St. Laurent
River (Canada) – Source: fromafriend7491.com
Dưới
bài viết của em hiển thị sáu bình luận, ba khen ba chê, ba chấp nhận ba không
thuận lòng. Sao anh không gióng tiếng? Nếu có, bình luận của anh? Em buôn
chuyến đầu và em may phước huề vốn. Vậy là bình tài, cứ phóng theo lao biết đâu
thắng đậm. Nếu vẫn ba chê ba khen như đã, anh nguyện nhập cuộc làm thay đổi cán
cân. Ca ngợi ai xa lạ thì thầm thà thầm thụt đưa tay ra sờ vào ót, nhưng tán
dương em chuyện ấy nào khó gì.
Em
dự tính viết cái chi ở bận tới? Ôi, gieo cho anh nỗi bất ngờ chẳng phải là điều
thậm sướng sao. Hãy nán chờ như anh từng mỏi mòn ngoài cõi viết. Hợp bụng là
một chuyện mà đi tới tâm đầu ý hiệp lại phải bàn luận lung tung. Bây giờ em
siêng bạch hoá nhưng giấc mơ trên màn hình, sao một cuộc tình chẳng thấy em gõ
luôn tay trên bàn phím. Em giú trái cây xanh vào nơi khuất tất, lỡ khuấy quên
cái chín rục kia không khéo phải dụt đi. Sống sít chát ngầm chẳng xơi được mà
rụng cùi thúi cuống hẳn phí một lần dấu thu.
Hôm
nay mưa nhưng em cuồng chân chi lạ. Lá vàng rụng em ưa đi dưới lòng đường. Anh
thích uống cà phê không, nếu muốn đội mưa ra bờ thành cũ. Quán gì em quên tên,
nằm sát sông Laurent luôn cau có, ở trên bờ trồng cột điện mãi toả một vũng
vàng. Gạch đá ngỗn ngang người ta ưa bày biện, nhưng bước qua cửa sự ngăn nắp
vén khéo vẫn chực chờ. Hình như đôi ta chưa hề ngồi với nhau trong đó. Ủa, vậy
lần nọ em đi với ai cà, nhớ hổng ra! Nếu em nhiều tiền anh biết em ưa bày trò
gì không? In thành tập toàn bộ những sáng tác của em. Việc ấy nào tốn kém gì,
chỉ hai ba ngàn bạc chứ mấy. Giả dụ giàu có em kinh doanh mở quán cà phê thật
đặc thù. Lấy màu nâu làm chủ, ton sur ton ngã dần về màu trắng ngà, vách tường
viết đầy những câu của 108 nhà thơ Việt. Trang hoàng chỉ ngần ấy thôi, ấn
tượng, bởi theo như Leonardo da Vinci nói “ Sự đơn giản là cái rất mực cầu kỳ”.
Anh nhắm xem đụt mưa vào nơi ấy tay ôm cốc cà phê thơm dịu người anh có bần
thần mê thiếp không? Kiếm đâu ra những một trăm linh tám vị? Chớ bỏ sót di chúc
của Nguyễn Khuyến:
“Việc
tống táng lăng nhăng qua quýt
Cúng
cho thầy một ít rượu hoa
Đề
vào mấy chữ trên bia
Rằng
quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.
Sao
cung đàn lạc điệu ra thế. Khẩu ngôn người xưa nằm trong kinh sách chứ ai nỡ
lòng treo vào chốn giang hồ ông đi qua bà đi lại. Em nhắm chỉ tinh tuyển ròng thơ
tình, thế mới đắt địa. Giáng Sinh tới anh sẽ quà cáp cho em xấp vé số Lotto
Québec. Em sẽ dò sáu số biết đâu la toáng lên giấc mơ thành hiện thực một sớm
chiều. Bà chủ tiệm, sao nghe cứ không đã cái lỗ tai. Nàng thi sĩ thì cầu chứng
sự oai phong lẫm liệt hơn hẳn. Xưa nay người ta lỡ sắp hạng lao động đầu óc thì
ăn đứt đứa tay chân loay hoay. Em mà làm cô hàng cà phê thì chán khối thằng
phải bỏ quên cây đàn tại quán tình si mất. Hát hỏng gì buổi ấy! Nói chuyện với
anh thường gây cho em một liên tưởng, em là con Lạc Long mà anh là con bà Âu
Cơ, lạc hướng đi và địa hình khác biệt giữa núi biển đã tác động sâu vào nếp
suy nghĩ của mỗi người, cổ nhân gọi là đầu Ngô mình Sở, chả đúng băng tần phát
sóng giao thoa.
