Wednesday, October 19, 2016

2532. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Huế, chốn xưa chưa về


Ảnh: google image



Định cư ở Montréal năm 1981 tôi quen được nhà thơ Hoàng Xuân Sơn. Nhớ hôm ấy, sau han hỏi đôi câu trên điện thoại để biết chính xác địa chỉ, anh lái chiếc Toyota xám đến chở tôi đi, đãi ăn bún bò ở cái quán nhỏ của người đồng hương nằm không xa nơi tôi ngụ. Dĩ nhiên buổi gặp gỡ ban đầu kia xẩy ra trong ấm áp, rất nồng hương, rất mặn mà do khung cảnh và thức ăn mang lại một phần. Qua thơ văn, hai kẻ người Huế lưu lạc nhìn ra nhau để chẳng có gì thích hợp hơn là kéo nhau vào ngồi trong quán cố đô, hay thần kinh, hay sông Hương núi Ngự, hay Huế đang bừng sống trong hoài niệm, chan lùa với ruốc mặn ớt cay.

Theo dõi chân đi của nhà thơ qua năm tháng, tôi luôn bắt gặp chút ảnh hình, chút phong vị của Huế lẫn trốn đâu đó. Nói nặng tình cho chốn xưa thì chẳng hàm oan. Hoàng Xuân Sơn có những câu thơ quá đỗi mượt, mà tôi tin cái thổ ngơi Huế kia đã tác thành ra người, làm nên bầu khí quyển rất mực riêng tư:

Nhớ Huế êm đềm mưa nghiêng sợi
Thương màu áo dạ phố đông sang
Buổi sáng em cười mắt ngái ngủ
Đêm qua lạnh quá giữa mưa phùn
….
Bước chân phiêu lãng còn trên phố
Buổi chiều tà có mắt ai trong
Bàn tay năm tháng mềm như lụa
Ngồi đây thương nhớ cũng tang bồng.

Ai chưa đi ngang Huế một lần thì xin mường tượng, tôi sống lâu dài với Huế nên nhìn ra ngay thứ màu sắc, thứ khí hậu, thứ lãnh thổ nửa hư ảo nửa khói sương rất đặc thù nọ. Thủ pháp của Hoàng Xuân Sơn luôn ngang dọc những nét sắc mạnh, nhưng mỗi bận nghĩ về Huế, ta nhìn thấy một bức tranh mềm mại của màu nước vừa hiện thành qua tay anh. Cũng thế, tôi luôn đồng ý khi có người cho rằng: Nếu không phải người Huế, Trịnh Công Sơn sẽ chẳng viết được những ca từ thơ mộng và nhiều ẩn dụ đến vậy.

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn sớm rời xa Huế để xuôi nam, neo thân tại Sài Gòn. Trong cuốn phóng bút “Cũng Cần Có Nhau” xuất bản năm 2013, người đọc sẽ thấy “bước chân phiêu lãng” của anh. Nói đến Huế thì đa phần ai cũng nhắc về một vết thương khó thành sẹo. Chương Mười trong cuốn phóng bút ấy mang tiểu tựa “Mậu Thân Trong Lòng Cuộc Chiến”, nhà thơ trải lòng:

“Năm Mậu Thân 68, tôi quyết định về Huế ăn Tết với mạ và gia đình… Không hẹn mà gặp, Trịnh Công Sơn, Phạm Nhuận cũng về Huế năm này… Huế vẫn muôn đời trầm lặng. Không có gì thay đổi lớn ngoài bầu không khí vẫn rất thiêng liêng gần gủi của những ngày cận Tết ở Huế, có thể thấy được, đọc được trên dáng đi, trong mắt trên môi người…”

Nhà thơ có nhắc tên Trịnh Công Sơn và tôi nhớ người nhạc sĩ này cũng từng viết về biến cố đau thương ấy trong đoản văn, dưới tựa “Huế Hôm Nay” đăng trên báo Văn Học số chủ đề “Huế Trong Trí Nhớ” phát hành ngày 15/4/1974. Tôi xin vay mượn nguồn của nhà văn Trần Hoài Thư để chép lại ra đây một tiếng nói, một nhân chứng ngày cũ. Trịnh Công Sơn viết:

“…Bản chất của Huế nằm trong kích thước nhỏ bé của nó. Nó không ồn ào và bận rộn. Những lề đường của Huế thân mật. Trên con đường của thành phố, bạn có thể giơ tay vẫy bạn bè suốt ngày. Khách lạ mới tới Huế có cảm tưởng rằng tất cả mọi người ở Huế đều có họ hàng với nhau…

