HỒ ĐÌNH NGHIÊM
Bố cục một bức tranh
Trong ảnh:
Hồ Đình Nghiêm – Montréal, thánng 11.2016
Tôi
sẽ đi thuê xe, bất kể hiệu gì, miễn là loại 4x4 thích hợp cho dốc đồi, sạn đạo
hoặc suối khe bùn lầy. Nếu có gắn máy định vị hướng dẫn đường xá thì càng tốt.
Laura nói: Phần tôi sẽ đi chợ mua các nhu yếu phẩm, những thứ mà người ta vẫn
sắm sửa cho chuyến đi dã ngoại.
Ở
phố mùa thu đến rụt rè, cây thưa nên chưa đủ lực để thắp nên màu vàng sẫm tựa
chốn xa điệp trùng. Laura thích vẽ một bức tranh thu, cô có điện thoại hỏi thăm
ông bố và đón nhận từ ngoại ô đầy gió một đáp trả chẳng mấy nồng ấm: Tuỳ mày.
Bố Laura chưa nghỉ hưu, ông làm thứ công việc gần như một kẻ kiểm lâm và sau
khi ly dị vợ ông mua được căn nhà nhỏ nằm kề cận bên bìa rừng. Laura cho hay,
cảnh vật ở đó rất tuyệt, kể cả mùa đông; thiên nhiên luôn chung tình chứ không
như những hình khối bê tông mãi đổi thay dị dạng ở phố phường. Sự khoáng đãng
của nó khiến mình nhẹ người ra, phiêu hốt. Khi nói về người cha, Laura chỉ vắn
tắc: Thì người già ấy mà, họ chướng theo cách của họ. Đừng ngại, chỉ tạm trú
một hai hôm, bất quá thì chúng ta đi bụi. Nghe chữ bụi, một nửa tôi hơi ngán và
nửa kia là cả một sự quyến rũ. Điều này cũng tựa như khi nghe Laura xúi tôi
ngồi trước khung bố trắng. Để giải quyết, căn bản là mình chớ nên miễn cưỡng,
bất kể việc gì, tôi đã nói với Laura như thế. Đi về miền hoang dã trong mùa
thu, rõ là tôi chẳng miễn cưỡng chút nào khi nghe lời đề nghị. Một cánh rừng
ngập lá vàng, nó luôn lưu giữ cái bí mật đáng yêu. Giữa tôi và Laura hiện lên
thứ gì lớn hơn cả tình bạn và cô ấy chưa tiện cho tôi chiếc chìa khoá để chạm
tay vén mở cánh cửa sau cùng. Cô đọc lên câu thành ngữ của Pháp: Hãy làm bạn
với láng giềng nhưng đừng phá vỡ hàng rào. Đó là sự ví von đầy sai lạc, bởi
muốn chứng minh về sức mạnh của tình yêu đã có lắm kẻ sẵn lòng đạp đổ bao chướng
ngại. Tôi đã giải thích câu tiếng Việt ra cho Laura nghe: Mấy sông cũng lội,
mấy đèo cũng qua. Tôi thuê xe để chở cô đi về chốn đèo heo hút gió là một bằng
chứng.
Dò
theo bản đồ, vùng quê hoang lạnh ấy cách phố chúng tôi ngụ dài hơn 100 cây số,
ở hướng bắc. Vì đường xấu có thể sẽ mất hai tiếng, do vậy chúng tôi quyết định
khởi hành vào ban trưa. Ra khỏi cây cầu luôn kẹt xe, xuống tới được xa lộ, một
bên hông màu trời đã đổi sắc. Cụm rừng thưa ở đó như có mãnh lực để gom thu mọi
nguồn sáng, trưa mà diết da thứ màu của bảng lãng bóng hoàng hôn. Thứ cu-lơ làm
khó cho Laura khi nhúng cọ pha phách trên bảng màu. Laura không học mỹ thuật,
vì đam mê nghệ thuật tạo hình cô tự mày mò lấy và những bước đi chập chững ban
đầu tuồng như đã định hình ra những sãi bước thành tựu. Cô tạo được một thủ
pháp riêng và cá nhân tôi, tôi thành thật khuyến khích cô. Đi vẽ phong cảnh hôm
nay hoàn toàn không phải là một sự bốc đồng. Tôi đã mua tặng Laura hai tuýp sơn
dầu, thứ do Hoà Lan sản xuất, một ống trắng và một ống màu vàng. Tôi nghĩ nó sẽ
chóng hao hụt trước các ống màu khác.
