Wednesday, January 20, 2016

2059. NGUYỄN ÂU HỒNG Tết ở vùng quê Khánh hòa


Bãi biển Dốc Lết nằm ở xã Ninh Hải, huyện Ninh Hoà. 
Ảnh: Mrandmrslemon



Nếu như Nguyễn Bính đã thấy xuân về trước cả tiết mùa:

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong

Thì người dân ở vùng quê Khánh Hòa cũng cảm thấy không khí hăm hở chuẩn bị Tết ngay sau cơn “mưa giội bùn” của “ông tha bà không tha/ trời làm cơn lụt hăm ba tháng mười”, vừa dứt. Gọi “mưa giội bùn” là giội cho trôi đi lớp bùn dính trên cây lá sau khi nước rút, mưa không đủ mạnh để giội trôi bùn lầy trên đường cái hay phù sa trên vườn, ruộng.  Khi lớp phù sa của trận lụt cuối cùng trong năm vừa kịp ráo, người dân quê đã xới đất rồi lên vồng, lên luống để trồng hoa màu cho ngày tết và trồng bông tết. 

Hoa màu cho ngày tết phổ biến nhất là dưa leo, đậu cô-ve, bắp sú, khổ qua, rau cải các loại. Những vùng đất cát Cam Ranh, Cam Lâm, Vạn Ninh và ngoại thành Nha Trang thì trồng củ kiệu, hành đỏ, hành tây. Khánh Hòa có mấy vùng dưa hấu do Đài Loan đầu tư nhưng không trồng được dưa chưng tết. Bông tết đa số là vạn thọ và cúc. Khánh Hòa có làng bông Phước Hải và làng cây kiểng Phú Lộc, nhưng không trồng được bông lai-ơn như Tuy Hòa. Bông lai-ơn Tuy Hòa những năm gần đây đã đủ sức cạnh tranh với bông lai-ơn Đà Lạt ở chỗ chịu nóng giỏi, chưng (hoặc dưng cúng) hoa tươi được lâu.

Tháng mười một và tháng chạp là hai tháng bận rộn trong năm. Ngoài hoa màu cho ngày tết, còn phải làm đất cho vụ Xuân. Trong hai vụ lúa chính của Khánh Hòa là vụ Xuân thu hoạch vào tháng ba và vụ Hè vào tháng tám thì vụ Xuân có năng suất cao và ít sâu bệnh nhờ lũ lụt làm vệ sinh đồng ruộng và bồi đắp phù sa. Ngoài ra, ở những vùng trũng xen kẽ vụ lúa Đồng Nai và những vùng ruộng cao hoặc bậc thang ăn nước trời còn có vụ Lúa Gieo. Lúa Đồng Nai và Lúa Gieo là hai giống lúa truyền thống, tuy không cho năng suất cao như những giống lúa mới, nhưng Đồng Nai chịu trũng còn Lúa Gieo chịu hạn. Tôi tin rằng điêu khắc gia Mai Chửng, tác giả pho tượng đồng ghép “Bông Lúa Con Gái” từng được dựng ở trung tâm thành phố Long Xuyên năm 1970, đã lấy cảm hứng từ bông lúa trổ đòng đòng của hai giống lúa này mà cách điệu rồi thổi nhịp sống đầy tình tự quê hương vào tác phẩm. Lúa Đồng Nai và Lúa Gieo có búp đòng đòng to khỏe, sinh lực tràn đầy đến mức như sẵn sàng nứt ra, trổ ra. Nó như một thanh nữ “gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu”, tươi tắn trắng trong và đầy ứ sức sống thanh xuân. Sau năm 1975 pho tượng tuyệt tác này đã bị phá bỏ. (Nghệ sĩ Mai Chửng quê ở Bình Định là nơi có hai giống lúa vừa nêu, không riêng Khánh Hòa).

Lúa Gieo và lúa Đồng Nai thu hoạch vào cuối tháng chạp hoặc đầu tháng giêng. Vùng Đại Điền –quê tôi có nhiều chân ruộng Lúa Gieo nên ngày tết có được chén cơm lúa mới cúng ông bà.

