Friday, November 25, 2016

2613. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Truyện ngắn LẠC SỢI TÓC PHAI


HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Lạc sợi tóc phai

Hồ Đình Nghiêm - Montréal, tháng 11.2016




Nghe tiếng mở cửa, anh từ bếp bước ra. Lối đi hẹp chợt tù mù khi chị khép đóng cánh cửa sau lưng. Trời mùa này chóng tối, người ta đã vặn ngược kim đồng hồ lùi lại một giờ mong cứu vãn chuyện ngày ngắn đêm dài và nếu là mùa hè tay anh đã không chạm vào công-tắc đèn. Bóng tròn vàng ấm chiếu xuống dáng chị đang ngồi cởi giày, anh cảm nhận dường như lúc này chị trông mập ra và thấp người lại. Chị vừa rơi vào hạng tuổi mãn kinh và áo xống ngự hàn vây bọc có thể nó đánh lừa một cảm nhận ở mắt anh.

Như mọi lần, anh phụ vợ mang ba túi ny-lông lui bếp chật. Chị đang treo chiếc áo bành tô lên những nụ gỗ nhô ra đóng dưới bức tranh nhỏ in lại cảnh chiều tà của một hoạ sĩ phái ấn tượng châu Âu đầu thế kỷ hai mươi. Anh từng đi chợ trời và mua được bốn năm tấm, treo đó đây, từ hành lang vào nhà vệ sinh và ở góc bếp. Những bức tranh u tối, phong cảnh cũng như tĩnh vật và chị từng quở anh không có khiếu về mỹ thuật, trang hoàng nhà cửa phải lựa thứ gì trông vui mắt một chút, có ai như anh!

Vào bếp chị nhìn anh chất thịt thà rau rác ra: Bây giờ cầm năm chục bạc trong tay thì chẳng biết mua được những gì! Vật giá mãi lên cao, cục thịt bò có chút xíu mà giá mười đô. Bữa nay còn bày đặt tính năm xu cho mỗi cái túi ny-lông nữa chứ. Anh rót cho em miếng nước trà, khô hơi rát cổ quá! Anh đưa bàn tay thăm dò chiếc bình sứ có vẽ hoa văn những nụ hoa nhỏ màu xanh tím, nó còn ấm. Anh nói: Khi em đi chợ, có điện thoại của con Bê gọi lại. Chị đón tách trà từ tay anh, xoay đổi thế ngồi trên ghế: Có chuyện gì không? Ừ, Bê nó bảo cuối tuần này bố mẹ chồng nó có nhã hứng mời tụi mình đi ăn nhà hàng, nó sẽ tới chở mình vào khoảng sáu giờ. Nó dặn ba phải động viên má, nói thêm vô, chứ quanh năm cứ để bả loay hoay trong nhà, thấy thương quá! Anh nghĩ sao? Tuỳ ở em thôi, em không đi anh cũng ở nhà theo. Nhưng mà tội gì, có cớ để tạm xa lánh bếp núc củi lửa một bữa cho nhàn thân.

Anh nhìn đồng hồ, chưa phải lúc để đổ gạo vào nồi cơm điện. Hai vợ chồng có khi ăn chẳng hết một lon gạo, bởi chị nghe ai đó nói rồi quyết thực hành theo: Buổi sáng nên ăn như một đại gia, buổi trưa ăn theo cách của bọn trung lưu rồi buổi tối hãy xơi cơm như đứa ăn mày. Anh rất bất mãn, hậm hực trong bụng nhưng chẳng nói ra, bởi thực chất anh chưa bao giờ được sắm vai đại gia để đối mặt với sơn hào hải vị cả. Đám cưới con Bê thì không nói, hãn hữu, ê hề những mười món, nhưng thấy con nó hạnh phúc quá, phận làm cha đâm ngang miệng, quên đói. Bê theo chồng ở cách nhà cũ bốn lăm phút lái xe, Bê ra riêng và cô con gái duy nhất của anh chị như biết để lại chất chồng những hụt hẫng mà thời gian đầu sự nhớ thương con đã làm anh chị mất ngủ. Dưới mắt anh, Bê còn bé bỏng dại khờ quá, chẳng rõ đời sẽ dạy Bê những gì trong lúc anh nghĩ lòng thương của cha mẹ gần gũi bao che sẽ là thứ vũ khí duy nhất nhằm chống trả lại, an toàn và hiệu nghiệm. Anh đã lầm, chỉ có anh mới ngu ngơ với đời sống tây tà này, ngược lại xã hội bên ngoài đã là sông hồ cho Bê hoá thân thành cá tha hồ vẫy vùng và vượt qua được bao sóng lớn.

