Từ “Cha” chỉ là một tên gọi khác của lòng yêu thương
(Fanny Fern)
Đêm khuya đèn hắt bóng rầu rầu
Lệ chữ theo hoài trang sách sâu
Cha buông nét bút sầu ẩn sĩ
Một dải sơn hà một nỗi đau
Cách đây ba mươi mấy năm, tôi đã viết về cha tôi như thế. Cảm xúc từ một đêm rất khuya đi ngoài ban công nhìn vào bàn làm việc cha bên cửa sổ còn ánh đèn, in trên gương mặt xương nét sầu muộn cô độc. Khi đưa cha đọc, ông bảo, sao tứ tuyệt mà con để thất niêm luật thế...
Chẳng bao lâu sau đó, ông bị đem đi, rất xa nhà. Không hiểu sao cuộc đời cha cứ đong đưa tù ngục, của cả hai phía. Tôi nghĩ cha tôi thật sự là người mơ mộng. Tại vậy, mà ông đúng là cây cô độc, như ông viết trong một vở kịch dở dang. Dang dở như sự nghiệp và hoài bão của ông. Cái nỗi đau dải sơn hà trong tâm cha thôi hãy để tan vào bụi tro trong chiếc tĩnh im lặng. Cha ơi. Con chỉ muốn nhắc đến tình cha, yêu thương con gái như thể mình là chỗ cho nó hành tỏi yêu thương. Làm nũng hết biết (giờ mới biết thế), từ cái ngày còn mặc áo đầm xoè trắng cho đến tuổi vòi tiền may một cái áo dài lụa hoàng hoa.
Hôm nay là Ngày Của Cha, 16 tháng 6, 2013. Calif. còn hơi mát của buổi cuối xuân. Ngày Của Cha được nước Mỹ kỷ niệm vào Chủ Nhật thứ ba của tháng 6. Đạo luật công bố Ngày Lễ Cha được Tổng Thống Richard Nixon ký duyệt vào năm 1972, sau 62 năm kể từ khi bà Sonora SmartDodd, trong lúc ngồi dự Ngày Lễ Mẹ vào chủ nhật thứ hai của tháng 5, năm 1910, trong thánhđường Spokane, Washington, bà nhớ tới cha của mình, sau đó bà đã phát động một phong trào đề nghị một ngày lễ cha. Bây giờ mỗi năm, theo thống kê, tại Mỹ gần 90 triệu cánh thiệp đã được gửi đi để tri ân, tưởng nhớ người cha. Hôm nay con cũng viết cánh thiếp này gửi đến cha qua chập chùng mây trắng của thời gian…
Trong nắng tràn trề, text Happy Father’s Day cho vài bạn thân, nhìn người bạn trăm năm đangngồi ngắm mê hình cô cháu Khánh Chi, tôi nói, có cần Happy Father’s Day không, bèn nghe trả lời, không, grandpa, thích hơn. Thế đấy, có nghĩa là tôi phải tỉnh ra, cái thời gian mình bây giờ, bà nội rồi, bao giờ cũng thế, tôi luôn bị kéo ra khỏi cõi mộng mơ, vậy nên, lập tức bỏ chạy, vào cái cõi phi thực của mình. Cũng là một cách bảo vệ mình khá hiệu quả.
Miệng hớp vào một ngụm cà phê starbucks, mắt như đã ướt, cõi vừa lọt vào là vòng tay ấm của cha... Thật ra hạt nước mắt này đã tượng nên hình tướng từ đêm qua kia, sáng nay nó mới vỡ ra để tôi thấy trong gương nắng hình ảnh cha ôm tôi long lanh, và mái tóc khói thời gian của tôi bỗng mềm mại xanh mướt dưới bàn tay cha…
Một buổi thơ năm 1990 có Cha Mẹ,
GS Trần văn Khê (đánh đàn), KM (ngâm thơ)
bên cạnh là Nữ Sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương