Wednesday, November 2, 2016

2560. NGUYỄN MINH NỮU Thương quá Sài Gòn ngày trở lại (2)



Photo by PCH – Sài Gòn tháng 9.2016


2.
Tôi chạy xe một mình, lang thang trong thành phố với cái tâm hết sức thanh thản. Đi mà chẳng nhắm đi đâu, lại thú vị hơn nữa là không câu thúc gì giờ giấc, muốn về lúc nào thì về. Chạy xe gắn máy ở Sài Gòn? Vâng, với một số bạn hữu bên Mỹ thì chuyện chạy xe gắn máy ở Sài Gòn là chuyện không dễ dàng dù bên này ngày nào cũng lái xe cả giờ đi làm và về nhà, cuối tuần lái xe xuyên bang đi New York, đi Florida.

Thực ra, lái xe hơi ở Sài Gòn thì quả thật tôi không dám lái, vì đang chạy mà chẳng biết ai đó bất chợt đâm ngang trước mặt, hay đang chạy họ thắng giữa chừng, hoặc bên trái, bên phải có ai lượn qua , cúp đầu xe hay không. Còn lái xe gắn máy thì người Sài Gòn sao tôi vậy. 

Đứng trên cao, nhìn xuống bùng binh ngã sáu, ngã bảy thấy tràn lan xe gắn máy, hàng ngàn chiếc xe từ các hướng chạy vào, vai sát vai, tay lái thiếu điều chạm tay lái, mà mọi người vẫn cứ ào ạt chạy tới, chẳng có chiếc xe nào dừng lại nhường  chiếc xe nào. Nhưng nếu mình là người trong cuộc, là người chạy chung trong đám xe đó mới "thấy vậy mà không phải vậy". Với tốc độ thường khoảng 15 km/ giờ khi đi chuyển đường thẳng, và khoảng 10 km/ giờ khi vào giao điểm, các xe liếc nhìn nhau, mày phóng nhanh hơn thì tao chạy chậm lại, mày nghiêng qua trái thì tao tạt qua phải, rồi thì bất ngờ có chiếc nào chặn trước mặt thì chỉ một cái nhấp thắng nhẹ, xe lướt êm qua phía khác và lượn trở lại hướng mình muốn đi, nhẹ nhàng, êm ái  chỉ có hơi ồn. Tai nạn xe gắn máy chỉ xảy ra ở đường liên tỉnh, còn ngay tại Sài Gòn hiếm khi có tai nạn lớn giữa hai cái xe gắn máy, còn va chạm nhau té lăn kềnh rồi lồm cồm bò dậy chạy tiếp là chuyện...bình thường.

Suy nghĩ miên man rồi bỗng dưng tôi tấp lại lề đường không chủ đích. Dừng lại rồi mới nhìn quanh và tự lòng có chút gì ngạc nhiên. Sao lại dừng ở đây nhỉ?  Ồ thì ra từ tiềm thức nào đó, tự nhiên dừng lại ngã ba đường. Đây là đường Phan Thanh Giản, và ngã ba  là đường Bàn Cờ.  Ký ức điều khiển tôi. Tôi đang dừng lại một chỗ ngày xưa lưu biết bao kỷ niệm. Cách ngã ba khoảng 50 mét , phía bên trái là quán cà phê Bình Minh, phía bên phải là đường hẻm nhỏ chạy ngoằn ngoèo để ra chợ Bàn Cờ, trong hẻm là nhà của Lê Hồng Thái, Nguyễn Ngọc Nhung và Đoàn văn Khánh, phía bên kia là hẻm ra Nhà lầu Năm Tầng, nơi có nhà Lê Ôn Vũ... gợi nhớ tới cái thời tết Mậu Thân.

