Sunday, April 26, 2015

1656. PHẠM VĂN NHÀN Đọc CÓ MỘT MÙA TRĂNG XA NHƯ BIỀN của Cái Trọng Ty





PHẠM VĂN NHÀN
Đọc CÓ MỘT MÙA TRĂNG XA NHƯ BIỀN
của Cái Trọng Ty




Bốn mươi năm đã qua, cuộc chiến trên quê hương tôi đã chấm dứt gần nửa thế kỷ. Nhưng dù gì, chính cuộc chiến này đã ít nhiều để lại trong tâm tư người lính nhiều hệ lụy: rừng âm u còn vọng tiếng quân đi.  Nhất là những người lính vừa cầm súng vừa cầm bút như những nhà thơ, nhà văn một thời trước 1975, trong đó có nhà thơ Cái Trọng Ty. Bốn  mươi năm qua vọng tiếng quân đi làm sao một sớm một chiều quên được.

Cho nên, Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển của nhà thơ Cái Trọng Ty đến với tôi trong một cảm xúc khó tả. Tôi không nói về kết cấu của thơ, thể loại thơ trong thi tập . Mà, tôi muốn nói đến Cái Trọng Ty đã đem đến cho tôi, một người đọc thơ của anh cái tâm trạng như chính của tôi có trong những câu thơ ấy. Tuyệt vời lắm. Nó nhè nhẹ như gió heo may. Nó buồn buồn như ráng chiều hoàng hôn màu vàng úa. Tôi nhớ mãi câu nói của nhà văn Trần Hoài Thư mà tôi thường hay lập lại: thế hệ mình là thế hệ chiến tranh. Cũng như câu nói của nhà văn Lữ Kiều Thân Trọng Minh: lịch sử chọn chúng tôi, chứ chúng tôi không chọn lịch sử. Hai câu nói của hai người bạn văn cụ thể lắm, nhưng lại đúng với chúng tôi. Lớn lên trong chiến tranh. Rồi cũng từ cuộc chiến tranh này, chúng tôi lại dấn thân đi vào cuộc chiến. Quê của Cái Trọng Ty ở miền Trung, một miền đất chịu nhiều oan khiên  nhất. Chiến tranh, bom đạn và thổ nhưỡng. Khổ lắm! Kiếm miếng ăn đã khó còn khổ vì đạn bom. Trong bài Tình Em Rau Đắng, đọc mấy câu thơ của anh, tôi thấy mủi lòng:

 quê em tận đồng sâu heo hút
lúa mùa lép hạt gió Lào khô

Chỉ có người miền Trung mới thấy hết ngọn gió Lào. Gió làm khô héo lòng người và khô héo cả ngọn cây, ngọn cỏ. Thế nhưng, dù cho ngọn gió Lào có cay nghiệt thì thế hệ chúng tôi trong cuộc chiến tranh này, chúng tôi cũng phải lên đường. Chỉ có con đường duy nhất là cầm súng ra mặt trận.  Có lẽ hình ảnh người lính trong chúng tôi cũng bình thường thôi. Ở đâu rồi cũng vậy. Chút tình quê còn nhớ mãi trong tuổi ấu thơ mang theo với chút tình:

cám ơn em ghé lại bên đời
cho anh mang theo mối tình vọng tưởng
giá như em là mùa trăng non cũ
chiều mưa thu nghèn nghẹn giọt như sương

Và, người lính thú Cái Trọng Ty dù có đi đâu, trên bước đường đầy bom đạn thì anh vẫn vấn vương sợi khói quê nhà:

chân bước xuống thuyền lính thú lên ngàn
nghe vượn hú nhớ vườn quê da diết
giữa đêm trăng non bãi gò hoang dã
lửa ma trơi nhòe nhoẹt gió đồng không
ngày lưới đạn đêm trói mù hỏa pháo
biết bao giờ em hỡi chút tình quê
quanh khói bếp vật vờ thơm cá nướng
con cá rô đồng vảy cháy vàng ươm

Một ao ước nhỏ thôi, của người lính thú. Để rồi thèm quá đi thôi: quanh khói bếp vật vờ thơm cá nướng/ con cá rô đồng vảy cháy vàng ươm. Đơn giản như thế đó. Một giấc mơ bình thường trong đời quân ngũ của Cái Trọng Ty và cũng là của nhiều người khác nữa.

Cho nên, không phải riêng  nhà thơ, mà hầu như mẫu số chung cho những người lính chúng tôi. Một ao ước nhỏ nhoi:  

tôi đứng dậy dửng dưng rời quán nhỏ
đi về phía mặt trời
nơi có con sông chảy qua cửa  sổ
có người lính đi hoài quên cả ước mơ 

Qua thi tập Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển, nhà thơ Cái Trọng Ty đã trải lòng mình qua những bài thơ nói về đời lính thú, tù tội và tình yêu. Trong những bài thơ về những tháng ngày lao khổ 10 năm trong trại cải tạo, với thơ anh, tôi không nhìn thấy  bóng dáng hận thù trong những bài thơ anh làm.  Mà, qua những câu thơ, Cái Trọng Ty như ghi lại :

biển gầm núi hú quân tan rã                                                                                         
lịch sử sang sông bão tố tràn
ráng chiều đỏ quạch trăng tận tuyệt
biển dâu cung kiếm bóng chiều sương

Nhưng với bài thơ  Tuyên ngôn gởi người dưới mộ đọc lên, tôi nghe như trái tim tôi rướm máu :

tôi người lính Miền Nam
phủi tay rời cuộc chiến?
tuổi trẻ tù đày đứng vững đôi chân
lòng kiêu hãnh làm người lính thất trận
đạn khói xưa gửi lại máu xương
đời xoay tít như sóng thần địa chấn

Vâng! nếu không đứng vững trên  đôi chân, thì thử hỏi những người tù sau 10 năm trở về làm sao trụ được trong cõi nhân sinh này? Để rồi đoạn kết bài thơ. Cái Trọng Ty viết thật nhẹ, như hơi thở của người về . Thật thơ:

như kẻ làm vườn thất bại
ươm bón mảnh đất rừng
những hạt giống tàn
mọc lên từ đất chết
ta khù khờ làm kẻ mãi yêu thơ

Với nhà thơ Cái Trọng Ty, tôi thấy anh rất nặng tình với thơ. Thơ như làn hơi thở của anh. Thơ như là cuộc sống của anh. Thơ như một cái gì đó làm cho cuộc sống của chính anh thăng hoa. Không có nó là thiếu tất cả. Nhưng, không vì thơ, mà Cái Trọng Ty dùng để thét gào, hận thù dù trong thời gian dài 10 năm cải tạo. Bởi vì với anh, thơ đã :

đắm đuối hồn thơ từ tiền kiếp
em về mang nắng tựa phù sa

Phạm Văn Nhàn
Houston, March 2015