Monday, January 18, 2016

2055. TƯỞNG NIỆM ĐINH CƯỜNG: Đọc lại những bài thơ cũ (1-5)


Đinh Cường ở Starbucks (Burke, VA) - Photo by Đinh Trường Chinh



1.ĐOẠN GHI SAU NGÀY TUYẾT BẤT NGỜ
2.CON CHIM MÀU ĐỎ GẠCH QUAY VỀ
3.NHÌN TRẺ REO VUI MÀ NHỚ CHÁU
4.BÓNG ĐỔ
5.PHỤC SINH


1.
ĐOẠN GHI
SAU NGÀY TUYẾT BẤT NGỜ



đường trơn
tuyết đọng chưa tan
đi qua con suối
đóng băng mấy tầng
rừng như đứng
chịu tang chung
giải khăn trắng tuyết
phủ choàng nhánh khô
còi tàu hụ
nhớ giang hồ
lên ga khuya lạnh
gió mờ mịt xa
Sông Mao qua
đến ga Truồi
than bay đốm sáng
tàu xuôi mấy chiều
người đi
bóng đổ liêu xiêu
đường trơn
tuyết đọng
đìu hiu
Tết rồi …

ĐINH CƯỜNG
Virginia, January 9, 2012


2.
CON CHIM MÀU ĐỎ GẠCH QUAY VỀ



Con chim đỏ đậu giấu mình sân trước
hoa tuyết bay cánh mỏng nhẹ như tơ
như gặp lại đốm lửa hồng quen thuộc
mùa xuân sang hoa nở lại bao giờ

rừng cây trắng mai kia xanh lá nõn
tiếng còi tàu vẫn hụ tiếng dài qua
nhớ những sân ga heo hút tuy hòa
hay  mường mán krong pha eo gió

người ngồi một mình nhìn con chim đỏ
bay trốn mùa đông nay lại quay về
nó vẫn quen sân giấu mình bụi trúc
nó vẫn như là bạn nhỏ tôi mong

cho tranh tôi thêm màu thắm tươi hồng ...


Virginia, March 18, 2013
Đinh Cường


3.
NHÌN TRẺ REO VUI MÀ NHỚ CHÁU



Nhìn trẻ reo vui mà nhớ cháu
trẻ chơi bóng rổ trước sân nhà
tuần sau spring break về thăm nội
ngồi vẽ cùng nhau nét trẻ thơ

ngồi vẽ cùng nhau màu biển thắm
có mặt trời lên rặng  núi xa
và mây xanh biếc trên trời rộng
màu sắc Như Tranh rất mặn mà  [1]

Như Thơ hay vẽ chân dung bạn
chân dung ông nội nét hiền khô
ông vẽ rất nhiều hai cháu nữa
mỗi khi ông cháu vẽ xô bồ

chiều ra đi bộ vòng quanh xóm
nhìn trẻ reo vui mà nhớ ghê
cháu ngọai Hoàng – Hoa cùng vẽ đẹp [2]
nhớ  tranh cháu vẽ  ngoại đem khoe …

Virginia, March 21, 2013
Đinh Cường

[1] Như Thơ, Như Tranh tên hai cháu nội
[2] Cháu ngọai Lê Na của Phạm Cao Hoàng - Cúc Hoa 



4.
BÓNG ĐỔ



Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy
( Mai Thảo )


Chiều đi bóng đổ dài ra trước
chút nắng mùa đông quý lạ lùng
và trăng trắng bạch trời xanh biếc
cây đã  đâm chồi muôn lá non

hoa đã vàng quanh con suối chảy
nước trong hòn cuội nhớ xưa từ
sân nhà thờ nhỏ tôi ngồi lượm
xếp thành ra được mấy ô vuông

ô vuông sau lớn tôi ngồi vẽ
sau nữa sao mà mê Chagall
thành xưa phố cũ người bay lượn
những cặp tình nhân tha thiết chưa

chiều đi bóng khuất khi trời tối
xóm lặng toàn nghe phong linh reo
mùa xuân còn lạnh bao ngày nữa
lễ hội anh đào cuối  tháng ba … [1]


Virginia, March 25-2013
Đinh Cường

[1] năm nay lễ hội hoa anh đào tại Washington, DC
      từ March 20 đến April 14, 2013


5.
PHỤC SINH


Chết giữa chiều
Rừng thâm u ôm mặt
Gió mù lên
( Joseph Huỳnh Văn )