Năm đó, chúng tôi vừa vào tuổi thanh niên, trong đám bạn làm thơ viết văn có Vũ Chinh. Vũ Chinh tên thật là Đỗ Xuân Chinh. Chinh 17 tuổi, đăng khá nhiều thơ ở tuần báo Tuổi Hoa lúc đó do các nhà văn Hoàng Đăng Cấp, Quyên Di phụ trách.  Có thể nói, giai đoạn đó, Chinh khá nổi tiếng trong những người bằng vai phải lứa  với Chinh. Chinh khao khát in tập thơ đầu tay, và gần Tết thì Chinh đạt được ước mơ. Tập thơ đã đưa nhà in sắp chữ, và có một bản vỗ đưa cho Chinh để về đọc  dò lỗi chính tả. Chinh có nhiều bài thơ hay, như bài thơ viết khi đi thăm mộ người bạn mới mất:

Giờ trước mộ mày , tao đứng thắp nhang.
Tao lạy hai lạy vụng về hết sức
Tao lạy hai lạy nghe cay tròng mắt
Rồi thì thế nào tao cũng như mày.

Hay một bài lục bát gửi tặng một người con gái tên Kim Xuyến:

Phố khuya tóc rối tỉnh say
Không Kim Xuyến thấy mặt ai cũng buồn.

Vũ Chinh chưa kịp nhìn thấy tập thơ của mình chính thức phát hành thì anh đã chết trong Tết Mậu Thân năm ấy. Khi chiến trân lan qua tới Hương Lộ 14 - khu nhà của Chinh, gia đình kéo nhau chạy về thành phố tránh đạn bom, còn Chinh thì nhất định ở lại coi nhà. Người ta kể lại:  Chinh nằm sấp, dưới đất, đọc bản vỗ tập thơ của mình, trước mặt xếp mấy két bia che chở, nhưng một loạt đạn đã bắn lạc vào chàng,  Chinh gục xuống chết ngay, tay vẫn giữ vào tập thơ. Tôi không nhớ tập thơ tên gì, nhưng nhắc đến Vũ Chinh là nhớ dến khuôn mặt vuông vắn, cặp kính cận thị gọng đen  thân hình thấp lùn và những câu thơ gợi nhiều cảm xúc.  Sau này, bằng  một cái duyên , tôi có liên lạc được với một trang web tên là Phay Văn, ở đó, có một nhà văn nữ viết cùng thời với Vũ Chinh ở Tuổi Hoa là Cam Li  Nguyễn Thị Mỹ Thanh. Khi biết tôi là bạn cũ của Vũ Chinh, Mỹ Thanh đã có nhã ý gửi cho tôi bốn bài thơ nữa của Vũ Chinh. Như một kỷ niệm thời mới lớn.

Thời đó chúng tôi hay ra ngồi quán cà phê Bình Minh. Quán không trang trí gì cả,  sáu cái bàn, ghế ngồi thấp. Chúng tôi ngồi đó, hẹn hò nhau tại đó và không hẹn nhau cứ ra đó rồi cũng gặp, có lẽ phần lớn là do chủ quán có một cô con gái dễ thương. Tuyết có đẹp hay không thực ra tôi không nhớ rõ, loáng thoáng là da trắng,  bầu bĩnh, tóc dài và hay mắc cỡ.  Cho đến cuối năm 1968 là chúng tôi tan tác mỗi đúa một phương trời. Kỷ niệm còn nhớ là Lê Hồng Thái , người rời đám đông trước nhất, Thái tụ tập anh em lại làm một buổi chia tay, Thái đọc một bài thơ, câu kết là " trước nhớ Tuyết Bình Minh, sau đó nhớ tụi mày".  Câu thơ đọc xong cả bọn ồ lên như ong vỡ tổ và xúm nhau lại kể về những tình ý riêng của Tuyết dành cho mỗi thằng, thằng nào cũng đặc biệt, chẳng thằng nào giống thằng nào. Và thằng nào cũng nghĩ trong bụng là Tuyết để ý riêng một mình mình.

