Monday, May 9, 2016

2304. TRẦN HOÀI THƯ Mở từ trái tim


Trần Hoài Thư (Thứ ba, từ trái) – Ashbrook Nursing Home (NJ)
Ảnh PCH – May 7, 2016



Suốt  hai ngày nay, tôi sống như một người hạnh phúc nhất. Suốt bốn năm nay, đây là lần đầu tiên Y. bật lên tiếng hát, lời thơ. Bốn năm trên giường bệnh, với ba năm ở nhà và một năm ở nursing home. Tôi mới hiểu về sức mạnh của liều thuốc tinh thần. Bốn năm. Với biết bao nhiêu khổ nạn. Với bao nhiêu viên thuốc. Với bao nhiêu những cơn đau trầm luân triền miên không dứt. Hết biến chứng này đến biến chứng khác. Và gần nhất là những lời nói không còn là từ một con người bình thường mà từ một trí não của những ngăn tủ quá khứ đóng bụi, hay từ một bến bờ nào đó, như dấu hiệu của ngày tận cùng... Tôi đã dấu mặt. Tôi đã chùi mắt. Đôi chân tôi lê trên hành lang nặng nề như mang hai cái gông cùm... Tôi không thể hiểu khi đám bạn bè vây quay giường của Y.  đôi mắt Y. sáng rực. Từng người hỏi Y. Chị nhớ ai không? Chị nhớ tôi không? Đôi mắt ấy càng sáng hơn và miệng thì mếu máo: Anh Danh, anh Viện, Hạ Uyên! Còn ai đây? Phạm Văn Nhàn hỏi. Y. ngần ngừ... Phạm Văn Nhàn đây. Trời ơi anh Nhàn... Y. bật khóc... Hạ Uyên giới thiệu thêm một người bạn đi theo. Đây là Dương Hà, vợ của luật sư Cù Huy Hà Vũ, đến từ Chicago....

Y. càng mếu máo... Có phải Cù Huy Hà Vũ là con của Huy Cận? Phải. Trời ơi, bài Ngậm Ngùi của Huy Cận là một bài thơ tuyệt vời...

Đám bạn quay quần quanh giường. Một chùm hoa hồng thắm do Phạm Quang Tân trao, và tôi nhận dùm. Nguyễn Công Danh (tức nhà văn Trần Bang Thạch), Lê Hoàng Viện chuyển những lời hỏi thăm và món quà của bạn bè Y. ở Houston. Y. nằm trên giường. Căn phòng chật chiều nay lại càng chật nức vì những tấm lòng quá lớn.

Tôi như kẻ mộng du. Tôi không hiểu. Thật sự không hiểu. Cái căn nhà 719 Coolidge này từ mấy năm nay, nhất là từ ngày Y. vào nursing home cách đây một năm, nó không còn là mái nhà theo đúng nghĩa của một gia đình nữa . Ngược lại nó trở thành một cõi mồ không hơn không kém. Không TV. Không cần cửa khóa. Không dọn dẹp. Bốn phòng ngủ mà chỉ có cái sofa cho một chỗ đặt lưng. Và những chén bát ly tách kêu rổn rảng không còn reo vui như tiếng cười ngạo nghễ của định mệnh... Nhà ta cửa nẻo không hề khép/Sao cỏ cô liêu cứ mọc đầy.... Vậy mà tự nhiên một cú điện thoại từ tiểu bang xa: “Em là Hạ Uyên. Em báo cho anh ngày thứ bảy bọn em sẽ đến thăm anh chị... Hiện tại em ở New York...”  “Cám ơn em. Em cứ đến. Xem nhà anh như nhà em...”  “ Ừ. Em biết...”  Đó là cú điện thoại đầu tiên cho một ngày thứ bảy. Cho một ngày hội ngộ trùng phùng. Cho một ngày mà những đám mây từ bốn phương trời bay qua núi qua rừng qua biển qua những lục địa, những sa mạc, và tự nhiên đậu trên mái nhà 719 Coolidge street. Yêu dấu lắm mấy hôm nay có đôi vợ chồng chim chào mào chọn một mái nhà trong lùm cây dương xỉ ở trong vườn. Một vài sợi giấy trắng mà chú chim tha làm tổ còn dính lại trên tàn lá xanh. Chú chim ơi, giấy trắng từ những cuốn sách ta cắt đấy nhé... Đầu tiên là vợ chồng Nguyễn Quang Khánh từ tiểu bang Pennsylvania. Rồi đến Hạ Uyên, Hoàng Long, Cù Huy Hà Vũ, Dương Hà từ Boston và Chicago. Căn nhà bỗng nhiên rộn ràng. Tự nhiên có một cú điện thoại: Phạm văn Nhàn gọi cho biết phái đoàn Houston đang có mặt trước cửa nhà của bạn đây. Mở cửa. Thấy bạn ta chống gậy “trúc” bước khó khăn. Có Phạm Quang Tân, Lê Hoàng Viện, Trần Bang Thạch... Ôm các bạn, mừng mừng tủi tủi. Mấy mươi năm mới gặp lại bạn. Cám ơn đất trời đã chở những đám mây đậu trên mái nhà này.  Tuồng như tất cả ghế bàn, những nồi niêu những ly tách từ lâu ngủ yên nay thức dậy xôn xao. Bốn giờ tất cả bạn bè theo hai xe vào thăm Y.

