MANG
VIÊN LONG
Lời
tâm sự sau cùng của Võ Phiến
Đinh
Cường – Ông bà Võ Phiến – Ông bà Lê Tất Điều
trước sân nhà Đinh Cường - Annadale - Virginia 1995
trước sân nhà Đinh Cường - Annadale - Virginia 1995
Nhà văn Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh ngày
20.10.1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ông còn có bút danh
Tràng Thiên (thường sử dụng ở các tác phẩm tiểu luận, biên khảo). Võ Phiến mất
ngày 28.9.2015 tại California Hoa kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.
Trong hơn sáu mươi năm cầm bút (tính từ tác phẩm đầu
tiên là tập truyện ngắn “Chữ Tình”
xuất bản năm 1956), Võ Phiến đã để lại 37 tác phẩm - bao gồm nhiều lãnh vực như
tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, tiểu luận, biên khảo, dịch thuật. Tác phẩm “Cuối Cùng” (tên tác phẩm, cũng là tác
phẩm cuối cùng) của ông đã được nhà xuất bản Thế Kỷ 21 ấn hành vào năm 2009,
trước khi ông mất 6 năm.
Trang cuối của tác phẩm “Cuối Cùng” có in một bài thơ (không ghi số trang) có tựa là “Mộc Mạc”. Về việc bài thơ được đưa vào
sách ở trang cuối không ghi số trang, có thể hiểu là bài thơ được “thêm vào”
sau cùng khi sách đã dàn trang, đang in. Cũng có thể, là ý muốn của Võ Phiên
chăng? Tuy nhiên, tôi quan tâm đến thời gian Võ Phiến viết bài thơ “Mộc Mạc”
hơn, nhưng không tìm thấy có chi tiết ghi nhận nào. Tập “Cuối Cùng” được xuất bản năm 2009, nhưng Võ Phiến đã viết xong từ
năm 2007 - tám năm trước ngày Ông mất! Đây là khoàng thời gian Võ Phiến đã ở
vào tuổi trên 82, thường đau yếu, sau hai lần mổ tim! Như vậy, tạm thời hiểu,
Võ Phiến đã viết bài thơ “Mộc Mạc” vào những ngày tháng cuối của năm 2007.
Võ Phiến sống ở quê nhà được 50 năm (1925-1975) và sống
tha phương gần 40 năm (1975-2007), khi sức khỏe đã dần cạn, ngọn đèn gần hết
dầu; và nỗi niềm cô đơn, thương nhớ quê xưa đã tràn đầy; ngồi một mình nhìn lại
quãng thời gian gần 90 năm ấy, ông đã khẽ khàng chạm đến hoài niệm:
“Xưa từng có xóm,
có làng,
Bà con cô bác họ
hàng gần xa.”
Xưa thì an vui, sum họp là vậy, “có xóm có làng / bà
con cô bác họ hàng gần xa”, nhưng hôm nay, thì lại đang ngồi nơi xa lạ một
mình! Xóm làng, bà con láng giềng gần xa, là hai hình ảnh thân thương, gần gũi
bên đời ông, đã hiện ra trong trí tưởng ông trước tiên. Rồi, ông tẩn mẩn nhớ
đến từng hình ảnh nhỏ nhặt, tầm thường hằng ngày, mà nay đã trở nên xa vời, khó
gặp, chỉ còn là nỗi hối tiếc?
“Con trâu, con chó,
con gà…
Đàn cò, lũ sẻ đều
là cố tri!”
Đúng là “con
trâu, con chó, con gà” vẫn lui tới trong sân vườn, trong đường làng ngõ
xóm; chúng có bên đời như một hình ảnh thân thiết, thủy chung. Và thêm nữa, cả
“đàn cò, lũ sẻ” ngoài cánh đồng quê
xanh ngát, hay trên bờ giậu thân thương trước sân nhà mỗi sáng chiều vẫn thường
ẩn hiện an bình, réo gọi – tất cả, hôm nay đây, còn đâu? Tất cả đã là “cố tri” thâm
tình từ lâu xa với ông chứ không phải thường tình. Tất cả những tình cảm ấy đều
đã là hơi thở, là máu thịt trong ông từ thuở nào rồi!
