Đinh Cường
Tưởng niệm 13 năm ngày mất
(29.1.2002-29.1.2015)
nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị
Hôm
nay, vẫn một ngày tuyết trắng xóa như năm nào tôi đã viết về chị, nhân tưởng niệm
8 năm ngày chị mất. Và hôm nay được e-mail của Nguyệt Mai gởi, nói sẽ đăng bài ấy
lên blog của chị để nhớ về một nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam và Quốc Tế nhân
13 năm ngày mất… Tôi không viết được điều gì thêm ngoài nỗi nhớ anh chị, nhớ đến
một kỷ niệm thât đẹp tại nhà anh chị ở Paris cùng bạn bè uống rượu đến gần
sáng. Những tấm thiệp chị đi đâu cũng gởi về, và gặp lại chị ở Huế năm nào. Cho
tôi ngồi im, thật im, chiều nay, để được nhớ về anh chị – anh Bửu Điềm, chị Điềm
Phùng Thị thân quý. Anh mất trước, và chị mất mới đó mà đã 13 năm. Nhưng những
tác phẩm điêu khắc của chị thì còn mãi mãi trong lòng người yêu nghệ thuật.
Virginia,
January 27, 2015
Đinh Cường
Đinh Cường
Điềm Phùng Thị
thời thanh xuân ở Huế
thời thanh xuân ở Huế
Năm
1995 chị xây lại lăng mộ cho mẹ, mất năm 1923, bằng đá mài, năm 1997 xây mộ chồng,
mất tháng 3, bằng đá tổ ong. Bên cạnh mộ anh chị làm sẵn thêm mộ chị… Năm năm
sau, vào lúc 2 giờ sáng ngày 29.1.2002 chị mất tại Bệnh viện Trung ương Huế, thọ
82 tuổi. Bây giờ thì mộ chị nằm bên trái mộ anh. Cả ba ngôi mộ đều đươc đặt ở đồi
thông Châu Ê, gần lăng Khải Định, vùng đất nơi chị sinh ra ở Hương Thủy – Huế,
được thiết kế theo ngôn ngữ kiến trúc, điêu khắc Điềm Phùng Thị không lẫn vào
đâu được. Gió ở đồi thông ru chị ngủ, tám năm rồi. Trở về Huế năm kia, ghé thăm
mộ, thăm nhà trưng bày những tác phẩm điêu khắc (1) của chị. Sao đìu hiu quá chị
ơi. Những tác phẩm để đời, nhiều khi không được bảo quản đúng mức sẽ trở thành
hư hao… sách bị mưa dột hư hết, nhiều thùng tượng còn để trong kho nhện giăng đầy…
Cũng
như Henri Rousseau, chị đi vào đường nghệ thuật tạo hình trễ, ở tuổi bốn mươi,
khi quyết định giã từ nghề bác sĩ nha khoa vào năm 1972 – mà chị đã theo học từ
Đại học Y khoa Hà Nội 1941-1946 và Đại học Y khoa Paris 1950 – mở phòng khám chữa
răng cùng một người bạn tại Paris nhiều năm. Năm 1953, kết hôn với anh Bửu Điềm,
người bạn thuở thiếu thời, cũng là nha sĩ. Tên Điềm Phùng Thị có từ đó. Chị tên
thật là Phùng thị Cúc, sinh ngày 18 tháng 8 năm 1920. Cha gốc Bùi Xá, huyện Đức
Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, tên là Phùng Duy Cần, làm quan triều Nguyễn, mẹ gốc Huế, mất
lúc chị vừa lên ba. Theo cha sống nhiều năm ở Tây nguyên … Năm 1948 bị bệnh nặng,
được qua Pháp điều trị… Đến với điêu khắc từ 1959, vừa làm phòng mạch vừa tự học
điêu khắc, sau vào học tại xưởng Volti “cũng là người nước ngoài (ở Pháp)
như chị và đã chịu một tai họa ghê gớm: trải qua 7 năm trong quân ngũ, ông trở
về sau chiến tranh và thấy xưởng họa của ông bị san bằng, tác phẩm của ông bị
tiêu hủy hoàn toàn. Điềm Phùng Thị bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật bên cạnh con
người đang làm lại từ đầu ấy.” (Mady Ménier – Điềm Phùng Thị “nhà nho” tài
năng – Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Agence de la Francophonie 1997, trang 12).
