Ảnh PCH - Scibilia, 25.1.2016
1.
Bố tôi thế là đã ra đi hơn 10 ngày
.
Thời gian. Rơi như hòn sỏi xuống vực thẳm, sủi tăm . Tiếng
động có nghe thấy chỉ là tiếng vọng của tiếc nuối . Sự tiếc nuối của một vật thể trầm mình không
ngăn kịp. Tiếng rơi chỉ làm, "cho
vực thẳm buồn theo" (Trịnh Công
Sơn).
Có khi, người ở lại là vực thẳm. Làm sao leo ra khỏi nó ? hay chỉ "....buồn theo”.
Thời gian bào mòn nhiều thứ, nhưng
có lẽ cũng biết chữa lành đôi điều.
Những ngày này, tuyết nặng hạt.
Cái tâm trạng của một người đứng
giữa cõi mênh mông đất trời lạnh lẽo và nhìn thời gian trôi qua thật khủng khiếp.
Như Bố tôi. Đã. Cái "cô đơn" của người nghệ sĩ dường
như lớn hơn bội phần.
Khi thân phận làm người vốn bi thảm
và khốc liệt mà ta không thể chối bỏ được thì có lẽ hãy cố gắng chấp nhận bằng
một thái độ minh triết sẽ thấy dễ chịu hơn chăng? Đối với cái sự thật về phận
người như thế, có nhiều người Đông
Phương nhìn nó như một triết lý, xoá mình để nhập vào Đại Ngã (thiên nhiên, vạn
vật, vũ trụ) ngay cả sau khi chết đi.
Nên họ có quan niệm Sinh là Ký
(gởi tạm), Tử là Quy (trở về quê
hương đích thực của mình). Trịnh Công
Sơn thường nhắc đến cái khái niệm “ở trọ”
(cõi tạm) hay “cõi đi / về” chắc cũng
nằm trong ý nghĩa này.
Chúng ta có lẽ phải biết tận hiểu
lẽ trời, lẽ người, đạo trời, đạo người mới mong tìm ra một thái độ sống
thanh thản, dũng cảm, bình tĩnh trong mọi tình huống, khi chúng ta còn phải sống
và đối diện với những khắc nghiệt của đời sống.
Biết như thế, nhưng trong ta luôn
hiện diện phần cảm tính quá lớn; và thường,
cảm tính sẽ chiến thắng lý trí. Hẳn, tự nhiên, như thế.
Biết cần thanh thản, biết người ra
đi lẫn người ở lại phải cần như vậy, nhưng cái đau buồn vời vợi thật khó nguôi
ngoai. Nhất là khi chạm mặt những khoảng không gian mang lại sự gợi nhớ đầy ắp.
Trong niềm tuyệt vọng, lại có nhiều
người đến với triết lý Phật Giáo để tìm sự an nhiên như một cứu rỗi . Thấy trong bốn mùa thay lá, có người mất kẻ
còn. Nhưng cái mất đi thì sẽ lại trở về
như Đoá Hoa Vô Thường. Trong cái hiểu nông cạn của tôi , hoa-vô-thường
chỉ là hoa không chết / biến thiên ngoài
"cái chết" .
Tất cả chắc không ra ngoài ý nghĩa
Nhị Nguyên.
2.
Chiều nay trời buồn mà đẹp. Như một bức tranh thiền. Có sương khói bay qua. Ra sau hiên nhà uống rượu một mình. Tuyết rơi. Tuyết rơi . Thương nhớ người xa đến chảy nước mắt. Buồn
thì cứ khóc. Có hề chi. Chúng ta phải
sống và thở bằng những cảm tính thật tự nhiên như thế.
Nghĩ thầm, có bao giờ ta thấy ra,
trong sương khói đó có người về, như triết lý nhà Phật? Thân xác vật chất chết đi. Tinh hoa để lại cho đời .
Cái tinh hoa đó, phải chăng cũng
rất thật?
Nhưng. Không. Đôi khi điều thấy ra chỉ là kết quả của
chút ảo vọng nhất thời từ niềm nhớ.