Mải lan man quên mất mấy cội mai vàng. Không có hoa mai làm sao ra tết khi Khánh Hòa là “timberline” tức vùng đất cuối cùng của loại cây hoa này (tính từ nam ra bắc). Kể cũng lạ, đã mấy trăm năm “anh về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”, thâm tình máu thịt như vậy, mà cây mai vàng không vượt nổi Đèo Cả, hoặc giả có vượt cũng không chịu trổ bông trên đất Phú Yên? Hay tại cứ lo ganh đua kiểu “Bình Định tốt nhà, Phú Yên tốt ruộng, Khánh Hòa tốt trâu”, không chú tâm đến bông hoa?

Nhà văn Võ Hồng đã từng đem một cây mai vàng trồng trong chậu từ Nha Trang về Ngân Sơn quê ông, nhưng không thành công. Chậu mai này đặt trước sân nhà ông ở đường Hồng Bàng gần cả chục năm, tết năm nào cũng nở hoa rực rỡ, vậy mà khi đã qua khỏi Đèo Cả, ra Phú Yên nó chỉ nở loe hoe mấy cánh hoa nhợt nhạt trong năm đầu, rồi sau đó tắc ngủm luôn. Phải chăng vì chuyện này mà cây mai vàng trong văn xuôi Võ Hồng luôn ẩn chứa một mối cảm hoài?

Muốn cho mai vàng ra hoa đúng tết phải lặt lá đúng ngày. Năm nào tháng chạp có mưa rỉ rả và gió bấc thổi lạnh thì lặt lá sớm, năm nào nắng ấm thì lặt trễ, tựu trung đều trước và sau rằm tháng chạp. Anh trai tôi ở Phú Ân và chị tôi ở Thái Thông có mấy cội mai vàng lưu niên, bông tám cánh nở chùm che kín cả cành nhánh, năm nào cũng được mấy chủ hiệu buôn lớn ở Nha Trang đặt mua. Mà họ có con mắt còn tài hơn cả chủ vườn. Họ chọn cành nào, khi cắt rời ra, trông cân đối như một cây mai đứng riêng lẻ. Mai bán cho hiệu buôn phải lặt lá sớm, canh làm sao đúng ngày cúng đưa ông táo là mai bắt đầu nở lai rai, đến ngày mồng một tết thì nở đến choáng ngợp, sang mồng ba, chen giữa bông bắt đầu có lá non - bông vàng là tiền vàng, lá non là lộc - cung hỉ phát tài.   

Màu vàng thường được hiểu là màu của quý phái, vậy mà người dân ở vùng quê Khánh Hòa lại rất chuộng hoa màu vàng trong dịp tết. Ở thành phố còn có lai-ơn đỏ, cúc tím…, chứ ở nông thôn thì hoa vàng chiếm lĩnh mọi nơi: từ cổng vào sân, vào hiên, phòng khách đến bàn thờ tổ tiên đâu đâu cũng thấy mai vàng, vạn thọ, cúc đại đóa. Đến tắc cũng chọn những chậu trái đã chín vàng. (Để sau tết còn hái trái làm tắc muối hoặc tắc mứt dẻo). Những năm gần đây hoa vạn thọ còn vàng rợp cả các nghĩa trang. Sau nhiều đợt “quang quật mộ phần” lấy mặt bằng gò mả làm nhà kho sân phơi hợp tác xã, hoặc làm chợ, hoăc khu dân cư, mỗi xã đều có “quy hoạch” một nghĩa trang. Sợ phải dời lần nữa nên người dân không đắp mả đất như xưa, mà xây mộ đá. Người khá thì xây năm bảy lớp đá (đá granite chẻ thành khối nhỏ) rồi áp đá mài, người khó cũng xây ít nhất ba lớp đá, có mộ bia. Hoa vạn thọ cúng ở nghĩa trang là loại vạn thọ thân lùn (sợ gió ngả), được vô chậu đan bằng tre sơ sài rồi lót xơ dừa hoặc bịch ny-lon. Vì không đủ kín để giữ nước nên hoa chỉ tươi vài ba ngày. Nhưng nếu dưng hoa trong chậu nhựa, chậu sành, cầm chắc sẽ tươi lâu hơn, thì vừa quay lưng đi đã có người vứt hoa sang một bên để lấy chậu. Một cái chậu nhỏ đáng bao nhiêu mà người ta nỡ tâm!