Không biết có nên nhận lời. Vợ anh lên tiếng. Sao thấy ngại quá, bởi mình ăn của họ một bữa mình phải tìm cách trả lại cho xứng với bữa ấy. Anh nhìn chị, người đã hạ sinh ra được một cô công chúa tên Bê. Anh lấy chị làm vợ lúc chị bằng tuổi Bê giờ này và rõ ràng Bê đúng là một phó bản không sai trật, một thứ photocopy thật hoàn chỉnh riêng ở dung mạo. Nói đẹp thì không hẳn, sự dịu dàng lẫn trốn ở đó đã tạo ra sức quyến rũ khó cưỡng chống. Và cánh hoa ngày nào đang bước vào lằn vạch của tàn phai. Khi Bê chưa lên xe hoa, thảng hoặc lén trộm nhìn con anh đã yếu lòng chối bỏ thực tại để nhớ về một thời “yếu bóng vía” khi chạm tới ngưỡng hạnh phúc. Đôi lúc anh phát tạp niệm, anh ghen ghét thằng con rể kia, đến độ sau ngày cưới anh đã thốt thành lời với Bê: Con không được khóc, hãy cho ba má biết ngay những điều khiến con phật lòng. Anh nhìn chị, anh tự trách là chẳng mang chị tới sống cùng những vật chất no đủ như thứ đổi đời mà bàng dân thiên hạ mãi hãnh tiến, lời chị nói vừa rồi đủ vẽ ra một cảnh sống đạm bạc, toan tính, ăn bánt ít mà chẳng có bánh quy trả lại. Em chớ nặng lòng, con sẽ tế nhị giúp mình một đáp lễ phải đạo. Rồi anh đùa: Sinh ra Bê là em cùng anh mà người hiểu vợ chồng mình chính là con vậy.

Chị đứng lên, đến thùng rác đổ xác trà, mở nước ở bồn để rửa bình cùng ly tách: À này, đã bao lâu rồi anh chưa hớt lại tóc? Thằng cha ngoài khu Eden lấy anh nhiêu tiền? Năm ngoái mười hai, năm nay tính mười lăm, lão giỏi tay nghề xoèn xoẹt chỉ mất hai phút, chưa hưởng tứ khoái đã vội đứng lên! Đoản hậu! Ở ngoài chợ, hồi nãy em thấy có dán miếng giấy quảng cáo hớt tóc nam giá chỉ một đô. Anh ngó đầu tóc rối của chị có đính chiếc kẹp bằng kim loại phản quang dưới ánh đèn: Em có mang kính theo không? Chí ít phải mười đô, thời buổi này ai đâu lấy giá kỳ khôi vậy? Mệt anh quá, hồi nào đi cà phê cùng bè bạn tạt vào xem qua cho trôi hồ nghi. Họ in con số 1 to đùng, bộ đui hay sao hổng thấy? Thế mới nói. Ừ, tóc anh xác xơ quá, nên để cho tông-đơ cùng lưỡi kéo cày qua một bận trông chỉnh chu đặng đi ăn tiệc cùng sui gia. Một đô thôi à? Nghe mà ham. Phải chi mình có ba đầu sáu tay cùng đi hớt một lần cho người ưa việc từ thiện kia được lu bu.