Năm
1966 triển lãm riêng đầu tiên tại Galerie des Jeunes, Paris. Tượng “Mẹ con”
được chính phủ Pháp mua, sau đó được đặt trong một công viên trẻ em. Thành công
từ bức tượng đầu tiên ra mắt công chúng yêu nghệ thuật, chị vững tin, làm nhiều
tượng mới, năm kế tiếp triển lãm tại galerie Kasler, ở Copenhagen – Đan Mạch…
Triển lãm riêng và chung rất nhiều lần ở nhiều nơi, nhất là Châu Âu. Tên tuổi
chị đã được André Malraux, nhà văn nổi tiếng, có thời là Bộ trưởng Văn Hoá
Pháp, viết thư đầy khích lệ… “tài năng của chị là hiển nhiên, và hơn nữa đã
được thừa nhận.”
Năm
1991, tên chị được ghi vào từ điển Nghệ thuật thế kỷ XX, năm 1993 được phong Viện
sĩ Viện Hàn lâm Khoa học,Văn học và Nghệ thuật Châu Âu.
Cũng
như những nhà điêu khắc cùng thời đại, khởi đầu bằng cổ điển, qua sự tìm kiếm để
giản lược hóa hình khối, điều này khó qua khỏi Brâncuși (2) người đã chối
bỏ nền điêu khắc miêu tả, tìm ra hình khối cực kỳ tinh giản: quả trứng, được
xem là khối-chìa-khóa. Năm 1921 Brâncuși đã làm tượng “Buổi khai thiên lập địa”… là một quả trứng
cẩm thạch khổng lồ, hiện bày ở Viện bảo tàng nghệ thuật Philadelphia.
Với
Điềm Phùng Thị “… chị kể lại rằng khi đi học điêu khắc, nhìn thấy một số học
sinh đẽo đá, làm rơi nhiều mảnh, chị góp nhặt và lắp ráp dần dà tạo ra được thủ
pháp. Từ những mảnh rơi, chị mài dũa thành bảy hình thể, sau này sẽ trở thành
cơ bản, mà chị gọi là những “mẫu tự” trên bảng ký hiệu của chị – như những “bộ”,
những nét trong Hán tự, vẫn trở đi trở lại nhưng tạo thành một văn tự, một ngôn
ngữ, một thế giới tư duy đầy đủ quyền năng.” (Đặng Tiến – Đôi nét về Điềm
Phùng Thị – Hợp Lưu số 10, tháng 4 & 5-1993).
Thật
vậy, kể từ năm 1973 chị đã thành công và nổi tiếng, khi nhắc đến Điềm Phùng Thị
là nhắc đến bảy mẫu tự ấy. Từ tượng nhỏ đến tượng lớn ngoài trời, đủ kích cỡ, vật
liệu… cả những sợi nữ trang nhỏ rất hiện đại, đều được tác giả sắp xếp, hoán
chuyển có tính toán riêng theo bố cục hoán vị (composition modulaire).
…”Sức
cảm hứng nổi bật ở Điềm Phùng Thị rất bao la, hướng đến sự trầm tư, thậm chí đến
một tâm linh thần bí có tính tôn giáo. Tác phẩm điêu khắc của chị mang một vẻ đẹp
riêng nào đó của sự tĩnh lặng, nó khơi dòng tĩnh tâm và mặc tưởng …” (Georges
Boudaille, lời tựa catalogue, Triển lãm tại Nhà văn hóa Saint Etienne 1977)
Nhưng
sự tĩnh lặng của chị đã bị khuấy động trước những năm tháng chiến tranh ở quê
hương, những tượng làm bằng mảnh vụn của xác máy bay B52 đã làm rung động lòng
người…
Rất
nhiều bài viết của các nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng ở Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch…
đều công nhận tài năng hiếm có ở một nhà điêu khắc nữ gốc Á Đông, đã đem đến
cho nghệ thuật điêu khắc luồng khí mới, bắt nguồn từ cảm hứng phương Đông nhưng
cách xử lý đơn giản trần trụi mang phong cách phương Tây.
