Thursday, December 1, 2016

2627. LƯƠNG THƯ TRUNG Lá thư văn nghệ gửi Phạm Cao Hoàng





Houston ngày 18 tháng 08 năm 2013
  

Anh Phạm Cao Hoàng thân mến,

Với cái tựa “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt”, tập truyện và tùy bút của anh như một lời mời gọi vô cùng hấp dẫn ngay khi nhà thơ Phan Xuân Sinh trao tôi cuốn sách này vào sáng hôm nay do anh gởi tặng. Về tới nhà tôi liền mở ra xem ngay mục lục và tôi tìm ngay truyện có cái tựa mà tác giả lấy làm tựa của cuốn sách.

Theo anh ghi, đây là một truyện thật và dường như trong tập truyện này anh có rất nhiều truyện được anh ghi là“truyện thật của tác giả” như vậy, chẳng hạn như truyện Mỗi Người Chia Nhau Một Chút Khổ, Đã Ba Năm Mình Không Có Tết, Về Chốn Cũ…

Chính vì “truyện thật của tác giả” nên truyện nào của anh cũng làm cho người đọc rất cảm động vì anh viết về những hoàn cảnh của chính mình đã trải qua và cam chịu những cảnh đời bất trắc của những dâu bể của dòng đời.

Đặc biệt truyện “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt” ngoài tình cảm gia đình anh dành riêng cho hiền thê của anh lúc gặp dịp chẳng may phải chịu hai lần giải phẩu vô cùng cảm động. Tình phu thê, tình mẫu tử và nói chung là tình gia đình rất vô cùng quý báu; theo tôi những thương yêu mà anh và các cháu dành cho chị đã góp phần làm cho chị vui lên và thắng được định mệnh đã có lúc làm chị nhiều lúc muốn qụy xuống; và từ đó mới có ngày anh chị trở về Đà Lạt, nơi có quán “Lục Huyền Cầm”, có cà phê Tùng để “anh uống môt ly cà phê đen, em uống một ly đá chanh” để anh chị nhớ lại những ngày mới quen nhau hạnh phúc biết bao!

Đọc sách anh, tôi cũng nhớ Đà Lạt mà tôi tới đó cách nay hơn bốn mươi ba năm. Những ngày tháng tôi còn rất trẻ và rất thích lang bạt nơi này nơi khác; và rồi Đà Lạt là nơi tôi ghé lại vài ba lần, mà lần nào cũng như lần nào, nếu có ai hỏi hoặc nhắc về Đà Lạt là tôi lại như anh chị là muốn “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt” vậy!

Thưa anh,


Cách nay dường như vài năm, nhơn khi trò chuyện với nhà thơ Âu Thị Phục An (Sài Gòn), có lần tôi đã hỏi chị ấy:

“Như chị vừa nói: “vầng trăng tôi” bị đời ăn đi trong một đoạn đời rất lâu mà sau đó, từ cuối năm 2007, tôi đã làm thơ lại”, có nghĩa là chị đã tìm lại được mình giữa muôn trùng bất trắc của dòng đời ….

Nhưng, như chị cho biết có một thời chị phải giã từ Rạch Giá theo gia đình đi học lớp Đệ Tam trên Đà Lạt vào năm 1970 và vào những năm ấy tôi cũng có biết Đà Lạt của chị mấy bận. Từ Sài Gòn theo xe đò ra tới ngã ba Dầu Giây (Long Khánh) rẽ về hướng tay trái qua Định Quán, Phương Lâm, rồi vượt đèo Madagui, đèo Blao về Lâm Đồng, tôi nhớ quá khu rừng Phương Bối trong “Nẻo Về Của Ý.” Bảo Lộc chập chùng những đồi trà xanh một màu xanh mát rượi với làng Tân Lộc hồi đó mít trái đầy cây, ôi thôi mít là mít .Mít nghệ, mít ướt, mít tố nữ làm thành cái nét riêng của Bảo Lộc vào những ngày mưa rừng bất tận. Bỏ lại Bảo Lộc sau lưng, tôi đi tiếp đên vùng đất Di Linh với những vạt rừng cà phê ngào ngạt hương thơm của mùa cà phê trổ bông và rồi tôi lại bắt đầu đi vào lãnh thổ của làng Tùng Nghĩa thuộc quận Đức Trọng của Đà Lạt với khí trời hơi mát lạnh của cao nguyên Lâm Viên lan dần vào áo mỏng khách bộ hành. Đức Trọng với thác Liên Khương, thác Pongour, thác Gougah cùng với những đồn điền cà phê, cam, thơm, khóm và đặc biệt về cây rừng, về lâm sản là một trong ba quận trù phú nhứt của tỉnh Tuyên Đức gồm Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng. Qua khỏi quận lỵ miền cao nguyên này, lần theo quốc lộ 20, lần đầu tôi có cảm tưởng núi rừng bao la quá làm con người chỉ còn là những hạt cát li ti khi mắt nhìn xa xa phía trời cao kia núi là núi ngập đầy rừng lá thông xanh làm thành cái dáng vẻ trầm mặc biết dường nào!

