Monday, August 1, 2016

2437. Thơ NGUYỄN TƯỜNG GIANG Hoàng Hoa • Để trả nợ một câu thơ


Nguyễn Tường Giang
H  o  à  n  g   H  o  a
(Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt)


Trong ảnh: nhà văn Nguyễn Tường Giang 
Photo by Nguyễn Quang - 2015



để tặng Phạm Cao Hoàng và Cúc Hoa


đà lạt sương mù bay dưới chân
em đi, dáng nhỏ, bước ngại ngùng
em đi, để tóc vờn trong nắng
sợi nắng tô hồng đôi má em

tôi ở tỉnh xa mới trở về
lạc đường trên mấy ngả sơn khê
phố lạ tần ngần lời thăm hỏi
đường nào về tới phố huyền trân

tình cờ ta lại gặp lại nhau
giọng hát Lê Uyên, nỗi nghẹn ngào
đôi mắt em tròn ngày thơ dại
trong đêm tôi tưởng những vị sao

và thế là thôi là Cúc Hoa
là khổ đau, là hạnh phúc và
ôm chặt đời nhau, đời khánh tận
ở mãi bên nhau, thương tích tàn

hôm nay nhớ lại ngày xưa đó
tưởng chừng như giấc mộng đêm qua
vẫn khói cà phê hiên nhà cũ
vẫn nắng sau rừng Scibilia

còn đây dưới mái hiên nhà
còn vàng hoa cúc hoàng hoa mấy mùa

NGUYỄN TƯỜNG GIANG
Chủ nhật, 31 tháng bảy 2016

Ghi chú của PCHNhà văn/ bác sĩ Nguyễn Tường Giang, tác giả cuốn Khói Hồ Bay là con trai út của nhà văn Thạch Lam. Ông đã nghỉ hưu và hiện sống cùng gia đình ở Falls Church, Virginia.







ĐỂ TRẢ NỢ MỘT CÂU THƠ

Cách đây khoảng trên dưới năm mươi năm, tôi cùng một người bạn, thi sĩ Nguyễn Đông Ngạc (đã mất), trên đường đến thăm T.L. có vợ là họa sĩ TNCQ dạy hội họa tại trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt. Buổi sáng còn sớm chỉ có chút nắng yếu ớt trên thảm cỏ xanh và quanh quẩn dưới chân chúng tôi còn la đà những làn sương mù rất mỏng chưa tan hết, tôi không nhớ NĐN hay tôi đã đọc một câu thơ :” Đà Lạt sương mù bay dưới chân” rối bỏ lửng. Câu thơ đó cứ lẩn quẩn trong trí nhớ tôi vì tôi rất yêu Đà Lạt, nhưng không bao giờ thành hình một bài thơ. Câu thơ đó đôi khi làm tôi nhớ tới những ngày còn trẻ, những mộng ước không thành, những buổi sáng mờ sương đi theo vài người Thượng với gù lan trên vai trên đường tới chợ Hòa Bình, ly cà phê đầu ngày, chiếc áo len mỏng người yêu mới tặng và tiếng hát Thái Thanh của Ngày Xưa Hoàng Thị đã rất xa xôi…Tôi đã tưởng tượng bao nhiêu hình ảnh cho câu thơ đó, một đôi bạn đấu tranh, một người chết dưới đạn bom, một người sống vật vờ nơi thành phố, hay câu chuyện hai người yêu nhau vì những tình cờ của định mệnh đi quanh quẩn bên hồ để nhớ tới người xưa, đã mất …. Nói chung, những hình ảnh đau thương tôi có trong đầu, vì những lý do nào đó, tôi không bao giờ hình thành được một đoạn thơ nhỏ, có lẽ vì Đà Lạt trong tôi êm đềm và dịu dàng quá, tôi không nỡ làm tan vỡ chút hạnh phúc mong manh.


