Thursday, February 7, 2013

100. NGUYỄN ÂU HỒNG Thử phân tích một truyện ngắn của Y Uyên


NGUYỄN ÂU HỒNG
Thử phân tích 
một truyện ngắn của Y Uyên
TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU

Cầu Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên)
nơi nhà văn Y Uyên lấy lối cảnh để viết truyện ngắn
TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU



Truyện kể về một người lính nghĩa quân tên Phon, lính mới tò te chưa lãnh đồng lương nào dù đã hai lần ký sổ lương. Bên cạnh anh là các nghĩa quân tên Xanh, Đành, Thấu, và một bạn nhậu tên Năm. Xanh là một nhân vật đặc biệt vì khi vào truyện thì Xanh đã chết hồi nào không rõ.

Nhân vật phụ có ông trưởng đồn cùng cô con gái rượu là ca sĩ Thùy Dương và một cô gái không rõ họ tên thường sang ngủ ngày với ông.

Nhân vật từ đám đông quần chúng thì nhiều, từ những nông dân "gặt lúa chạy lụt", đến học sinh, công chức, binh lính- những người lính thiết giáp ngang tàng ngồi trên xe thiết giáp M.113 và những chiến binh tay quấn băng, mặt sứt mẻ…

Câu chuyện được mở đầu bằng một bữa rượu tiễn Phon đi làm nhiệm vụ mới: gác cầu. Bữa rượu có cả thảy bốn người: Đành, Thấu, Năm, và Phon.

Năm đến muộn áy náy:

- Phiền mấy anh quá…
- Anh Năm còn nói vậy tụi tôi giận đó. Từ hồi thằng Xanh chết tới nay, ngoài anh Năm, ba đứa tôi còn biết thương ai hơn.
Năm cười cảm động:

-Mấy anh nói tới thằng Xanh khiến tôi lại nhớ nó, thấy tội cho nó. Nó hoang mà điều nó cũng vui cũng dễ thương như mấy anh đây.
Phon không ham nhắc lại chuyện thằng Xanh. Nó chết buồn hơn cả mấy bài ca ruột của nó. Cúc Hoa ôi, nếu chúng ta còn xa cách nhau vì kẻ tuyền đài người dương thế thì mãi mãi anh còn là kẻ bị đầy ải đơn côi trong ngục thất của tâm hồn.

Năm ăn lơ là có lẽ vì sợ mấy đĩa thịt nướng là thịt con ngựa trúng mìn. “Lòng nó xổ ra cả đống lẫn với lòng Cai Bốn”.

Sau bữa rượu Phon lên đường, bắt đầu công việc gác cầu.

Bây giờ thì Phon đã hát lại tất cả những bài ca của thằng Xanh mà Phon nằm lòng. Ba giờ gác cầu một ngày. Thằng Xanh vẫn còn có thứ an ủi được Phon. Phon vịn vào cây cản xe sơn từng khoanh đỏ trắng mà hát, dựa vào thành cầu mà hát. Cúc Hoa ôi…

Ngoài việc gác cầu, thỉnh thoảng Phon cùng hai bạn nghĩa quân mang súng, mang máy truyền tin theo ông trưởng đồn và cô con gái tên Thùy Dương sang rạp hát thị xã. Mỗi lần Thùy Dương xuất hiện trên sân khấu, không bao giờ thiếu mặt ông trưởng đồn. Ông vào nghe ca nhạc, bọn Phon ngồi ngoài xe chờ khoảng 4 tiếng đồng hồ.

Trong lúc gác cầu, nhìn xuống dòng nước, Phon thấy xác một con bò trôi vật vờ rồi tấp vào những vòng kẽm gai bao quanh chân cầu.

Một đùi thịt bò còn nóng máu, một xị rượu lúc đã thay quần áo khô, có lẽ không còn điều gì đáng ước ao hơn thế. Tay Phon nhiều lúc đặt trên cán dao bên thắt lưng. Một đùi thịt bò, một xị rượu lúc đã thay quần áo khô. Phon nhìn về phía người bạn gác ở nhịp cầu đàng kia. Anh ta vẫn còn khuất vào một cây sắt nào đó để trú mưa. Không ai biết được cái đùi bò của Phon cả. Có chăng một mình con nhỏ mắt lé. Có cần gì phải chờ hai tháng nữa. Còn những đêm khao quân, còn tiếng súng trên kia và dòng sông này. Tao sẽ nghĩ, sẽ nhớ đến tất cả bọn bay. Cúc Hoa em ôi…

Câu chuyện được mở đầu bằng một bữa rượu rồi cũng kết thúc bằng một bữa rượu.