Bố
Laura gầy ốm nhưng đó là hình thể của kẻ chăm lao động, rắn chắc. Ông hôn trên
trán Laura thay cho lời chào mừng và bắt tay tôi, hơi hờ hững. Ông nhắc lại một
cột mốc quá khứ để tự ngờ vực là hai cha con đã xa nhau đến ngần ấy năm. Để dễ
nhớ, dường như trong đầu ông vừa chợt hiện bóng hình người vợ cũ. Ông hỏi: Mẹ
mày ra sao rồi? Laura nói, má vẫn vậy, mỗi cuối tuần con đều ghé thăm, trên
vách vẫn treo đủ những tấm ảnh ngày cũ, bà tuồng như chẳng ghét bỏ những kỷ
niệm. Khi về già chẳng biết con có được giống mẹ không, bởi ai khiến lòng ta
đau thì ta nên loại bỏ ảnh hình người ấy, treo nó lên, nhìn thấy mỗi ngày thì
chóng lão hoá mất. Cả Laura và ông bố đều hướng mắt tới tôi khi Laura nói xong.
Và tôi thử quan sát bốn mặt vách vây quanh căn phòng này, tuyệt chẳng máng lên
một khung ảnh, một bức tranh, một vật dùng để trang trí. Người đàn ông này
chừng như ưa bầu bạn với cô đơn, tận cùng chữ trơ trọi. Đứa con gái cách biệt,
ở xa về thăm cũng không khiến ông niềm nở vui thú.
Chúng
tôi được dẫn xuống một cái demi sous-sol, nơi chất đầy củi và những thứ phế
phẩm, tuy thế vẫn còn khoảng trống để kê chiếc giường nệm đầy bụi bám, một
chiếc bàn, hai cái ghế và cái tủ gỗ lớn thuộc hàng cổ vật. Một đồng hồ quả lắc
lên giây thiều đường bệ treo trên vách nhưng nó từ khước việc đếm thời gian,
quả lắc to hơn cái bát đồng đứng yên trong tịch lặng. Mày mang hết đồ vào chất
dưới đây, giường đó dành cho cậu này. Ông bố nói. Tao ngủ trên cái futon ở
phòng khách, còn mày thì vào phòng tao mà ngã lưng. Tạm trú bao lâu? Hai ngày?
Laura không trả lời. Cô bước lại phía có treo chiếc đồng hồ cổ điển đã chết với
sự lạc hậu của nó, cô nhìn thấy bốn chai rượu chát nằm yên trên giá gỗ. Bố
thích ăn món gì nào? Chiều này con sẽ đứng bếp làm bữa cơm đoàn tụ. Người đàn
ông đặt chân lên những bậc cấp: Bày vẽ, một mình, tao đã quen với sự giản tiện,
muốn nấu nướng mày phải cất công chạy ra siêu thị Métro mà mua sắm thịt thà rau
quả.
Laura
nhìn tôi, hỏi: Cùng đi chợ nhé? Lần này để tôi lái xe, tôi biết cái siêu thị đó
nằm ở đâu. Laura từng mang tôi tới thăm người mẹ cô, bà thuê một căn hộ nhỏ
sống trong chung cư toàn cả người đứng tuổi. Ở đó tôi đã nấu phở và làm chả giò
cho vị thực khách dễ mến, bà nói một câu khiến tôi nhói lòng: Bạn tin không?