Phạm Văn Nhàn cho biết “phái đoàn” Phạm Cao Hoàng, Cúc Hoa, Nguyễn Thị Thanh Bình và Lãm Thúy đang trên đường từ Virginia  lên, và sẽ có mặt khoảng 6 giờ chiều. Trời ơi, sao lại lạ lùng như thế này. Chỉ một ngày mà những niềm vui cứ theo mây theo đường xa lộ, tụ hội lại một nơi quanh năm khép cánh cửa chôn số phận bất hạnh của kiếp người.


Họ đã dành cho Y. những niềm vui từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Dưới tấm mền, tấm chăn, đôi chân hình như máu huyết lưu thông lại. Và từ gương mặt kia, cái ánh sáng diệu kỳ làm phấn làm son trang điểm. Chị hát đi. Chị nhớ bài Ngậm Ngùi không. Hạ Uyên hỏi. Nắng chia nửa bãi chiều rồi... Bà hát đi. Hát tặng bạn bè anh em đến thăm bà... Bà hát đi... Tôi nói với Y. Hạ Uyên bắt giọng. Và Y. mấp mé môi. Sau đó từ giọng thều thào không cung bậc, đã nghe rõ cung bậc ngậm ngùi. Ngậm ngùi không còn là nỗi buồn tiền chiến, của lãng mạn, nhưng ngậm ngùi của một sự huyền nhiệm. Bốn năm rồi, tôi mới được nghe tiếng ca lời hát từ một người khổ ách trường kì. Bốn năm, màn vô minh nay được giao điện, màn phủ bụi nay đã thành sạch sẽ lau chùi. Bạn bè bao quanh giường. “Chị gắng ăn, để sang năm về Houston tham dự đại hội Phan Thanh Giản. Chị nghe lời chúng tôi. Phải gắng ăn. Hứa với chúng tôi đi”. Ai ai cũng khuyên Y. Tôi bảo: “Bà thấy không? Ai cũng thương mến bà hết. Bà gắng ăn nghe chưa”.

6 giờ chiều, nhóm người từ Virginia có mặt. Lãm Thúy,  Nguyễn Thị Thanh Bình, Cúc Hoa, Phạm Cao Hoàng. Cúc Hoa là người khóc nhiều hơn hết. Tay sờ má Y. mắt nhỏ lệ. Lãm Thúy, Thanh Bình cũng không dấu xúc động. Y. cũng mếu máo. Tôi lặng người. Tôi cũng không dấu nước mắt.

Ngày hôm sau vợ chồng Cù Huy Hà Vũ và Dương Hà cùng Hạ Uyên đến Nursing Home. Hạ Uyên lãnh phần đút đồ ăn cho Y. Món ăn là món cá canh chua. Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà thì đọc bài thơ Nhớ Bắc (*) của Huỳnh văn Nghệ cho Y. nghe. Y. kêu Dương Hà đọc thêm một lần nữa. Cù Huy Hà Vũ xin một xấp giấy  khổ lớn tại Nursing Home và vẽ  ngay bên giường bệnh chỉ trong vòng vài phút, chân dung Y.  


Bức ký họa Nguyễn Ngọc Yến
do Cù Huy Hà Vũ thực hiện
ngay nơi dưỡng bệnh trong Nursing Home
New Jersey, May 8, 2016


Xin cám ơn hai bạn trẻ, đã lặn lột đến thăm Y, dù chúng ta chưa bao giờ có một lần trao đổi hay gặp nhau. Cám ơn Hạ Uyên đã đưa giúp vợ chồng hai bạn, để thêm một lần tôi có thể nói về  nỗi hãnh diện của một người lính miền Nam trong trái tim của một lão già. Nó vẫn bốc lửa. Đấy bạn thấy không? Mấy trăm đầu sách tôi tự tay in đóng cắt. 16 năm làm Thư Quán Bản Thảo tặng không.  Những sáng kiến tôi làm. Cả bộ thơ miền Nam mấy ngàn trang, tôi khâu, tối đóng. Bốn tập văn miền nam mấy ngàn trang. Bạn thấy không. Người ta bảo tôi là crazy. Người ta xót thương tôi. Nhưng mà bạn thấy không...? Kệ ngăn dưới hầm tôi đầy sách vở do tự tay tôi làm.

Cù Huy Hà Vũ  như bị choáng ngợp bởi những cuốn sách. Trong khi hai bạn Hạ Uyên và Nguyễn Thị Dương Hà suốt ngày lau chùi căn nhà mà bốn năm chưa bao giờ quét dọn thỉ Cù Huy Hạ Vũ lại một mình ngồi trước kệ sách để đọc từ cuốn này sang cuốn khác. Bây giờ tôi trở thành một kẻ thừa thãi. Hai cô Hạ Uyên và Dương Hà không cho tôi làm giúp bất cứ một việc gì. Hai cô đã thay mặt Y. rồi.

Thôi thì viết bài này như một lời cám ơn.

Với những cánh cửa mở ra mang  tỏa đầy mùi thơm bát ngát. Từ loại nước lau nhà, đến những tấm lòng bằng hữu.


Trần Hoài Thư
New Jersey, May 9, 2016
____________________

(*) NHỚ BẮC

Thơ Huỳnh Văn Nghệ


Ai về Bắc, ta theo với 
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
                           
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng            
Mà ta con cháu mấy đời hoang             
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ            
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!

Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ 
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn 
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng...
              
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên           
Chinh Nam say bước quá xa miền,            
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!           
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?


Huỳnh Văn Nghệ                                         
(Ga Sài Gòn, 1940)