Cái mất đi thì không trở lại. Nỗi buồn sẽ là một hiện diện có thật
ám vận qua thời gian. Thời gian, đã
làm hai người bạn thiết - Bửu Chỉ và Trịnh Công Sơn - luôn bị ám ảnh về nó. Kiếp người.
Chữ "kiếp" nghe ra như
một âm tiết buồn thảm.
Còn tôi, đứa con ở lại thương yêu
người ra đi, sẽ mãi luôn bị dằn xé giữa những ý nghĩa trái nghịch nhau, để tồn
tại.
3.
Bố tôi thế là đã ra đi 15 ngày. Đến nay, tôi vẫn nói với con mình : không thể tin được. Không thể.
Hai cháu, Thơ và Tranh, mỗi sáng, mỗi chiều về vẫn dành nhau thắp nhang
cho Ông Nội. Hai đứa trẻ vẫn đùa nghịch
hồn nhiên, nhưng vẫn thường nói với nhau, bằng tiếng bản xứ : "I miss him". Sáng nào, tôi cũng mang về nhà ly cà phê
Starbucks. Loại nhỏ. đen thường. để trước mặt di ảnh. Để làm chi.
Bố tôi có còn uống đâu. Tôi vớ vẩn.
Con người, những con người nghệ sĩ
đích thực, có bao giờ là một "fighter" được đâu nhỉ. Họ luôn chỉ là những kẻ thua cuộc trước những
khắc nghiệt, những mùa khổ nạn. Dù, tôi
nghĩ, tinh thần Phật Giáo đã giúp Bố tôi kéo dài căn bệnh thêm một thời gian.
Một thời gian nhỏ nhoi.
Bố. người đã sống hiểu ra lẽ trời, lẽ đời , đạo trời, đạo người. Từ thế,
an nhiên ra đi không nhiều lời dò dặn.
Như cô Nhã Ca đã nhắn - "đưa
Bố về Xứ Phật". Trong quan tài, chúng tôi bỏ vào một gói nhỏ, màu vàng,
từ chính Dalai Lama, cô Nhã tặng. Về xứ Phật . Một xứ nào xa xăm mà
tôi thì quá trần gian để hiểu.
“Rồi
mai đi về xứ nào chẳng biết
Đi lìa xa xứ sở của mặt trời…”
(bùi
giáng)
Trên con đường đi về từ đám tang
người bạn, Phùng Nguyễn, chỉ 2 tháng trước đó, tôi chở Bố tôi đi qua những
quán xá quen ở phố Georgetown, cũng là lần cuối, Hai bố con tấp vào mua ly cà
phê nóng. Bố tôi cầm ly cà phê cho ấm
bàn tay thôi, chứ uống thì chỉ một hớp nhỏ.
Rồi Bố nói với tôi, trong hơi ngậm ngùi : "chết
là hết" . "Chẳng còn gì
quan trọng."
Là hết.
Đó cũng là dấu hiệu tuyệt vọng của
người nghệ sĩ còn quá nhiều hoài bão, nhiều công việc, nhiều dự án. Người họa
sĩ đã ký tên vào bức tranh mình trong cái đau thấu xương chỉ một vài ngày trước
khi mất .
Thôi thì. "Chịu", “Chịu thôi" - như Bố vẫn luôn nói , kèm theo cái chắc lưỡi ,
khi ông nói về một sự việc hay một con người nào mà biết là mình chẳng thể làm
gì để đổi khác . "Chịu" .
4.
Những ngày này, tuyết nặng hạt. Tôi lại mường tượng lúc Bố còn khỏe,
lúc này, sẽ ra ngoài sân cào tuyết cho xe của những đứa con.
Bố làm, làm rất nhiều. và thật ít nói .
Tôi đọc lại một bài Kệ có tên Hữu-Không:
Vi
không nhất thiết không.
Hữu
vô như thủy nguyệt.
Vật
trước hữu không không.
Bài kệ được Phan Kế Bính dịch
thành:
Có
thì có tự mảy may,
Không
thì cả thế gian này cũng không.
Thử
xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai
hay không có, có không là gì?
Xuân, hạ, thu, đông. mùa sau hoa Xuân lại nở.
Người thì chẳng quanh đây. Hay là.
đinh
trường chinh
22.1.2016