Bạn là đứa đàn ông đáng yêu nhất mà tôi từng gặp phải trong đời sống. Nói nhỏ
thôi, nên Laura không nghe thấy. Và tôi cũng nói thầm, nếu như ai cũng phát
ngôn kiểu đó tôi nguyện sẽ vui thú xắn tay phục vụ thức ăn mỗi bữa. Tôi bất
hiếu với song thân, chưa một lần tự mình nấu nướng cho ông bà ăn, bởi vì bố mẹ
tôi mất khi tôi chưa kịp trưởng thành. Mẹ của Laura có thu giữ điều gì rất
giống với mẹ tôi mặc dù chuyện gia đạo, song thân tôi luôn biết cách làm cho nó
ấm êm. Khi đứng gần một người đàn bà bất hạnh, dĩ nhiên tôi bị bà ấy làm cho
mình mềm lòng. Khi nhìn cái đồng hồ quả lắc bị bỏ quên dưới basement tự dưng
tôi nhớ tới mẹ Laura, nhớ và gợn lên chút thương cảm làm chỗ đứng vốn lạnh càng
tái tê hơn.
Tôi
trao chìa khoá xe cho Laura, cô đeo đôi bông tai của mẹ tặng và tự dưng tôi
muốn hôn cô. Mẹ tôi có đôi bông tai bằng vàng 24k nhận hạt ngọc trai, mẹ nói sẽ
cho cô con dâu tương lai của mẹ nhưng đau buồn cho tôi khi đến tuổi nhi lập thì
mẹ tôi chẳng còn tại thế. Tôi nghèo xác xơ ở tất cả mọi định nghĩa, một tấm
lòng thành thì muốn biểu tỏ chừng như anh phải lệ thuộc vào một khởi động nào
đó, ban đầu là một tặng phẩm, tôi đồ thế. Laura đứng yên cho tôi tìm ra chút
hơi ấm, chẳng mấy lâu vì cô không muốn ông bố phát hiện. Ông đang đứng ở cánh
cửa mở rộng, giữa vây bọc màu vàng của xác lá đôi mắt ông là hai hòn than âm ỉ
cháy đỏ.
Vì
trông ra những chai rượu vang còn nguyên vẹn, Laura quyết định làm món bíp-tếch
dùng với khoai tây đút lò nướng. Mỗi người sẽ ăn cả ký thịt bò hạng A sản xuất
tại bình nguyên đầy cỏ mượt phía cực tây Canada. Căn nhà sẽ ấm lên bởi những
ngọn lửa gaz và người sẽ nóng lên do nồng độ từ chai rượu quyết khô giọt cuối.
Không mấy khi, ông bố Laura nói thế, bữa ăn này có cần nêu một lý do không? Mày
và cậu này quan hệ ra sao? Vào rừng để vẽ tranh à? Không chắc sẽ được êm xuôi
vì hôm Halloween vừa qua đã xẩy ra một án mạng trong đó. Cảnh sát vẫn còn giăng
ngang dọc những biển báo tránh đặt chân qua phạm vi gây án. Họ sẽ chận hỏi khi
biết chúng mày là kẻ lạ mặt. Và gió, làm sao mày có thể dựng tấm bố rộng lên
giá vẽ? Có quá nhiều bất tiện mày thấy không? Phụng sự cho nghệ thuật? Tao
không nghĩ vậy khi mà oan hồn cô thiếu nữ bất hạnh kia vẫn còn lãng vãng trong
cánh rừng hoang lạnh. Tao và đội kiểm lâm vẫn chưa yên thân với cánh điều tra
tội phạm. Thấy gì? Biết gì? Nghi ngờ điều gì? Có ai xa lạ đi vào rừng? Cả trăm
câu hỏi. Thôi, ăn uống no say đi, ngủ một giấc biết đâu ngày mai đã đổi khác.
Nhớ chưa? Mày ngủ phòng tao và cậu này chui xuống dưới đó mà ngáy. Tha hồ ngáy.