Bữa rượu mở đầu có bốn người: Đành, Thấu, Năm, và Phon. Xanh đã chết lúc nào không rõ.

Bữa rượu kết thúc chỉ còn có ba người: Đành, Thấu, và Năm. Phon chết lúc nào không rõ.

Năm áy náy:
- Phiền mấy anh quá.
- Anh Năm nói vậy tụi tôi giận đó. Từ hồi thằng Phon chết tới nay, ngoài anh Năm, hai đứa tôi còn biết thương ai hết.
Năm cười cảm động:
- Mấy anh nói tới thằng Phon khiến tôi lại nhớ nó thấy tội nó. Nó ham ăn nhậu mà điều nó cũng vui, cũng dễ thương như mấy anh đây.
- Sức mấy mà nhắc tới thằng đó. Uống đi anh Năm.
Ngồi nhậu mà còn suy nghĩ. Đành cất tiếng cười lớn ngửa mặt lên trời. Thịt ngựa. Thịt bò. Ta cho phép. Cúc hoa em ôi. Ta cho phép.

Bữa rượu mở đầu cách bữa rượu kết thúc  hơn hai tháng. Chỉ hơn hai tháng thôi, Phon- anh lính gác cầu- không còn trên cõi đời này. Phon đi theo thằng Xanh về thế giới bên kia.

Cốt truyện khá đơn giản. Tác giả không nêu tên một địa danh nào. Rạp hát không tên, cầu không tên, sông không tên, núi non đồng ruộng không tên đã đành, đến quận huyện thị xã cũng không tên, nhưng người đọc đã từng đến hoặc từng sống ở Tuy Hòa có thể nhận ra chiếc cầu trong câu chuyện là cầu Đà Rằng, dài trên 1 cây số, trước kia do người Pháp xây dựng, bắc ngang qua sông Ba, nối liền thị xã Tuy Hòa với thị trấn Phú Lâm. Đây là chiếc cầu huyết mạch ở miền trung; thời chiến tranh cầu được canh giữ cẩn mật để không bị phá hoại. Cầu dài 21 nhịp, cứ khoảng 4 nhịp thì có một người gác cầu. Mùa nước lớn, dòng nước dưới chân cầu chảy siết, không may rớt xuống nước cuốn đi mất xác.
  
Bây giờ chúng ta thử xem xét vài sự kiện từ lúc “nước đã lên mênh mông” tới lúc “tiếng nước xoáy dội mạnh lên tai Phon”.

Trên cạn:

Người con gái thường sang ngủ ngày với ông trưởng đồn giở tiền trong khăn tay trả tiền người lái xe, quầy quả bước vào đồn.
Thằng Đành, bạn Phon, chụp áo mưa đến thăm Phon. Đành gặp Phon trên cầu, và nghe những tiếng súng từ vùng núi đầu sông vọng xuống.

Dưới nước:
Một con bò trôi theo dòng nước. Có lúc cả chiếc đầu trồi lên khỏi mặt nước, mõm há rộng nhăn răng.

Trên cạn:
Lúc Phon ra gác cầu trận đánh mạn trên sông mới bắt đầu. Phon chắc con bò này cũng trúng đạn như con bò trước kia.

Dưới nước:
Dòng nước quá mạnh. Con vật trôi mau. Chiếc đầu với hai sừng nhô lên một lần nữa. Con vật chắc mới chết.

Trên cạn:
Một đùi thịt bò còn nóng máu, một xị rượu, lúc đã thay quần áo khô, có lẽ không còn điều gì đáng ước ao hơn thế. Tay Phon nhiều lúc đặt trên cán dao bên thắt lưng... Tiếng súng trên kia và dòng sông này. Tao sẽ nghĩ, sẽ nhớ tất cả bọn bây. Cúc Hoa em ôi…

Dưới nước:
Con bò đã trôi vào gầm cầu. Chân cầu và những phên thép gai có thể giữ nó lại. Một thân dừa trôi sau con bò đã băng băng qua cầu. Tiếng nước dội mạnh lên bên tai Phon.

Trên cạn:
Người con gái thường sang ngủ ngày với ông trưởng đồn nắm chiếc khăn bước ra, bước lên một chiếc Lăm-bét-ta. Phon nắm một con dao bước xuống bờ sông.

