Photo by PCH
– Virginia, November 2016
Sáng
nay, trong hòm thư email có lá thư bạn tôi gửi tới từ chốn xa. Bạn chụp lại một
trang giấy trống có kẻ dòng bên dưới và bên trên in hai hàng chữ, tựa như một
đề toán đố dành cho mấy em nhỏ nhít tập làm quen với tính trừ. Tôi xin chép lại
đủ đầy ở đây: “Một người nuôi 30 con vịt. Vừa rồi người đó bán đi một
số vịt. Hỏi người đó còn lại bao nhiêu con vịt.”
Chỉ
có thế. Bạn không đưa ra một lời bình cũng như hỏi tôi có biết giải thứ toán
học siêu hình vậy không? Tối nay tôi sẽ thức khuya vì báo khoa học đưa tin rằng
mặt trăng đang nằm rất gần quả đất. Supersized Supermoon. Lý Bạch đã
thành người thiên cổ, Hàn Mặc Tử đã khuất núi, người sói đã tuyệt chủng; nhưng
biết đâu chừng đêm nay trở chứng tôi sẽ làm được “một số thơ” về chị Hằng khuôn
trăng đầy đặn hoặc da tôi ngứa ngáy mọc lông, mõm dài ra và cất khan
giọng một số tiếng hú mất tính người, đầy đe doạ. Trước đây, vào những đêm âm u
không trăng tôi từng doạ bạn bằng một số bài thơ tối nghĩa. Có thể bạn xem tôi
là vịt nghe sấm, rồi mượn tạm đề toán kia để nhắc khéo, trong một đống con cóc
có một số nhái được bán đi, hỏi mi rằng cóc còn lại bao tá?
Hai
ba năm trước, cũng bạn ấy gửi cho tôi xem bài làm luận văn của một học sinh
trước đầu đề “Tả chú thương binh”: Gần nhà em có một chú thương binh, chú đã bị
thương hai lần. Một lần ở Buôn Mê Thuột và một lần ở đùi. Đáng yêu quá! Tôi đã
sốt sắng hồi âm cho bạn biết, nếu được làm giáo viên chẳng rõ thang điểm nào
tôi sẽ dành cho trò ấy, và không chừng tôi sẽ mời trò đi uống một ly cà phê. Có
vậy mới thấy, với tôi, môn văn bao giờ cũng “ướt át” ngàn lần hơn môn toán khô
khan và khó hiểu. Tôi không tin là trò ấy chẳng tìm ra một địa danh ác liệt nào
khác và chữ “một lần ở đùi” điền thế vào, nó đã là một ám ảnh khôn nguôi, xác
thực và súc tích. Tôi đãi em ly cà phê vì tôi nhìn ra, giản dị một điều, nếu
mai này em làm thơ e tôi sẽ đỏ mặt thủ phận thôi mơ mòng.
Vàng
rơi mênh mông. Trước nhà không trồng cây ngô đồng, cây phong xứ này chỉ còn ở
đậu đôi ba chiếc lá chưa lìa cành, lắc lay. Nhìn quang cảnh một sớm mai phát
hiện ra sự trống trải nọ tôi vơi bớt ác cảm với cái đề toán kỳ cục kia. Người
thân, bạn bè, anh chị em gồm 30 người, vừa rồi họ lần lượt bỏ đi một số, hỏi
tôi còn lại bao nhiêu thân bằng quyến thuộc? Hãy bỏ giấy trắng, hãy đóng nắp
ngòi viết và cũng chẳng nên quan hoài tới bất kỳ một lời giải nào cả. Không
toán học, không luận văn, đến mùa thì lá rụng, chỉ thế thôi. Chẳng đôi co,
chẳng than van, nghe Tú Xương uỷ lạo:
“Ông
khóc làm chi thế hỡi ông?
Cười
lên một tiếng có hơn không?
Người
ta sống được bao nhiêu nả,
Mà
nỡ ăn vòi với hoá công!”
Cười.
