Sunday, December 18, 2016

2656. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Truyện ngắn LAI RAI BA SỢI


Mùa đông - Ảnh PCH – Scibilia, 2015



Tôi quen ông Chu Du khi ông đã ngoài năm mươi. Tóc bạc, thưa sợi. Người gầy ốm, nét mặt khắc khổ dù đang cười rộng miệng. Áo quần dù tươm tất vẫn ngó ra chút luộm thuộm, chẳng mấy khi chỉnh chu. Tôi không tiện hỏi tên thật của ông cũng như do đâu ông lôi tên một vị quân sư trong truyện Tam Quốc Chí ra dùng làm bút hiệu. Tôi gọi ông là anh vì tuổi tác chúng tôi cách biệt quá lớn. Những đứa viết văn làm thơ dù chúng chỉ tầm mười tuổi cũng nên gọi tôi là anh, ông Chu Du nói, vì sinh hoạt ở lãnh vực này, kêu chú gọi bác quả thật xa cách, không nên.

Trước khi lưu lạc sang đây ông Chu Du từng là giáo viên môn văn ở một vài ngôi trường trung học ngoài miền Trung. Tôi quen ông trong hai trường hợp: Ngồi cùng bàn trong buổi liên hoan do hội cựu giáo chức tổ chức và lần khác, hẹn ở quán ăn Cố Đô để ông trao tấm ngân phiếu trả nhuận bút cái truyện ngắn của tôi vừa được in ở tờ báo do mình ông điều khiển, tả xung hữu đột, bao thầu từ hạ tầng cơ sở lên tới thượng tầng kiến trúc. Ông từng phê bình tôi, văn bạn khúc mắc trắc trở quá, lại nữa nên loại bỏ bớt những từ mà báo chí trong nước ưa dùng. Tôi ghi nhận, tự nhủ thầm sẽ cố sửa đổi. Bữa cùng ăn bún bò cay xé họng đó tôi nhanh tay và giỏi chân chạy tới quầy tính tiền để chi trả. Tôi thành thực, chẳng ngờ có khi được ngồi đối mặt với ông chủ một tờ báo bề thế chốn đây. Ông lau miệng, nhớ nhé, siêng gửi bài cộng tác với tôi; cứ tưởng tượng là chúng ta mê muội phá mồi trên chiếu rượu lai rai ba sợi.

Ông Chu Du có làm thơ, đôi bài hơi khó hiểu. Tân hình thức hoặc hậu hiện đại gì đó. Trộn một tí không khí thơ Đường vào tính cách cô đọng của Haiku. Và khi nói chuyện, thường chẳng mấy suông sẻ nếu không muốn bảo ông bị tật nói lắp. Tôi đồ chừng chắc ông từng trải qua một cơn tai biến mạch máu, ông đánh thắng khỏi bị bán thân bất toại nhưng miệng lưỡi… ôi, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Ăn còn biết quán này sở trường món gì quán nọ sở đoản thức chi. Sành điệu và ngon cơm, không phải ai cũng thủ đắc tựa thế. Buổi gặp mặt ban sơ, ông hỏi tôi: Trước đây anh là thầy giáo à? Dạy học ở đâu, trường nào? Tôi thưa: Dạ không, trước đây tôi chỉ là sinh viên, có anh bạn là cựu giáo chức, ảnh kéo tới chung vui… Ông Chu Du ngắm tôi: Tôi hiểu, tạm gọi là cảm tình viên, một thứ phô trương thanh thế. Chẳng khó hiểu cho bằng “Đêm Trưng Vương” mà sĩ số bọn mày râu lại đông đúc chộn rộn lấn át cả phận hoa nhường nguyệt thẹn mãi bận bịu với con đàng cháu đống.