Muốn hoa vạn thọ cúng trên bàn thờ tổ tiên được tươi lâu, người ta nhổ hoa, rửa sạch gốc r, để cho ráo nước, hơ phớt qua lửa ngọn cho cháy bớt những sợi rễ nhỏ mỏng và trắng như tơ rồi mới cắm vào bình. Vì không đặt lên bàn thờ cả một chậu hoa với đất mùn dơ bẩn, có người đã thử bứng hoa vô bình rồi chèn cát trắng thủy triều, nhưng  hoa không tươi lâu bằng cách rửa sạch, hơ lửa.
Ở nhà quê không phải chỉ có người mới biết ăn tết, mà nhiều vật dụng thân cận cũng được ăn theo. Chẳng hạn như tết giếng, tết cầu ao bến nước, tết cối xay, cối đạp, tết chuồng bò, tết xe bò, tết máy cày… Với tấm lòng đôn hậu, lúc chuẩn bị vui xuân, người dân quê không quên những thứ đã giúp họ được no đủ.

Bánh chưng chỉ được ưa chuộng ở Nha Trang và các huyện lỵ, người dân nông thôn trước sau vẫn trung thành với bánh tét. Làm lụng cực nhọc cả năm, ngày hết tết đến, đi chia thịt heo, gói bánh tét xong là người nhẹ nhõm. Chỉ còn sửa soạn bông hoa, bánh trái trên bàn thờ. Cho tới ngày nay bánh in gói trong giấy ngũ sắc vẫn còn được dâng cúng. Mâm trái cây (ngũ quả) thì ngoài hai nải chuối mốc và bưởi hoặc thơm còn có “cầu vừa đủ xài” tức mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài. Không phải một mâm mà nhiều mâm. Gian giữa nhà hai mâm, rồi các trang thờ và bàn thiên. Dưa hấu chưng riêng. Tôi có anh bạn, ngoài những mâm ngũ quả để cúng ra, anh còn làm thêm một mâm đặt ở gian trên, nơi tiếp khách đàn ông tức nơi các tửu đồ ngồi ăn nhậu. Mâm này gồm có măng cụt, vú sữa, dừa, đu đủ và cà phê Khánh Sơn còn nguyên vỏ chín đỏ. Cạnh đó còn chưng hai trái thơm áp sát một độc bình cắm đầy hoa bươm bướm. Anh ta cho rằng ba ngày tết ngoài nghi lễ cúng kính tổ tiên, thăm viếng chúc tụng rồi cùng nhau ăn uống no say ra, thú vui lớn nhất là sống cùng tiết mùa theo sự dẫn dắt của bông trái mùa xuân. (M-v-v-đ-p rồi thì T-b).

Ngày mồng một tết không chỉ trẻ con được mặc áo mới mà cả người lớn cũng mặc áo mới (áo dài the hoặc áo lam mới lấy trong rương hoặc trong tủ ra). Mặc để lạy cúng tổ tiên mâm cơm đầu năm rồi còn đi thắp nhang lạy nhà thờ họ hoặc đi chùa. Ngày nay không mấy gia đình còn giữ tập quán dạy con cháu lạy mừng tuổi ông bà còn sống, mà chỉ lạy người đã qua đời. Hơn nửa thế kỷ trước, lúc còn nhỏ tôi cứ mong đến tết để được mặc áo mới lên nhà trên lạy ông nội để được ông mừng tuổi bằng mấy thỏi kẹo sô-cô-la. Ông từng là quân nhân quân đội Pháp, bị thương trong thế chiến thứ nhất, được hưởng chế độ thương binh của chính phủ Pháp, nhưng mãi đến năm 1942 ông mới về ở hẳn trong nước. Ông về quê với một bàn tay phải bị đạn súng trường bắn xuyên thủng làm đơ mất mấy ngón và tám nhánh thanh long sắp gọn trong va-li cùng mấy bộ quân phục, mề-đay, kẹo bánh. Ông tặng cho ông sui Cửu Hai bốn nhánh còn bốn nhánh trồng ở vườn nhà. Cửu Hai lại tặng cho em rể là Tổng Hai hai nhánh. Như vậy có ba người trồng thanh long đầu tiên ở làng Đại Điền Nam (và cũng có thể là đầu tiên ở Việt Nam) là Cửu Tư Nguyễn Chấn, Cửu Hai Lê Giác và Tổng Hai Ngô Khế. Ông Cửu Hai và Cửu Tư cắm mấy cây trụ đảo, gánh đất ruộng chèn chân rồi mới trồng, còn Tổng Hai trồng vào gốc cây mãng cầu. Thanh long trồng trong đất vườn Đại Điền Nam năm 1942, sống khỏe, nẩy nở cành nhánh tươi tốt, mỗi năm thêm rậm rạp, bụ bẫm rồi ra hoa kết trái vào năm 1945. Khi Việt Minh nổi dậy vào tháng tám thì những trái thanh long đầu tiên đã lớn lắm rồi và trong lớp vỏ mầu xanh đã có ửng mấy vệt mầu hồng. Cái màu hồng lạ lùng ấy cứ lan dần ra phủ hết lớp vỏ, rồi chuyển  thành đỏ tươi, đỏ đậm: thanh long đã chín có thể hái cúng rồi cùng bà con chòm xóm xẻ ăn cho biết. Nhưng còn phải đợi một người. Đợi ông Tổng Hai Ngô Khế. Ông phải lên khu “học tập”, nghe nói chỉ đi năm-ba bữa, nên gia đình và hai người anh em cố đợi. Nhưng đợi đến lúc lớp vỏ đỏ đậm như phủ lên một lớp rêu xanh của thời gian và có những vết nứt mà người chủ của nó vẫn chưa về.  

