Thursday, March 31, 2016

2218. NGUYỄN ÂU HỒNG Truyện thật ngắn: Nghề gia truyền


Bãi biển Pensacola (Florida)



Câu chuyện này được khởi đầu từ một bài báo có tiêu đề:

“TIỂU BANG FLORIDA ĐAU ĐẦU VÌ TRĂN”- Miami, Florida (Washington Post) – Chính quyền tiểu bang Florida đang ngày càng phải đối phó nhiều hơn với đủ loại thảo mộc và động vật đến từ những nơi xa lạ, đe dọa trầm trọng cho nền kinh tế nơi này. Số cá sấu chính gốc Florida đang ngày càng ít dần vì là nạn nhân của các con trăn Miến Điện cũng như các loài trăn khác ăn hết mồi, chưa kể chính chúng cũng trở thành thực phẩm ngon miệng của các con trăn này.

Năm ngoái, tiểu bang Florida mở chiến dịch kéo dài một tháng nhằm diệt bớt trăn trong vùng đầm lầy Everglades, kêu gọi người tình nguyện ở khắp các nơi về đây để trợ giúp. Khi chiến dịch chấm dứt, giới hữu trách công bố kết quả là chỉ bắt hay giết được có 68 con trăn, trong tổng số khoảng 10.000 con được ước tính đang sống nơi này, đi đến kết luận: Đuổi trăn ra khỏi nơi này là điều không thể làm được.

Trăn rất giỏi lẩn trốn. Các tay chuyên môn theo dấu động vật của cơ quan Thăm Dò Địa Chất Mỹ (USGS) từng đứng chỉ cách chúng có hơn một thước, với máy dò làn sóng phát ra từ “chip” gắn trên thân con trăn mà vẫn không nhìn thấy”.

Bài báo đưa những thông tin bình thường không có gì gật gân, nhưng lại vô cùng hấp dẫn với anh Lê Văn Tam tự Tam Ngố. Anh lập tức đến gặp giới hữu trách của quận hạt Everglades xin tình nguyện bắt trăn. (Do trình độ tiếng Anh hạn chế, Tam Ngố phải nhờ sự giúp đỡ của một người thông dịch Việt mà anh quen.)

Nghe Tam trình bày, viên chức “tiếp dân” hỏi:
- Anh có cần giúp đỡ, hỗ trợ gì không?  Máy dò, vật chứa, xăng xe?
- Tôi không cần những thứ đó. Tôi chỉ cần giấy phép bắt trăn, giấy phép vận chuyển đem bán hoặc giết thịt.

Tam Ngố nói ngắn gọn. Viên chức hơi ngạc nhiên vì cứ tưởng người mà ông ta tiếp, cũng như những tình nguyện viên khác chỉ bắt trăn rồi giao cho cơ quan quản lý động vật hoang dã. Vì vượt quá quyền hạn nên ông ghi lại yêu cầu, nói sẽ báo lên cấp trên và hứa sẽ trả lời sớm.

Mấy ngày sau Tam Ngố nhận được thư trong đó có giấy phép bắt trăn (không hạn chế số lượng và trọng lượng), giấy phép vận chuyển trăn và giấy phép giết thịt (không được vi phạm luật hành hạ thú vật).

Có giấy phép, Lê Văn Tam bắt đầu hành sự. Đầu tiên là đi bắt xởi thử một con trăn nặng mười pounds về giết thịt, nấu nướng các món mời anh em bạn bè nhậu một trận cho thật hả hê; sau đó mới dò tìm chỗ tiêu thụ. (Anh ta đặt một câu hỏi đơn giản: “Một con trăn cỡ sáu ký-lô ở Việt Nam bán được ba chỉ vàng, ở Mỹ chẳng lẽ bán không được năm-ba trăm đô-la?”).

Từ đó Lê Văn Tam cứ sống phây phây, ngoài lương chính ở hãng, mỗi tuần tà tà bắt một con trăn cỡ mười lăm pounds bán với giá bốn trăm đô (bao gồm công giết thịt, lột da).

Tam lội vào vùng đầm lầy Everglades như lội vào ao nhà mình, chẳng cần máy dò tìm, nhìn quanh quất rồi đưa cái móc quéo vào một lùm cỏ hay một bụi rậm nào là lôi ra y chang một chú trăn vừa tầm keeper - tức trên dưới 15 pounds.

Tam không nhìn thấy trăn đâu, vì giống trăn lẩn trốn rất giỏi. Nhưng không hiểu sao, từ trong gió, từ trong hơi sương, từ trong hơi cỏ cây, hơi đầm lầy, anh cảm ứng và biết đích xác trong lùm cỏ đó, trong bụi rậm đó có một con trăn đang ẩn núp, đưa móc quéo vào là khèo chú chàng ra, không bao giờ nhầm lẫn.

Bạn bè thân quen hỏi Tam Ngố học ở đâu mà có biệt tài như vậy. Thay cho câu trả lời, anh đưa ra một mẩu báo:
“- Ê, thằng nhóc, mày lội vô trong lạch đó làm gì?
– Đi quăng dịch.
 – Tao hỏi việc bây giờ, không hỏi việc mày lớn lên có đi quân dịch hay không?
- Không phải đi quân dịch mà đi quăng dịch. Dịch đi ăn trong lạch xa, lội vô lấy đất quăng đuổi nó dìa. (Vịt đi ăn trong lạch xa, lội vô lấy đất quăng đuổi nó về).
- Thôi được, cho qua. Mà này, mẹ mày làm nghề gì?
 – Làm guộng, bắt gùa. (Làm ruộng, bắt rùa).
 – Cha mày làm nghề gì?
– Làm guộng, bắt gắn. (Làm ruộng, bắt rắn).

Câu chuyện này mở đầu bằng một mẩu báo, có thủy có chung, cũng xin được kết thúc bằng một mẩu báo vậy.

Nguyễn Âu Hồng
November  2014