Thursday, March 10, 2016

2165. NGUYỄN ÂU HỒNG Thử phân tích một truyện ngắn của Y Uyên TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU


NGUYỄN ÂU HỒNG
Thử phân tích 
một truyện ngắn của Y Uyên
TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU

Cầu Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên)
nơi nhà văn Y Uyên lấy lối cảnh để viết truyện ngắn
TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU

Truyện kể về một người lính nghĩa quân tên Phon, lính mới tò te chưa lãnh đồng lương nào dù đã hai lần ký sổ lương. Bên cạnh anh là các nghĩa quân tên Xanh, Đành, Thấu, và một bạn nhậu tên Năm. Xanh là một nhân vật đặc biệt vì khi vào truyện thì Xanh đã chết hồi nào không rõ.

Nhân vật phụ có ông trưởng đồn cùng cô con gái rượu là ca sĩ Thùy Dương và một cô gái không rõ họ tên thường sang ngủ ngày với ông.

Nhân vật từ đám đông quần chúng thì nhiều, từ những nông dân "gặt lúa chạy lụt", đến học sinh, công chức, binh lính- những người lính thiết giáp ngang tàng ngồi trên xe thiết giáp M.113 và những chiến binh tay quấn băng, mặt sứt mẻ…

Câu chuyện được mở đầu bằng một bữa rượu tiễn Phon đi làm nhiệm vụ mới: gác cầu. Bữa rượu có cả thảy bốn người: Đành, Thấu, Năm, và Phon.

Năm đến muộn áy náy:

- Phiền mấy anh quá…
- Anh Năm còn nói vậy tụi tôi giận đó. Từ hồi thằng Xanh chết tới nay, ngoài anh Năm, ba đứa tôi còn biết thương ai hơn.

Năm cười cảm động:

-Mấy anh nói tới thằng Xanh khiến tôi lại nhớ nó, thấy tội cho nó. Nó hoang mà điều nó cũng vui cũng dễ thương như mấy anh đây.
Phon không ham nhắc lại chuyện thằng Xanh. Nó chết buồn hơn cả mấy bài ca ruột của nó. Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đầy ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn.

Năm ăn lơ là có lẽ vì sợ mấy đĩa thịt nướng là thịt con ngựa trúng mìn. “Lòng nó xổ ra cả đống lẫn với lòng Cai Bốn”.


Sau bữa rượu Phon lên đường, bắt đầu công việc gác cầu.