Photo by PCH - Scibilia 2015 |
Nhiều người đã viết về Phạm Cao Hoàng, nhưng với tôi, viết về Phạm
Cao Hoàng có lẽ khác với những người đã viết về nhà thơ này. Bởi vì, Phạm Cao
Hoàng với tôi có một mối thâm tình vừa là bạn, vừa là em cũng có thể. Với tôi, Phạm Cao Hoàng gần gũi không phải mới ngày hôm
nay mà gần gũi vào những năm tháng thật xa, có thể trên 40 năm rồi cũng phải.
Ngày đó, do chiến tranh đưa đẩy, thành phố Qui Nhơn là nơi lưu dấu những
bước chân từ phương xa đến. Và cũng từ cuộc chiến này, nơi thành phố Qui Nhơn
này, tôi có những người bạn văn nghệ thật tình quý mến. Những người bạn mà cho
mãi đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên. Nói đến Qui Nhơn tôi không thể nào quên
những người bạn "chí cốt" thật dễ thương trong đời sống hằng ngày của
tôi, cho dù cuộc sống có đổi thay vì
tình hình đất nước.
Khi nói đến Phạm Cao Hoàng tôi lại nghĩ đến hai người bạn
khác nữa, đó là Trần Hoài Thư và Lê Văn Trung. Đúng vậy, khi viết về Phạm Cao Hoàng
mà không nói đến hai người bạn Trần Hoài Thư và Lê Văn Trung là một thiếu sót
trong tôi. Hình như năm 1968 thì phải, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung đến Qui
Nhơn theo học ngành Sư Phạm để sau này
ra trường làm thầy giáo. Còn tôi, sau những năm lội ở phía Bắc Bình Định từ
cuối năm 1965, có biết Qui Nhơn là gì đâu. Thành phố đó như một lần mơ ước để
về, mà nào có được. Bỗng dưng tôi cũng về và sống nơi thành phố
này mấy năm. Trong mấy năm đó, từ năm 1968, 1969, Trần Hoài Thư, Phạm Cao Hoàng, Lê Văn Trung và tôi thường
xuyên gặp nhau. Cái duyên văn nghệ, văn gừng ấy đã kết chặt chúng tôi lại cho
mãi đến hôm nay.