Có dạo tôi tính mời ông Chu Du đến quán Hương Đồng Quê để lai rai ba sợi nhưng bất thành, lý do tôi gửi tới ông một cái truyện ngắn trong đó nhắc tới một kỷ niệm khó quên xẩy ra trong đêm bão tuyết. Qua điện thoại, ông Chu Du cho hay: Bây giờ đang mùa hè, tôi đi truyện ấy e không thích hợp, hãy nán đợi tới dăm ba tháng nữa nhé… Truyện đó tôi rất hài lòng và tôi đành thu mình ngồi đợi mùa đông về. Kinh nghiệm kiểu mùa màng như vậy khiến lòng tôi vẩn đục về sức sáng tác của mình. Trong hoà bình chớ nên viết tới cảnh bom rơi đạn lạc? Trong đám cưới có kẻ nào ngồi bưng mặt khóc thầm không? Vậy thì nhà văn, anh đừng tưởng bở để tự tung tự tác hô phong hoán vũ. Anh phải luôn nhớ tới bài hát với ca từ như đinh đóng cột: “Không bao giờ, không bao giờ giữa mùa hè tuyết rơi”. Một đôi kẻ yếu bóng vía đã phải thủ đắc câu này: Tên của nhân vật cũng như những tình huống xẩy tới trong truyện đều là sản phẩm của tưởng tượng. Tác giả không chịu trách nhiệm nếu có sự trùng hợp ngoài ý muốn. Nắng mưa là bệnh của trời, nhưng viết xuống giấy làm ơn nên hội ý trước với nha khí tượng hoặc chuyên viên dự báo thời tiết kẻo bị cung đàn lạc điệu. Ở quê nhà, người ta xúi phải đi thực tế là vì vậy, người ta lập ra trại sáng tác là vì vậy và người ta đã xây riêng một ngôi trường để dạy bạn viết văn. Viết tơ lơ mơ là không xong với tớ đâu nhé. Đằng ấy thấy không, con két nhốt trong lồng mới biết nhái được tiếng người chứ bọn sống với rừng sâu hoang dã thì đừng hòng! Không thầy đố mầy làm nên là vì thế!

Rồi thì mùa đông tới đúng với hẹn thề, cái cây chôn trong chậu giờ đây mới chịu nở hoa. Tên tôi in ở trang bìa nằm sát cây thông, dưới hàng chữ “Số đặc biệt chủ đề Giáng Sinh”, khiêm nhượng, khó phát hiện. Tờ báo dầy hơn lệ thường nhưng giá bán vẫn không thay đổi. Ông Chu Du điện thoại hỏi, thứ bẩy nầy có bận gì không? Tôi thành thật khai rằng mình là đứa tỷ phú, rất hào sảng việc chi tiêu thời gian, thứ nào cũng vậy không cứ là thứ bẩy. Ô kê, tôi tính làm buổi tiệc nhỏ, mùa này kiếm chỗ hơi khó nên đành chọn cái nhà hàng Tầu. Đến với anh em cho vui nhé. Lâu nay có viết được gì không? Tôi thành tâm khai báo là viết được ba truyện ngắn gửi cho các tờ tạp chí chẳng hề biết tới chuyện nhuận bút. Ông ậm ừ rồi đọc địa chỉ quán Tai Fat, giờ giấc và gát máy.

Mùa đông ở đây rất lạnh, trẻ lên ba cũng biết điều đó. Nhiều kẻ lạc quan luôn theo triết lý “Vui để sống” nên họ xẳng xái nói “Xứ lạnh tình nồng”. Trẻ lên ba nếu hiểu ra chắc phải khóc thét lên, hơn gặp cảnh khát sữa mẹ. Chiều thứ bảy, tôi độn một đống áo quần tới gặp bá quan văn võ ở quán ăn nghe giang hồ đồn nổi tiếng món vịt Bắc Kinh. Quý vị văn thi sĩ địa phương đã an vị bên chiếc bàn tròn, mặt mày có ám chút tư lự. Địa phương giá rét nên chữ nghĩa co quắp, bàn mười chỗ nhưng vỏn vẹn có năm mái đầu chụm lại mong san sẻ chút “tình nồng”. Không lai rai ba sợi vì hầu như ai cũng bận việc nhà, kẻ sợ về muộn vợ càm ràm, người nói cho em về sớm kẻo thời tiết này qua cầu xa lộ ắt chẳng êm. Họ ăn và họ chẳng ưa tỉ tê tâm sự, đòi hỏi gì thêm khi bao nguồn cơn chúng tôi đã phơi bày trên mặt báo, hoàn cảnh lắm anh ạ!

