Photo by PCH - Sài Gòn, tháng 9.2016
3.
Trước
1975, Saigon có rất nhiều nhà sách nổi tiếng, như Khai Trí, Xuân Thu, Lê Phan ,
Vĩnh Bảo, Tự Lực...Mỗi nhà sách có một phong cách riêng. Xuân Thu thiên về
sách dịch và văn học nước ngoài, Lê Phan , Vĩnh Bảo bán nhiều sách triết
học, còn Khai Trí thì tổng hợp sách báo tạp chí... Nhà sách Khai Trí là lớn
nhất, với bề rộng của ba căn nhà mặt tiền đường Lê Lợi và khi tôi lớn lên, bước
vào thì nhà sách có tới hai tầng trình bày hầu như đầy đủ các loại sách báo tạp
chí đang lưu hành. Ở các nhà sách đó là không gian thanh nhã, nghiêm
trang...
Đối
diện với nhà sách Khai Trí, phía bên kia đường là chợ sách Lê Lợi. Tôi
không rõ là chợ sách này hình thành từ lúc nào, chỉ biết nó tan rã vào tháng 4
/1975. Chợ sách bắt đầu từ ngã tư Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực tới ngã tư
Lê Lợi - Pasteur. Những người bán sách dựng những sạp, trên che bằng tôn , sách
bày từng kệ cao ngất ngưởng, rồi từng chồng trên sạp và lấn ra bày đầy trên những
miếng nilon trải trên đất. Tôi tới đây nhiều lần thời mới lớn, khoảng năm 1970.
Sách ở đây đủ thứ, sách mới, sách cũ, đủ thứ đề tài khoa học, chính trị, xã hội
,văn hóa...
Đi
dạo chợ sách Lê Lợi là một thú vui, khởi đi từ đầu chợ, chậm rãi lang thang,
ghé chỗ này cầm lên một cuốn , tò mò lật ra vài trang rồi bỏ xuống, qua chỗ kia
bị hấp dẫn bởi cái bìa nào đó, lại một cái tựa hay... Đi đến cuối là ngã
tư Pasteur, băng qua đường ăn vài miếng phá lấu thơm phức, uống ly nước mía Viễn
Đông ngọt lịm, có thể đi thẳng để đến Thương Xá Tax, có thể băng qua đường để
ghé Kem Bạch Đằng.
Sau
75, những người bán sách đó tập trung ở con đường nhỏ, nằm cạnh hãng máy may
Sinco, và chuyên bán sách cũ. Đường sách này có thêm nhiều người mới hành nghề
bán sách cũ. Họ có thể là là nhạc sĩ, nhà Văn, nhà thơ, giáo sư, viên chức
cũ; do thời cuộc đưa đẩy, lấy sách của chính mình thu thập tích trữ bấy lâu đem
ra bán kiếm chút gạo nuôi con. Đường sách này cũng chỉ tồn tại một thời
gian ngắn, y hệt như chợ bán đồ máy móc cũ , lạc soong ở ngã tư Huỳnh Thúc
Kháng - rộ lên năm ba tháng rồi bị dẹp và tan hàng.
