Sông Đà Rằng (Còn gọi là
Sông Ba) – Tuy Hòa, Phú Yên - Ảnh: phuot.vn
Sông Ba là một dòng sông kỳ diệu. Nó vừa êm đềm thơ
mộng vừa “gờn gợn trên sóng bạc những căm hờn”(Phạm Cao Hoàng), vừa đầy ắp
trăng sao vừa “gầm lên cuồn cuộn máu”(Khuyết Danh).
Xuất phát từ đỉnh Ngọc Linh của Kontum, Sông Ba chảy
“phía sau lưng” hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, xiên xiên từ bắc xuống nam
qua Gia Lai, Phú Bổn thuộc Tây Nguyên. Khi vào lãnh địa Phú Yên, Sông Ba tiếp
nhận thêm chi lưu Sông Hinh rồi đổi tên thành sông Đà Rằng khi chảy qua đồng bằng
Tuy Hòa.
Thời chiến Sông Ba-Đà Rằng chảy qua những vùng giao tranh ác liệt, đã chứng kiến
nhiều trận đánh đẫm máu và một cuộc “di tản chiến thuật” đầy bi thương. Trong
dòng nước thấm đẫm phù sa của nó có cả nước mắt và máu. Mùa lũ, nước tuôn chảy
dữ dội, lẫn trong củi mục cành khô có cả xác gia súc và xác người.
Dòng sông kỳ diệu này hưởng hai chế độ mưa: mưa Tây
Nguyên và mưa đồng bằng ven biển miền Trung. Chính vì vậy mà lắm lúc vùng ven
biển mưa không lớn nhưng “nước đã lên mênh mông” (Y Uyên). Nắm vững chu kỳ mùa
khô-mùa lũ của dòng sông, cư dân sống ven bờ vùng hạ lưu đã khai thác những “gò
cát pha” là những gò nổi ngay giữa dòng sông để trồng hoa màu và lúa ngắn ngày.
Lúa bắp, hoa màu và cả hoa Tết trồng trên những gò nổi này (tiếng địa phương gọi
là soi) ít khi dùng đến phân bón vì được phù sa bồi đắp hằng năm.
Ngoài những ruộng lúa, soi bắp, soi dưa rải rác dưới
sông, hai bên bờ, dọc các lũy tre làng còn có những gò cát rộng lớn trải dài với
hoa mầu đủ loại mà nhiều nhất là bí đỏ. Xã Hòa Bình có bãi bí rộng lớn nhất
vùng nên bị một câu ca dao châm chọc, “Hòa Bình là Hòa Bình còi/ Có ba bông
bí cũng đòi đi phiên”. Nhưng bông
bí đâu phải là loại rau canh tầm thường, “Thương chồng nấu cháo le le/ nấu
canh bông bí, nấu chè hạt sen”.
Dòng sông kỳ diệu hưởng hai chế độ mưa nên đồng bằng
của nó có khi được phù sa bồi đắp đến hai lần trong một năm. Đây là yếu tố
thiên nhiên thuận lợi giúp duy trì độ phì nhiêu và vệ sinh đồng ruộng. Một yếu
tố vô cùng quan trọng tiếp theo là nguồn nước tưới. Sông Ba cung cấp môt nguồn
nước tưới dồi dào qua hệ thống thủy nông đập Đồng Cam.
Bằng sức sáng tạo và lao động cần cù, người dân Phú
Yên đã khai thác hợp lý các yếu tố thiên thời-địa lợi để xây dựng đồng bằng
Sông Ba-Đà Rằng thành một vựa lúa lớn nhất, thơm dẻo và thơm thảo nhất Miền
Trung.
Khi chỉ còn vài cây số nữa là ra đến biển qua cửa
Đà Diễn (1), một cửa sông rộng đến bát ngát, sông Đà Rằng được một chiếc cầu nối
hai bờ nam- bắc. Đây chính là chiếc cầu với những vòm sắt đen đủi (Y Uyên)
và những nhịp cầu đen buồn bã (Phạm Cao Hoàng).
Dòng sông kỳ diệu với
chiếc cầu dài nhất Miền Trung tạo điều kiện cho cuộc hội ngộ diệu kỳ của văn và
thơ. Bài này chỉ gói gọn văn xuôi Y Uyên và thơ Phạm Cao Hoàng.