Tôi lên Đà Lạt những năm tháng xa xưa ấy cách nay hơn bốn mươi năm mà sao vẫn nghe như cứ mỗi bận nhớ về Đà Lạt là tôi nhớ tới quận lỵ nghèo Lạc Dương nằm về phía phi trường Cam Ly chạy dài theo chân núi hơn là nhớ những vườn bông hồng đầy hoa thơm và gai nhọn; tôi nhớ về Đơn Dương với con dốc khúc khủy về hướng Đà Lạt nhin xuống thung lũng xa xa duới kia bóng dáng người tiều phu bé nhỏ giữa rừng già; tôi nhớ Đức Trọng với thác nước Liên Khương hơi cạn và dòng thác như con suối mùa hè, khác xa với những dòng thác khác cũng của Đức Trọng như thác Gougah, thác Pongour cứ như giận dỗi ai nước cứ đổ ầm ầm bất tận… Nhớ về Đà Lạt của chị tôi không nhớ cà phê Tùng, tôi không nhớ Sân Cù, tôi không nhớ hồ Xuân Hương, tôi không nhớ những cặp tình nhân dìu nhau trên lối cỏ; tôi không nhớ những chợ hoa với những cô gái mà đôi má lúc nào cũng ửng hồng, mà tôi nhớ những người vác gùi đi vào rừng từ sáng sớm, mà tôi nhớ những đám mây xanh cùng lớp sương mù như lúc nào cũng treo lưng chừng trên đỉnh núi Lâm Viên cao chất ngất trên trời cao, đôi lúc làm mắt mình mờ đi không còn thấy đâu là rừng thông, đâu là bông hoa, đâu là những gương mặt các cô gái Đà Lạt đẹp lạ kỳ ….

Và ở đấy dường như tiết trời rất hợp với nước da con gái hơn con trai; chị có thấy thế không?Và những năm tháng chị sống ở Đà Lạt chị có làm bài thơ nào ghi lại những ngày này không?Hy vọng chị chia sẻ vài vần thơ về một miền cao với biết bao mộng mị, trữ tình ấy, thưa chị.”

Và được chị Âu thị Phục An trả lời:

“Ô, thưa ông, không biết có sự tương cảm nào giữa ông và tôi không mà bỗng dưng ông lại “trao tặng” tôi một ký ức quá đẹp và rõ nét về xứ sương mù Đà Lạt mà ông gọi là “Đà Lạt của chị” như thế nầy? Thiệt sự những dòng hồi tưởng tuyệt vời của ông làm cho tôi quá sức nao lòng và nhớ về Đà Lạt của những tháng ngày mộng mơ ấy quá.Những gì ông kể cũng chính là những gì tôi cũng đã từng thụ hưởng trước một Đà Lạt vô cùng xinh đẹp. Niên khóa 1971 – 1972 tôi vào học trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, và với trái tim lãng mạn, tôi không phải đứng ngắm Đà Lạt với đồi núi cao vời, với sương mù sớm mai, với trăng đêm huyền bí, với thông xanh rì rào, với những giọt café Tùng tuyệt ngon, hay với những chiếc dù đủ màu xinh xắn, hay có lúc ngất ngư cùng anh chị Lê Uyên Phương trong ca từ của “ theo em xuống phố trưa nay, đang còn ngất ngất cơn say…,” mà thiệt tình tôi đã như tan biến vào những đóa hoa hồng đỏ au trên đôi gò má của những cô gái Đà Lạt nhu mì đáng yêu.