Ngày
tháng này gió luôn đi ngang để than van trên hàng cây bị vặt gần trụi lá. Lá
không than van, chấp nhận rơi trong chao đảo đến buồn lòng. Có người không ưa
nói tới số tuổi mình mang, chỉ cạn lòng bảo tôi đã trải qua ngần ấy mùa lá
rụng. Rồi một mùa thu nào sừng sững hiện về, gió của nó cuốn người ấy rụng đi
xa. Người ấy có kịp nói đôi câu giã từ cõi thế: Việc tống táng diễn trong hai
bữa, đưa thây ta vào lửa nung thân, rãi tro cốt vào nơi thuận tiện, cười cho ta
một trận hả hê.
Gió
làm gãy cọng chiếc dù em che. Tiếng em cằn nhằn nghe hư thực. Làm thơ trong
hoàn cảnh nào xét thấy thôi thúc? Êm ả hay bực mình với những bất ưng tình cờ?
Anh ưa phỏng vấn lôi thôi thế? Một bài đi dưới mưa có anh che dù e bất khả? Vai
anh ướt cho tóc em khô, chẳng hạn? Dạng như thế em có bỏ trên facebook rồi,
hình ảnh nghèo nàn quá anh chẳng ngộ ra? Trên hành tinh này mỗi sát na có cả
triệu đôi nam nữ che dù đi dưới mưa, cái khó là làm sao người ta nhìn nhận ra
anh trong đám đông ấy. Một bài thơ hay phải chăng là nơi hội tụ những ánh mắt,
anh đi trong mưa mà dường như anh không ướt, điều huyền nhiệm nào đã vực anh
lên, lôi anh ra sự chộn rộn của đám đông, khô thân để xem thường thời tiết. Anh
mong mỏi có ngày em được như vậy, hãy ném cây dù vô dụng kia và trong nhất thời
hãy chịu khó đi sát vào người anh, cho anh quàng vai em đi dưới vũ lượng mỗi
lúc thêm ràn rụa nặng hạt. Hãy ôm nhau. Albert Camus nói: “Đừng chờ đợi sự phán
xét cuối cùng. Nó xẩy ra hàng ngày”.
Sau
cơn mưa trời lại sáng, người ta ưa nói thế, như đó là định luật tự nhiên của
đất trời, như ký gửi một hy vọng. Kẻ thất vọng như anh thì đổi lời: Sau cơn mưa
trời lại tối. Mưa buổi chiều, khi ngưng rơi thì trời chẳng quang mây chẳng tạnh
được. Trời tối hù vì đêm đang tới, muốn sáng người ta phải phát minh ra bóng
đèn điện và như thế, sau cơn mưa anh lầm lũi đi dưới hai hàng đèn vàng ệch. Sự
phát quang của nó chẳng sánh được với màu lá rơi ngập đường, lầy lội. Anh vừa
từ hội trường ra về, bỏ ngang phần phụ diễn văn nghệ hát hò ngâm vịnh, chỗ
người ta tổ chức buổi ra mắt sách thi tập đầu tiên của “nàng”. Anh ngồi thu người
trong lòng một chiếc ghế tự dưng quá đỗi lớn so với cơ thể anh. Anh đã cố gắng,
cố gắng viết cho xong một cái tựa. Sự cố gắng không vượt qua lằn mức cuối,
“nàng” sớm mang thơ đi in và dĩ nhiên lẳng lặng từ chối sự hợp tác của anh.
“Nàng” nói tới hai chữ xin lỗi và anh linh cảm xấp vé số dự trù mua tặng trong
dịp Chúa giáng sinh sẽ chẳng còn cơ hội trao tay “nàng”.
Chiếc
áo dài tím có vẽ những bông hoa li ti nở rung động trên ngực làm “nàng” khác
lạ, không như “em” của hôm qua. Khi bước ra ánh sáng, hoa nở bung và điều đó
tôn tạo một vẻ đẹp xa cách. “Nàng” bị vây bọc bởi lắm kẻ yêu thơ và anh, vị trí
thuận lợi nhất là thu mình trong lòng ghế lưng chừng giữa hội trường. Tuy gần
mà xa. “Nàng" có tặng anh tập thơ dày đúng trăm trang, nếu in thêm cái tựa
anh viết, không khéo làm lệch vai, làm mỏi tay ai đó cầm lên thêm nặng nhọc.
Một trăm, thế mà hay. “Nàng” từng nói với anh về một trăm cái trứng huyền thoại thuộc dạng
khoa học giả tưởng. “Nàng” nói đại khái tụi mình là con cùng cha cùng mẹ nhưng
phạm tới lời nguyền hiểm hóc nên đành phải quay lưng gạt lệ thua buồn số phận,
ăn ở với nhau đầu bạc răng long có mà chạm tới luân thường đạo lý đẻ con không
có lỗ đít các thứ linh tinh, lê thê và chì chiết hậu sanh khả ố.
