Tuesday, October 4, 2016

2497. PHẠM CAO HOÀNG Trạm Hành, ngày tháng sương mù


Đèo Dran - Ảnh: internet
(Qua khỏi đèo Dran thì tới Trạm Hành)



Năm  1972,  tôi chuyển về dạy ở Trạm Hành. Đi từ Phan Rang lên Đà Lạt, qua khỏi Đơn Dương một chút, lên một đoạn đèo ngắn là tới Trạm Hành. Trạm Hành nằm ở độ cao 1200 mét so với mực nước biển. Dân địa phương làm vườn là chính. Họ trồng su, mận, trà….

Rừng núi chung quanh Trạm Hành cao ngất, bạt ngàn.  Sáng sớm và khi chiều xuống, sương mù phủ dày đặc. Ngồi ở mé rừng bên này có thể nghe tiếng vượn hú từ dãy núi bên kia. Khi tôi được phân công về dạy ở đây, một số đồng nghiệp tỏ vẻ ái ngại cho tôi. Họ nói đây là một nơi đèo heo hút gió, chẳng có gì ở đó ngoài rừng núi và sương mù nhưng khi sống ở đây tôi không nghĩ như vậy. Rừng núi và sương mù cuốn hút tôi, cho tôi những ngày tháng tuyệt vời mà chỉ nơi đây mới có. Nhiều buổi chiều, sau giờ dạy, tôi một mình lang thang vào khu rừng già phia sau nhà, không nghĩ rằng đi một mình như vậy có khi sẽ rất nguy hiểm. Thích thì cứ đi vậy thôi. Rừng núi ám ảnh tôi, trở thành một phần trong đời sống của tôi. Sau này khi đi đâu, sống ở nơi nào khác, tôi chỉ mong sao ở đó cũng có rừng thông để cho tôi vẫn còn có được cái cảm giác ngây ngất khi nhìn thấy màu xanh của nó.

Trạm Hành là một địa phương nhỏ nên không có tuyến xe khách đi các nơi. Mỗi khi muốn về Đà Lạt, tôi đón xe từ Đơn Dương lên. Đây là loại xe do Pháp chế tạo, chở được khoảng 6 người nhưng chủ xe  “độ”  lại để chở được 10 người.   Có hôm xe hết chỗ, tài xế cho tôi ngồi trên mui xe. Luật lệ giao thông hồi đó không biết thế nào mà cảnh sát chẳng bao giờ phạt các bác tài về chuyện này. Giờ nghĩ lại giật mình, sao mình lại có thể liều mạng đến như vậy? Ngồi ngất ngưởng gần một tiếng đồng hồ trên mui xe, ngó trời ngó đất, không biết sợ là gì.

Mỗi tháng tôi về Đà Lạt một lần gặp gỡ bạn bè ở đó, kéo nhau vào quán bi-da hoặc ra quán cà phê để nghe nhạc. Các bạn trẻ chắc ngạc nhiên về chuyện này: sao lại vào quán cà phê để nghe nhạc? Hồi đó là như vậy, ở nhà có nhạc đâu mà nghe. Phương tiện giải trí trong nhà chẳng có gì. Những gia đình khá giả mới có ti-vi (đen trắng) và dàn máy nghe nhạc.

Nhóm bạn tôi thường lui tới là nhóm sinh hoạt nhiều bên lĩnh vực âm nhạc  nên tôi cũng bị cuốn vào sinh hoạt này. Đây là khoảng thời gian tôi tích lũy được chút ít kinh nghiệm về sáng tác ca khúc. Đi dạy thì thôi, về tới nhà là cứ vật lộn với các nốt nhạc. Tuổi trẻ và niềm đam mê, cái gì cũng muốn biết một chút. Lúc đầu, tưởng cái biết của mình đã là ghê gớm, càng đi sâu vào càng thấy khó, càng thấy cái biết của mình cũng chẳng được bao nhiêu, càng đi sâu vào càng thấy đuối, do vậy sau này tôi không theo đuổi con đường âm nhạc.

Các bạn tôi ở Đà Lạt người nào cũng từng đến đây ít nhất là một lần, ở lại với tôi và gia đình chị Tư. Chị Tư vốn hiếu khách, nên mỗi lần các bạn đến chị rất vui. Hồi đó không có điện thoại, muốn liên lạc với bạn bè, cách duy nhất là viết thư gửi qua đường bưu điện hoặc nhắn qua người này người nọ. Các bạn đến chơi thì cũng chỉ có cà phê, thuốc lá, cơm nước đạm bạc, không bia bọt rượu chè nhậu nhẹt nhưng tình cảm thật chan hòa. Cho đến bây giờ, mỗi lần có dịp gặp nhau, các bạn đều luôn nhắc về những ngày tháng sương mù ở Trạm Hành. Cuộc sống thuở ấy thật đơn giản nhưng tình bạn, tình người lại quá đẹp.

Có lúc tôi nghĩ nếu có thể kéo lùi thời gian trở lại, hãy cho tôi một sáng sương mù ngồi ở Trạm Hành  nhìn sang núi đồi bên phía Lạc Lâm, và hãy cho tôi một buổi chiều lang thang trong khu rừng già thuở ấy, nơi đã một thời nuôi dưỡng niềm đam mê bất tận của tôi./.

Phạm Cao Hoàng
2012


ĐỂ NHỚ LẠC LÂM
sơn dầu trên canvas 14 x 16 in
đinhcường
( coll. Dr. Phan Gia Quang, Texas )