Động từ ấy có lắm kẻ quên cách chia, ở thì quá khứ và hiện tại. Sao mãi đố kỵ,
không vui với nhau một phút giây để khi người ấy mất đi lại đâm ăn năn tưởng
tiếc? Những nghệ sĩ tài hoa Tây phương sinh thời bị lên án khinh miệt rẻ
rúng, khi qua đời họ để lại những tác phẩm “sinh bất phùng thời” được đấu giá
cao ngất. Rõ là “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần
thanh cao”. Nhưng đã là nghệ sĩ, họ cần đi qua những ngày u tối, một trải
nghiệm cần thiết. Leonard Cohen từng tâm sự ở năm 2005: “… Tôi chẳng có một xu
dính túi. Tôi không muốn nói điều ấy là một bi kịch. Tôi hiểu vừa đủ về cuộc
đời lớn rộng này, cũng như tôi biết có thứ gì đó đang đến gần với tôi.” Nhà thơ
Bùi Giáng có làm bốn câu trác tuyệt nhằm làm rõ cái phút giao thoa nọ:
“giờ
đứng lại là bây giờ rất lạ
là
bao giờ từ buổi lạc tin hoa
nhầm
bóng nguyệt là sầu đau khôn tả
phút
trùng lai là ngó vội nhau và…”
Nhầm
bóng nguyệt? Đêm nay vầng trăng có thật vằng vặc chiếu suốt đất trời như NASA
tuyên bố? Ai người đoái tưởng ngó vội nhau và giải giùm nhau một số vấn nạn
trong cuộc đời? Đời có bao lăm mà hững hờ. Trong khi đời kiếm đủ cách để gạt
những kẻ yêu nhau. “Life finds a thousand way to cheat lovers”. Người bạn gửi
email cho tôi là người yêu tôi năm cũ. Người ở Sài Gòn, nơi có bà Hom bà Chiểu
bà Quẹo, có ông Tạ ông Lãnh chú Ía. Tôi bị đời gạt qua sống cùng những vị
thánh, một đời nặng nhọc chẳng đắc đạo, hết Saint-Paul tới Saint-Denis,
Saint-Catherine, Saint-Michel, Saint-Laurent. Có 30 tên đường mang tên thánh
trong địa phận Montréal, bị đổi tên một số, đố em còn lại bao nhiêu vị thánh?
Rét mướt đang theo chân Thu về ngự, tôi ngoại đạo nên thèm cơn nắng bình thường
bà Hom bà Chiểu bà Quẹo mãi giam em đổ mồ hôi sôi nước mắt biết bao. Anh Trịnh
Công Sơn, anh Đinh Cường từng có khi đưa tay lôi tôi về với ông Tạ ông Lãnh mà
lần khân một vui chân, giờ nghĩ lại là bây giờ rất tiếc, là bây giờ hai anh đã
xa xôi. Đi một mình về thăm người yêu cũ, sao chưa đi lòng những luống ngậm
ngùi! Tự hỏi thầm liệu có nhầm bóng nguyệt?
Tôi
viết email trả lời, rất nguỵ biện, rằng tôi muốn giữ hoài hình ảnh bạn thời học
văn khoa để nuôi dưỡng một chuỗi kỷ niệm vàng son cũ. Tôi sợ nhìn ra bao tàn
phai mà bạn đang mang, đang cực lòng sống với lắm thương tổn trong lòng. Bạn
thôi không còn làm giáo viên, cho hay đang buôn bán lặt vặt. Tôi cũng vậy, viết
lặt vặt, viết manh múm, viết tản mạn chẳng ra ngô khoai. Người ở chợ Bà Hom lấy
làm ngạc nhiên là đứa ở vùng đất có lắm thánh lại đói meo chuyện nhuận bút.
Hổng dám đâu. Bạn nói. Bên này hả, viết bài gửi cho đôi ba tờ báo thì cơm hàng
cháo chợ phủ phê. Đi thử một chuyến đi mà, hứa là không manh động “người về ta
chẳng cho về, ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”. Hắn có hai vạt áo, bị người ta viết
một số câu lên trên, đố em hắn có chịu ở trần không?
Sài
Gòn vừa rồi hứng chịu cơn mưa cực đoan, chồng bạn đi xe máy bị nước cuốn gây
tai nạn phải vào nằm viện. Tôi có gửi “một số” cho bạn để chống đỡ qua cơn ngặt
nghèo. Tôi dặn dò bạn hãy quên đi những con số. Đừng giải toán kiểu như viện
phí phải trả, thuốc men, tiền đi xe ôm, bới xách thực phẩm an toàn, cà phê sinh
tố đã chi tiêu… vị chi là còn lại chút chút. Có duy một “bài toán” mà tôi sợ
nhất: Về bên nhau chan hoà niềm vui trong hai tuần, khi ra phi trường, trời ơi,
làm sao chân bước cho đành, hở bà Quẹo?
Đau
thương rơi rớt một số trên phi trình chất nặng ăn năn. Một số chẳng thể cân,
đo, đong, đếm. “Vẫn em dáng cây nghiêng nẻo khuất, Sương muộn ham mê thức lá buồn”.
Thanh Tâm Tuyền đã nói thế.
Chồng
em đã ra viện chưa, có lành lặn? Ở đây tôi còn chống gậy mãi đếm lá vàng hư hao
theo mùa hạn trên những con đường mang tên thánh. Gió ơi, lạy trời đừng thổi
gió lên! Đây chẳng có lá bàng và Nhất Linh đã không viết thế.
Hồ
Đình Nghiêm
Nov.
14, 2016