Ảnh: internet
Năm đó tôi mười một tuổi. Sau mấy năm ròng rã mài đũng quần ở ngôi trường tiểu học dột nát ở làng trên, thuộc nát bấy cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, và lãnh những trận đòn thừa sống thiếu chết vì tội trốn học đi bẫy chim đá dế ngoài đồng, tôi may mắn trúng tuyển vào trường trung học công lập cấp tỉnh duy nhất của tỉnh Quảng Nam, trường Trần Quý Cáp.
Hôm đi
coi bảng, tôi chẳng có hy vọng gì mấy. Tỉnh Quảng Nam có đến hàng trăm xã ấp, mỗi
xã có một trường Tiểu Học, mỗi trường Tiểu Học có một lớp Nhất, tức là lớp Năm
sau này. Mỗi lớp Nhất có khoảng năm chục đứa học trò mà trong đó có tới bốn
mươi đứa tham gia cuộc thi tuyển, tính ra không dưới năm ngàn thí sinh. Trường
Trần Quý Cáp có sáu lớp đệ Thất, cao lắm khoảng ba trăm học sinh được tuyển vào
mỗi năm, còn mấy ngàn đứa kia thì có nhiều hy vọng về nhà… chăn trâu trừ phi được
cha mẹ cho vào bán công hoặc tư thục. Lúc còn học tiểu học, tôi thích chơi nhiều
hơn thích học, những con cá rô cá cấn, chim giồng giộc chim sâu trông hấp dẫn
hơn những bài địa dư sử ký, bị thầy bắt quỳ gai mít hoài mà vẫn chứng nào tật nấy.
Tuy nhiên, bà nội tôi tin tưởng mãnh liệt vào câu học tài thi phận, vả lại chuyện
thi cử là chuyện thiên kinh địa nghĩa nên cuối cùng mẹ tôi vắt cho tôi một mo
cơm nắm, dúi vào tay tôi mấy đồng bạc để đi ‘xe điện’ – danh từ địa phương dùng
để chỉ xe đò - xuống Hội An dự thí.
Chen lấn
mãi mới đến gần được tấm bảng gỗ có dán danh sách thí sinh trúng tuyển, tôi dự
định sẽ đọc cái danh sách từ dưới lên, chừng năm mươi hàng mà chưa thấy tên
mình thì tốt hơn chui trở ra cho đỡ mất thì giờ. Ai dè mới đọc được có mấy hàng
đã thấy tên mình. Tôi dụi mắt hai ba lần, đọc lại cho kỹ vẫn thấy tên mình còn
sờ sờ ở đó bèn mừng rỡ mở một đường máu chui ra khỏi cái đám con nít đang xô đẩy
nhau, chửi mắng nhau, la hét, cười khóc ồn ào như cái chợ nhỏ. Thằng bạn cùng
làng cũng vừa mới thoát ra khỏi cái đám đông hỗn tạp, mặt mày tái mét, thở hổn
hển hỏi tôi:
Đọc tiếp...