LỮ QUỲNH
Thư Quán Bản Thảo
chủ đề bán Nguyệt San MAI, làm nhớ lại
Năm cuối trung học, bị rơi vào một hoàn
cảnh buồn bã, và tiếp theo những tháng ngày dạy học tại một trường bán công mới
thành lập được vài năm ở một vùng quê cát trắng, ngoài giờ đi dạy về, là tôi
chúi mũi vào đọc sách và viết lang thang những ghi nhận về cuộc sống mới. Trong
nỗi cô đơn, ngày làm bạn với những trảng cát đầy hoa dại và lăng mộ; đêm ngẩn
ngơ lang thang trên con đường ngập ánh trăng, dưới bóng dừa óng ánh sương. Niềm
vui duy nhất trong thời gian này là chờ đọc những tạp chí định kỳ thường phát
hành vào ngày đầu và giữa mỗi tháng: Bách Khoa, Phổ Thông, Mai…
MAI là tạp chí bán nguyệt san. Giai
đoạn tôi gửi đăng nhiều bài trên Mai, là năm 1961 và 1962. Lúc này anh Nguyễn
Hữu Thái làm Thư ký tòa soạn, với chủ nhiệm là ông Hoàng Minh Tuynh. Tờ báo rất
sinh động, nhờ vào sáng kiến và đam mê của thư ký tòa soạn. Anh Thái là sinh
viên Kiến trúc, hình như năm cuối, trả lời đều đặn cho người cộng tác mỗi khi
nhận bài, bằng thư riêng nhiều hơn là trên Hộp thư Tòa soạn. Chưa gặp anh,
nhưng tôi có cảm giác, anh rất nhiệt tình, tích cực chăm sóc tờ báo. Cuối năm
1962, nhận thư anh cho biết, ông chủ nhiệm trước khi đi dự Cộng Đồng Vatican
II, có nói với anh, in cho tôi một tập văn. Tôi rất cảm động, và trả lời anh là
tôi mới viết, chưa dám nhận lời đâu. Tôi cám ơn và nhớ mãi nghĩa cử này.
Qua bao nhiêu đổi thay của con người và đất nước! Hơn 40 năm sau,
tôi nghĩ đến việc đi tìm lại những bài viết cũ của mình. Năm 2005, tôi rủ bạn
tôi, anh Nguyên Minh, cùng vào Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Tổng hợp?). Tại
đây, gần cả một ngày, chúng tôi được nhân viên đem ra từng xe đẩy các tạp chí
Bách Khoa, Thời Nay, Phổ Thông…, tha hồ mà tra cứu; nhưng tuyệt nhiên không có
MAI! Chúng tôi vừa tìm bài, vừa photocopy thơ, truyện ngắn trên Bách Khoa của
tôi, của Doãn Dân, của Trần Hoài Thư.
Tôi tìm hỏi nhân viên thư viện, sao không thấy có tạp chí MAI
trong danh mục, thì được trả lời, MAI nằm trong số sách báo không được phổ
biến. (Có nghĩa là bị xếp vào loại văn hóa phẩm phản động đồi trụy.) Tôi nói
tôi chỉ cần tìm xem một số đề bài trong tạp chí này thôi. Tôi được giới thiệu
vào phòng riêng và người giữ tủ sách này mang ra cho tôi lần lượt từng chồng
báo MAI. Có thể không đủ số, nhưng tôi cũng kịp đọc những trang báo của một
thời tự do, tươi đẹp. Nhân viên bảo tôi xem rồi trả lại tại chỗ, cấm copy.
Tôi lướt thấy những tùy bút, tạp văn của mình. (Xin ghi ra, để bạn
đọc nào còn giữ được các số báo có bài này, cho phép tôi được liên lạc):
-MAI số 33 (10-11-1961): Khoảng trống
của đời người.
-MAI số 43 (10-04-1962): Từ một cái
chết.
-MAI số 6 (Bộ mới, 25-09-1962): Tên
những loài hoa không tên.
-MAI số 8 (Bộ mới, 25-10-1962): Những
bàn tay làm kỷ niệm.
…
Lữ
Quỳnh
3-16-2016
(Trích Thư Quán Bản Thảo số 69, tháng 4/ 2016.)
3-16-2016
(Trích Thư Quán Bản Thảo số 69, tháng 4/ 2016.)