12.
ĐÔI ĐIỀU VỀ THƠ
VÀ TẬP BẢN THẢO
“NHẬT KÝ THƠ”
Năm 1961 - 62, Đặng Tấn Tới và tôi học lớp đệ tứ trường Trung học Cường Để. Là bạn cùng thôn Hưng Định, lại học cùng nhau từ tiểu học, nên chúng tôi rất gần gũi, thân thiết! Cha mẹ Tới rất thương tôi nên hai chúng tôi có dịp gặp nhau luôn. Hai chúng tôi đều có chung niềm đam mê thơ văn từ năm học đệ thất (1958) nên thường bàn chuyện thơ văn, thường làm thơ, chia sẻ niềm vui mỗi lần có bài được đăng báo (dù là báo văn nghệ học sinh, hay trang thơ của vài tạp chí, nhật báo, xuất bản ở Sài Gòn). Đặng Tấn Tới đầu tiên lấy bút danh Thy Uyên sau là Vũ Thúy Thụy Ca… Còn tôi, ghép tên của cha mẹ, bút danh là Huyền Linh, rồi Hoài Huyền Tiên. Năm 1962 hai chúng tôi đồng ký đơn gởi Ty Thông Tin Bình Định xin thành lập một “thi văn đoàn” với điều lệ hoạt động hẳn hoi…
Đơn gởi đi được một tuần, đang giờ học, hai chúng tôi nhận được “giấy mời” của Ông Hiệu trưởng Tôn Thất Ngạc lên phòng riêng của ông để “có chuyện cần gấp”! Gặp nhau ở hành lang trước khi cùng vào gặp ông hiệu trưởng, hai chúng tôi cũng đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chưa biết “cát/hung” thế nào.
Sau khi chúng tôi ngồi vào ghế đối diện, ông hiệu trưởng nghiêm giọng: “Thầy vừa nhận được thư trả lời của Ty Thông Tin Bình Định về việc xin thành lập Thi Văn Đoàn của hai em…”
Ông cúi xuống nhìn vào tấm giấy một lúc, ngẩng lên – vẫn một giọng ôn tồn: “Theo thư trả lời, và theo ý của thầy, hai em chưa đủ tuổi để được phép thành lập Thi Văn Đoàn. Các em hãy gắng học cho giỏi đi. Mai kia lớn rồi, muốn… làm gì cũng được thôi!”