Nguyễn Tường Giang - Đinh Cường - Photo by PCH • Chantilly, August, 2014


Tôi nhận được tập thơ “Đất Còn Thơm Mãi Mùi Hương”, bản in lần hai của Phạm Cao Hoàng cách đây hai ngày, người bạn thơ hiền lành tôi mới quen hơn ba năm nay qua một người bạn chung chúng tôi rất quý, người bạn đưa tôi quen biết với PCH buồn thay, nay đã qua đời. Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận được tập thơ khi tôi đã nhận lời đến nhà anh để gặp gỡ bạn bè và để anh tặng thơ, nhưng tôi nhớ PCH vốn là một người rất cẩn thận và trân quý bạn bè, anh nhiều lần gửi tới tôi nhửng tập san có liên hệ đến tôi. Mặc dù đã đọc tập thơ ấn bản đầu anh gửi tôi lần trước, tôi nhớ có đọc một tập văn xuôi anh viết, và vào một buổi chiều thứ sáu nhàn nhã, tôi đi lục lọi trên nhà dưới nhà hai tập sách anh đã tặng tôi, để đọc lại vì tôi nhớ đâu đó, những địa danh rất lạ trong những bài anh viết, tôi hay có tính tò mò tìm những địa danh tôi chưa từng đi qua trên những bản đồ, và tưởng tượng đã có thời sống trên những vùng hiu quạnh đó, có phải chăng nhắc nhở tôi một khoảng thời gian rất nhỏ, khi tôi còn ấu thơ, nơi một miền đèo heo hút gió ở Nhã Nam. Tôi, ngoài chuyện đọc lại hết tập thơ, những bài thơ giản dị và chân thành nhưng lại làm xao động lòng người biết bao, tưởng như một người bạn chân tình đang thủ thỉ những điều thầm kín chỉ cho mình riêng nghe, thì khi đọc lại những bài văn xuôi trong tập “Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt”, cũng những lời lẽ giản dị và chân tình ấy lại đánh động đến cái phần sâu thẳm nhất của thân phận con người, nhất là của người Việt Nam sau cái hậu quả của một cuộc chiến tranh chủ nghĩa, cái thân phận của một người bình dị sống một cuộc sống rất bình dị, với những hạnh phúc nhỏ nhoi và bình thường, không gặp những thảm cảnh lớn lao, nhưng vẫn nhẹ nhàng phấn đấu để sống còn và bảo vệ chút hạnh phúc hiếm hoi còn sót lại, đó là những ngày tháng êm đềm của gia đình, cái đơn vị nhỏ nhoi nhất của một xã hội thanh bình. Tôi đọc và cảm động đến tấm lòng thương yêu san sẻ của những kẻ khốn cùng, tấm lòng son sắt của tình nghĩa vợ chồng, mà từ khi lưu lạc ở xứ người đã dần dần phai nhạt, và cái hạnh phúc của một ngày trở về chốn xưa không chờ đợi, tìm lại những con đường cũ của một thời còn rất trẻ, còn rất ngây thơ và còn rất mộng mơ, cái ngày xưa mà Phạm Cao Hoàng và Cúc Hoa gặp gỡ và yêu nhau ở Đà Lạt, nơi mà gần năm mươi năm trước tôi và một người bạn một buổi sáng nào đó đã ghé qua, và đã thì thầm trong đầu một câu thơ: “Đà Lạt sương mù bay dưới chân”. Buổi chiều thứ sáu đó, tôi chợt nhớ đến câu thơ đã bị bỏ quên gần một nửa thế kỷ, cái câu thơ mà đã bao lần nhớ tới nhưng tôi không thể tìm đâu một hình ảnh để viết tiếp theo, tôi chợt thấy lòng mình êm ả, nhớ tới buổi trưa chủ nhật sẽ đến căn nhà xinh sắn mà tôi với Đinh Cường đã một lần ghé qua, căn nhà ở Scibilia, phía sau có cả một rừng cây, nhớ đến người thi sĩ hiền lành đã cho tôi “ Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt”. Và tôi hiểu rằng, có lẽ câu thơ tôi có trong đầu qua bao nhiêu dâu biển của cuộc đời, đã dành để hôm nay tôi dùng làm câu mở đầu cho bài thơ nói đôi điều về một cuộc tình rất đỗi đời thường nhưng đầy hương vị ngọt ngào của một đời sống thực, đời sống mà bao kẻ nhân danh bảo vệ chỉ gây nên những đau thương tan nát, đời sống mà sau bao nhiêu chìm nổi của cuộc đời tôi mới nhận ra những đua chen, ganh ghét, đắm chìm chỉ là ảo vọng. Bài thơ có thể không hay, vì tôi chỉ là một người làm thơ nghiệp dư, nhưng đây chính là tấm lòng biết ơn của tôi với người thi sĩ/văn sĩ “ Mơ Cùng Tôi Giấc Mơ Đà Lạt”

Nguyễn Tường Giang
31.7.2016