Hôm sau, thay áo đổi quần, anh nói cùng chị: Anh đi chỗ một đồng đây. Không chừng bữa nay con Bê sẽ gọi phone cho em để tỉ tê. Là con gái, có nhiều thứ nó ưa tâm sự với mẹ hơn. Quen lệ, anh không ăn sáng. Đại gia thì chúng điểm tâm những món gì nhỉ? Hàng quán người Việt chốn này đều mở cửa vào tầm 10 giờ và anh làm kẻ trung lưu tạt vào tiệm phở ăn trưa. Ở nơi lao xao nọ thế nào anh cũng gặp một đôi người quen biết, anh rất nể nang họ bởi hầu như họ thông thạo lắm lãnh vực, chuyện gì cũng biết tường tận, sâu xa. Ai cũng có khả năng làm trưởng ty thông tin văn hoá. Dĩ nhiên họ sẽ chứng thực và bày đường cho anh biết địa điểm có mọc lên tiệm hớt tóc hoang đường lấy giá một đô la. Một đồng mà làm gì được hả trời! Ngay cả những kẻ cùng khổ ngồi co ro bên vệ đường cũng chả vui thú khi cái nón đưa ra chỉ hứng vỏn vẹn number one. Nó chưa nổi quạu là đã may!

Hoá ra đó là trường dạy nghề. Phòng kê 6 chiếc ghế nệm chạy dài theo tấm gương soi liền lạc. Ở cửa có người chỉ tay vào cái máy dùng để lấy số thứ tự và người ấy sẽ trấn an, đại để: Không có răng mô, đưa đầu cho học viên thực tập, kiểu làm nháp, sau đó thầy cô cao tay nghề sẽ chỉnh sửa lần cuối cho tươm tất vén khéo. Nghe có hiểu không? Anh rất dị đoan, hài lòng vì nắm trong tay con số 9, thế nào mình cũng được người mát tay chiếu cố tùng xẻo. Khách toàn cả đàn ông, hạng nghèo khó hoặc có máu phiêu lưu ưa mạo hiểm. Một lão bụng bự vừa rời khỏi ghế và số 9 được gọi liền khi. Chiếc ghế đang được làm sạch tóc vụn bám, có cô con gái nói hê-lô rồi chỉ tay biểu anh ngồi. Một thoáng ngại ngần để sau đó cô gái ném ra hòn sỏi dò đường: Bác người Việt, đúng không? Anh nhìn vào tấm gương nhưng kỳ thực là trông rõ toàn thân cô gái đọng chiếu trong ấy và anh vội gật đầu. Lý ra cháu sẽ phụ trách ông số 10, nhưng bà cô bảo số 9 là người Á đông, ắt sẽ dễ ăn nói, dễ thông cảm hơn, mày nên xí phần. Anh cười trong gương soi: Ừ, bác cũng thích được người đồng hương ra tay vò đầu mình. Cháu tên chi hè? Ở trường huấn nghệ họ gọi là Linda, nhưng đúng tên cháu là Mỹ Linh. Anh ngồi cứng người trên ghế để cho Mỹ Linh quàng khăn, siết chặt cổ. Đầu anh như một chậu hoa héo đang được bàn tay trắng trẻo kia phun bụi nước lạnh. Cô lùa mấy ngón vào cày xới cho nước thấm đều, rối tung lên rồi mới chia đường ngôi để chải ngược lui. Bác muốn hớt sao đây? Ừ, chỉ biết hớt ngắn ngó cho gọn nhẹ. Trong gương vẫn lưu giữ một ảnh hình, có khi mù tăm có lúc rõ nét, xác quyết và ngờ vực trộn lẫn. Giọng nói trong trẻo của Mỹ Linh như ngầm xúi anh lạc bước vào một hồi tưởng. Hớt tóc ra giá một đồng là chuyện hiếm có, nhưng người đang lao động ở sát sau lưng anh sao chừng như thấy quen. Không dằn được lòng, anh cất tiếng: Bác nói điều không phải thì Linh bỏ qua cho, cháu sang đây lâu chưa? Dạ đã ba năm, xem như còn mới. Bà dì có mở tiệm làm móng tay và hớt nhuộm sấy gội nên mai này cháu sẽ về đầu quân làm trong tiệm của dì. Mẹ cháu thì sao? Phải mẹ cháu tên Trần thị Mỹ Thanh không? Cây kéo khép lại hai lưỡi, đứng yên trên đỉnh đầu anh. Đôi mắt to, đen láy im sững trên mặt gương. Cháu xin lỗi, tay nghề vụng quá, bị kéo cắt phạm một nạm tóc… Hớt ngắn kiểu nhà binh thì bác có oán trách cháu không? Không đời nào, nếu người tên Mỹ Thanh là mẹ cháu. Ngày xưa tóc bác vẫn thường trực húi cua. Bác đeo lon Thiếu Uý, Thiếu Uý Nam, Sư đoàn 1 Bộ Binh đóng ở Dạ Lê, nói vậy chắc mẹ cháu sẽ nhận ra, hy vọng vậy.