Lê Hồng Thái tướng tá cồng kềnh, có võ và nói chuyện hết sức mềm mỏng. Có lẽ cái lợi thế đó cộng thêm tài làm thơ nên Thái rất đắt đào. Thơ của Lê Hồng Thái hay, lục bát mà ngôn từ mới lạ, bí hiểm. Vì lạ và bí hiểm nên dù lúc đó thích thơ Lê Hồng Thái mà tôi không còn thuộc được câu nào. Tin tức về Thái là sau một thời gian đi xa Bàn Cờ, Thái trở lại thăm nhà, Tuyết Bình Minh đã lấy chồng nên Thái  lập gia đình với một cô chủ quán cà phê khác gần đó.  40 năm sau gặp lại, Thái vẫn làm thơ, nhưng chuyên chú nhiều về tranh và tượng.  Lê Hồng Thái bây giờ nổi tiếng khắp miền tây là do những tác phẩm điêu khắc này.  Tưởng là Tuyết Bình Minh đã đi vào quá khứ mù tăm thời niên thiếu, thế mà bất ngờ khi đọc bài thơ Lê Hồng Thái viết năm 2016, nghĩa là hơn 40 năm sau : 

Ngồi một mình nhớ Tuyết Bàn Cờ

gót chân mòn mỏi quạnh hiu
về ngang xóm cũ ru chiều tóc phai
năm mươi năm nỗi nhớ đầy
làm sao gặp lại em ngày tròn xưa.

Lê Ôn Vũ thì biệt tích, Nguyễn Hoàng Nhung ở Ban Mê, Đoàn văn Khánh về Hóc Môn, Lê Hồng Thái ở Mỹ Tho, Tôi bất ngờ dừng góc phố xưa, đứng nhìn bốn phía, thương nhớ:

Từng góc phố ngát thơm từng ký ức
Mỗi mặt người đăm đắm một riêng tư...

Vừa lúc ấy Đoàn văn Khánh gọi điện báo tin Phạm Thành Châu cũng mới về, hẹn đi ăn trưa cùng anh em Quán Văn.

Phạm Thành Châu là một tác giả quen thuộc với người Việt hải ngoại. Truyện của ông thường là những mối tình éo le nhưng kết cuộc tốt đẹp và hoàn hảo. Bối cảnh truyện đa số là hải ngoại, hoặc một phần từ trong nước ngày xưa nối kết với ngoài nước bây giờ. Lối kể chuyện của Phạm Thành Châu dí dỏm, hấp dẫn và cuốn hút người đọc ngay từ những trang đầu. 

Người đưa Phạm Thành Châu tới gặp anh em là Nguyễn Sông Ba. Nguyễn Sông Ba là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và là họa sĩ. Tranh của Nguyễn Sông Ba  nhẹ nhàng như minh họa cho một cái tâm thanh tịnh. Nguyễn Sông Ba ít nói và cũng ít cười, dù ngồi với đám đông, nhưng Nguyễn Sông Ba luôn lúi cúi chọn góc nhìn để lưu vào máy những khuôn mặt, những sự kiện, những tình huống và rất nhiều  sinh hoạt của Quán Văn đã lưu lại được nhờ ống kính Nguyễn Sông Ba.

Sau bữa ăn hội ngộ với  Phạm Thành Châu ở trung tâm thành phố, Nguyên Minh  lại mời Phạm Thành Châu ghé tòa soan Quán Văn vào một ngày khác để gặp nhiều anh em hơn.