Tôi
còn nhớ mãi một kỷ niệm về đường sách Đặng Thị Nhu này. Giữa năm 1976 tôi làm
công nhân, lương mỗi tháng 65 đồng, cứ cuối tuần là lê la ra khu chợ sách, nhìn
ngắm cầm lên đặt xuống thì nhiều chứ mua chẳng bao nhiêu. Khoảng gần đầu chợ có
một sạp tôi hay ghé, chủ nhân là một người đàn ông đứng tuổi, tóc hoa râm, nói
tiếng Huế, ít cười, nhưng khuôn mặt hiền hòa, thường thì ông ta cầm trên tay một
cuốn sách gì đó, cố ý ra vẻ chăm chú đọc để không làm người mua sách ngai
ngùng. Ngại ngùng vì cầm cuốn sách quá lâu, đọc cuốn sách quá nhiều, có khi đọc
tới năm bảy trang, đọc mà tự ngượng, rồi bỏ sách xuống đi về. Tôi cũng đã
từng mua ở đó vài ba cuốn, nhưng lựa sách mỏng, giá nhẹ như "Thư gửi
người thi sĩ trẻ tuổi " của Rainer Maria Rilke hay "Lời Dâng" của
Tagore, vì đó là những cuốn tôi yêu thích và tự nhủ sẽ phải gối đầu giường, còn
đọc đi đọc lại nhiều lần và nhất là giá có vẻ phù hợp với số tiền trong túi,
hai cuốn đó, dường như mỗi cuốn chỉ khoảng 3 đồng. Sau đó , tôi thèm cuốn
"Thiền Luận" của Suzuki, nhưng với chiều dày khoảng 8 phân thì giá
không rẻ rồi. Tần ngần nhiều lần, đọc cái thẻ giấy dùng để làm dấu trang
đang đọc, mà trong cuốn Thiền Luận in kèm sách đã thuộc lòng: Tăng
tôi lúc chưa biết gì, thấy núi là núi, thấy sông là sông. Sau
được bậc thức giả chỉ dạy mới biết núi không phải là núi, sông không phải là
sông. Nay
đã tu hành và hiểu, mới hay núi chỉ là núi , sông chỉ là sông... Cầm
cuốn sách trong tay cả ba lần ghé lại mà không dám hỏi mua, sau đó, mới ngai
ngùng ướm thử....cuốn này giá bao nhiệu. Người đàn ông kéo cái kính
xuống thấp trên sóng mũi, nhướng mắt nhìn tôi một lúc rồi mới trả lời, "Cuốn
này không bán, nếu anh thích, cứ lấy về đọc, đọc giữ sách cho kỹ, đọc xong đem
trả".Tôi sửng sốt, nhìn ông ta, lúng túng chưa biết trả lời sao thì
người đàn ông ở sạp bên cạnh góp lời: "Nếu ngại thì cứ ra đây, ngồi
vào trong này mà đọc, có sẵn trà và thuốc lào nữa nè".
Từ
đó, tôi được kết giao với ba người chủ sạp sách cũ ngồi kế bên nhau : Ca trưởng
Viết Chung, một nhạc sĩ bậc thầy về hợp xướng, ông bán sách cho tôi là họa sĩ
Cù Nguyễn, người đã cùng Đinh Cường, Nguyễn Trung và vài người nữa sáng lập Hội
Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, và người cho phép tôi ngồi bên đọc sách có nước trà
uống là nhạc sĩ Trần Văn Bùi, tác giả nhiều ca khúc mà phong trào du ca hồi ấy thường hay hát. Ba người
này, sau đó trở thành những người anh thân thiết, trong đó, họa sĩ Cù Nguyễn
sém chút xíu trở thành thông gia với tôi.
Bây
giờ thì Sài Gòn có nhiều khu bán sách như khu Trần Nhân Tôn hay đầu
đường Hồng Thập Tự (Nguyễn thị Minh Khai), gần bùng binh Cộng Hòa, Đường Trương
Tấn Bửu (Trần Huy Liệu) nhưng gần đây có một đường sách nữa nằm bên hông Bưu Điện
chính ở Sài Gòn.
Buổi
sáng đó, hẹn với Đoàn Văn Khánh ra uống cà phê, tôi ra sớm quá, gửi xe rồi
một mình tản bộ khu nhà thờ Đức Bà, bất ngờ thấy một khu đường bày bán sách, mừng
quá, tưởng là khám phá mới của mình, té ra Khánh biết lâu rồi. Biết được khu đường
sách, trong đó lại có sẵn quán cà phê, địa điểm này tôi ghé lại rất nhiều lần
trong chuyến đi này.