Y Uyên hoàn toàn không nói Phon đã chết như thế nào, nhưng dựa vào câu cuối của truyện “Phon nắm một con dao bước xuống bờ sông” và những câu trước đó: “Tay Phon nhiều lúc đặt trên cán dao bên thắt lưng. Một đùi thịt bò, một xị rượu lúc đã thay quần áo khô...Có cần gì phải chờ hai tháng nữa. Tao sẽ nghĩ, sẽ nhớ đến tất cả bọn bay...” người đọc có thể biết vì sao Phon chết.  Những tình tiết này diễn ra khi Phon làm nhiệm vụ gác cầu đã hơn hai tháng nhưng chưa có lương; muốn có lương để chiêu đãi bạn bè phải chờ thêm hai tháng nữa.

Trong khi đó thì Phon đang cô đơn, đang nhớ bạn, cần một bữa rượu riêng cho mình, không phải vì thích nhậu, mà để nhớ đến bạn. Phon cầm con dao đi xuống bờ sông, vượt dòng nước chảy siết, tìm đến chỗ con bò trúng đạn đang kẹt dưới chân cầu, và Phon bị dòng nước cuốn đi. Đây là climax của cốt truyện, bi đát đến lạnh người khi nghĩ đến số phận của Phon.

Cốt truyện đơn giản vì Y Uyên không lấy cốt truyện làm chính. Đọc loại truyện này tôi thường nghĩ tới những cọng cỏ khô trong mùa tuyết rơi. Những cọng cỏ khô mỏng manh được tuyết bám vào rồi trở thành những que nước đá trong suốt. Ở loại truyện này, cốt truyện chỉ là cái lõi làm chỗ dựa. Điều quan trọng là từ cái lõi mỏng manh đó nhà văn có thể tạo ra một cột nước đá, hay chỉ phủ một lớp tuyết mỏng phơn phớt.
  
Trong TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU, bên cạnh cái lõi đó, Y Uyên còn chạy những sợi dây tơ xuyên suốt từ đầu đến cuối: tiếng hát về Cúc Hoa của Xanh và Phon, và tiếng thét “ta cho phép của Năm và Đành.

Mạch văn của Y Uyên chú ý đến sự thủy chung trong tình bạn. Thủy chung trong từng từ ngữ, từng lời thoại, và đôi khi từng khúc đoạn.
Trong bữa rượu lúc khởi đầu câu chuyện Đành đứng dậy, kéo xích ghế, cầm xị rượu Phon vừa rót đầy, lại vỗ vai Năm, rồi ngó vào mặt Năm lắc lư cái đầu bắt chước Trình Giảo Kim nói với Đơn Hùng Tín bằng một bài ca điệu Quảng Đông “ly rượu này… ày ày, em xin để tặng anh à à.” Năm dằn mạnh ly xuống bàn, quắc mắt, “Ta cho phép”.

Sau nhiều lần “ta cho phép” kiểu đó, tới bữa rượu kết thúc thì vắng Phon vì Phon đã theo Xanh mang tiếng hát về Cúc Hoa xuống tuyền đài, Đành ngửa mặt lên trời, “Thịt ngựa, thịt bò. Ta cho phép. Cúc Hoa em ôi. Ta cho phép.

Thằng Xanh chết nhưng vẫn còn có thứ an ủi được Phon”. Qua nhân vật Phon, mấy bài hát về Cúc Hoa của Xanh đã sống lại. Tiếng hát của Xanh không chết.. Phon dựa vào cây cản xe mà hát, dựa vào thành cầu mà hát. Cúc Hoa ôi. Dòng tâm cảm ấy vẫn sống một cách sinh động đến mức,”Nhiều lúc Phon ở vào một tình trạng lơ mơ để thấy Cúc Hoa có hai cánh tay trắng muốt chuốc rượu thằng Xanh”

Thật ra cả Xanh và Cúc Hoa đều là nhân vật chính trong truyện. Cúc Hoa và Xanh tuy hai mà một: một nhân vật âm bản khao khát trở thành dương bản, khao khát sự sống. Phon đã mang âm bản đó làm hành trang để không còn là kẻ bị đày ải đơn côi, Nhưng cuối cùng Phon cũng chịu chung số phận. Cái bi đát của nhân vật Phon cũng chỉ là một trong nhiều cái bi đát trong thời chiến tranh. Y Uyên không nói Xanh chết như thế nào, con nhân vật Năm chết như thế nào, nhưng thủ phạm của những cái chết này, những chia lìa mất mát này nếu không phải là chiến tranh thì còn ai vào đây nữa.

Bằng một bút pháp tài tình, giọng văn lạnh lùng nhưng vẫn giàu cảm xúc, bằng những ẩn dụ chứa đựng những thông điệp về tình người, tình bạn, Y Uyên đã viết TIẾNG HÁT CỦA NGƯỜI GÁC CẦU, một trong những truyên hay nhất của anh khi anh mới ngoài 20 tuổi.


Nguyễn Âu Hồng
February 6, 2013