Kim đồng hồ chỉ mười giờ, chén bát xô lệch riêng mình tôi và ông Chu Du chứng giám. Mặt vị quân sư buồn như thể đấu trí mãi thua Khổng Minh. Đã đọc hết lá thư toà soạn in ở trang đầu chưa? Khan giọng, lời nặng như có đá tảng cột vào. Tôi ngồi làm thinh vì tôi không thể thú nhận rằng, chưa khi nào tôi phải chú mục vào những con chữ phi lộ vớ vẩn ấy. Đọc một bài thơ rất đỗi siêu thực của ông xét thấy đáng công hơn. Tôi có trình bày trong ấy nỗi khổ tâm của tôi và rồi tôi quyết định nghỉ chơi. Tôi về hưu sớm, tờ báo sống được bốn năm, buồn nhiều hơn vui và chừng đó tháng ngày như bóc lột hết của tôi bao nhiệt huyết. Tôi giam cái truyện của bạn để dùng vào ở số cuối là có lý do, đánh dấu một kỷ niệm, một chia tay trong tốt lành. Bữa ăn này cũng là thế cho lời tạ từ. Giờ nầy tôi mới hiểu ra vì sao văn bạn viết luôn dấu ở đó thứ không khí ảm đạm và đầy thương tích. Uống hết ly rượu này đi, khả năng tưởng tượng của mình dù phong phú tới cỡ nào đi nữa cũng chẳng thế ngó ra sự chờ chực của ngày mai thường ám tối.

Đó là hoạt cảnh sau cùng tôi nhìn ông Chu Du quy ẩn. Thành phố vắng bóng tờ báo và tôi đồ rằng ông chủ bút đã dọn tới một thành phố ấm áp phía cực tây. Nhuận bút ông trả chẳng lớn lao gì, nhưng tám chục bạc, lắm lúc nó giúp bạn giải hạn. Tôi từng trải qua những ngày trong túi chẳng có lấy một xu, tự dưng tôi đâm tiếc uổng về cách chết non của một tờ báo. Ở khu vườn quạnh quẽ này đã chẳng còn một loài cây biết đơm bông. Thi thoảng tôi có gặp một nhà thơ nữ trong chợ, cô đi cùng chồng thành ra ái ngại chẳng muốn nấn ná bên tôi dài lâu, chỉ vắn tắc là ông Chu Du ở đâu tui cũng không rõ. Buồn hí? Lỡ nghe tin ông ta chết, ở đây chả còn tờ báo nào để gửi đăng đôi dòng phân ưu. Bà nói sao a chứ, tôi nhủ thầm, thành phố có những ba tờ báo chợ ngập mặt ra đó. Nhưng tại sao lại ác miệng nghĩ ra cảnh ông ấy chết? Thực sự bà từng gặp một Khổng Minh vô ra chợ này rồi sao?

Tôi vẫn làm phận lính đánh thuê không ăn lương, gửi bài sang bên kia biên giới. Mỹ giàu có nên hợp chủng quốc có khối báo bổ sẵn lòng mở rộng cửa để hoan nghênh tôi đầu quân vào. Số nào có in truyện thì họ gửi bưu điện cho tôi số ấy.

Có số đăng bài thơ hoài cảm, giọng buồn nhưng không bi luỵ, mang đủ tính cách khí khái của một vị quan chán cảnh triều đình cởi áo treo đai. Tuy bút danh lạ nhưng linh cảm tôi xác quyết khẩu ngôn ấy chỉ có Chu Du mới đủ hoả hầu. Tâm sự đắng lòng kia gửi về một người trẻ đã thôi đối ẩm, uống rượu mình ta để nhớ lại thời lai rai ba sợi đã sang trang. Tôi có hơi xúc động khi nghĩ “một người trẻ” ấy chính là tôi. Ném một hòn cuội nhỏ dò đường, không gì hơn là trắng đêm tôi ngồi viết ra một cái truyện ngắn kể lại những kỷ niệm về một người cựu giáo chức, một ông Chu Du chân xiêu lạc giẫm lên xứ tuyết. Viết xong mang ra bưu điện gửi tới địa chỉ tờ báo có đăng bài thơ “Chung Rượu Đắng”.