Buồn thương, tiếc nhớ dĩ vãng, rồi suy ngẫm, nhìn lại
đời người, đời mình - gần 90 năm, cũng chỉ thấy là một giấc mộng dài. Cũng chỉ
là một “hí trường” bi thảm và ngắn ngủi! Cái “thấy” thâm sâu, chí tình này không phải
một sớm một chiều mà “thấy” được! Nó đã ám ảnh và trở nên dằn vặt nơi ông trong
bao nhiêu năm nơi đất khách quê người. Cái thấy về lý vô thường trong cuộc nhân
sinh, là cái thấy minh triết, cái thấy được hình thành bởi bao thăng trầm, khổ
đau từ thực chúng đời sống của chính mình trong gần 90 năm…
Ông chợt thốt lên, rất tự nhiên - như một tiếng thở
dài:
“Múa may mãi, chẳng
ra gì,
Mỗi lâu thêm một
cách ly rã rời!”
Gần 90 năm “múa
may”, làm đủ trò, bày đủ chuyện, lận đận ngươc xuôi; nhưng “nhìn lại mình”
cũng “chẳng ra gì” cả! Cũng chỉ là một đời sống hệ lụy, ưu phiền cố hữu của
kiếp người, khác chi những diễn viên “diễn trò” cho hết màn kịch của mình, chờ
màn hạ? Ông đã rất khiêm cung khi nghĩ về mình một cách chân tình. Có lẽ, đây
là giây phút thật lòng với mình nhất, trước cuộc chia lìa vĩnh viễn?
Chỉ một chữ “múa
may” tầm thường, giản dị là vậy, mà Võ Phiến đã vẽ ra trước mắt chúng ta cả
một đời người lận đận, bon chen, trong ngần ấy năm - với cái nhìn sâu thẳm, an nhiên
của một thiền sư: “Múa may mãi chẳng ra
gì”. Và cái cảm giác cuối cùng đã đến trong ông:
“Mỗi lâu thêm một
cách ly rã rời!”
Càng “múa may”,
thì lại cảm nhận thêm nỗi xa cách, vô nghĩa, với đời sống chung quanh của chính
mình! Sự “cách ly” ấy đớn đau, dằn
vặt đến “rã rời” chứ không phải nhỏ!
Một sự chia lìa lớn lao dành cho cả một đời người…
Sau cùng, khi lực đã kiệt, tâm đã mỏi, ông còn lại
những gì?
“Thân tàn, đất lạ -
chơi vơi…
Trông lên chỉ gặp
bầu trời là quen!”
Hai hình ảnh “thân
tàn” và “đất lạ” lần nữa cho thấy
Võ Phiến đã vô cùng thương nhớ quê xưa, vô cùng xót xa bởi cuộc biển dâu mà phải
đành rời xa làng xóm! Ông thật sự đang “chơi
vơi”, lạc lõng, giữa cõi tạm phù du, mà chưa hề tìm thấy bến bờ tin yêu nào
để ghé lại. Tâm sự của ông, có lẽ, cũng là nỗi lòng của bao người con đang xa
xứ!
Trải qua 90 năm, Võ Phiến đã kinh qua bao nỗi thăng
trầm, bao thành công và thất bại, bao hạnh phúc và đau khổ. Ông cần lắm sự cảm
thông và tình thương yêu chân thật, đó cũng là ước mơ, là lẽ sống của mỗi người
chúng ta ở cõi tạm nầy chăng?
Ông đã tỉnh táo, chia sẻ:
“Trông lên chỉ
gặp bầu trời là quen!”
Chỉ có “bầu trời”
bao la xanh ngát kia là bao dung, là có thể chở che, gần gũi, dung nạp với mọi
cuộc đời mà thôi! Lời tâm sự cuối cùng của ông rất đơn giản, nhưng qủa thật,
không phải ai ai cũng có thể dễ dàng nhận ra… “Bầu trời” thủy chung dung chứa
tất cả, không phân biệt, không điều kiện: đó là một bầu trời thanh bình, an vui
cho tất cả vậy!
Tôi rất đồng cảm với ghi nhận của Nguyễn Mạnh Trinh
rằng Võ Phiến “làm thơ là dịp để ông phơi
bầy ra cái chân thực của suy tư, của cuộc sống mình. Thơ, có khi là giây phút
thoáng qua, nhưng trầm và sâu, có khi là nụ cười nhếch đùa cợt, nhưng lại mênh
mang một chút gì thảng thốt tiếc nuối”.
Bài thơ “Mộc Mạc”chỉ
có 8 câu sáu tám, được thốt lên trong giây phút ngắn ngủi của những ưu tư đã
từng yên lặng trong tâm hồn Võ Phiến, nhưng là một lời tâm sự chí tình sau cùng
của ông trước khi vĩnh biệt cõi tạm vậy!
MANG
VIÊN LONG
July 4, 2016