Bà thầy giáo chắc cho Linda điểm cao vì bản nháp ấy bà chẳng đụng tay vào chỉnh sửa, chỉ mạnh tay vặn vẹo cái đầu anh để ngắm nghía. Mày chỉ cần thay lưỡi ở tông-đơ để cạo hai bên mai, đi vòng quanh tai rồi chấn ở sau ót là xong. Bà nhìn xuống đồng hồ đeo tay: 12 phút, vậy là giỏi quá rồi. Mỹ Linh dùng cái bàn chải lớn để quét tóc vụn bám trên cái đầu ngó ngô nghê, trong gương in rõ một khuôn mặt trông quá đỗi lạ lẫm, gượng gạo. Ở đây không thể nói được nhiều, cháu ghi số điện thoại của mẹ để bác tha hồ nhắc chuyện ngày xưa. Tha phương ngộ cố tri, bác thực bụng có mừng vui không?

Mặt trước là con số dị đoan 9 nút đỉnh cao của bài cào, mặt sau vuông giấy nhỏ chứa vừa vặn 10 con số điện thoại đủ đầy của một người đàn bà mang tên Thanh. Khi vợ anh hạ sanh ra đứa con gái, vợ anh đặt tên ở nhà cho nó là Bê. Tên ghi vào giấy khai sinh thì cho anh toàn quyền định đoạt và anh đã nghĩ ngay tới chữ Thanh. Vợ anh không biết về nguồn cội một điển tích, cũng như anh ngỡ Thanh lớn mãi còn chôn chân ở quê nhà. Thanh ơi, Thanh ơi, anh gọi thầm. Những sợi tóc phai đã bị người con của Thanh hớt cho sát đầu, rơi rụng xuống để giờ đây anh nghe lạnh gáy.

Anh về nhà, nếu nuôi chó hẳn nó sẽ chồm ra sủa bởi ngay cả vợ anh cũng nhận không ra thằng đàn ông lạc hồn đang bước vào. Vợ phán: Thành quả của chỗ một đồng đó à? Thật là tiền nào của đó! Hớt ngắn cái mặt anh trông cộc cằn quá! Con Bê mới gọi em, nó loan báo là vừa đi siêu âm và cháu nhỏ nằm trong bụng nó là con gái. Mẹ tên Thanh chẳng biết con nó sẽ mang mỹ từ gì cho xứng đôi? Anh đi vào phòng tắm: Con tụi nó chứ đâu phải con mình đâu mà băn khoăn một tên gọi. Đặt tên Mỹ e tiện việc sổ sách hơn. Thanh có hỏi thăm anh không? Ai? Bê hả? Chuyện đàn bà con gái bầu bì sinh nở thì mắc mớ chi tới anh, hử! Anh nói nhỏ: Đợi khuya anh sẽ gọi Thanh.

Hồ Đình Nghiêm
sau lễ Tạ Ơn, 2016