“Nàng”
viết ở trang đầu: “Tặng anh, để nhớ…” Chữ nhà thơ vẫn thế, đẹp không đẹp xấu
không xấu nhưng bay bướm, kiểu tạo dáng. Anh thưa thốt, lí nhí: Chúc mừng. Rồi
vặn giây thiều nghe cót két: Chiếc áo đẹp quá, tiếc là màu sắc nó buồn thâm
trầm. “Nàng” có lối ứng xử nhạy bén: Anh tính trả thù à? Anh xuống giọng: Nếu
trả thù ai dại đi trong mưa gió lặn lội tới chốn đây, làm đứa tiểu nhân ắt hẳn
nó đang trùm chăn say ngủ hoặc gọi cốc cà phê đen ngồi rung đùi trong cái quán
hôm nào hai đứa cụng đầu. Tiểu nhân có làm được thơ? Giọng thơ say lã một căm giận?
Anh ngậm miệng đúng lúc khi sánh vai người mặc áo màu thâm trầm là gã đàn ông
đạo mạo cứng thây trong bộ đồ lớn cắt may vụng, không vừa kích. Ông ta ngó anh
như ngó cánh hoa tàn rơi trên khăn trải bàn, có nghiã là sẵn lòng nhặt nó ném
đi sau khi thoả dạ săm soi. Và anh quay lưng cố giữ sự an nhiên có ở một đoá
sen. Không mấy khó, anh biết người đàn ông đó đã bỏ tiền ra in thi phẩm nọ, lo
từ a tới z để hoàn thành buổi ra mắt giới thiệu đứa con tinh thần của “nàng”.
Không mấy khó để anh biết tên ông ta, in ở trang 17 dưới tựa bài thơ “Một cọng
một bằng ba”. Nguyễn văn Không Trỗi còn nằm rải rác ở đôi ba trang khác. Ân
nhân. Người xúi giục tôi làm thơ. Người cho tôi thi hứng. Người đồng minh không
hề tháo chạy đang đi bên tôi. Người quyết tâm can ngăn không cho tôi nhọc thân
làm bà chủ hàng cà phê…
Sau
cơn mưa trời lại tối. Vào nhà anh mở sáng tất cả những bóng đèn, bật lò nấu
nước trụng lai rai gói mì hiệu con tôm ăn qua loa theo di huấn của tiền nhân
quân tử: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”. Lục soạn trí nhớ xem, có
vị chính nhân quân tử nào ngôn: Nhưng mà sống để làm gì nhỉ? Chỉ nghe thi nhân
Mai Thảo bảo:
“Sách
một dãy nằm trơ trên giá
Cạnh
người thân thế cũng trơ trơ
Sách,
người hai cõi cùng hư hoại
Nơi
một ngàn chương thiếu một tờ”.
Tờ
giấy rời ấy đã bay, nhẹ tợ lông hồng mang vẻ dưng dưng của kẻ bạc lòng với thơ
văn. Ngàn chương luôn thiếu bởi cơm áo nặng tợ ngàn cân làm mê muội cuộc sinh
tồn nhìn ngó đành hanh một hơn thua vật chất. Nghèo một tâm hồn, tiếng thở dài
mãi bị bụi bám trên kệ sách chẳng còn ai lạc hồn đâm trắc ẩn. Không thiết thực
khi thắp đuốc cố tìm cho ra một kẻ tâm giao, thứ bằng hữu đúng nghĩa nguyện
chia sớt đớn đau với lạc thú đề huề? Đi dưới mưa, chẳng còn ai sánh đôi che
chung ô dưới gió chướng làm vướng chân.
Trời
lạnh, bật sưởi vẫn còn run, nghe cảm hàn tự đáy lòng. Tắt đèn đi ngủ anh mang
theo cái nồi lớn mà dạo trước “nàng” cao hứng đến xắn tay áo để ninh hầm món
phở hoành tráng thơm điếc lỗ mũi. Anh đặt chiếc nồi vô dụng bên giường, xé từ
tốn tập thơ dày đúng 100 trang, mồi lửa từ một tới chín chín. Lửa không reo,
chỉ vặn mình cháy ngúm. Cạn lực rồi hồi sinh. Riu riu tàn tro rồi bừng sáng lửa
ngọn. Em ơi, quả nhiên thơ em đã làm ấm giấc ngủ anh lẻ loi. Xin cho anh sớm
đụng đầu cơn mộng, tụi mình hôn nhau tàn bạo ở quán cà phê không nhớ tên em
từng hẹn hò. Sông Laurent trôi hững hờ bên ngoài và bóng điện vàng gục đầu đứng
hổ ngươi chỉ sáng tỏ một vũng tròn thắp mù mờ công án: Làm thế nào để giết
nguyên một tập thơ?
Hồ
Đình Nghiêm