tặng
Trường Giang
Ngày
ấy, thuở còn bé, ba tôi hay dẫn đứa con trai duy nhất của ông đi đó đây. Tôi
theo ông, thường mệt mỏi nhưng bù lại được ông cho ăn quà bằng thích. Ông có
lắm bạn, tuổi tác không đồng đều nhưng trẻ hay già đều thống nhất gọi ba tôi
bằng hai chữ: Ông Tướng.
Người
ngoài cuộc có thể nghĩ quàng xiên rằng ba tôi ưa làm trạng, ưa già mồm cãi chày
cãi cối, ưa đặt điều nói thánh nói tướng. Tuy là con nít nhưng tôi có thể bảo
vệ được ba tôi, tôi sẽ đính chính ngay, đó là tạo ra được thứ danh xưng ấy bởi
vì ba tôi là một cao thủ về cờ tướng, giản dị có thế. Ông ít nói, tay chống
cằm, mặt đăm chiêu nhìn xuống thành quách nửa trật tự nửa ngổn ngang của bao
tướng sĩ tượng xe pháo ngựa mãi xao xác cuộc binh đao trong câm lặng. Trong địa
bàn quận ông chưa hề bị ai “chiếu tướng”. Những kẻ ngã ngựa vui vẻ rời bàn cờ,
họ bắt tay ba tôi và suýt nữa họ tôn ba tôi lên làm kỳ vương. Ba tôi nói ra một
câu kiểu cách mà mãi tới giờ này tôi còn nhớ: Bạn chớ nên giết tôi kiểu ấy, bởi
núi này cao thì sẽ có núi khác cao hơn; đi xa mới biết sông dài và sóng thì
luôn xô đẩy từ sau lưng. Khi ấy, mọi con mắt đều chú mục tới tôi, có người xoa
đầu tôi: Mãi đứng sau lưng bố, vậy con ắt là truyền nhân của người. Mặt mày mi
sáng láng sau này làm sóng xô ông tướng xuống để đi những nước cờ hiểm hóc khó
lường.
Ba
tôi cười tiếng to, giọng sảng khoái và sau đó hai cha con tự vui hưởng thành
tích bằng một chầu kéo ghế trong quán ăn do tôi chọn lựa. Tôi học kém lắm, học
bạ luôn gặp hàng chữ đỏ của thầy cô phê: Ngoan, hiền nhưng sức học chưa thấy
tiến bộ. Cần trau dồi thêm. Sĩ số trong lớp có 50 trò, thứ hạng tôi đứng ở lằn
vạch 45. Nhưng nếu được cho phép thưa gửi chuyện bên lề, tôi sẽ dong tay: Dạ
thưa cô, em dám cá với cô là toàn bộ nhân lực trong ngôi trường trung học này,
kể cả gia đình ông cai, không một ai có thể “chiếu tướng” em.
đọc tiếp...
đọc tiếp...