Buổi
sáng ở đây thanh tĩnh và hết sức nên thơ. Cái nắng lên chỉ làm sáng con đường
chứ không làm cho mồ hôi toát ra, và cái sinh hoạt chung quanh cũng có vẻ nhẹ
nhàng, lời nói trao đổi vừa đủ nhau nghe chứ không ồn ào như đường phố. Vị trí
tôi thường ngồi lại là quán cà phê của nhà xuất bản Phương Nam, nhìn ra
nhà sách Đông A. Tại đây tôi có dịp làm quen với một người làm thơ
còn trẻ. Nhà thơ Trần Võ Thành Văn và một người phụ trách bán sách rất dễ mến,
có trình độ giới thiệu cho mình những tác phẩm nên mua, nụ cười hiền hòa và tia
mắt rất thông minh, sau mới biết đó là cô giáo Phạm Bích Thơm. Trần Võ
Thành Văn vừa học xong Đại Học Sư Phạm. Thơ của Văn toát ra cái nội lực
sung mãn của tuổi trẻ, nhìn sự vật, hay tình yêu với những khát khao mới lạ,
yêu thiết tha và tỏ bày theo ngôn ngữ của thời đại Văn đang sống. Tình say đắm
thì Trần Võ Thành Văn đặt tên là "Sến Khúc"
"Chẳng thể gặp em giữa mùa đông buồn bã
anh giấu trái tim mình sâu thẳm mỗi câu thơ
chẳng thể yêu em, chẳng thể làm kẻ lạ
anh cứu vớt đời mình trong nước mắt đêm mơ."
anh giấu trái tim mình sâu thẳm mỗi câu thơ
chẳng thể yêu em, chẳng thể làm kẻ lạ
anh cứu vớt đời mình trong nước mắt đêm mơ."
Lần ngồi ở quán cà phê Phương Nam trong đường
sách, Trần Võ Thành Văn đưa Vũ Trong Quang tới. Tôi nghe tên Vũ Trọng Quang từ
lâu lắm trước 75, hồi đó, Cơ sở Động Đất gồm có các thành viên mà tới bây giờ vẫn
còn cầm bút như Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Linh Phương.
Nguyễn Minh Nữu - Vũ Trọng Quang - Trần Võ Thành Văn
Cà phê Phương Nam - Sài Gòn, tháng 9.2016
Cà phê Phương Nam - Sài Gòn, tháng 9.2016
Vũ Trọng Quang và tôi nhắc lại những
khuôn mặt quen thời mới lớn, đặc biệt là một người bạn thân mà cả hai
cùng quen giờ không biết nơi đâu là Kiều Linh Giang. Kiều Linh Giang tên
thật là Trần Thanh Liêm. Giang với tôi cùng tuổi, tướng cao lớn mập mạp, người
miền nam. Giang có lập một thi văn đoàn tên Hoa Tình Thương, trong đó có Trịnh
Ngọc Minh, sau này hơn 40 năm bất ngờ gặp đã trở thành một nhà văn nổi tiếng hải
ngoại, đó là nhà văn Trịnh Y Thư - có thời gian trông nom tờ tạp chí Văn Học ở
California. Vũ Trọng Quang gọi điện thoại tới vài người bạn xưa, tìm dấu vết
Kiều Linh Giang mà đều không có kết quả. Kiều Linh Giang Trần Thanh Liêm
ơi, thiệt lòng tao mong từ bài viết này, từ những cơ duyên nào
đó, mày đọc được những dòng này thì liên lạc với tao nghe. Nhớ lắm căn nhà cạnh
Rạch Ông Lớn, nhớ lắm những lần tụi mình đi đò từ quận Tám, qua Tân Quy Đông,
rồi lại lên đò để về Quận Tư, nhà bà nội mày. Con đường đó sao nó xa, dài
và chông gai như một chuyến phiêu lưu vào nơi đất khách.
Nguyễn Minh Nữu
(Còn tiếp...)