Saturday, February 28, 2015

1546. KHUẤT ĐẨU Hun với hít




Khuất Đẩu
H U N   V Ớ I   H Í T



Đầu năm dê (cụ), ngoài những 35000 vụ đánh nhau khiến 5000 người phải nhập viện và không ít kẻ đã phải ngủm cù đeo, còn có tin đại lão Khiêu Vũ hun một em hoa hậu tên Nguyễn Cao Kỳ Duyên (không phải Kỳ Duyên MC con phó tông tông Nguyễn Cao Kỳ) khiến dân mạng phát sốt (rét)!

Phải nói rằng cái tình thương mến thương của Khiêu (cụ) nó cũng ì xèo như hát sĩ Đàm Vĩnh Hưng hun một nhà sư dạo nào. Chỉ khác một điều, Đàm Vĩnh Hưng bị bộ Văn Hóa cảnh cáo, nhà sư nọ phải trả áo hoàn tục, còn Khiêu cụ lại được khen là nhân ái.

Khiêu cụ được khen là phải, vì được phong hàm Giáo (ráo) sư và anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (vũ như cẩn) đến những hai lần. Cụ còn ẳm giải nhất (chẳng thèm nhường cho ai) giải thi viết văn bia, dù rằng khôn văn tế, dại văn bia. Cụ cũng còn là một thâm (độc) nho, từng giáng bút vung vít hàng trăm câu đối.

Trong đại lễ mừng đại thọ 100 năm, chẳng những cụ ban phúc cho Kỳ Duyên bằng cái hun phều phào của người sắp ngỏm mà còn đề tặng hai câu đối rực rỡ hơn cả giải băng hoa hậu.

Đối rằng:

Trí như bạch tuyết tâm như ngọc
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung*

Khiến trích tiên Lý Bạch phải giật mình la toáng lên: “bớ thiên hạ, ăn cắp, ăn cắp!”

Chuyện ăn cắp (đạo văn) của Việt Nam ta nhỏ như con thỏ, nói làm gì. Điều đáng nói là cách hun của Khiêu cụ. Môi của một người sống đến trăm tuổi như Khiêu cụ chắc chắn là nó thâm xịt, khô nứt, cạ lên làn da mơn mởn của Kỳ Duyên dù nhìn dưới góc độ nào nó vẫn cứ kỳ cục (súc)! Còn mũĩ của Khiêu cụ thì đúng là đang hít cái mùi son phần trên má nàng. Ôi chao, cái tiếng Việt của mình nó sâu sắc gợi hình làm sao. Kiss của Anh Mỹ, baiser của Pháp sao bằng được hai tiếng hun hít của mình. Nhất là khi nó được thể hiện bởi một người lừng lẫy tiếng tăm như Khiêu cụ. Đúng là một cái hun để đời (chửi).

Có nhiều kẻ cổ hũ bàn rằng, tuổi tác như Khiêu cụ, là bậc trí thức (ngủ) đáng kính, thì chỉ nên chạm môi nhẹ lên tóc hay lên trán nàng là vừa đủ, hun và cả hít như thế thì thòi ra cả cái tham, vừa tham danh mà vừa tham sắc.

Tôi thì giật mình nhớ tới truyện Bóng Đè của Đỗ Hoàng Diệu. Cụ tổ nhà nọ đã ngỏm từ tám hoánh đêm đêm vẫn tới “đè” cô con dâu. Cái kiểu hun và hít đó khiến tôi sợ rằng, khi quy tiên Khiêu cụ cũng dám trở thành con ma bóng đè.


Khuất Đẩu

(*) Câu thơ của Lý Bạch tả nàng Dương Quý Phi sau khi được vua Đường Minh Hoàng ân ái. Vũ Khiêu đem vào câu đối đầu Ngô mình Sở mà không hề bảo rằng mình ít chữ phải mượn đỡ của ai. Một bậc được tôn xưng là đại trí thức mà như thế, thì không cần phải bàn thêm về tình trạng đạo đức của VN dưới thời CS nữa.