Thursday, August 6, 2015

1908. NGUYỄN BẮC SƠN Tự bạch


Nguyễn Bắc Sơn
T Ự   B Ạ C H

Chân dung Nguyễn Bắc Sơn
dinhcuong



...Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, nhưng kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương Triết Đạo thì thường thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lập mệnh. Khi qua đời, tôi xin được mỉm cười...


Như những người làm thơ bằng tiếng lòng và hành tập Triết Đạo Đông Phương, cuối đời thi sĩ, mùa thu tóc trắng, nhắm mắt lại thấy mây trắng bay đầy tâm tưởng, mây trắng bay về mây trắng bay! Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, nhưng kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương Triết Đạo thì thường thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lâp mệnh. Khi qua đời, tôi xin đươc mỉm cười.

“Nhân sinh nhược đại mộng”. Tỉnh mộng thường xảy ra vào thời gian thoát xác lìa đời, thời gian cận tử. Đã chết nhiều lần nên kẻ làm thơ tất nhiên phải có nhiều lần tỉnh mộng. Đức Phật thường thuyết “tam thiên đại thiên thế giới”, vậy thì cái trái đất bụi hồng này cũng nhỏ nhít vậy thay! Khổ đau và tủi nhục của một đời thi sĩ còn nhỏ nhít biết chừng nào!

Tôi thường đọc Kinh Dịch, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Kim Cang Bát Nhã. Xin trích một đoạn, một bài kệ trong Kim Cang Bát Nhã để nói rõ ý mình:

Nhất thiết hữu vi pháp
Nhất mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán

( Tạm dịch: tất cả những hiện tượng trên thế gian giống như mộng, như huyễn, như bọt nước, như ảo ảnh, như hạt sương và như chớp lóe. Vậy, người Phật tử chân chính hãy nhận thức thế gian này là như vậy .)

Đó là ý đạo. Còn lòng trần? Tôi vẫn còn, nói như thiền sư Nhất Hạnh trong “Giấc Mơ Việt Nam”, tôi vẫn còn “Giấc Mơ Việt Nam”. Đã biết “nhân sinh nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh” mà vẫn còn nồng nàn với “Giấc Mơ Việt Nam”. Ấy là lòng kẻ làm thơ. Ai cũng vậy thôi. Xin các bạn tìm đọc bài “Giấc Mơ Việt Nam” của thiền sư Nhất Hạnh.


Nguyễn Bắc Sơn
(Bài Tự bạch này, Nguyễn Bắc Sơn gởi riêng cho  Phạm Văn Nhàn . Anh viết vào năm 2005) 

Nguồn: Thư Quán Bản Thảo số 20 - 2005