Ảnh PCH - 2015
Trong cuộc sống người ta thường sợ miệng lưỡi thế gian lắm điều chê trách. Chê trách kẻ khác, có lẽ là việc rất dễ làm, nhất là với những ai không cần suy nghĩ, không cần uốn lưới dù một lần trước khi nói. Nhưng miệng lưỡi thế gian cũng không tiếc lời khen. Khi chê, chê đến tàn mạt sát đất, khi khen thì khen tận trời xanh. Bởi vì sự khen chê này xuất phát từ đông đảo những người không hề có thẩm quyền phán xét, hoặc nhìn ở góc độ khác đa số ấy có thẩm quyền một cách rộng rãi mà lỏng lẻo, gọi là dư luận.
Dư luận thích điều gì thì điều ấy là nhất. Có khi có nhì, ba, tư…. song nhiều khi chỉ nhất mà thôi. Nhất, với lối nói như thế có thể hiểu là nhất thiên hạ rồi, không còn đâu bằng nữa, song cái thiên hạ này có thể hiểu là một thiên hạ thu nhỏ, một vùng đất, một loại công việc, một nhóm người chỉ năm bảy anh em bè bạn.
Đọc văn học viết, buổi cựu học các cụ ưa dùng chữ Hán, sau đó chuyển sang tân học thì ưa xen chữ Tây, rồi chữ Anh. Ngôn ngữ dân gian tất nhiên cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng qua từng chặng của bước đường hội nhập. Hồi Pháp thuộc thỉnh thoảng nghe người dân thôn quê khen chê nhau: ré-biềng, mẹc-xà-lù, lúc Nhật sang thì dô-tô, dô-tô-nai lan đến hang cùng ngõ hẻm, rồi nâm-bờ-oan, nâm-bờ-then, năm nào đó có một số từ hỗn hợp như số-dách… vân vân. Tuy vậy, những từ này chỉ sống được một thời gian ngắn rồi biến mất, chưa đủ độ lắng, độ nhuyễn để có sức bền đi vào ca dao tục ngữ. Thứ bậc trong tiếng khen dân gian tự đời nào đến giờ vẫn bằng tiếng Việt: nhất - nhất/nhì - nhất/nhì/ba v.v… (Miền Bắc nói nhất, Miền Nam nói nhứt).
Điểm lại những lời khen (nhất/nhì…) trong ca dao tục ngữ thấy có hai nội dung chính. Một là hướng về thiên nhiên, khen ngợi nơi núi cao sông sâu, phong cảnh đẹp đẽ hữu tình. Hai là hướng về xã hội, ca ngợi một sự việc, một góc cạnh nào đó trong cuộc sống. Cũng có trường hợp vừa khen ngợi phong cảnh thiên nhiên vừa khen ngợi cuộc sống của cộng đồng nơi ấy. Hoặc tuy xếp hạng nhất/nhì nhưng không hẳn là khen ngợi mà chỉ đưa ra nhận xét khách quan hay nói đến thứ tự của công việc. Cũng có khi chỉ là thuận miệng, bỏ bớt các tiếng nhất/nhì câu ca dao, tục ngữ vẫn đủ nghĩa.
Đánh giá các cảnh, tình nêu trên, có khi ca dao tục ngữ chỉ đưa ra một nơi, một sự việc và gọi là nhất, duy nhất. Có khi đưa ra hai nơi, hai sự việc xếp hạng: thứ nhất, thứ nhì… nhất thời, nhì thời… Một số trường hợp mở rộng hơn: nhất – nhì – ba và nhất – nhì – tam - tứ.