…”Tuốt bờ sông bên
kia rải rác vài chiếc chuyền bất động mơ hồ. Dòng nước mỗi lúc như thêm dữ dội
xoáy quanh những chân cầu bao dây kẽm gai…Dòng nước quá mạnh. Con vật trôi
mau…Thân một cây dừa trôi sau con bò đã bang bang qua cầu…Chỉ có tiếng nước
xoáy…” (Trích “Tiếng Hát Của Người
Gác Cầu”-Truyên ngắn Y Uyên)
…Mùa nước lớn nước
xuôi cuồn cuộn
bóng chim qua soải cánh mù tăm
mây xuống thấp cùng mưa buồn vỡ chết
anh lặng thầm nay đã bao năm
Hỡi những nhịp cầu đen buồn bã
có buồn không những sớm mưa qua
có se sắt như lòng tên đãng tử
đã dừng chân đứng lại bên bờ
có heo may như gió đầu tháng chạp
thổi đầy trời, thổi giạt bóng mây xa”
(Trích “Những Nhịp Cầu Đen Buồn
Bã” thơ Phạm Cao Hoàng)
… “Cách đây bốn năm
hôm lòng sông còn cạn khô, nước đọng trong những vũng sâu rải rác, trâu bò còn
đi thung thăng dưới chân cầu. Bây giờ nước đã ngập hết những vết tích từ bãi
cát đầy vết xe nhà binh ở đầu cầu đến những gò cát nổi cao như những cù lao
xanh um cỏ..” (Y Uyên- Tiếng Hát Của Người Gác Cầu)
… “Mùa nước cạn cát trùng trùng cuối bãi
cỏ rêu kia xa cách đời nhau
anh dõi mắt mà trông niềm ly biệt
như dòng sông khô nước dưới chân cầu”
(Phạm Cao Hoàng-Những Nhịp
Cầu Đen Buồn Bã.)
…”Mưa chợt đổ xuống dồn
dập…Ngọn núi cao ngất đỉnh đội một phiến đá vuông, ở cuối khúc quanh vừa hiện
ra mờ mờ đã biến mất…”
(Y Uyên-Tiếng Hát Của Người Gác Cầu.)
(Y Uyên-Tiếng Hát Của Người Gác Cầu.)
…”Bạn ta, bên kia
sông là núi
núi của ngàn năm đá vọng bóng ngươi đi
núi tiếp sông và sông tiếp biển
sông tiễn người qua bên phân ly”
(Trích “Hành Phương
Đông”-Thơ Phạm Cao Hoàng)
…”Chết mìn hôm trước đó. Một cái xe lam, một cái xe
nhà binh, chết sáu mươi mấy người…Chết vậy mà chỉ tét bụng, đứt chân, mất đầu
chớ không nát bấy như hồi ở Dốc Đá. Mấy xác người vô thừa nhận có một người đàn
bà đầu ăng xuonngs sông tới hồi vớt lên mớ tóc dài vẫn còn như cũ.” (Trích “Bão Khô”-Truyện
ngắn Y Uyên)
…”Sông ngậm ngùi vỗ sóng thiên thu
mùa bão tới gầm lên hồi bi thiết
gờn gợn trên sóng bạc những căm thù
bởi máu đã nhuộm hồng sông nước.”
(Phạm Cao Hoàng- Hành
Phương Đông)
Cầu Đà Rằng - Ảnh: internet
Y Uyên viết “Tiếng Hát Của
Người Gác Cầu” và ”Bão Khô” năm 1966, Phạm Cao Hoàng sáng tác “Những Nhịp Cầu
Đen Buồn Bã” và “Hành Phương Đông” năm 1971. Tuổi tác chênh nhau năm năm, thời
điểm viết về dòng sông và chiếc cầu cũng chênh nhau tương tự. Y Uyên rời Tuy
Hòa nhập ngũ và tử trận ở đồi Nora, Bình Thuận năm 1969; ít lâu sau Phạm Cao
Hoàng tốt nghiệp sư phạm về dạy ở Tuy Hòa. Người đi, kẻ đến (về), cả hai từng
qua nhiều năm sống ở Tuy Hòa, từng nhiều lần qua lại cầu Đà Rằng. (Phạm Cao
Hoàng qua lại nhiều hơn vì quê anh ở Phú Thứ xã Hòa Bình cách cầu khoảng mười
cây số).
Dòng sông cùng với chiếc
cầu phản ánh nhiều mặt cuộc sống cũng như cuộc chiến ở hai bờ.
Nhà văn Y Uyên mượn dòng
sông và chiêc cầu làm nhân chứng cho những trang viết. Thế còn nhà thơ, làm thơ
mà cũng cần nhân chứng sao? Nếu không, giải thích sao đây về cuộc hội ngộ diệu
kỳ giữa văn xuôi Y Uyên và thơ Phạm Cao Hoàng như những phần vừa trích?
Nhà văn Y Uyên và nhà
thơ Phạm Cao Hoàng, hai chàng tuổi trẻ tinh anh phát tiết, không chỉ cùng đi
trên một chiếc cầu, cùng nhìn xuống một dòng sông mà còn gặp nhau trên con đường
sáng tác văn học, cùng nhận được thông tri bí mật từ nguyên lý sáng tạo. Đây là
điều chỉ những bậc tài hoa mới có cơ may ngàn năm một thuở.
...
...
Jan 2013 – Dec 2015
Nguyễn Âu Hồng
__________________________________________
Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 68 - Tháng 2.2016