TRẦN HOÀI THƯ
Trần Thiện Đạo:
Khi nghĩa tử không là nghĩa tận...
Khi nghĩa tử không là nghĩa tận...
Tháng 8 năm 1967, bản dịch vở kịch “Những Ruồi” của J.P.Sartre do Phùng Thăng dịch được Thanh Hiên xuất bản. Đọc trên bìa ghi những tác phẩm sẽ xuất bản, chúng ta thấy Thanh Hiên là một nhà xuất bản chuyên trọng về lĩnh vực văn học và tư tưởng triết học. Các tác giả mà Thanh Hiên quảng cáo sắp in là Camus, J.P.Sartre, Nietzsche, Anderson, Tổ Quy Ngưỡng, Hermann Hesse, Sigmund Freud, Martin Heidegger, Chơn Hạnh, Phạm Công Thiện, Bửu Đích, Tuệ Sỹ, Nguyễn Nguyên Phương. Riêng về tác phẩm Phùng Thăng sắp in ngoài bản dịch Thế Giới Thiền của Nancy Wilson Ross, Buồn Nôn của J. P. Sartre, Con sói miền hoang nguyên (sau này đổi thành Sói đồng hoang – dịch chung với Chơn Hạnh) của Hermann Hesse, “Thư cho Tiểu Phượng”, một tuyển tập bốn tác giả: Linh Thoại, Phùng Thăng, Nhất Kiếm, Thiên Tứ (Tiểu Phượng là tên con gái đầu lòng của Phùng Thăng) ta thấy bà còn có thêm 2 tác phẩm triết luận là Theo Dấu Tình Yêu và Chỉnh Lý tư tưởng Tây phương.. Điều này chứng tỏ ngoài khả năng dịch giả, bà còn là nhà tư tưởng triết học dù lúc ấy bà mới ngoài 20.
Sự xuất hiện của những cây bút đầy trí tuệ như Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện, Chơn Hạnh, Phùng Thăng, Bửu Ý, Nguyễn Nguyên Phương ... khi tuổi trung bình của họ 23, 24 tuổi trên trang bìa của Thanh Hiên đã khiến người đọc có cái nhìn lạc quan về nền văn học nghệ thuật miền Nam đặc biệt trong bộ môn dịch thuật và tư tưởng triết học vào cuối thập niên năm 60.