Thưa ông, đúng là tiết trời Đà Lạt lạ thiệt, tôi có vài cô bạn học đều có đôi má đỏ, lòng bàn tay, gót chân đỏ au mỏng dờn, còn mấy anh con trai thì không được như vậy đâu, da họ cao lắm là hơi hồng hồng một chút thôi ông ạ.

Nói về thơ thì khi sống ở Đà Lạt tôi làm cũng nhiều, nhưng hồi đó báo đăng rồi thì tôi cắt ra dán vào một cuốn sổ để kỷ niệm chứ không thuộc và nhớ nổi đến hôm nay đâu.Sẵn đang cao hứng, tôi làm bài thơ mới toanh nầy gởi đến ông và độc giả, có dở xin đừng cười, tôi rất cám ơn.

Em thẹn gì mà má em cứ ửng hồng?
Vào đông chưa mà Đà Lạt cứ mùa đông 
Sáng mù sương mặt trời không chịu thức 
Ngủ chi mà ngủ li bì, có biết anh đợi không?


Nắm tay em đi anh, tay em đang lạnh ghê 
Nắm hai tay luôn, cho em quên hết đường về 
Nè, cây dù đỏ che nghiêng bờ môi đỏ 
Kìa, đồi nghiêng chao làm thao thức đám dã quỳ

Cỏ óng mượt, cỏ đồi Cù xanh hết biết 
Mỏi quá, duỗi bốn cái chưn ướt đẫm sương mai 
Tập vở đâu rồi, tựa lưng vô gốc thông em lẩm nhẩm học bài 
Còn anh nữa, năm nay mà thi rớt coi chừng đi lính đó

Nhớ, sao mà nhớ một thời dấu yêu, một thời môi còn đỏ 
Nhớ, sao mãi nhớ tay nào ấp mãi một bàn tay 
Và rồi sương mù đời lắp che đôi mắt mỏi 
Có còn khung trời nào cho những sợi tóc phai? “



Anh Phạm Cao Hoàng,

Giờ tình cờ đọc được những trang sách của anh và biết anh cùng chị lại “Về Chốn Cũ” để cho“Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt” thành sự thật càng làm cho tôi thêm một lần nữa được hồi tưởng lại một thành phố mà tôi có dịp ghé lại ngày nào…

Tôi có đọc thêm “Trạm Hành, ngày tháng sương mù” để nhớ Đơn Dương với núi rừng trầm mặc nơi này và với  “Về Chốn Cũ” tôi cũng nhớ những ngày tôi đi ngang qua Tuy Hòa với quận Hiếu Xương nằm ngay khi quốc lộ 1 nối dài phía bên kia chân Đèo Cả từ hướng quận Ninh Hòa, Vạn Giả về hướng Phú Yên… Tôi đã có những đoạn đời lang bạt về những vùng quê anh ngoài ấy cũng cách nay hơn bốn mươi ba năm … Lâu lắm rồi tôi chưa trở lại từ hồi những năm 1973-1974 ấy khi tôi về lại Sài Gòn.
  
Anh Phạm Cao Hoàng thân mến,


Tôi đã lớn tuổi, đọc sách rất khó vì mình không còn mẫn cảm như hồi mình còn trẻ; nhưng sách anh làm tôi mê và đọc liền mấy truyện thật của anh và vắn tắt mấy hàng xin được chia sẻ cùng anh nhự vậy. Ở đó nó chan chứa tình bằng hữu, tình văn nghệ, tình cố hương và đặc biệt tình gia đình với những ngày xưa thân ái cũng như hôm nay, bây giờ, là những chất liệu làm cho đời sống này có ý nghĩa lắm !

Xin cảm ơn anh và mến chúc anh chị luôn dồi dào sức khỏe, cùng gia đình các cháu an vui, hạnh phúc.


Thân mến,

Lương Thư Trung