Dĩ nhiên là bài tôi được chọn đăng, bởi những gì phát tiếng trong thành thực nó sẽ mang lại ít nhiều cảm động. Vì địa hình xa ngái, tuy gửi “par avion” nhưng phong bao nặng nề kia đến chẳng đúng với hạn kỳ, phải mất hơn hai tháng hòn sỏi nọ mới chạm đáy giếng, sóng gợn lăn tăn. Giống như mục “Thư Đi Tin Lại” hoặc “Kết Bạn Bốn Phương” in đầy ở các tờ báo chợ, một hôm có con nhạn la đà chui vào thùng thư tôi nằm đẹp xấu tuỳ người đối diện. Phong bì xanh, nét chữ mềm viết mực tím:

“Thưa anh, chồng tôi bị tai biến mạch máu não đã tròn năm. Hơi nặng, nói ú ớ và viết run rẩy khó khăn. Thời gian ở bên xứ lạnh tình lạnh kia tôi luôn đọc những thứ anh trải lòng. Bài thơ mà anh đọc phải do chính tôi sáng tác, với ý nghĩ nếu có duyên phận nó sẽ lọt vào mắt anh. Và giờ đây cái duyên bọt bèo kia đã thành tựu. Trước đây có thể vì lu bu việc dọn nhà và do trăm chuyện ập tới, chồng tôi đã quên gửi anh số tiền nhuận bút truyện sau cùng. Nay một kẻ tai biến mạch máu não mới chợt nhớ ra trong ăn năn, trong sơ sót; xin gửi kèm ở đây tấm ngân phiếu đầy lỗi lầm cùng lời chúc anh luôn sức khoẻ, viết được những điều tâm đắc. Kính chào anh”.

Tấm ngân phiếu 150 USD. Lạ không? Vợ ông Chu Du đẹp xấu ra sao, thể hình thế nào tôi chưa hân hạnh được thấy qua. Bà làm thơ rất gân guốt, rất khí khái như một trang nam tử và ắt hẳn khi mưu sinh bằng tay phải, bà làm việc cho một ngân hàng nào đó, để méo mó nghề nghiệp tính thêm tiền lời khi trả trễ cho thân chủ. Số tiền ấy quá lớn đối với kẻ viết mướn như tôi. Tôi đi sắp hàng ở nhà băng, giá băng phủ trùm nhưng lòng ấm vì đối mặt với những thứ nằm ngoài dự tưởng. Quy ra Gia kim tôi được gần hai trăm sau khi trừ đi một số lệ phí. Cô nhân viên nói, ông bị xui bởi gặp lúc tiền Mỹ đang xuống chứ bình thường hẳn đã được khoảng 220. Chúc mừng mùa Giáng Sinh đầy an lành. Chuyện nhỏ. Tôi nói thầm.

Tôi cầm tiền đi đốt hết vào các món ăn chơi. Mua bột cà phê, mua thuốc lá, mua chai rượu ở hàng quán Tây, ghé qua chợ Tầu mua đồ nhắm đặc sản heo sữa quay có chú thích tuyệt đối không ngâm tẩm hoá chất độc hại. Tối về nhà soạn ra hai cái ly hai cái chén bốn chiếc đũa để ngồi đối mặt với khoảng trống: Tôi hỏi thật anh này, có thằng Khổng Minh nào đã chọc anh tức khí đến nỗi phải tê liệt nửa người. May mà trời bù sự thua thiệt khi anh có được một nửa rất chu đáo, chị đã thanh toán những vướng mắc giữa chúng ta. Tuy anh còn sống nhưng tôi mạo muội rót chén rượu này để nhớ một cuối năm nào chúng ta cùng lai rai ba sợi. Trăm phần trăm nổi không? Tôi uống cạn đây, tôi sống đây mà cũng xem như thác rồi, anh ơi!

Tại sao lại lai rai ba sợi mà không bốn năm sáu bảy tám chín? Bởi đời người ngắn quá, chỉ ba sợi thôi đôi khi cũng chẳng uống xong, phải không anh? Nhiều, sức người có hạn. Chỉ một truyện ngắn, bây giờ chúng sinh hổng có thì giờ để đọc, để hiểu thấu. Cái điệu này tôi cũng về quét lá sân trước đuổi gà vườn sau!

Hồ Đình Nghiêm
dec, 18, 2016