Một sự sợ hãi lớn lao đã đến với Huế. Thật là điều khó khăn đối với tôi để quên, mùi xác thịt thối rữa trên đường Lê Lợi khi tôi cùng gia đình tản cư ngang qua đó… Tôi nghe giọng buồn nhất ở khắp nơi trong địa ngục kéo dài suốt tháng này. Họ là những người sống sót trong những cuộc chém giết, dường như họ chỉ còn thân xác mà không còn hồn. Nỗi buồn trốn mất khi nỗi đau khổ quá lớn. Tất cả dân Huế sống cùng với nhau trong suốt khoảng thời gian nguy hiểm nhất, đều đã thở bầu không khí bẩn thỉu nhất của trại tỵ nạn. Tất cả đều đã được biết sự tận cùng của khổ đau. Tôi nhìn những căn nhà bên kia sông bị nổ tung vì đạn đại bác, tạc đạn rơi trên dòng sông Hương làm mặt tung bọt trắng xoá. Trong những ngày đầu của trận chiến, gia đình và tôi ngồi yên lặng trong nhà. Buổi sáng đi qua trên những khuôn mặt khổ não. Các anh em tôi ngồi nhấp nháp rượu trong khi đạn pháo réo ngang đầu. Qua khung cửa, chúng tôi nhìn thấy những người lính Bắc việt di chuyển, nấu ăn, đào hố trong vườn trước mặt nhà. Đó là những ngày đẹp trời của mùa xuân, những giọt mưa nhẹ như sợi chỉ đan vào nhau. Tôi muốn tản bộ dọc theo những con đường đầy bóng mát trước của nhà. Tôi muốn có cốc cà phê ở một tiệm bên kia sông, trong nội thành, đằng trước trường Âm Nhạc và Mỹ Thuật. Nhưng tôi đã ngồi bất động hơn 15 ngày. Anh em tôi ví những ngày của chúng tôi với những ngày của Anne Frank… Một bản quảng cáo của rạp chiếu bóng Châu Tinh vẫn còn treo ở trước cửa chợ Đông Ba, phim này dường như cũng là một điềm gở: “Le Temps Du Massacre”…

Huế đã sống qua những ngày tàn nhẫn. Bao đoàn người đã đào lỗ để tìm xác cha, mẹ hay chị. Những tiếng khóc của đám ma có thể làm rung chuyển cả núi rừng… Tôi không thể nói được gì cả khi đời sống chỉ là một trò đùa… Tôi không biết phải làm cái gì với cảnh tàn phá này. Căn bản luân lý của chiến tranh đã ra khỏi giới hạn của năng lực loài người để chịu đựng. Huế ơi! Tôi hy vọng có một ngày thanh bình nào đó, tôi có thể trở về để ăn bánh bèo ở cây Phượng, bánh ướt thịt nướng ở Kim Long, bún bò tiệm bà Rớt. Tôi muốn quay trở lại để ngủ đêm trên dòng Hương và gọi ông Bê mang cho tôi một bát bún rất cay, cay đến nỗi chảy nước mắt. Tôi sẽ gọi cô gái trên thuyền mang cho tôi một con mực nướng khô, một cốc rượu nhỏ, thật nhỏ để làm cho đêm trở nên ấm hơn, những bài hát nửa đêm trở nên hay hơn và giấc ngủ hiền hoà hơn trong lúc sông lặng lờ trôi…”

Hai người Huế cùng mang tên Sơn, cùng dân Huế, cùng sinh hoạt với nhau một thời văn nghệ ở Sài Gòn mà thơ nhạc họ không ngớt xưng tụng vẻ đẹp e ấp, trầm lắng của một Huế nhiều biến động, nhiều đau thương.

Mới đây, bão lụt lại trở về. Miền Trung, nhìn vào bản đồ đất nước, nó tựa như cái đòn gánh chịu lực nặng nề của hai đầu Bắc Nam khiến phải oằn cong. Tôi có email, điện thoại về hỏi thăm những người thân mãi loay hoay ăn dầm ở dề với những bất hạnh. Và lạ lùng thay, tôi lại đón nhận những uỷ lạo ngược từ chốn xa tôi không về được.

Bên nớ đông sắp tới, băng tuyết trơn trợt nhớ đề phòng chuyện đi đứng hỉ.

Bão số 7 đi ngang nhà cửa có bị chi không?

Ẻ ba bại. Khung ăn thua. Chao, nghe mi gãy xương khiến tao giựt chắc. Quá vô hậu! Quá ba lơn!

Lụt lội thì răng?

Thì rứa cha răng. Noái chi, tao dư kiềng ba chưn.  Khung can chi mô.

Mậu Thân 68, Hoàng Xuân Sơn lánh nạn trong trường trung học Kiểu Mẫu, Trịnh Công Sơn tản cư qua Thư Viện Đại Học, tôi và họa sĩ Đinh Cường ẩn náu ở Hồ Mưng trong Nội Thành. Và tháng sau, giữa đổ nát, ngập mùi tử khí, Dương Nghiễm Mậu từ Sài Gòn ra Huế viết xong bút ký “Địa Ngục Có Thật”.

Huế, không nhắc thì thôi. Nhắc, mộng ảo nhập nhằng, trôi la đà trên từng giấc thở dài, nặng nhọc. Đã sống qua, đã bơi sang bên bể trầm luân, đậu lại chốn đây, phải tự an ủi: Khung ăn thua. Có răng mô nà. Khung can chi. Hoặc dỗi hờn: Kệ cha mệ nội, hết xôi thì rồi việc. Rứa đó. Rứa đó.


Hồ Đình Nghiêm