Tôi
nhớ là tôi chẳng ngáy. Tôi không ngủ tròn giấc vì hơi lạnh luôn chờn vờn. Mặc
thêm áo ấm, phủ kín cái mền dùng cho bọn đi cắm trại vẫn cứ rét run. Có khi tai
nghe tiếng vặn mình kẻo kẹt của những thanh gỗ lót nền tầng trên, có khi mơ hồ
thấy có bóng trắng thoát ra từ cái tủ gỗ trông như một cổ mộ của Ai Cập. Tôi co
thân, thu cả hai tay vào trong bắp đùi, nhắm nghiền đôi mắt rồi tự vẽ ra trong
đầu tấm thân nuột nà của Laura. Cô giống mẹ nhiều hơn bố, giống ở cách ứng xử
thật điềm đạm, dễ tủi thân và thích tự mình tìm lời giải ở mỗi vấn nạn; nghĩa
là cô mang đủ tính chất đầy nữ tính và khi kề cận nó luôn khiến tôi han hỏi,
quan tâm, ưa tìm hiểu. Cô giống mẹ cô cả ở thể hình, ngực Laura không lớn,
chẳng mấy cao và mái tóc dài mượt mà như những thiếu nữ phương đông. Tôi mơ
thấy những bước chân rón rén của Laura bước nhẹ xuống từng bậc cấp, cô lật mền
ra và nằm ủ tôi trong cái máy sưởi thật diệu kỳ luôn phát nhiệt giữa tứ chi.
Tôi thiếp đi.
Không
biết đã mấy giờ, mặt trời chưa lên. Tăm tối vây bọc bốn phía, sáng nhờ nhợ là
khuôn mặt cận kề của Laura. Cô lay tôi, đánh thức tôi dậy. Khuôn mặt Laura đẫm
ướt như một kẻ vội vàng rửa mặt mà chưa dùng khăn lau. Đi, dậy đi nào, mau lên.
Chút rượu nồng còn vướng trong hơi thở cấp bách của Laura. Tôi xỏ chân vào đôi
giày, không kịp cột dây để một bàn tay chẳng cưỡng chống theo sức lôi quyết
liệt của Laura. Như một cuộc liều thân vượt thoát chốn ngục tù, tôi chưa hoàn
hồn khi ngồi vào trong xe. Sương xuống lạnh làm kính xe mù mịt. Chuyện gì đã
xẩy ra? Hai kính gạt nước làm cảnh vật sáng tỏ dần nhưng hồ nghi trong lòng vẫn
bưng bít. Chạy xe đi. Laura hối thúc. Một cuộc vượt ngục ra đi mạng không, tất
thảy đồ đoàn phải chịu để lại. Sao kỳ cục thế? Xe dằn xóc trên con đường dần xa
vũng tối, quận lỵ nhỏ bé nằm phía dưới kia nhấp nháy từng vụn sáng. Sẽ xuống
tới, sẽ tấp vào, sẽ kiếm một cốc cà phê và sẽ hỏi cho ra lẽ.
Laura
rấm rức, rồi tiếng khóc chẳng kềm giữ bật lên. Chẳng lớn, nhưng đủ chứng thực
tâm trạng của một kẻ đang bấn lòng đớn đau. Tôi dừng xe, tôi tìm sợi dây an
toàn để cài thân cô lại trên ghế, loay hoay tôi phát hiện cô quên không mặc áo
nịt ngực. Ngực mềm đang thổn thức. Tôi vuốt tóc rối cho cô, da Laura lạnh. Tôi
cởi chiếc áo ấm của mình ra để phủ đắp cho thân kia mãi run. Tôi hỏi nhưng đáp
trả vẫn là những giọt nước nóng mãi đổ xuống. Tôi ngó chiếc quần dùng để mặc
khi ngủ của Laura nhăn, có chỗ bị xé rách và tôi đã hiểu ra.
Tôi
cho xe về lại thành phố trong bình minh nhọ mặt người. Một đôi khi người ta bị
du vào cái thế chẳng muốn nhìn mặt nhau, bởi cả trăm lý do. Tôi chẳng còn lòng dạ
nào ghé mua cà phê vì tiên quyết là Laura chẳng muốn gì cả, muốn bó thân chẳng
cục cựa và về nhà sớm chừng nào hay chừng đó. Sẽ nhào vào phòng tắm, đứng kỳ cọ
dưới vòi sen mà hơi nóng dâng đầy làm mờ tấm gương soi bắt đối diện.