Đến ngày hẹn, tôi lấy xe gắn máy lên khách sạn đón Phạm Thành Châu và chở xuống Quán Văn. Hôm đó, nghĩ là sẽ gặp nhiều người nên tôi đem theo món quà đặc biệt để mời mọi người. Một món ăn lạ của miền Bắc. Món ăn này phải đúng mùa mới có và phải biết làm mới ngon và đặc biệt hơn nữa là phải ăn ngay chứ không để dành được, đó là món cốm nén. Nhà văn Vũ Bằng, tác giả "Món Ngon Hà Nội" đã ghi nhận về cốm nén như sau: "Món ăn cổ kính vào bậc nhất là cốm nén. Có lẽ vì cốm là một thứ quà quí mà lại không để được lâu, nên người ta mới nghĩ ra cách nén cốm, để cho cốm không bị mốc mà ăn vẫn có thể ngon và dẻo." Cốm đã là một món ăn trang nhã và quý hiếm rồi, ngay bây giờ, ở Sài Gòn muốn ăn cốm thì chỉ có thể ăn cốm khô, còn cốm tươi, đúng mùa thì tới ngay siêu thị Hà Nội ở đường Cống Quỳnh  cũng lắc đầu, và nói phải đặt hàng từ 5 ký trở lên mới gọi được  hàng từ Hà Nội gửi vào. Cốm được thu hoạch vào những ngày đầu thu,  suốt vùng đồng lúa ngào ngạt hương thơm mùa lúa chín. Người làng hái những  đọt lúa non về và trong thời gian một ngày phải bắt tay vào chế biến cốm ngay. Cách chế biến từ đọt lúa non ra cốm  vẫn là những công thức bí truyền của từng dòng họ, mà khéo léo nhất,  giữ được hương vị nhất vẫn là cốm làng Vòng. Muốn làm cốm nén thì phải dùng cốm tươi. Cốm tươi, lấy ra rải lên đó một lớp nước đường mỏng, trộn đều cho dẻo hạt cốm rồi đưa lên chảo xào. Lúc xào phải quấy đều tay, nhanh quá thì cốm nát, chậm quá thì cốm khét, sau đó đổ ra đĩa  chờ cho nguội.  Mặt cốm màu xanh mạ non, khi ăn cắt ra từng miếng bàng hai ngón tay và đưa vào miệng từng miếng nhỏ. vị ngọt và mùi hương  ngát thơm vào khứu giác. Hôm đó, người chị ruột của tôi đã chiều ý đứa em trai từ xa về, thực hiện một đĩa cốm nén để  em đem lên đãi bạn. 

Mọi người đang thưởng thức món cốm nén - Ảnh: Nguyễn Hữu

Thật là vui khi ngoài những người bạn Việt Nam ở nhiều tỉnh thành, lại có thêm một người nước ngoài nữa là nhà văn Ý Elena Etala Pucillo. Đây là cô gái người Ý thật đặc biệt. Elena là tiến sĩ văn chương và hiện dạy tiếng Pháp và tiếng Ý tại Sài Gòn. Elena đến Việt Nam và ở lại Việt Nam bởi vì chồng cô là người Việt. Elena lập gia đình với Trương Văn Dân ở Ý, sau đó,  khi Trương Văn Dân quyết định về cư trú lâu dài ở Việt Nam, Elena theo chồng cùng về. Tập truyện  "Một phút Tự Do" của cô do Trương Văn Dân chuyển ngữ  kể về sinh hoạt đời thường được nhìn tinh tế và sâu lắng nội tâm, để lại người đọc cái dư âm thẫm đẫm tình người. Tôi có dịp ở gần đôi uyên ương này hơn 10 ngày, khi họ qua Mỹ và tạm ngụ tại nhà tôi, mới đầu thì ngạc nhiên bởi tính chất nhẹ nhàng thân thiên và hòa đồng với mọi người của một phụ nữ gốc Ý, sau đó, dù vẫn thấy mái tóc vàng, đôi mắt xanh biếc và nụ cười cởi mở, nhưng tôi quên hẳn đi cô ta là người ngoại quốc.  Elena tế nhị và dịu dàng, hiểu biết và chia sẻ cảm xúc như một người bạn Việt. Cô nói Tiếng Việt khá thành thạo.

Một người nữa có mặt hôm đó đã cho tôi ấn tượng thật nhiều là Hoàng Kim Oanh. Tôi thấy và nghe Hoàng Kim Oanh nói chuyện lần đầu trong lần ra mắt Quán Văn  kết hợp giới thiệu tác phẩm Một Phút Tự Do của Elena.  Hoàng Kim Oanh cũng là tiến sĩ văn chương, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học ở Sài Gòn. Hoàng Kim Oanh là diễn giả thứ hai nói về tác phẩm này. Tà áo dài duyên dáng, tiếng nói chậm rãi và nhỏ nhẹ, đã làm cả hội trường ngừng trò chuyện riêng để lắng nghe. Tôi thực lòng không nhớ rõ hết những gì Hoàng Kim Oanh nói hôm đó, chỉ còn cảm giác là diễn giả rất trân trọng với tác phẩm, và quyến rũ được người khác có chung lòng yêu thich này, nên hôm đó tôi đem về nhà hai thứ, cuốn truyện của Elena và lòng quý mến của Hoàng Kim Oanh. 

Nguyễn Minh Nữu
November 2, 2016 

(Còn tiếp...)