Tôi
gặp và quen chị vào cuối năm 1977 khi chị về thăm Huế (chị ở tại nhà sách Ưng Hạ,
bên gia đình chồng), đã phụ chị tổ chức buổi sinh hoạt vẽ tranh thiếu nhi, bày ở
Liễu Quán. Chọn những học sinh vẽ giỏi trong các lớp tôi dạy ở trường Nữ trung
học Thành Nội qua trung tâm để chị hướng dẫn, bằng những xấp giấy màu đã cắt sẵn
theo bảy mẫu tự của chị… sau đó là một phòng tranh thật lạ, thật đẹp. Các em
yêu thích vô cùng. Chị luôn yêu thương trẻ em. Không gian điêu khắc của chị
dành cho trẻ em cũng nhiều. Như sự bồi đắp nơi người nghệ sĩ lớn là chị, người
mồ côi mẹ từ năm lên ba…
Nguyễn Trung – Điềm Phùng Thị – Đinh Cường
Paris, Dec. 1991
Paris, Dec. 1991
Vẫn
nhớ mãi một buổi chiều tháng chạp 1991 tại Paris, được anh chị mời đến nhà ăn
cơm tối, số 4 đường René Isidore, Fontenay aux Roses, có Nguyễn Trung (qua bày
tranh tại Nhà Việt Nam, tôi từ Virginia qua thăm và dự triển lãm bạn), Nguyễn Cầm,
Lê Tài Điển (hai họa sĩ nổi tiếng ở Pháp, lứa chúng tôi ) và tôi, cùng mấy người
bạn của anh chị.
Uống
thật nhiều rượu vang đỏ, nói thật nhiều chuyện, buổi chiều mùa đông Paris lạnh
cóng ngoài kia, mà ấm cúng làm sao trong căn phòng bày đầy tranh tượng… Thỉnh
thoảng, tôi còn nhớ, chị đến để hai bàn tay chị lên chiếc máy photocopy ở góc
phòng, làm nhiều tư thế để máy scan qua… Một cách tìm tòi thú vị của chị.
Chị
cũng thường liên lạc bằng bưu thiếp mỗi lần đi triển lãm xa, những lần chị về
Việt Nam… Năm 1995 có hai cuộc triển lãm lớn ở Sài Gòn và một ở Hà Nội. Tấm
lòng và tình cảm của chị thật quý hiếm. Xin thắp cây hương tưởng niệm chị, một
người chị duyên dáng, trí thức, tài hoa. Một người làm tượng như một bổn phận.
Như lời chị nói: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Tác phẩm điêu
khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi nữa . Tôi trao lại các bạn, hoặc đúng
hơn nói theo cách của Bissière, tôi trao tôi cho các bạn …”
Buổi
sáng tuyết lớn, một màu trắng xóa mênh mông, nhớ mái tóc bạc ánh của chị, nụ cười
lúm đồng tiền của chị… Nhớ cả những câu thơ Lưu Trọng Lư đã làm về chị năm xưa
nào ở Huế…
ĐINH
CƯỜNG
Virginia, 1- 2010
Virginia, 1- 2010
(1) Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Điềm Phùng Thị số 1 đường Phan Bội
Châu, Huế do sự thỏa thuận giữa Điềm Phùng Thị, Hội những người bạn Điềm
Phùng Thị ở Paris với Ủy ban Nhân dân thành phố
Huế. Từ năm 1993, cải tạo và mở rộng địa điểm, đặt 150 tượng sáng tác ở vườn hoa và bên trong ngôi nhà.
Từ 1994 chị chuyển về sống tại đây cho đến ngày qua đời. Tháng
8.2001 quyết định hiến toàn bộ tài sản nghệ thuật của mình cho Huế. Trước khi mất, tháng 12.2001, toàn bộ tác phẩm còn lại của chị ở Paris đã kịp đưa về Huế.
(2) Brâncuși, nhà điêu khắc Roumanie, sinh
tại Peştişani 1876, mất tại Paris 1957. Năm 1902 đi bộ từ Roumanie sang
Pháp mất 2 năm, vòng qua Đức và Thuỵ Sĩ để đến Paris, trước đó 2 năm, các họa
sĩ Picasso, từ Tây Ban Nha, Modigliani từ Ý… đã kéo về quần tụ ở Montparnasse … Hiện nay Bảo tàng Brâncuși
- xưa kia là xưởng điêu khắc của ông - nằm ngay phía trước Centre Pompidou.
Paris.
Điềm Phùng Thị – Đinh Cường
Paris, Dec. 1991
Paris, Dec. 1991
Đinh Cường – Bửu Điềm
Paris, Dec. 1991
Paris, Dec. 1991
Thủ bút Điềm Phùng Thị