Bảy
giờ sáng, xe đỗ trước apt. Laura mướn. Cô nói trong cúi mặt, sẽ điện thoại lại
sau. Và rồi lách người qua khung cửa ngập lá. Chưa bao giờ tôi đưa cô về nhà
với thứ y phục cô mặc trên người tựa thế. Cũng chưa khi nào tôi thấy tôi vụng
về như hôm nay. Một tấm kiếng đã rạn, tôi sợ thốt nên lời gì thì tự khắc tấm
kiếng ấy sẽ vỡ vụn xuống, manh múm. Còn quá sớm, tôi chẳng biết cách để phung
phá thời gian. Tôi đốt thắp một điếu thuốc rồi nhớ ngay ra đôi mắt thu giữ đốm
lửa kỳ dị của ông bố Laura. Ở sát rừng, neo thân. Đã bao năm vắng bóng đàn bà.
Tu gần hết chai rượu và đứa con gái nằm ngủ ngay trên chiếc giường quen thuộc
của mình giữa khuya vắng tẻ…
Tôi
lái xe tới căn hộ của người mẹ Laura. Không riêng bà, có khi tôi cũng nhìn ra
chiếc bóng cô đơn mãi in vào vách của mình. Bà không biết điều hệ trọng, là cô
con gái bà đã đánh rơi đôi bông tai bà tặng trên chiếc giường người chồng đã ly
dị cả chục năm. Ông ta sẽ cất nó làm vật kỷ niệm và khi uống rượu say, có thể
ông sẽ ngồi rung đùi thoáng nhớ về hai người đàn bà đã đi qua đời tôi.
Cửa
mở không mấy lâu sau tiếng chuông. Mẹ Laura mặt tươi tỉnh: Người già thường ngủ
ít, đâu có hề gì, bao giờ cậu tới thăm tôi đều hoan hỉ cả. Đứng vác mặt ra ô
cửa sổ tôi đã trông thấy cậu xuống xe. Đi đâu sớm thế? Tôi cởi gày để đi vào
ngồi trong căn bếp, bao giờ cũng vậy dù củi lửa nguội lạnh, chỗ ngồi kia, theo
tôi, nó ấm áp nhất nhà. Hơn bao giờ hết tôi muốn được mẹ Laura pha mời tôi một
cốc cà phê, dù đó là thứ bột hoà tan chẳng mấy hợp khẩu vị của tôi. Như vậy nè,
con tính mượn chỗ bác để nấu một món gì đó và chúng ta cùng chung đũa. Bác sẽ
gọi giúp con mời Laura tới dùng bữa thì vui thú hơn. Bác nghĩ sao? Khuôn mặt mẹ
Laura giãn nở trông thấy: Tôi là người hạnh phúc, bởi con bé ấy đã quen được
cậu. Tấm lòng cậu dành cho chúng tôi thật đáng quý. Uống cà phê xong cậu chở
tôi đi chợ luôn thể, nhé. Tôi sẽ học cách tự mình nấu lấy những món đặc sản của
xứ cậu.
Tôi
bưng cốc cà phê cho ấm đôi bàn tay và đi nhìn vào từng khung ảnh treo đầy vách.
Có một tấm đen trắng chụp người đàn ông đang bế trên tay một cô bé chừng tám,
chín tuổi. Mặt người đàn ông tiềm ẩn nét gì ngó chẳng mấy thiện cảm trong khi
cô gái mặc đầm trắng thì trông như một thiên thần. Người đàn ông kia chừng
không muốn trao thiên thần cho tôi, hoặc trước khi sớt chia ông muốn tự mình
làm hoen ố, cướp mất sự thánh thiện có ở thiên thần lạc loài ấy.
Như
vậy, bức tranh thu như Laura dự tính thực hiện đã không thành. Đợi ngày lành
tháng tốt tôi sẽ đề nghi Laura thay vì vẽ phong cảnh hãy đổi ra vẽ chân dung.
Đề nghị mẹ Laura ngồi ở giữa mà tả hữu có đôi vợ chồng vụng dại đứng thiết
thân. Cái đẹp có trong bức tranh sẽ phát quang, làm lu mờ và đánh đắm những bức
ảnh kỷ niệm ngày xưa mãi treo chật chỗ này. Tôi mường tượng là mình nghe rõ
những tiếng cười reo vui, tán đồng, hân hoan trôi trên tháng ngày buốt giá sắp
về, phủ chụp.
Hồ Đình Nghiêm
1
tháng 11. 2016.