Bóng tôi đi         
vẫn đổ dài
trong nắng chiều
quạnh quẽ
và gió, gió thốc ngược
bóng chao nghiêng

trở về ngồi trước thềm đá cũ
nhìn mây từng tảng
đứng im
ôi mây trắng quá
trời xanh biếc
chim bay đơn lẻ
biết về đâu

rừng cây như reo theo
cùng gió
mấy bụi bông vàng rạp
tội chưa
tuần này bên Chúa làm lễ Lá [1]
nghìn lá xanh non
đang trứt ra

và đêm tối xuống
rừng im lắng
nghe tiếng phong linh
mà  đoán ra
cuối tháng ba rồi
sắp Thánh lễ
nhớ lễ Pâques xưa [2]
nghỉ học vui đùa…

Virginia, March, 27. 2013
Đinh Cường

[1] [2] Lễ Phục Sinh ( Pâques) thứ hai April, 1.2013
           trước đó là Lễ Lá / March, 31.2013


CHÚ THÍCH CỦA PHẠM CAO HOÀNG:

Bài thơ số 1:  
Đinh Cường rất mê những chuyến đi xa. Theo Trịnh Công Sơn, Đinh Cường sống là để đi và vẽ. Một lần, tôi hỏi ông, “Anh sinh ra và lớn lên ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), sao không học mỹ thuật ở Sài Gòn mà lại ra Huế để học?  Ông cười nhẹ rồi trả lời một cách hóm hỉnh, “Đi giang hồ”.  Lần khác, tôi hỏi ông, “Sau khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật ở Huế, sao anh không sống ở Huế hoặc Sài Gòn mà lại về sống ở Kado – một nơi hẻo lánh ở quận Đơn Dương? Ông lại trả lời, “Đi giang hồ”. Ông kể với tôi rằng vào năm 1963 có một chủ đồn điền ở Kado – vốn là một kỹ sư học ở Pháp về, tên Thọ - mến tài ông, sắp xếp nơi ăn chốn ở, mời ông về ở trong đồn điền để ở và vẽ. (Dạo ấy, Trịnh Công Sơn dạy học ở Bảo Lộc - cách Kado khoảng 80 km - thường về Kado ở lại với Đinh Cường).  Cuối tuần kỹ sư Thọ chở ông về Đà Lạt (Cách Kado khoảng 30 km) vào phòng trà uống cà phê và nghe nhạc. Chính ông là người phát hiện ra giọng hát Khánh Ly trong các phòng trà ở đó và giới thiệu cho Trịnh Công Sơn sau này. Trong bài thơ số 1 trên đây, có 2 câu rất hay nhắc về những chuyến đi xa hồi còn trẻ:

còi tàu hụ
nhớ giang hồ
lên ga khuya lạnh
gió mờ mịt xa

Trong bài thơ này có 4 câu tả cảnh ông đi bộ sau một ngày tuyết thôi rơi. Đây là 4 câu thơ hay, giống như một bức tranh:

đường trơn
tuyết đọng chưa tan
đi qua con suối
đóng băng mấy tầng
rừng như đứng
chịu tang chung
giải khăn trắng tuyết
phủ choàng nhánh khô

Bài thơ số 2:
Trong bài thơ số 2 trên đây, Đinh Cường nhắc đến Chim đỏ.  Chim đỏ tên tiếng Anh là cardinal. Ở Mỹ, mỗi tiểu bang chọn một loài chim làm loài chim biểu tượng của tiểu bang mình (State bird) và cardinal là state birth của tiểu bang Virginia. Đinh Cường rất  yêu mến loài chim này và được ông nhắc đến nhiều lần trong thơ và trnh của ông. Mỗi khi chim đỏ quay về (khoảng cuối tháng 3) là dấu hiệu mùa xuân đang đến.

Chim đỏ (Cardinal) 
sống ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ
Ảnh: Wikipedia

Bài thơ số 3:
Con trai út của Đinh Cường – vốn say mê hội họa và thi ca như Đinh Cường - có 2 cô con gái đặt tên là Đinh Như Tranh và Đinh Như Thơ.

Bài thơ số 4:
Đinh Cường rất mê tranh Chagall, nhất là tranh vẽ những cặp tình nhân đang bay.

Bài thơ số 5:
Đinh Cường rất mê đi bộ. Ngày nào ông cũng đi bộ ra Starbucks hai lần, khi về ông thường ngồi nghỉ mệt nơi bậc thềm trước nhà, sau đó mới vào nhà hoặc vào garage để vẽ.

trở về ngồi trước thềm đá cũ
nhìn mây từng tảng
đứng im

vẫn là những câu thơ hay, đẹp như những bức tranh