nhàng thôi! Ai đang xa quê, nhất là trong dịp Xuân đến, Tết về mà lòng không cảm thấy lòng buâng khuâng, thao thức? Lời tâm tình rất đơn giản, rất thực.
           
Sau cái cảm giác “không thê thảm buồn” ấy, nhà thơ đã tự nhận:
                      
“chỉ hơi nhớ nhớ thương thương                        
hương hoa mùi bánh mái từ đường xa”

Cái “hơi nhớ nhớ thương thương” kia thật tình không phải chỉ “hơi” thôi đâu, mà là rất nhiều đấy! “Nhớ nhớ thương thương” - hai lần “nhớ” và hai lần “thương” là số nhiều: nhớ nhiều, thương nhiều lắm (nhưng đành nói vậy cho lòng mình đỡ buồn đau, mà thôi). Ở đây, nhà thơ chỉ nói nhớ “hương hoa mùi bánh” (mái từ đường xa), cũng là một cách tế nhị, nói để “tự an ủi mình”; chứ hương hoa mùi bánh còn nhớ đến vậy, thì biết bao thứ khác quan trong và cần thiết hơn cho đời sống thì sao? Tôi chợt nhớ đến lời nhà thơ Quách Tấn khi bàn về thơ: “Thơ ẩn – Văn hiện” là vậy!
               
“tuổi xuân vui tết quê nhà                 
đón tết hải ngoại tuổi già hồi xuân                
không vui nhưng vẫn gắng mừng                
tham gia, tổ chức tưng bừng cuộc chơi”

Đến bây giờ thì nhà thơ không thể tự dối lòng mà đã bộc bạch rất chân tình: “tuổi xuân vui tết quê nhà/ đón tết hải ngoại tuổi già hồi xuân” - lúc thanh xuân thì ăn Tết ở quê nhà, khi về già thì ăn Tết hải ngoại để được “hồi xuân”, cũng là vui thôi!
          
Ngay sau đó, là “không vui nhưng vẫn gắng mừng” - tuy rằng được “hồi xuân”, là vui nhưng làm sao mà vui lâu hơn? Phải “gắng mừng”…”Mừng” là một trạng thái tình cảm mạnh mẽ hơn vui, lớn hơn vui; đã cho thấy nhà thơ đã “gắng hết sức” để tự mình tìm thấy niềm an ủi còn lại, không muốn ai thấy được nỗi lòng sâu kín bấy lâu bằng những “tham gia, tổ chức tưng bừng cuộc chơi”!  Nhà thơ đã “gắng vui” với niềm vui của tất cả, gắng sống vì đời sống của những người thân yêu quanh mình ở quê xưa! Nói vui theo chữ của nhà thơ Hoàng Lộc là “vui ké” với bà con…Ở đây, chúng ta nhận được tình cảm gắn bó với quê nhà của nhà thơ thật sâu đậm, bền vững!

“nhìn người vui tôi học vui             

lạ kỳ xuân đến ngậm ngùi nhiều hơn             
cả năm nhặt nhạnh cô đơn             
ngày tết muốn tặng nhưng không ai thèm             
họa hoằn vẫn chỉ một em”
                
Chữ của nhà thơ Luân Hoán (khác với HL) là “học vui” - anh đang “học vui”  bằng niềm vui của bà con thân quyến. Vui mà còn phải “học’ thì đủ biết rằng, tìm kiếm niềm vui không dễ dàng chút nào, và muốn “vui” cũng không dễ!  Và, nhà thơ đã thú nhận:  “lạ kỳ xuân đến ngậm ngùi nhiều hơn”.

Nỗi “ngậm ngùi” sẽ lớn hơn, dai dẳng hơn, nhất là vào dịp Xuân về, đối với người đang tha phương. Đó là một tình cảm tự nhiên đã nẩy nở từ trong máu thịt mỗi người từ thuở nằm nôi. Dù đã là “tình cảm tự nhiên” nhưng ở đây, nghe lời thầm thì của nhà thơ, chúng ta lại thấy thật xúc cảm!
                  
Nhà thơ tiếp tục tâm sự, rất mực chí tình:
                       
“cả năm nhặt nhạnh cô đơn               
ngày tết muốn tặng nhưng không ai thèm”
                 
Với nhà thơ, Tết đến,  chỉ còn lại “một trời cô đơn”- mà “cô đơn” thì ai dám nhận mà cho? Nhận “cô đơn” là nhận nỗi buồn, nỗi bất hạnh lớn nhất của đời sống!
                 
Nhưng hạnh phúc thay cho nhà thơ - đã có người tự nguyện:
                         
“họa hoằn vẫn chỉ một em!”
                 
Em yêu anh là hy sinh cho anh. Tôi nhớ lời một nhà văn Pháp “Yêu nhau, mà không hy sinh vì nhau, là tình yêu không chân thật!”. Ở nơi “xa quê”, buồn đã đành; nhưng ở “trong quê” mà cũng chẳng có gì là vui!  
               
Xin chúc mừng nhà thơ Luân Hoán, dù sao vẫn đã có “Em” - người yêu, trọn đời nguyện hy sinh cho anh rồi! 

MANG VIÊN LONG
19.1.2017

___________________

BUỒN NHƯ TẾT

không xa nhà chỉ xa quê
xuân về tết đến không thê thảm buồn
chỉ hơi nhớ nhớ thương thương
hương hoa mùi bánh mái từ đường xa
      tuổi xuân vui tết quê nhà
      đón tết hải ngoại tuổi già hồi xuân
      không vui nhưng vẫn gắng mừng
      tham gia, tổ chức tưng bừng cuộc chơi
nhìn người vui tôi học vui
lạ kỳ xuân đến ngậm ngùi nhiều hơn
cả năm nhặt nhạnh cô đơn
ngày tết muốn tặng nhưng không ai thèm
họa hoằn vẫn chỉ một em


LUÂN HOÁN