Sau thành công ở Khánh Hòa, nhân ngày giỗ họ, ông Cửu Tư có đem về Tuy Phước, Bình Định mấy quả chín để cúng gia tiên và một số nhánh để nhân giống, nhưng bị thất bại. Nếu cây mai vàng Khánh Hòa khi vượt Đèo Cả chỉ lây lất ở Phú Yên, thì cây thanh long khi vượt đèo Cù Mông cũng không sống được trên đất Bình Định. Thanh long trồng ở Tuy Phước đã úng gốc, chết lụi.

Thanh long có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng không rõ những nhánh thanh long ông Cửu Tư đem về Việt Nam đã lấy từ nước nào. (Ông mất lúc tôi mới bảy tuổi, chưa kịp hỏi). Nếu thanh long Phan Thiết lấy giống từ Khánh Hòa, và thanh long nam California lấy giống từ Phan Thiết thì Cửu Tư Nguyễn Chấn là người có công lớn trong việc nhân giống.

Thanh long không nở hoa vào dịp tết. Mà giả có nở đúng dịp cũng không được dùng với tư cách là một loại hoa. Dù vậy, nhiều người cho rằng hoa quỳnh chỉ là “bonsai” so với vẻ đẹp ngạo nghễ, lấn áp của hoa thanh long. Có mấy câu bài chòi chép ra đây đọc cho vui:

Vợ tôi mắt mũi lèn èn
Mặt trời mới mọc nó nói cây đèn măng-sông
Ai đời nhìn bông thanh long
Mà nó lại hỏi, chớ đèn lồng ai treo.

Quả vậy, vào buổi hừng đông bông thanh long nở trắng và sáng như những chiếc đèn lồng trong sương sớm mai.  

Đã không ra hoa thì làm sao có trái, nhưng Tết vẫn có thanh long chín đỏ để dưng cúng. Đó là thanh long thắp đèn điện của Phan Thiết.

Ngoài bông trái, bánh tét, nhà nào cũng có một hoặc hai nồi măng hầm (một để ăn một để cúng). Giao thừa cúng rước ông bà về rồi thì hàng ngày phải nấu cúng. Tuy có bánh tét, măng hầm, củ kiệu, các bà nội trợ vẫn phải nấu cơm canh, và đủ các món chiên xào. Ngoài thịt mỡ, gà vịt, cá um, cá nướng…  xưa kia, lúc chưa “bê-tông hóa kênh mương”, bên cạnh dĩa xôi thường có dĩa tép ram mặn. Xôi tép ram còn tuyệt chiêu hơn cả xôi thịt xá xíu, xôi lạp xưởng. Cánh đàn ông chỉ giúp làm thịt gà vịt hoặc giỏi lắm là giúp đánh vẩy con cá trầu, đập đầu con cá trê. Tuy vất vả mà chẳng thấy bà nào than phiền, đã vậy còn cười tươi hơn hớn. Trưa hoặc chiều  mồng bốn nấu nướng nhiều hơn để cúng đốt vàng bạc đưa ông bà đi. Nhiều nhà cúng đưa ông bà vào chiều mồng ba. Lúa chín đến khô lá ngoài đồng, đậu cô-ve ba ngày không hái đã già đi chăng, dưa leo, khổ qua trái đã lớn lắm rồi… nên họ phải vội.

Kẻ viết bài này cũng vội đi sắm tết nên xin phép chia tay. Chúc quý vị độc giả năm mới được an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.


Nguyễn Âu Hồng